Súng ống - Đạn dược

09:08 | 14/12/2015

|
Bạn đọc: “Súng ống, đạn dược”: Tại sao “ống” lại đi với “súng”, rồi “dược” lại đi với “đạn”? Xin ông giải thích giúp và xin cảm ơn ông.  Nguyễn Hữu Bài (Hà Nội)  

Học giả An Chi: Trước nhất, xin nói rằng "súng ống" là một danh ngữ được tạo ra trong nội bộ của tiếng Việt còn "đạn dược" lại là một danh ngữ mượn "nguyên xi" từ tiếng Hán (dĩ nhiên là đọc theo âm Hán Việt).

Trong tiếng Việt hiện đai thì "đạn dược" là một danh ngữ được quan niệm là dùng để chỉ tất cả các loại đạn, lựu đạn, bom, mìn, tên lửa, nói chung là các vật nổ gây sát thương, tiêu diệt hay phá hoại. Đây là một danh ngữ mượn thẳng từ tiếng Hán và trong tiếng Hán thì nó là một danh ngữ đẳng lập gồm có "đạn" và "dược". Trong tiếng Hán thì "đạn" [彈] gồm có phi đạn, pháo đạn, lựu đạn, tạc đạn, v.v...; còn "dược" là "trá dược" [炸藥] (thuốc nổ), "hỏa dược" [火藥] (thuốc súng). Chính là với cái nghĩa này mà "dược" mới được ghép vào "đạn" thành danh ngữ đẳng lập "đạn dược", dùng để chỉ khái niệm tổng hợp mà tiếng Anh gọi là "ammunition", thường gọi tắt là "ammo", tức là dùng để chỉ đạn, lựu đạn, bom, mìn, tên lửa, v.v... Danh từ chỉ thuốc nhồi bên trong đạn ("dược") mà đi chung với danh từ chỉ "đạn" thì âu cũng là chuyện bình thường và càng là chuyện thú vị nếu ta biết thêm rằng "thuốc" và "dược" lại là hai từ cùng gốc, như chúng tôi đã từng chứng minh. Nhưng đối với nhiều người Việt thì "dược" thường được biết đến nhiều hơn thông qua các danh ngữ như: dược khoa, dược liệu, được phẩm, dược sĩ, dược thảo, y dược, nghĩa là biết đến với nghĩa gốc là "thuốc để trị bệnh". Có lẽ vì thế nên mới sinh ra điều thắc mắc mà bạn đã nêu chăng?

Còn "ống" mà đi chung với "súng" thì cũng là chuyện bình thường vì đây là hai khái niệm gắn bó với nhau như môi với răng. Chẳng thế mà "súng" đã được giảng là "vũ khí gồm chủ yếu một ống kim loại (thường bằng thép) gọi là nòng súng, dùng để phóng một viên đạn do sức đẩy của một liều thuốc cháy ở đằng sau tống mạnh ra", như có thể thấy trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên. Còn quyển từ điển cùng tên của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên thì giảng ngắn gọn là "tên gọi chung các loại vũ khí có nòng hình ống". Cứ theo hai lời giảng trên đây thì hiển nhiên là hai khái niệm "súng" và "ống" gắn bó với nhau như hình với bóng. Vậy chẳng có gì lạ nếu hai thứ này "cặp kè" với nhau để tạo thành danh ngữ đẳng lập "súng ống". Nhưng những lời giảng trên đây xuất phát từ thực tế của thời hiện đại, khi mà giới quân sự đã có nhiều loại súng tối tân khác nhau chứ, theo chúng tôi, thì danh ngữ "súng ống" lại có tuổi "xưa" hơn nhiều. Tuy vốn là chuyện xảy ra ở bên Tàu trước nhưng vì là "đồng văn" nên thường cũng được bên ta biết đến. Mục "Thuốc nổ" thuộc Chương 9 (do Kim Thu Bằng viết), Phần bốn của quyển "Lịch sử văn hóa Trung Quốc" do Đàm Gia Kiện chủ biên (nhóm Trương Chính dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993) có đoạn:

"Hỏa khí hình ống thì Trần Quy đời Tống phát minh năm 1132, lấy tên là "hỏa thương". Hỏa thương làm bằng ống tre to hai người vác, lúc dùng, nạp hỏa dược vào, lâm chiến thì đốt ngòi, ngọn lửa phun ra thiêu cháy địch. Thứ hỏa khí ấy, mặc dù còn giản lậu, nhưng nó mở đường cho loại hỏa khí hình ống. Đến giữa thế kỷ XII, lại có người phát minh "đột hỏa thương", làm bằng "ống tre to, trong nạp những ổ lửa nhỏ", châm ngòi thì ổ lửa bắn ra. Đó là hỏa khí hình ống bắn đạn xưa nhất.

Hỏa khí hình ống bằng kim loại xuất hiện vào thời gian nào, còn chưa xác định được. Nhưng chậm nhất cũng vào đầu thế kỷ XIV, đời Nguyên, đã có "đồng hỏa súng" (súng bằng đồng). Súng này bắn đạn đá, nạp hỏa dược vào thân súng, cuối súng có ngòi, châm ngòi thì bắn đạn đá ra". (Sđd, tr.793). Sang đời Minh, súng hình ống họng to dần dần được gọi là "pháo" [砲,礮] còn loại có nòng nhỏ thì gọi là "súng" [銃]. Chữ [礮] chính âm là "pháo" nhưng bị đọc sai thành "bác" (do suy luận theo chữ "bác" [駮] bên phải?) nên tiếng Việt hiện đại mới có danh ngữ "đại bác" chứ ngày xưa thì ta gọi pháo là "súng thần công". Súng thần công của ta, cũng như của Tàu, đều là súng có thân hình ống, mà Tàu gọi là "quản hình" [管型]. Cứ như trên thì, một lần nữa, "ống" mà cặp kè với "súng" chỉ là chuyện bình thường mà thôi, nếu không nói là tất yếu.

 

Năng lượng Mới 482