Thách thức còn ở phía trước

09:11 | 24/09/2019

356 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Được giao nhiệm vụ vận hành hệ thống điện Việt Nam - hệ thống điện lớn thứ 23 thế giới, thứ 2 khu vực ASEAN - Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vậy làm thế nào để vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và kinh tế? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc EVNNLDC xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, việc điều hành hệ thống điện Việt Nam hiện nay có khác gì so với giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chưa đi vào vận hành?

thach thuc con o phia truoc

Ông Vũ Xuân Khu: Từ ngày 1-7-2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đi vào vận hành, đánh dấu bước chuyển cơ bản trong phương thức vận hành hệ thống điện. Nếu như trước đó, việc huy động các tổ máy được dựa theo nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí mua điện toàn hệ thống, thì khi thị trường phát điện cạnh tranh được đưa vào vận hành, việc huy động các tổ máy hoàn toàn dựa theo giá chào của các nhà máy điện.

Bên cạnh đó, trước kia, việc lên/xuống các tổ máy hoàn toàn do cấp điều độ điều khiển quyết định dựa theo sự tối ưu toàn cục. Còn khi vận hành theo cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh, việc lên/xuống tổ máy hoàn toàn do các doanh nghiệp phát điện chủ động thông qua bản chào giá. Đây là điểm rất minh bạch, tránh được sự thắc mắc của các doanh nghiệp phát điện so với trước đây.

Không chỉ có vậy, do các doanh nghiệp phát điện thường xuyên phải chào giá, thường xuyên nhận lệnh điều độ liên tục theo giá của thị trường, thường xuyên tính toán doanh thu của các nhà máy điện theo từng chu kỳ 1 giờ, nên EVNNLDC cũng như các doanh nghiệp phải trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng để điều hành thị trường phát điện cạnh tranh như hệ thống cổng thông tin điện tử, website, hệ thống chào giá, hệ thống gửi lệnh điều độ, hệ thống đo đếm từ xa…

Từ ngày 1-1-2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức được vận hành, các tổng công ty điện lực trực tiếp mua buôn điện trên thị trường. Công tác vận hành EVNNLDC đòi hỏi phải tính toán, lập lịch huy động, lập bảng kê nhiều và phức tạp hơn; việc đo đếm từ xa cũng đồ sộ hơn so với cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh.

Đặc biệt, từ ngày 1-1-2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức được vận hành, các tổng công ty điện lực trực tiếp mua buôn điện trên thị trường. Với bước tiến này, mức độ hoàn thiện của thị trường điện đã tăng lên khi cả người bán và người mua đều có thể trực tiếp tham gia thị trường điện và tương đối chủ động trong khâu sản xuất kinh doanh theo chiến lược riêng của mỗi doanh nghiệp. Nhưng, công tác vận hành của EVNNLDC khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải tính toán, lập lịch huy động, lập bảng kê nhiều và phức tạp hơn; việc đo đếm từ xa cũng đồ sộ hơn so với cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh.

Dự kiến, từ năm 2021, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ đi vào vận hành thử nghiệm, khi đó, công tác vận hành hệ thống điện và thị trường điện sẽ còn nhiều khác biệt và khó khăn hơn nữa.

PV: Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có gần 90 nhà máy điện mặt trời (ĐMT) đi vào hoạt động. Thực tế này đã tạo ra những khó khăn, thách thức như thế nào trong việc vận hành hệ thống điện, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Khu: Tính đến hết ngày 30-6-2019, đã có 89 nhà máy ĐMT đi vào vận hành với tổng công suất 4.440 MW, chiếm gần 9% công suất đặt toàn hệ thống. Như vậy, sản lượng ĐMT đã hỗ trợ tích cực cho hệ thống điện, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng cuối mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7-2019). Tuy nhiên, điều này cũng gây ra không ít khó khăn, thách thức mới cho EVNNLDC.

Cụ thể, các nhà máy ĐMT chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra quá tải cho các đường dây truyền tải và các trạm biến áp. Chính vì vậy, phải tiết giảm công suất các nhà máy ĐMT tại một số thời điểm trong ngày, nhằm bảo đảm an toàn cho cả hệ thống điện. EVNNLDC đang phải tính toán phân bổ công suất cắt giảm cho 24 nhà máy ĐMT trong khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang và công bố cho các doanh nghiệp liên quan..

thach thuc con o phia truoc
Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia

Bên cạnh đó, do đặc thù tự nhiên (phụ thuộc nhiều vào thời tiết), các nhà máy ĐMT có hệ số đồng thời khá cao, làm thay đổi lớn về công suất trong khoảng thời gian rất ngắn, trong khi đó, công suất dự phòng của hệ thống lại không cao. Đây chính là thách thức không nhỏ mà hệ thống điện Việt Nam từ trước tới nay chưa phải đối mặt.

Cụ thể, theo thống kê các dự án ĐMT đã đi vào vận hành, trong khoảng 5- 10 phút, công suất phát của các nhà máy ĐMT có thể thay đổi từ 60-80%. Các biến động xảy ra ngẫu nhiên theo thời tiết. Điều cần lưu ý, các nhà máy ĐMT trong cùng một khu vực thường có biến động công suất phát đồng thời.

Theo tính toán của EVNNLDC, khi công suất các nhà máy ĐMT đạt trên 4.000 MW, công suất dự phòng cần từ 150-200 MW. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tương ứng với công suất tăng của các nhà máy ĐMT. Trong bối cảnh hệ thống điện thiếu nguồn dự phòng tại chỗ ở miền Trung, miền Nam và đầy tải các giao diện Bắc - Trung - Nam, thì khả năng đáp ứng dự phòng công suất cho miền Trung và miền Nam càng khó khăn hơn.

PV: Ông có thể cho biết, EVNNLDC đã có những giải pháp gì để “hóa giải” những thách thức mới này, vận hành hệ thống điện, thị trường điện an toàn, tin cậy và kinh tế?

Ông Vũ Xuân Khu: Trước những thách thức đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc vận hành hệ thống điện, phù hợp với sự phát triển các cấp độ thị trường điện, hạ tầng phục vụ điều độ vận hành hệ thống đã được EVNNLDC liên tục nâng cấp, trang bị những công cụ hỗ trợ mạnh, hiện đại từ các nhà cung cấp có uy tín hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, việc vận hành hệ thống điện hiện nay cũng đã được tự động hóa ở mức độ cao, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người, qua đó, không chỉ góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện mà còn bảo đảm tính minh bạch của thị trường điện.

EVNNLDC đang tiến hành đầu tư nâng cấp một số hệ thống hỗ trợ như: Mở rộng hệ thống giám sát ghi sự cố, hệ thống giám sát điện diện rộng, xây dựng hệ thống giám sát chất lượng điện năng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nguồn điện mới; xây dựng hệ thống dự báo công suất phát các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, từ đó có phương án huy động hợp lý, khai thác tối đa nguồn năng lượng này.

EVNNLDC sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu phụ tải, điều tiết hợp lý các hồ thủy điện, tính toán nhu cầu dịch vụ phụ trợ, phân tích các phương án vận hành theo tiêu chí tài chính trong thị trường điện... từ đó, đề xuất các khuyến nghị phù hợp trong chiến lược vận hành thị trường điện dài hạn.

EVNNLDC đã mua số liệu dự báo công suất phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo của các hãng nổi tiếng trên thế giới, nhằm nâng cao khả năng dự báo chính xác công suất khả dụng của các nhà máy, từ đó làm cơ sở lập lịch cho các nhà máy điện, bảo đảm công bằng, minh bạch. Đồng thời, điều độ viên các cấp thường xuyên giám sát chặt chẽ các phần tử trên lưới điện thường xuyên bị đầy, quá tải để có sự điều chỉnh kịp thời…

Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp cơ bản để EVNNLDC có thể đối mặt được với những thách thức ngày càng lớn. Trong điều kiện đặc thù của hệ thống điện Việt Nam hiện nay, EVNNLDC xác định, chỉ có phát huy nội lực và ưu thế nguồn nhân lực chất lượng cao, mới có thể giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề mới và khó đã và đang phát sinh.

PV: Mục tiêu chủ yếu của EVNNLDC trong thời gian tới, đặc biệt là khi nguồn điện đang ngày càng khó khăn, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Khu: Theo dự báo, trong thời gian tới, hệ thống điện Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, trong khi các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành chưa đáp ứng được tiến độ. Bên cạnh đó, vấn đề cung cấp nhiên liệu như than, khí cho phát điện cũng sẽ tiếp tục khó khăn do không đủ nguồn cấp; nguồn thủy điện đã khai thác tới mức tới hạn trong khi phụ tải tiếp tục tăng cao. Do đó, việc vận hành hệ thống điện, thị trường điện sẽ phải đối mặt rất nhiều thách thức.

Để vận hành an toàn hệ thống điện, đáp ứng các chỉ tiêu đặt ra, với vai trò chủ đạo trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện, thời gian tới, EVNNLDC liên tục tính toán cân đối cung cầu trung và dài hạn để báo cáo Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực và EVN.

