Đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2015-2020:

Tạo đột phá từ chất lượng nguồn nhân lực

19:36 | 24/12/2015

399 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo đánh giá của giới chuyên gia, giai đoạn 2015-2020 là giai đoạn phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được cải thiện rõ rệt. Nhu cầu sử dụng điện với chất lượng cao của nền kinh tế, của người dân vì thế sẽ không ngừng tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu này, một trong những giải pháp trọng tâm được Đảng ủy, ban lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Và đây cũng được xem là giải pháp nền tảng để ngành điện cụ thể hóa mục tiêu phát triển, mở rộng, hiện đại hóa hệ thống điện quốc gia.

Ngành điện phải “đi trước một bước”, đi trước để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội đất nước là mục tiêu xuyên suốt được Đảng, Chính phủ đề ra cho ngành điện. Và thực tế những năm qua, mặc dù phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần vượt khó, quyết tâm cao nhất, hệ thống lưới điện quốc gia đã không ngừng được mở rộng, phát triển.

tao dot pha tu chat luong nguon nhan luc
Đấu nối công tơ điện cho người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi đề cập đến vấn đề này đã cho hay: Quán triệt tinh thần “điện đi trước một bước”, ngành điện đã có những bước phát triển vượt bậc, đảm bảo cung cấp điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đã đạt trên 38.000MW,  phụ tải điện cực đại đạt gần 26.000MW, hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng. Điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia năm 2015 dự kiến đạt 164 tỉ kWh, tốc độ tăng điện thương phẩm giai đoạn 20 năm qua luôn ở mức cao nhất trong khu vực và trên thế giới, bình quân đạt 13,8%/năm (GDP tăng bình quân 6,7%/năm). Quy mô lưới điện hiện đứng thứ 30 trên thế giới và thứ 2 Đông Nam Á.

Bước sang giai đoạn 2015-2020, khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành điện là rất lớn. Và căn cứ theo Quy hoạch điện VII, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng điện sản xuất của EVN có xu hướng giảm dần. Vì vậy,  để đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của EVN còn phụ thuộc rất nhiều năng lực, tính ổn định của các nhà máy điện của các doanh nghiệp khác. Sản xuất kinh doanh điện và đầu tư của Tập đoàn tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ… Các nguồn nhiên liệu trong nước không đảm bảo đáp ứng cho sản xuất điện, tiến tới phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu than, điện và khí. Khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện mà Chính phủ giao cho Tập đoàn đảm nhận trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn so với khả năng tự cân đối của Tập đoàn...

Cũng theo ông Thành, nhiệm vụ của EVN thời gian tới sẽ không chỉ là nhiệm vụ đưa điện đến 100% thôn bản, đảm bảo cho 100% người dân nông thôn được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia an toàn, ổn định, mà còn là trọng trách phải không ngừng nâng cao chất lượng điện năng và các dịch vụ khách hàng. Đó không chỉ là trọng trách xây dựng, vận hành an toàn các trung tâm điện lực lớn, nhà máy điện hạt nhân, mà còn là nhiệm vụ phải từng bước xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, tiên tiến, giảm thiểu tổn thất điện năng và sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Và trước mắt là thực hiện tái cơ cấu EVN thành công, vận hành thị trường điện hiệu quả, triển khai Quy hoạch điện VII theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.

Khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành điện nói chung và EVN nói riêng là vậy nhưng với tinh thần “điện đi trước một bước” đáp ứng đủ điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong nhiệm kỳ tới, tại Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Điện lực nhiệm kỳ III, giai đoạn 2015-2020, Đảng ủy EVN xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, phát huy dân chủ, đoàn kết; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý có năng lực quản trị doanh nghiệp cao, nâng cao năng suất, bảo đảm hoạt động hiệu quả; kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn; xây dựng hình ảnh doanh nghiệp tận tâm, thân thiện, trách nhiệm, hết lòng phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.

Đặc biệt chú trọng bảo đảm vận hành an toàn, liên tục, ổn định, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo; đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phù hợp lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện. Cụ thể, đến năm 2020, đảm bảo mức tăng trưởng điện bình quân 10,5-11%/năm, tương ứng điện thương phẩm khoảng 234-240 tỉ kWh; năng suất lao động bình quân hằng năm tăng 8-10%; huy động vốn đầu tư hơn 600 ngàn tỉ đồng; hoàn thành đưa vào vận hành 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.819MW.

Nhưng cũng chính vì quy mô hệ thống điện ngày càng được mở rộng theo hướng hiện đại, tự động hóa nên việc vận hành hệ thống điện luôn đòi hỏi tính chuyên nghiệp ở mức độ cao. Việc xây dựng một đội ngũ những người làm điện có tay nghề, có chuyên môn, nghiệp vụ vì thế được Đảng ủy, lãnh đạo EVN đề ra là giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lớn các mục tiêu phát triển hệ thống điện quốc gia.

“Trước những áp lực gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế cũng như đòi hỏi nâng cao chất lượng cung ứng điện của khách hàng, một trong những giải pháp trọng tâm được Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn xác định là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và tập trung vào 3 nhóm là quản lý, vận hành và dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Và theo lộ trình từ nay đến năm 2020, EVN sẽ có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật chuyên môn hóa cao, đủ khả năng nắm bắt công nghệ mới, có kỹ năng phân tích, giải quyết các tình huống phức tạp, dần thay thế chuyên gia, tư vấn nước ngoài. Đồng thời xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, có tính kỷ luật công nghiệp, đảm bảo an toàn lao động, nâng cao năng suất lao động sản xuất kinh doanh trực tiếp” - ông Thành nói.

Về giải pháp thực hiện, ông Thành cho biết: EVN sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo kỹ sư tài năng, chương trình đào tạo sau đại học tại các quốc gia phát triển, đào tạo chuyên sâu cho các lĩnh vực chủ chốt như quản lý vận hành hệ thống điện, nhiệt điện… Hoàn thiện cơ chế quản lý và đãi ngộ chuyên gia; tập trung xây dựng tiêu chuẩn thống nhất đối với lực lượng cán bộ kỹ thuật trong toàn Tập đoàn; ban hành quy chế đào tạo bồi dưỡng và thi nâng bậc, giữ bậc nhằm đưa lực lượng công nhân kỹ thuật tiến tới chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, từng bước nâng cao trình độ hướng đến những tiêu chuẩn chung trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu “cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng tốt hơn”, đáp ứng sự hài lòng của khách hàng dùng điện, EVN tiếp tục thực thi hiệu quả văn hóa doanh nghiệp đến các đơn vị trong ngành, đặc biệt là khối kinh doanh dịch vụ khách hàng bằng nhiều chương trình phát động thi đua xây dựng phòng giao dịch kiểu mẫu. Mục tiêu hướng tới của EVN là xây dựng hình ảnh người EVN “tận tâm, trí tuệ” với quy trình chuẩn và những chỉ tiêu cụ thể trong giao tiếp, chăm sóc khách hàng.

“Biến thách thức về nhân lực thành lợi thế để phát triển doanh nghiệp là chủ trương để tạo đà cho bước phát triển tiếp theo cho ngành điện” - ông Thành khẳng định.

 

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 485