Sức sống ở Trường Sa

10:24 | 04/02/2020

611 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ở thềm lục địa phía Nam của đất nước, có một nơi mà những màu xanh được chắt chiu, chăm bón bằng cả niềm thương nhớ đất liền, niềm tin vững chắc về chủ quyền của Tổ quốc của những người lính chưa bao giờ buông lơi tay súng. Nơi đó là Trường Sa.

Những người lính đảo kiên gan

Mùa biển động. Tôi theo tàu thay quân, chúc Tết của đoàn công tác Vùng 4 hải quân, hướng về Trường Sa. Đến nơi, vừa xuống xuồng chuyển tải để vào đảo, ngay lập tức, sóng dập tơi bời, chiếc xuồng cứ như chiếc lá tre trên sóng trùng trùng...

suc song o truong sa
Đảo đá lớn C

Sóng lớn, nhưng Thiếu tá Trần Duy Thảo - Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1 ở đảo Phan Vinh - chỉ cười, bảo đợt này sóng chỉ mới cấp 7, cấp 8, chưa ăn thua. Mùa sóng gió, có những đợt mưa dữ dội trút xuống, bao trùm khắp đảo, không gian mịt mùng, cửa đóng chặt vẫn nghe tiếng gió rít, sấm sét đì đùng.

“Ở bờ, nghe tin báo bão thì người người, nhà nhà chạy bão. Ở nơi này, sóng gió hay hiểm nguy hơn thế nữa, chúng tôi cũng quyết tâm một tấc không rời. Chỉ có một phương án là luôn phải vững vàng đương đầu với tất cả. Đó là một lời thề của người lính: Luôn bám trụ với biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc”, Thiếu tá Thảo nói.

Đây đã là năm thứ 5 Thiếu tá Thảo tình nguyện ở lại với đảo Phan Vinh, trong khi đồng đội thường chỉ công tác tròn 1 năm là được chuyển. Anh nói, từ khi được phân công ra đảo, sống cùng đồng đội, niềm tự hào trong anh cứ lặng lẽ lớn dần. “Hai con gái, cháu lớn học lớp 3, cháu nhỏ mới 4 tuổi, tôi đều không có mặt lúc con chào đời. Năm nay, hay tin tôi vẫn còn ở lại với đảo, vợ tôi chia sẻ rằng cũng có một chút buồn, song cô ấy và các con tự hào vì có một người chồng, người cha đang cống hiến ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc của mình, vơi bớt những nhớ thương”, Thiếu tá Thảo tâm sự.

suc song o truong sa
Duyệt đội hình ở Trường Sa

Ở đảo chìm Đá Lớn C, tôi được nghe một câu chuyện đầy xúc động từ một chiến sĩ trẻ. Em tên Đông, quê ở Nghệ An, chỉ mới tròn 19 tuổi. Bố Đông mất trước ngày chàng trai trẻ lên đường đi nghĩa vụ quân sự. “Nguyện vọng lớn nhất của bố là em được vào quân đội. Đến khi em nhận được thông báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thì bố em bệnh và mất. Lo tang cho bố xong, em lên đường, may mắn được vào Vùng 4, làm lính hải quân, được ra Trường Sa. Em nhớ bố. Nếu còn sống, chắc hẳn bố sẽ vui lắm khi biết con trai mình là người lính giữ đảo, giữ biển cho đất nước”, Đông kể.

Màu xanh trên đảo

Giữa trùng khơi, đảo Sinh Tồn khoác lên mình màu xanh cây cỏ dù nắng quắt quay vốn chỉ có ở Trường Sa. Có màu xanh là có dáng hình quê hương. Cả đoàn chúng tôi vốn mệt nhoài sau nhiều ngày lênh đênh trên biển lập tức xôn xao khi bắt gặp một khoảng xanh hiện ra giữa mênh mông biển cả. Những cây tra, cây phong ba, cây bàng vuông rợp mát đảo nhỏ. Có cả một cây chanh thuộc vào hàng “cổ thụ” mà lính đảo khoe rằng đơm trái luôn luôn, đỡ biết bao nhiêu những thiếu thốn “chất chua” ở đảo.

suc song o truong sa
Thiếu tá Trần Duy Thảo, Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1 ở đảo Phan Vinh

Y sĩ Phùng Văn Hoàn, người đã có 2 năm ăn tết ở đảo kể nhiều về những cây xanh ở đảo. Nghe anh kể mà tôi có cảm giác như ký thác cả một niềm biết ơn. Cây che gió cát, chắn những mưa nắng, bão giông, giữ nước và hơn hết là cả một khoảng xanh mát để bao người an trú. Bây giờ, ở đảo có đủ loại hoa, từ phong lan, hoa giấy, đến hoa súng, hoa sứ, cúc, mười giờ, được người dân và chiến sĩ chăm bẵm, nâng niu. Màu xanh là màu của sự sống. Tôi đứng dưới tán những cây tra, nhìn dáng thế cũng đủ đoán định được bao sóng gió đã tạc thành cái bóng mát đầy vững chãi ấy. Mà đâu chỉ cây trái, ở đảo, con người cũng đầy khao khát chứng tỏ sức sống bền bỉ của mình với biển. Lũ trẻ con ở đảo cứ hồn nhiên và sáng trong, tuyệt nhiên chẳng thấy một chút tư lự nào.

Anh Doãn Thế Hiển, chủ một hộ gia đình ở đảo nói, vốn là dân biển, nên cuộc sống ở nơi này cũng chẳng khác mấy so với đất liền. Nhà nào cũng tự túc được một vườn rau xanh, đánh cá ăn, dư thì mang cho bộ đội. Đổi lại, bộ đội cũng cho khi thì đồ hộp, khi thì ít thịt. Tôi nhìn những đứa trẻ đang mải mê chơi ngay bên cạnh tấm lưới đánh cá của người cha, nghĩ tới những sóng gió đã tưới tắm cuộc đời chúng từ lúc chào đời, hẳn sẽ thổi vào chúng một sức sống bền bỉ như chính những cây tra, cây phong ba, bàng vuông trên đảo. Cha mẹ chúng cũng nương nhờ những bình an cùng biển, gửi gắm những mong chờ và biết ơn. Biển làm bạn, họ nương nhờ người bạn đặc biệt đó mà sống, mà chăm bẵm cho những đứa con trong sự chở che của đảo. Sự chở che đó có bóng hình Tổ quốc.

Trung tá Nguyễn Văn Quang - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn - nói, những ngày này, cứ thấy tàu là thấy Tết, sẽ là lễ chào cờ đầu năm đầy trang nghiêm trên đảo, là một nồi bánh chưng dành cho tất cả chiến sĩ và cư dân, một đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” lúc giao thừa..., đầm ấm, thân tình của một cái Tết cổ truyền.

suc song o truong sa
Trẻ em đi học ở Trường Sa

Đi qua khắp các đảo nổi, đảo chìm, khốn khó thật đấy, nhưng tôi chưa hề nghe thấy một lời thở than. Như cái cách mà rau trái ở nơi này đã xanh mướt đấy thôi, Trường Sa chắt chiu từng hạt đất gửi từ đất liền, từng chút nước ngọt, ân cần và tận tụy. Trung tá Quang nói, năm 2019, đảo tăng gia được hơn 10 tấn rau xanh, chiết hơn 900 cây, trồng mới 500 cây xanh trên đảo. Thật là một kỳ tích.

Làm lính Trường Sa, giữa gian khổ chất chồng, ngoại bang chực chờ với bao hung hiểm thủ đoạn, chưa kể những cuồng nộ của đất trời mùa mưa bão, lòng người phải vững mới mong trụ được giữa bốn bề gian khó. Hiện diện ở đó, họ còn là điểm tựa của ngàn vạn ngư dân. Cơn bão số 6 năm qua, 79 tàu cá với 727 ngư dân được đưa vào đảo Sinh Tồn tránh trú an toàn. Hàng trăm ngư dân được cấp thuốc. Có ngư dân được mổ cấp cứu ngay trên đảo, vượt qua lằn ranh sinh tử của cuộc đời mình...

Tôi gửi lời động viên những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Bao câu chuyện riêng chung, bao nỗi lòng làm sao có thể sẻ chia hết cùng người trong cuộc. Họ vẫn vững vàng, mạnh mẽ như những cây tra, cây bàng vuông, cây phong ba đã sinh tồn giữa bão giông Trường Sa. Hằn khắc trong tôi là sự rắn rỏi, cương nghị trên từng gương mặt, nhưng cũng chính những gương mặt đó, lại có thể bất ngờ là một chàng lính nghêu ngao hát dưới cột mốc chủ quyền đêm văn nghệ, hay là cái tên thi sĩ trên những tờ báo tường. Mọi gian khó được xếp lại, để vui vầy với nơi họ đang sống, thật an lành...

Đi cùng với tôi có rất nhiều những gương mặt tân binh. Họ chắc cũng sẽ cất giữ cho mình một khoảng trời riêng, một câu chuyện riêng. Bao nắng gió, bão bùng rồi sẽ tôi rèn cho người lính, để niềm tin không tắt, để Tổ quốc luôn hiện hữu ở đây, vững vàng như cách mà bao thế hệ người lính hải quân đã sống và chiến đấu ở Trường Sa.

Kiều Công