Tác phẩm giải A Giải báo chí Quốc gia: Suy ngẫm từ "tọa độ nóng"

06:45 | 06/06/2014

6,126 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một năm đã qua từ sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Thời điểm đó, phóng viên Báo Năng lượng Mới - PetroTimes đã có mặt ở biển Hoàng Sa để cập nhật những tin tức mới nhất về sự kiện khiến cả thế giới quan tâm. PetroTimes xin đăng tải lại những ghi chép của nhà báo Nguyễn Như Phong từ vùng "biển nóng" Hoàng Sa. Đây là tác phẩm đoạt giải A, Giải báo chí Quốc gia lần thứ 9.

Năng lượng Mới số 328

 

10 giờ đêm ngày 27 tháng 5.

Tàu chúng tôi thả trôi ở cự ly cách giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khoảng 8 hải lý.

Mặt biển lúc này thật lạ.

Gió thổi nhẹ làm cho sóng cũng chỉ gợn nhè nhẹ như đủ để báo rằng, biển vẫn đang thở. Sóng nhẹ đến mức không làm cho con tàu cảnh sát biển 8003 đong đưa.

Để tiết kiệm dầu, nên máy phát điện trên tàu chỉ chạy đủ cho điện chiếu sáng và thông tin, còn điều hòa nhiệt độ thì tắt hết. Vì thế, trong các khoang nóng hầm hập. Cán bộ, chiến sĩ và cánh phóng viên cả ta lẫn tây đều nhao ra ngoài boong đón gió.

Xa xa, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc nghênh ngang hạ đặt trái phép trên vùng biển, vùng đất thuộc chủ quyền của Việt Nam vẫn sáng rực và nó như một chiếc gai chọc thẳng lên nền trời đầy sao. Xung quanh chiếc gai lửa ấy là hằng hà sa số những ngọn đèn của các tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính và các tàu cá của Trung Quốc, nó như một đô thị hỗn độn ở trên mặt biển.

Có lẽ đây sẽ là một vùng biển đẹp nếu không có cảnh những tàu hải cảnh, hải tuần của Trung Quốc đuổi theo tàu ta, phun vòi rồng, cố tình va, đâm lúc chiều, hay chỉ cần dòng hải lưu đang chảy ngược lên hướng Tây Bắc đẩy những con tàu của Cảnh sát biển, của Kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp ở đây trôi thêm hai hải lý nữa, là những con tàu Trung Quốc kia lồng lộn lao ra và sẵn sàng… cắn!

“Cắn” - đó là từ mà anh em cảnh sát, kiểm ngư ở đây hay dùng. “Tàu của em mới bị chúng nó “cắn” mất 10 mét lan can” ; “Tàu bọn em bị nó “cắn” thủng hai lỗ to tướng…” - anh em nói như vậy khi bị tàu Trung Quốc cố tình lao vào đâm, đè, va, ủi.

“Cắn” và “nướng” là hai từ tôi thấy anh em hay dùng. “Cắn” thì là thế, còn “nướng” thì lại là chỉ việc cán bộ, chiến sĩ nào đó được cánh phóng viên truyền hình lôi ra ngoài boong để phỏng vấn. Nắng như thiêu như đốt, boong tàu bỏng rãy, bỏng đến nỗi phơi cơm nguội ăn thừa chỉ sau ba tiếng đồng hồ là khô rang…, vậy mà người được phỏng vấn phải mũ áo chỉnh tề cho đúng điều lệnh, phải “quân dung tươi tỉnh” trước ống kính truyền hình thì đúng là… bị “nướng” còn gì.

“Nhàn cư vi… bắt cá” - anh em giết thời gian bằng cách vợt cá mực lao vào ăn đèn. Mỗi tàu của cảnh sát biển hay kiểm ngư thể nào cũng có dăm anh chàng sát cá và được gọi là “ngư phủ”. Cánh nhà báo đi theo tàu thì lại gọi họ bằng tên hẳn hoi: “Tri Tôn ngư phủ”. Sở dĩ gọi như vậy vì từ đây đến đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa - lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta, tâm điểm chú ý của hàng chục triệu con dân đất Việt trên toàn thế giới, chỉ khoảng hơn hai chục hải lý.