Đồng thời, EVNNLDC cũng nâng cao chất lượng công tác chỉ huy điều độ thời gian thực; ứng phó linh hoạt với các diễn biến bất định của hệ thống điện; vận hành hiệu quả hệ thống AGC (hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh tăng giảm công suất tác dụng của tổ máy phát điện nhằm duy trì tần số của hệ thống điện ổn định trong phạm vi cho phép theo nguyên tắc vận hành kinh tế tổ máy phát điện) nhằm mục tiêu cấp điện an toàn, liên tục, với các chỉ tiêu về độ lệch tần số (FDI) và độ lệch điện áp (VDI) ngày càng được cải thiện.

thach thuc con o phia truoc
Thợ điện bảo dưỡng đường dây

Về thị trường điện, EVNNLDC sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu phụ tải, điều tiết hợp lý các hồ thủy điện, tính toán nhu cầu dịch vụ phụ trợ, phân tích các phương án vận hành theo tiêu chí tài chính trong thị trường điện..., từ đó, đề xuất các khuyến nghị phù hợp trong chiến lược vận hành thị trường điện dài hạn.

Bên cạnh đó, EVNNLDC cũng đầu tư nâng cấp hạ tầng vận hành hệ thống điện và thị trường điện, rút ngắn chu kỳ giao dịch xuống 30 phút; tự động hóa các khâu lập kế hoạch vận hành; phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường số lượng, chất lượng kết nối SCADA về EVNNLDC, bảo đảm chất lượng tín hiệu đầu vào cho hệ thống SCADA/EMS hoạt động hiệu quả; xây dựng cơ sở dữ liệu toàn EVNNLDC đạt tiêu chuẩn hiện đại của thế giới (CIM); nâng cao độ an toàn, an ninh hệ thống thông tin...

Đặc biệt, EVNNLDC sẽ hoàn thiện quản trị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; chú trọng nâng cao chất lượng, tuyển dụng kỹ sư mới; nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng, trình độ chuyên môn cho CBCNV, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong các năm tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trong tháng 8-2019, EVN đã cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân cũng như các sự kiện, hoạt động dịp lễ kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 8-2019 đạt 21,26 tỉ kWh (trung bình 685,8 triệu kWh/ngày), tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 160,82 tỉ kWh, tăng 10,86% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 8-2019 ước đạt 19,13 tỉ kWh; lũy kế 8 tháng năm 2019 ước đạt 139,06 tỉ kWh, tăng 10,29% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 9,86%. Sản lượng điện mặt trời phát lên lưới trong tháng 8 trung bình 31,1 triệu kWh/ ngày, chiếm khoảng 4,5% sản lượng phát toàn hệ thống.

Cập nhật đến hết tháng 8-2019, lượng nước về các hồ thủy điện vẫn tiếp tục thấp, hầu hết đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2018, với tần suất từ 75-99%. Đặc biệt là các hồ thủy điện lưu vực sông Đà, mặc dù đang trong giai đoạn lũ chính vụ nhưng không xuất hiện trận lũ nào đáng kể, lượng nước về thấp nhất trong 30 năm trở lại đây (kể từ khi có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình).

Tính đến ngày 31-8-2019, mực nước của 37 hồ thủy điện của EVN đều thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Tổng dung tích hữu ích ở các hồ thủy điện chỉ khoảng 14,7 tỉ m3 thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 11,2 tỉ m3 (tương ứng với lượng điện năng khoảng 2,5 tỉ kWh).

thach thuc con o phia truoc
Trong quá trình nghiên cứu, bổ sung quy hoạch các dự án ĐMT ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bộ Công Thương đã tính toán bổ sung cả các dự án đường dây truyền tải điện cao áp từ 110 kV đến 500 kV. Tuy nhiên, thực tế, các dự án ĐMT triển khai quá nhanh trong thời gian ngắn, có dự án chỉ làm trong 6 tháng, thậm chí 4 tháng đã xong vì muốn được hưởng mức giá ưu đãi 9,35 Uscent/kWh trước thời điểm 30-6-2019.

Trong khi đó, các dự án đường dây truyền tải điện cao áp thường mất nhiều thời gian thi công, trong đó đường dây 110 kV mất khoảng 2 năm, đường dây 220 kV mất từ 2-3 năm và đường dây 500 kV mất từ 3-5 năm, nên đã xảy ra tình trạng thiếu đồng bộ giữa đường dây truyền tải điện với các dự án ĐMT.

Đường dây truyền tải điện cao áp không thể làm nhanh được, vì vậy, hiện nay có những nhà máy ĐMT phải tiết giảm công suất phát điện. Tuy nhiên, dự kiến, đến năm 2020, một loạt các dự án truyền tải điện hoàn thành, sẽ giải tỏa hết công suất ĐMT đang có tại khu vực này.

(Ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương)

Minh Anh

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps