Tăng cường kiểm soát chủ đầu tư lợi dụng vốn huy động

19:12 | 19/06/2023

167 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong phiên thảo luận Quốc hội diễn ra sáng ngày 19/6, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã đưa ra kiến nghị cần bổ sung cụ thể cơ chế kiểm soát các chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn huy động từ người dân. Bà Trân cho rằng cần thiết phải có biện pháp xử lý nhằm tránh việc lợi dụng việc huy động vốn để chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích.
Chính sách về nhà ở xã hội cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơnChính sách về nhà ở xã hội cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơn
Sửa đổi Luật Nhà ở: Quy định phải có tính dự báo, dự trù các tình huống xảy ra trong tương laiSửa đổi Luật Nhà ở: Quy định phải có tính dự báo, dự trù các tình huống xảy ra trong tương lai

Góp ý Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, trong dự thảo này chưa có quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp chủ đầu tư lợi dụng nguồn vốn huy động từ dự án này để phát triển dự án khác hoặc giải quyết các vấn đề nội bộ của công ty mà không liên quan trực tiếp đến dự án mà người mua đã ký kết hợp đồng góp vốn trước đó. Tình trạng này gây chậm tiến độ và khiếu nại phức tạp, kéo dài của người dân.

Tăng cường kiểm soát chủ đầu tư lợi dụng vốn huy động
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Nguồn: Internet)

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề xuất cần bổ sung cụ thể cơ chế kiểm soát các chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn huy động từ người dân. Bà Trân cho rằng chủ đầu tư phải cam kết và có báo cáo định kỳ đến cơ quan chức năng về việc huy động và sử dụng vốn từng dự án đầu tư để cơ quan có chức năng biết, giám sát. Đồng thời, cần có biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu sai phạm, nhằm tránh tối đa việc các chủ đầu tư lợi dụng, lạm dụng việc huy động vốn để chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích huy động.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Bà cũng lưu ý, hiện nay vẫn còn nhiều công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước chưa có nhà để thuê, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và Bình Dương. Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động của công nhân. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có các quy định rõ ràng và thống nhất hơn để đảm bảo vai trò và quyền hạn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc tham gia đầu tư và phát triển nhà ở xã hội.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư nhà ở xã hội như hình thức nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng các quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành nhà ở xã hội.

Bà Trân nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần chủ trì và phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân. Điều này sẽ đảm bảo quyền của chủ sở hữu và thiết lập các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý và vận hành nhà ở xã hội.

Với những kiến nghị này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân mong rằng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được bổ sung và hoàn thiện để đảm bảo kiểm soát tốt hơn việc sử dụng nguồn vốn và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và tạo điều kiện sống tốt hơn cho công nhân.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng