Tạo động lực để các mô hình kinh tế mới đột phá tăng trưởng

20:35 | 06/10/2023

932 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiều 6/10 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã phối hợp chủ trì tổ chức Diễn đàn Vietnam New Economy Forum 2023 với chủ đề “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh; Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam; TS. Chử Văn Lâm Tổng biên Tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cùng đại diện các ủy ban của Quốc hội; cục, vụ, viện các bộ ngành trung ương, các hiệp hội doanh nghiệp và gần 300 CEOs các doanh nghiệp thương hiệu mạnh Việt Nam.

Tạo động lực để các mô hình kinh tế mới đột phá tăng trưởng
Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và trong tăng trưởng kinh tế nói riêng.

Kinh tế tăng trưởng dương được duy trì trong nhiều thập niên, thậm chí còn ở mức tương đối cao trong nhiều giai đoạn, chẳng hạn như giai đoạn 2016-2019 với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt tới 6,8%/năm.

Ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19 và hệ lụy của các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước và nhiều thị trường đối tác, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, và phục hồi đạt mức 8,02% vào năm 2022.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và năm 2045, Việt Nam nhìn nhận duy trì tăng trưởng kinh tế cao và liên tục là một điều kiện tiên quyết. Để làm được điều này, Việt Nam đã và đang nhìn thẳng vào những vấn đề khó khăn của nền kinh tế, giải trình hiệu quả các nội dung liên quan như kết quả tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm, hay các định hướng, giải pháp nhằm kích thích tổng cầu...

Tạo động lực để các mô hình kinh tế mới đột phá tăng trưởng
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao các diễn đàn do VnEconomy tổ chức, đặc biệt Kinh tế mới 2023 là diễn đàn sáng tạo và bao phủ nhiều nội dung có liên quan đến các vấn đề từ ngắn hạn, đến trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Diễn đàn lần này đề cập nhiều vấn đề mới như kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và kinh tế dữ liệu. “Đây là những vấn đề mà Việt Nam đang rất quan tâm nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới”, ông Hiển nhấn mạnh.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu lớn, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi Việt Nam phải chuyển dịch nhiều ngành kinh tế. Đồng thời, việc gắn kết các kế hoạch, chủ trương về các nền kinh tế mới phải thực hiện một cách đồng bộ, có lộ trình thực hiện cụ thể để tránh việc chồng chéo về chính sách, bám sát với thực tiễn nền kinh tế. Tăng cường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tạo động lực để các mô hình kinh tế mới đột phá tăng trưởng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định phát triển bền vững vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu xuyên suốt, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, mặc dù thế giới đã đi được nửa chặng đường, song kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs hiện rất đáng quan ngại với chỉ 12% mục tiêu cụ thể đang đi đúng tiến độ.

Tại Việt Nam, những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, vừa tạo hành lang pháp lý để triển khai các mô hình kinh tế mới, vừa tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh và tình hình mới.

Liên quan đến các mô hình kinh tế mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng thời gian tới cần: ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo; sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan.

Thông qua diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc tiếp cận, chuyển giao các mô hình, công nghệ mới có tính dẫn dắt và là xu thế của thời đại.

Tại diễn đàn đã diễn ra chương trình tọa đàm với sự tham gia của: Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT Vũ Anh Tú, Giám đốc đối ngoại Grab Việt Nam Đặng Thùy Trang, Co-Founder Momo Nguyễn Bá Diệp, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn (Ngân hàng HSBC) Lâm Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam Trần Thúy Ngọc, Chủ tịch Công ty Shinec (Chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền) Phạm Hồng Điệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty VINFAST Bùi Kim Thùy. Đại diện các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ về việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Đồng thời, khẳng định, ngoài những hỗ trợ và mặt chính sách của Chính phủ, thì các doanh nghiệp phải chủ động áp dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để làm chủ tình hình mới.

Quang Phú