Tâm sự ấm lòng của SV Quân Y gác lại kỳ thi lên đường chi viện Bắc Giang

14:18 | 18/05/2021

189 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
65 sinh viên Học viện Quân y đã gác lại kỳ thi học kỳ, lên đường ngay trong đêm để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19, trong đợt hành quân đầu tiên ngày 16/5.
Tâm sự ấm lòng của SV Quân Y gác lại kỳ thi lên đường chi viện Bắc Giang - 1
Sinh viên Học viện Quân y ở "tâm dịch" Bắc Giang (Ảnh: NVCC).

Nhân dân nuôi mình bao năm rồi…

Khi nhận được thông báo số lượng các học viên chi viện tỉnh Bắc Giang chống dịch, bạn Nguyễn Minh Anh (lớp DH50A, Hệ 4, Học viện Quân y) xung phong đi trước dù chưa hoàn toàn bình phục sau khi tháo bột khớp cổ chân.

Tập huấn lại công tác phòng dịch xong, Minh Anh chỉ kịp chuẩn bị đồ dã chiến, mấy bộ quần áo, chăn màn.

Tâm sự ấm lòng của SV Quân Y gác lại kỳ thi lên đường chi viện Bắc Giang - 2
Nguyễn Minh Anh cùng các đồng đội trong tổ công tác (Ảnh: NVCC).

"Trong lòng em lúc đó chỉ còn mỗi suy nghĩ là nhân dân nuôi mình bao năm rồi giờ cũng có cơ hội cống hiến. Khi chốt danh sách đi đợt đầu có tên em thì em vui lắm, và em không bận tâm đến cái chân đau nữa", Minh Anh hào hứng.

Đến Bắc Giang trong đêm, Minh Anh xếp đặt trật tự nội vụ, sáng hôm sau bắt đầu nhiệm vụ luôn.

Tổ của Minh Anh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, quân nhân tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang. Tổ được phân công cụ thể, 1 người lấy bệnh phẩm, 1 người hỗ trợ, 1 người ghi chép thông tin và hoàn thành các thủ tục, 1 người kiểm soát từ nhiễm khuẩn đến tránh các sai sót thông tin trong quá trình lấy mẫu.

Tổ làm với tiêu chí không cần nhanh, nhưng phải chuẩn. Nhưng với ngày đầu làm việc, Minh Anh đã cảm thấy nhanh so với sức của mình.

Ngay ngày đầu chưa quen mặc bộ đồ bảo hộ, Minh Anh bị say nóng. Mồ hôi ướt hết áo trong, quạt đằng sau thổi mà chỉ có cảm giác như ai kéo áo mình chứ không thấy mát.

Khó khăn lớn nhất là phải bảo đảm an toàn cho chính bản thân. Từ việc mang mặc đến tháo bỏ đồ bảo hộ và xử lý vùng bị ô nhiễm sau lấy mẫu. Phải cẩn thận từng tí một, mỗi thao tác xong đều được một người phụ sát khuẩn một lần.

"Kết thúc ngày làm việc, trút bỏ bộ đồ bảo hộ ra thì thấy nhẹ nhõm hẳn", Minh Anh chia sẻ.

Bữa cơm chiều của Minh Anh cùng đồng đội sau ngày làm việc cũng ngon hơn. Suất cơm bộ đội như những ngày thường nhưng mọi người ăn nhiều hơn, bạn bè chuyện trò rôm rả, ăn xong còn rủ nhau chơi cờ.

Tâm sự ấm lòng của SV Quân Y gác lại kỳ thi lên đường chi viện Bắc Giang - 3
Sau một ngày chống dịch mệt mỏi, các sinh viên rủ nhau chơi cờ để giải trí (Ảnh: NVCC).

Bố mẹ và người thân của Minh Anh tự hào vì con mình được tham gia chống dịch. Lúc nào cũng có câu cửa miệng là "phải thật cẩn thận nhé con trai".

"Em sợ dịch chứ, ai mà chẳng sợ. Nhưng giờ đùn đẩy trách nhiệm đó cho ai được, em cũng đã được trang bị kiến thức đầy đủ về chuyên môn, phòng dịch. Trong chuyến đi cũng có các thầy và chỉ huy đi cùng, hơn nữa có gia đình và bạn bè ủng hộ nên nỗi sợ ấy trở thành động lực.

Ngày hôm nay khi hoàn thành nhiệm vụ, em thấy vui lắm. Cảm giác tự hào vì nhận thấy mình làm việc có ích", Minh Anh hào hứng nói.

Gấp sách, dừng ôn thi để vào "tâm dịch"

Đang miệt mài ôn thi cuối học kỳ tại phòng, bạn Nguyễn Minh Tuấn (học viên năm thứ 5, Bí thư Chi đoàn lớp DH50A, Hệ 4, Học viện Quân y) nhận được thông báo đi chi viện tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19. Bắc Giang cũng là quê ngoại của Tuấn.

Nam sinh gấp sách, gác lại việc ôn thi, lập tức tham gia tập huấn lại công tác lấy mẫu, khử khuẩn, chuẩn bị quân tư trang. Tuấn không quên gọi điện về nhà để thông báo với bố mẹ.

Tâm sự ấm lòng của SV Quân Y gác lại kỳ thi lên đường chi viện Bắc Giang - 4
Bạn Nguyễn Minh Tuấn gác lại việc ôn thi, xung phong đi chống dịch (Ảnh: NVCC).

"Em cảm thấy hào hứng khi được thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà quân đội và nhân dân giao phó. Cũng như làm tròn trách nhiệm của một người bộ đội, một người con với quê hương.

Đồng thời em cũng khá hồi hộp vì đây là nhiệm vụ cấp bách, xen lẫn nhiều nguy cơ rủi ro. Lần đầu em thực tế chống dịch như những gì đã được tập huấn", Tuấn cho biết.

Nam sinh tự tin vào tâm dịch. Công tác phòng dịch đã được tập huấn rất kĩ, cùng kiến thức về truyền nhiễm đã được trang bị trong quá trình học và thực tập. Tuấn chỉ lo lắng về kinh nghiệm thực tế còn ít.

Tâm sự ấm lòng của SV Quân Y gác lại kỳ thi lên đường chi viện Bắc Giang - 5
Các sinh viên Quân y và bác sĩ tham gia lấy mẫu bệnh phẩm tại khu công nghiệp (Ảnh: NVCC).

Ngày đầu chống dịch, tổ của Tuấn gồm 3 học viên và 1 bác sĩ tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại Khu công nghiệp Yên Dũng.

Sau buổi sáng chia tổ công tác, tập huấn lại công tác phòng dịch, tổ làm việc từ 13h30 đến 17h. Mỗi tổ đặt ra chỉ tiêu là 65 - 75 mẫu xét nghiệm. Các học viên trực tiếp lấy mẫu, bác sĩ giám sát và nhắc nhở học viên.

Tuấn cho biết, do chưa nhiều kinh nghiệm nên làm còn chậm, mất khoảng hơn 4 tiếng từ lúc triển khai đi lấy mẫu đến lúc về lại đơn vị. Những ngày sau sẽ phải nâng công suất làm việc lên.

"Mặc bộ đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng khiến em khó chịu, nhất là không thoát được mồ hôi. Việc đeo khẩu trang kéo dài cũng làm vành tai đau nhức.

Đổi lại, điều giá trị nhất em nhận được là kiến thức thực tế về công tác phòng dịch, cùng với niềm tin của nhân dân, công nhân đang làm việc tại Bắc Giang dành cho cả đoàn", Tuấn chia sẻ.

Theo kế hoạch, gần 200 học viên sẽ lên đường tới Bắc Giang hỗ trợ phòng dịch. Đợt đầu là hơn 60 học viên, những bạn còn lại tiếp tục tập huấn và sẵn sàng đi bất cứ khi nào có lệnh.

Tuấn cho biết, các bạn đi đợt đầu cùng Tuấn hầu hết đều xung phong đi, có người còn năn nỉ các bạn khác để được đi thay.

"Không khí thoải mái, hào hứng lắm, không có ai lo lắng nhụt chí đâu. Tuổi trẻ mà, còn cống hiến được thì hết mình thôi", Tuấn tâm sự.

Theo Dân trí

Cuộc chiến mới từ niềm tin cũCuộc chiến mới từ niềm tin cũ
Chiến sĩ trẻ không thể về nhà chịu tang mẹ vì Covid-19Chiến sĩ trẻ không thể về nhà chịu tang mẹ vì Covid-19
Chuyện “cách ly” của những nữ vận hành 110kVChuyện “cách ly” của những nữ vận hành 110kV

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc