Suy ngẫm về việc tự phê bình của Bác

06:45 | 02/09/2011

2,846 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đọc lại những lời tự phê bình của Bác đăng trên Báo Cứu quốc số 153, ra ngày 28/1/1946, tôi lại càng thấy lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cách đây gần 30 năm là cực kỳ chính xác khi nói về Bác Hồ.

Tự phê bình

(Bài đăng trên Báo Cứu quốc, số 153, ngày 28/1/1946)

Hỡi các đồng bào yêu quý,

Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân.

Nhờ sức đoàn kết của toàn dân mà chúng ta tranh được quyền độc lập. Nhưng Chính phủ vừa ra đời thì liền gặp những hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài thế giới, tuy chiến tranh đã hết rồi, nhưng hòa bình chưa đến. Trong nước thì miền Nam bị nạn xâm lăng, miền Bắc bị nạn đói kém. Bộ máy thống trị cũ đã hủy bỏ, nhưng nền nếp dân chủ mới chưa hoàn toàn. Tiền của dân ta đã bị bọn thực dân vơ vét sạch trơn, phần đông đồng bào ta đã lâm vào cảnh nghèo khó.

Trước hoàn cảnh khó khăn đó, đồng bào đã cố gắng, người giúp sức, kẻ giúp tiền. Còn tôi thì lo lắng đêm ngày để làm tròn nhiệm vụ của mình, sao cho khỏi phụ lòng đồng bào toàn quốc. Chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào.

Xây dựng nền độc lập của nước nhà; lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam; ra sức kêu gọi tăng gia sản xuất và tìm mọi cách cứu nạn đói ở miền Bắc; tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta, chuẩn bị thành lập Quốc hội.

Ngoài những việc đó, Chính phủ do tôi đứng đầu, chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân.

Tuy tranh được quyền độc lập đã 5 tháng, song các nước chưa công nhận nước ta.

Tuy các chiến sĩ ta rất oanh liệt, song kháng chiến chưa thắng lợi.

Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch.

Tuy Chính phủ ra sức sửa sang, song nhiều nơi chính trị vẫn chưa vào lề lối.

Tuy Chính phủ luôn luôn chủ trương rằng: hai dân tộc Việt – Hoa là như anh em, chúng ta cần phải thân thiện và hợp tác với anh em Trung Hoa, cũng như anh em Trung Hoa cần phải thân thiện và hợp tác với chúng ta, song vẫn có nơi chưa tránh hết sự xích mích giữa Hoa kiều và dân Việt.

Tuy Chính phủ luôn luôn chủ trương rằng: dân ta chỉ đòi quyền độc lập, chỉ kiên quyết chống chế độ thực dân; đối với kiều dân Pháp yên phận làm ăn, chúng ta phải ra sức giữ gìn tính mệnh tài sản của họ cho được an toàn. Đó là vì nhân đạo, mà cũng có lợi cho mục đích cao thượng của chúng ta. Song sự tự động không hay đối với kiều dân Pháp vẫn xảy ra một đôi chỗ.

Có thể nói rằng: những khuyết điểm đó là vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác.

Nhưng không, tôi phải nói thật: những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi.

Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ.

Vận mệnh nước ta ở trong tay ta. Chúng ta đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, thì chúng ta nhất định thắng lợi.

Hồ Chí Minh

Suy ngẫm về việc tự phê bình của Bác

Đọc lại những lời tự phê bình của Bác đăng trên Báo Cứu quốc số 153, ra ngày 28/1/1946, tôi lại càng thấy lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cách đây gần 30 năm là cực kỳ chính xác khi nói về Bác Hồ.

Lần ấy, mấy anh em nhà báo chúng tôi được gặp Thủ tướng. Trong lúc vui chuyện, tôi rụt rè hỏi Thủ tướng: “Thưa bác, bác nhận xét thế nào về Bác Hồ của chúng ta ạ?”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng im lặng hồi lâu rồi nói chắc chắn từng từ: “Bác của chúng ta là một ngọn núi Thái Sơn. Muốn thấy được quả núi, cả đỉnh núi và chân núi thì phải lùi thật xa. Với Bác cũng vậy, thời gian càng lùi xa thì chúng ta sẽ càng thấy những điều Bác đã dạy là đúng đắn, sáng suốt và vĩ đại”.

Khi ấy, chúng tôi còn trẻ người non dạ, thú thực là cũng không hiểu lắm lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Rồi nghề làm báo đã buộc chúng tôi phải viết những bài mà nhiều khi chúng tôi chẳng hiểu gì. Chúng tôi cứ nói và viết như con vẹt “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng”. Nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh là gì, gồm những gì… thì thú thực chúng tôi chẳng biết được, năm thì mười họa được học một buổi lên lớp chính trị về học tập, làm theo lời Bác nhưng cũng là tai nọ lọt tai kia.

Rồi thời gian cứ lùi xa, những điều được học về Bác ở trường, trong cuộc sống, trong sách… đã khiến tôi thấy lời của bác Phạm Văn Đồng là chính xác đến nhường nào. Những điều Bác nói về công tác Đảng, công tác cán bộ, về những thiếu sót, khuyết điểm mà cán bộ, đảng viên hay mắc phải từ năm 1945 cho đến bản di chúc… sao mà đúng đến thế và nay đọc lại mới thấy Bác đã nhìn thấu cho tới tận hôm nay.

Đọc bài tự phê bình của Bác thì thấy đây đúng là lời của bậc thánh nhân, suy nghĩ của bậc thánh nhân và tư tưởng của bậc thánh nhân.

Ngẫm lại hôm nay, chúng ta đang Học tập và làm theo 6 lời Bác dạy, nhưng việc học tập xem ra vẫn còn sáo rỗng và thiếu thực tế. Là công chức, đặc biệt là cán bộ đảng viên thì năm nào cũng phải làm bản kiểm điểm, tự phê bình… Nhưng nếu như không bị kỷ luật hoặc không có thành tích gì đặc biệt để nói thì việc kiểm điểm năm nào cũng như năm nào. Phải khai rằng có trung thành không, có chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật không, có tham ô tham nhũng không, sống có trong sạch lành mạnh không, rồi có hoàn thành nhiệm vụ không v.v… và v.v… Tất nhiên là chẳng có ông cán bộ nào dại dột mà lại kiểm điểm rằng tôi đang dao động tư tưởng đây, tôi đang tham nhũng đây, tôi đang nghĩ mưu nghĩ kế làm tiền bất chính đây… Trong thời đại vi tính hiện nay thì việc “chế tác” ra một bản kiểm điểm như vậy rất đơn giản. Chỉ cần lấy bản kiểm điểm của năm trước, thay ngày tháng vào thế là xong…

Chúng ta không thể không thấy một thực trạng đáng buồn là nhiều cán bộ mới ít hôm trước còn lên diễn đàn xoen xoét nói về đạo đức cách mạng, về đủ mọi thứ tốt đẹp của người cán bộ, rồi cao giọng dạy bảo cấp dưới nhưng chỉ ít hôm sau đã phải bị xử lý bằng pháp luật.

Cho nên, đọc bài tự phê bình của Bác viết vào những năm nước sôi lửa bỏng, thù trong giặc ngoài như vậy, mới thấy Bác cao nhường nào, vĩ đại nhường nào. Và đối chiếu lại sự tự phê bình của Bác với kiểu tự phê bình của chúng tôi ngày hôm nay, mới thấy xấu hổ làm sao.

Như Phong