Trong số các “Tri Tôn ngư phủ” danh tiếng của tàu 8003, có Đại úy Cường - một người có thân hình đẹp như một lực sĩ thể hình. Anh dùng chiếc vợt được gắn vào cây sào dài có đến 6m vợt mực và cả những chú cá chuồn. Những con mực bị vớt từ dưới biển lên, kêu hệt như một con lợn nhỏ. Khi được thả vào chậu, chúng bơm nước phụt lên tới hơn một mét. Cá mực anh em vợt được nhiều, ăn mãi cũng chán, hơn nữa, mực vùng biển Hoàng Sa ăn thua xa mực ở vùng biển phía Bắc, hoặc mực Nha Trang. Mỗi khi Cường vợt được chú mực lớn, anh em lại reo hò vui như hội. Cánh phóng viên thì chen nhau chụp ảnh, quay phim… Có gã lại còn cao hứng: “Bọn đi phượt nằm mơ cũng không được ra Hoàng Sa vợt mực nhé”. Buồn là ở đây không có “nét”, chứ nếu có, hẳn các loại “fây” của phóng viên sẽ đầy ắp những hình ảnh “phượt” trên biển Hoàng Sa này.

Quang cảnh thật yên bình hiếm có

Tôi ngồi ở mũi tàu và như bị thôi miên vào cái gai mang tên Hải Dương 981 kia và bỗng nhớ lại cuối năm trước, tôi cùng đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm Trung Quốc. Đi đâu cũng nghe những lời chào mừng, chúc tụng “đồng chí” ấm áp, tới đâu cũng nhắc tới “bốn tốt” và “những nhà báo Trung Quốc, Việt Nam phải dùng ngòi bút của mình để góp phần xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước, hai Đảng, phải tuyên truyền để thực hiện 16 chữ”. Nơi nào, chỗ nào, gặp ai, tôi đều được nghe những lời như vậy.

Tôi bỗng nhớ lại một bài hát, hình như được sáng tác vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, mà ngay từ khi học lớp 4, hầu như ngày nào chúng tôi cũng hát trước giờ vào học: “Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông. Mối tình hữu nghị sáng như vừng đông. Bên sông, tắm cùng một dòng. Tôi nhìn sang đấy. Anh nhìn sang đây. Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng…”. Rồi sau tháng 2 năm 1979, khi hành quân lên biên giới phía Bắc, cũng chính chúng tôi lại hát rằng: “Việt Nam - Trung Hoa, thớt cùng thớt, dao cùng dao, băm thì cùng băm mối tình hữu nghị chúng ta cùng băm…”.

Có lẽ trên thế giới, chẳng nơi đâu có mật độ tàu dày đặc như vùng biển này. Nếu lấy nơi giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm tâm, có bán kính xung quanh khoảng 15km thì trên một vùng biển này có đến hơn 160 con tàu lớn, nhỏ các loại. Nào là tàu chiến mang tên lửa hộ vệ, tàu hải tuần lớn thì lên đến 6.000 tấn, loại nhỏ thì cũng 650 tấn, rồi tàu hải giám, tàu ngư chính và gần 100 con tàu cá. Tàu cá của Trung Quốc cao ngất ngưởng và là tàu sắt. Loại tàu cá nhỏ thì cũng phải hơn 100 tấn. Có một điều lạ là những tàu cá này không đánh bắt cá mà chỉ tìm cách gây sự với tàu kiểm ngư của Việt Nam.

Tàu cá của Trung Quốc được thiết kế rất lạ. Không những chỉ là tàu vỏ sắt mà ở mũi tàu còn có một quả lê để phá sóng. Ngư dân Việt Nam rất ớn quả lê này, bởi lẽ nó như một cục sắt lớn, khi đâm vào tàu gỗ của Việt Nam thì không tàu nào chịu nổi.

Còn cái giàn khoan như cái gai chọc lên nên trời kia, không hiểu nó đang khoan ngoáy cái gì vào lòng biển và vào lòng người Việt Nam?

Khi biết tôi là phóng viên tờ báo của ngành Dầu khí, nhiều anh em cảnh sát biển cũng đã hỏi tôi rằng: “Nó khoan chưa?”; “Khoan sâu bao nhiêu rồi?”… Với tất cả sự hiểu biết rất “i tờ” của mình về khoan tìm dầu, mà tôi biết được qua những chuyến đi thực tế,  và qua những bài giảng của  cán bộ Viện Dầu khí, tôi cố gắng nói về “quy trình” khoan ở biển cho anh em nghe. Không biết đúng, sai thế nào, nhưng có vẻ những ngôn từ mang tính “chuyên ngành” như “ống chống, cần khoan; thử vỉa, trám xi măng…” mà tôi nói, cũng khiến anh em “vỡ lẽ” ra vài điều.

Tổng Biên tập Báo Năng lượng Mới Nguyễn Như Phong trao quà của PVI Holdings cho cán bộ, chiến sĩ tàu 8003

Rồi tôi thao thao bất tuyệt trình bày “trích ngang” của cái gai mang tên Hải Dương 981 cho anh em.

Rằng “Giàn khoan Hải Dương 981” được Trung Quốc gọi là “海洋石油 981” (“Haiyang Shiyou 981 hay Hải Dương Thạch du 981”, “Offshore Oil 981”) có thể hiểu nôm na đó là giàn thăm dò dầu khí ngoài khơi.

Rằng giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan bán chìm thế hệ VI, do Tông Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu và điều hành, do CNOOC và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuyền Trung Quốc hợp tác sản xuất với tổng vốn đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (tương đương 19.020 tỉ VNĐ, 923 triệu USD) và mất 3 năm để chế tạo.

Đây là giàn khoan nước sâu đầu tiên và lớn nhất của Trung Quốc, nằm trong chiến lược đầu tư khai thác dầu khí ở Biển Đông của nước này. Nhiệm vụ chính của Hải Dương 981 là khoan giếng thăm dò, khoan giếng sản xuất, hoàn thành giếng khoan và sửa chữa giếng khoan trên Biển Đông. Giàn khoan cũng có thể được điều động đến các khu vực biển sâu ở Đông Nam Á và Tây Phi.

Rằng đây là một giàn “siêu hiện đại”, “siêu bền vững” và “siêu khủng”, bởi nó dài tới 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn, nó được thiết kế đủ sức chống bão mạnh cấp 10. Diện tích boong của giàn có kích thước bằng sân Hàng Đẫy ở Hà Nội, có thể di chuyển trên biển với tốc độ 3 đến 4 hải lý/giờ do 9 con tàu kéo và hộ tống.

Khi tôi nói đến đoạn này, anh em ngạc nhiên và cãi: “Hôm nó chuyển vị trí, chúng em đo thấy nó chạy đến 3,4 hải lý/giờ, nhưng không thấy có tàu kéo. Anh không tin, cứ ở đây ít ngày mà xem. Chỉ mấy hôm nữa, nó lại di chuyển chỗ khác”. “À, nếu nó chạy đoạn ngắn thì đúng là nó tự hành”, còn nếu nó đi xa thì phải có tàu kéo” - tôi giải thích như vậy.

Cái giàn “nửa nổi nửa chìm” này được trang bị 9 máy phát điện 44.000 kW, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa, cung cấp điện đủ đáp ứng nhu cầu điện cho một thành phố 200.000 dân. Do đó, giàn khoan có trang bị khoang dầu với dung tích 4.500 tấn đủ cho máy phát điện chạy liên tục 30 ngày. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương. Giàn khoan này hoạt động ở độ sâu tối đa 3.050m và độ sâu khoan tối đa 12.000m. Hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 20 giàn khoan hoạt động ở độ sâu 3.000m.

Hệ thống điều khiển tự động hóa tiên tiến của giàn khoan có thể ứng phó các sự cố như van đóng giếng dầu khẩn cấp, thiết bị dừng người máy dưới nước, van đóng điều khiển từ xa thiết bị định vị vật dưới nước bằng siêu âm. Hệ thống cảm ứng sẽ đóng miệng giếng khoan khi xảy ra mất điện toàn diện, hạ áp suất, lưu lượng vượt mức.

Phóng viên Báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) trên tàu 8003

Tại khu vực biển sâu dưới 1.500m, giàn khoan sẽ định vị bằng neo thông qua xích neo của các tàu kéo. Ở độ sâu 1.500-3.000m, giàn khoan sẽ định vị bằng hệ thống định vị động lực DPS3 (đẳng cấp cao nhất của Tổ chức Hàng hải quốc tế) hoạt động dựa trên định vị vệ tinh. Chi phí vận hành cho cái giàn này mỗi ngày khoảng  981.100 đến 1,5 triệu USD. Còn nếu lại tính cả tiền cho hàng chục tàu hộ tống bảo vệ đang ở đây, thì có lẽ, mỗi ngày phải tốn cả chục triệu USD. Số tiền đó chẳng là “cái đinh gì” so với số tiền mà Trung Quốc chi cho gã “xi nốc” (CNOOC - Viết tắt tiếng Anh của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương) - 100 tỉ USD, để gã này làm tên lính xung kích đi chiếm đất, chiếm biển.

Ngoài việc khoan thăm dò và khai thác, giàn khoan 981 còn có chức năng phân loại lọc dầu, khí đốt, loại bỏ nước và tạp chất ngay sau khi khoan hút từ dưới đáy biển lên, tất cả theo quy trình khép kín. Giàn được trang bị hệ thống định vị toàn cầu thế hệ thứ ba và có thể chịu được sự rung lắc lớn của sóng biển nhờ hệ thống neo và định vị cân bằng của các động cơ chân vịt. Trên giàn có đủ điều kiện cho khoảng 120-150 người sống và làm việc dài ngày.

Sở dĩ cái giàn này mang số 981 là bởi,  mỗi con số mang một ý nghĩa nhất định: Số “9” biểu thị là “giàn khoan”;  số “8” biểu thị là “nước sâu” (thâm thủy); và số “1” chỉ ra rằng đây là giàn khoan dầu khí nước sâu đầu tiên của Trung Quốc .

Giàn này do Trung Quốc chế tạo, nhưng CNOOC đã phải mua thiết kế cơ bản của Công ty Friede &Golman lừng danh có trụ sở tại Houston (bang Texas, Mỹ).

Với công ty này, CNOOC đã có mối thâm giao bởi Chủ tịch và CEO hiện của Friede &Goldman (viết tắt là FG) tên là Paul Geiger đã có giai đoạn làm việc như một kỹ sư trưởng tại CNOOC Trung Quốc từ năm 1982-1990 (ngay khi CNOOC vừa mới được thành lập vào 1982). Hàng loạt kỹ sư của Trung Quốc đã sang làm việc tại FG Houston từ hàng chục năm nay.

Bản thân Geiger là một tên tuổi lớn, người chủ trì và viết chương “Giàn khoan” trong bộ sách “Công nghệ đóng tàu” nổi tiếng do Thomas Lamb và SNAME xuất bản, cuốn sách mà các trường Việt Nam hiện đang cố gắng đọc và học hỏi...

Chỉ cần vào trang chủ của FG, có thể tìm thấy bản thiết kế giàn nửa chìm có ký hiệu ExD, một thiết kế "tâm huyết", một sản phẩm kiêu hãnh của FG đã được thực thi tại Trung Quốc với cái tên giàn nửa chìm "Haiyang Shiyou 981"

Tại buổi lễ đặt tên là “Offshore Oil Aircraft Carrier” (Hàng không mẫu hạm dầu mỏ) cho giàn khoan Hải Dương 981 ngày 23/5/2011, Chủ tịch CNOOC Vương Dĩ Lâm tuyên bố: “Thiết bị khoan dầu dưới biển sâu của Trung Quốc đã bắt đầu chuyển động và nó rất cần thiết cho việc thực hiện chiến lược khai thác dầu ngoài khơi của Trung Quốc”. Vương cũng không ngần ngại mà nói rằng, Hải Dương 981 là “lãnh thổ quốc gia di động”.

Sau tuyên bố trên, ngày 9/5/2012, Hàng không mẫu hạm dầu mỏ Hải Dương 981 đã bắt đầu hoạt động lần đầu tại khu vực biển cách Hongkong khoảng 320km về phía đông nam.

Hơn 1 tháng sau khi giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu hoạt động, ngày 23/6/2012, CNOOC thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động sai trái trên và cho đến nay không có công ty dầu khí quốc tế nào ký hợp đồng hợp tác với CNOOC ở khu vực các lô trên.

Từ kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (năm 2005-2010) đến nay, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy phát triển chiến lược khai thác dầu mỏ ở khu vực biển sâu và đã đầu tư hàng tỉ nhân dân tệ sản xuất trang thiết bị khai thác dầu mỏ biển sâu loại hình lớn như tàu đặt ống nước sâu, giàn khoan kiểu nửa chìm.

Ví dụ tàu dầu mỏ Hải Dương 201 của Trung Quốc là tàu đặt ống nước sâu đầu tiên trên thế giới có khả năng hoạt động ở độ sâu 3.000 mét, có sức nâng 4.000 tấn, được trang bị thiết bị hiện đại như hệ thống định vị động lực cấp DP-3, hệ thống đặt đường ống nút kép hình chữ S.

Theo số liệu của ngành dầu mỏ Trung Quốc, sản lượng dầu mỏ Trung Quốc năm 2010 đã vượt ngưỡng 50 triệu tấn. Trung Quốc đã dự kiến đến năm 2020 sẽ duy trì ổn định sản lượng 50 triệu tấn/năm tại khu vực biển gần bờ và nâng sản lượng tại khu vực biển sâu đạt quy mô 40-50 triệu tấn/năm.

Ngay từ đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ khai thác dầu mỏ tại Biển Đông, phê chuẩn cho Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc và Tập đoàn Hóa chất và Dầu mỏ Trung Quốc (vốn chỉ khai thác dầu mỏ đất liền) thăm dò dầu mỏ vùng Biển Đông. Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc đang quản lý 20 khu vực dầu mỏ với diện tích 127.000km2 trên Biển Đông. Tập đoàn Hóa chất và Dầu mỏ Trung Quốc cũng quản lý hai khu vực trên vùng biển này.

Kế hoạch năm năm lần thứ 11 của Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch sản xuất sáu tàu thuộc năm chủng loại chuyên lắp đặt công trình dưới biển ở độ sâu 3.000m nhằm tạo một hạm đội liên hợp với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ nhân dân tệ (47.550 tỉ đồng Việt Nam). Bước tiếp theo, ngành dầu mỏ Trung Quốc tiếp tục chế tạo một loạt giàn khoan hoạt động ở độ sâu 1.000-1.500m, 2.000m, 3.000m, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống sản xuất dầu khí biển sâu phức tạp hơn.

Nấu cơm trên tàu 2016

Nghe nói rằng, CNOOC định đưa giàn 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ năm ngoái. Nhưng vì năm 2013 là năm con Rắn, không phải là năm tốt, cho nên chờ tới năm nay, năm con Ngựa và hy vọng sẽ là “mã đáo thành công”.

Theo một vài chuyên gia về khoan thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì việc “cái gai 981” có thể khoan sâu từ 1.500 đến hơn 2.000m theo chiều thẳng đứng ở các vị trí hiện nay trong khoảng thời gian ngắn từ 15 đến 20 ngày một lỗ khoan là có thể và nếu khoan để lấy mẫu đất đá, thăm dò địa chất thì không gì khó khăn. Nhưng nếu để khoan thăm dò dầu khí thì rất không đơn giản. Bởi để khoan thăm dò tìm kiếm dầu khí, đòi hỏi có sự chuẩn bị rất cẩn thận, thời gian mỗi giếng thăm dò (nếu khoan sâu 3.000m) thì chí ít cũng phải mất 3 tháng, ấy là trong điều kiện thời tiết thuận lợi… Còn nếu gặp bão cấp 9 cấp 10 thì chỉ có nước là… chuồn về, neo ở nơi an toàn.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong