Thận trọng với nợ được cơ cấu lại

15:12 | 25/09/2020

231 lượt xem
|
(PetroTimes) - Lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại tại các ngân hàng rất lớn. Có ý kiến lo ngại cho rằng, nếu sau này Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng mạnh.

Đầu năm nay, trước tác động của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định, hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi và phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng.

4031-ngan-hang-dhpn-thumb
Lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được ngân hàng cơ cấu lại là rất lớn

Tính đến ngày 14/9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310.000 khách hàng.

Như vậy có thể thấy, lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại là rất lớn. Trước tình hình này, có ý kiến lo ngại cho rằng, nếu sau này Thông tư 01 hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro lớn.

Chỉ đạo của NHNN được cho là để "cứu sống" các doanh nghiệp trước bờ vực phá sản và cũng góp phần vực dậy nền kinh tế. Tuy vậy, không có nghĩa các tổ chức tín dụng được chủ quan. Dù Thông tư 01 cho phép nhà băng không phải chuyển nhóm nợ, không phải trích lập dự phòng, song các ngân hàng nên tự chuẩn bị dự phòng. Tuy vậy, giải pháp này chỉ phù hợp với những ngân hàng dồi dào tài chính.

Công cuộc xử lý tồn đọng và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng mới đi được hơn nửa chặng đường, nên trong những năm tới cần phải giải quyết triệt để các vấn đề căn bản của hệ thống, kể cả khung pháp lý, đặc biệt là việc thành lập thị trường mua bán nợ. Bởi một khi thị trường này chưa hình thành, muốn giải quyết được nợ xấu là vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, với bối cảnh khó khăn trước mắt, để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp phải phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó mới có tiền để trả nợ ngân hàng. Để doanh nghiệp hồi phục thì ngoài những hỗ trợ từ phía ngân hàng, cơ chế chính sách phù hợp từ Chính phủ thì mấu chốt nhất vẫn là sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong việc tìm các giải pháp để từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Đức Minh

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%
Thu nhập từ lãi ngoài có thực sự Thu nhập từ lãi ngoài có thực sự "cứu" được ngân hàng trong "bão dịch"?
Tiếp tục mở rộng tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dânTiếp tục mở rộng tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân