Sửa Nghị định 24/2012: Có cần thiết thành lập sàn giao dịch vàng?

08:50 | 27/02/2024

3,263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù đánh giá việc thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, đây không phải mục tiêu chính trong sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP...

Theo đó, xoay quanh vấn đề sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, để giải quyết bài toán bình thường thị trường vàng trước những bất ổn của chính sách đã và đang tồn tại, không ít ý kiến đề xuất, cần xóa bỏ thế độc quyền kinh doanh vàng miếng và lập sàn giao dịch vàng.

Sửa Nghị định 24/2012: Có cần thiết thành lập sàn giao dịch vàng? | DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT
Thành lập sàn kinh doanh vàng là một trong những đề xuất trong sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để bình thường thị trường vàng - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, câu chuyện thành lập sàn giao dịch vàng đã được đề cập từ nhiều năm trở lại đây, nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn còn “bỏ ngỏ”. Vì vậy, quá trình sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, một số ý kiến cho rằng, thay vì phải mua bán vàng vật chất như hiện nay, nên thành lập sở giao dịch vàng, từ đó người nắm giữ vàng có thể mang lưu ký vàng ở những đơn vị được phép, mở tài khoản giao dịch và thực hiện mua bán trên đó. Sở giao dịch vàng sẽ chuẩn hóa thị trường vàng, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh vàng. Khi có sàn giao dịch vàng hoạt động, thị trường sẽ phát triển minh bạch hơn, văn minh hơn.

Theo chuyên gia, khi Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý, không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không?… Vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế. Vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.

Như vậy, khi trong giai đoạn nhiều người cần vàng, nhưng vàng nằm trên thị trường, thì lưu thông mua bán được, không phải ngay lập tức mua vàng thế giới về đúc thành miếng rồi bán, vẫn có vàng để bán trên thị trường. Công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi. Đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời.

Đặc biệt, về liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới, nếu có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.

Sửa Nghị định 24/2012: Có cần thiết thành lập sàn giao dịch vàng? | DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, đề xuất này cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi không phải mục tiêu chính của sửa đổi chính sách - Ảnh minh họa: ITN

Trước vấn đề đã nêu, mặc dù đánh giá việc thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, đây không phải mục tiêu chính trong sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Việc này cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, thận trọng, tránh tái lập tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Nhìn nhận xoay quanh nội dung này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, đề xuất lập sàn giao dịch vàng là giải pháp không thực sự cần thiết. Có 4 lý do chủ yếu để cho thấy không cần thiết.

Thứ nhất, đó là hiện nay chủ yếu người dân giao dịch vàng thông qua vàng tài khoản, chứ không phải giao dịch trên một sàn tương tự như một chợ; Thứ hai, nếu chúng ta mở sàn giao dịch vàng, vô hình trung lại kích cầu về thị trường vàng, khi ấy lại đi ngược lại chủ trương chống “vàng hóa” trong nền kinh tế mà chúng ta đã duy trì được từ hơn chục năm qua;

Thứ ba, việc lập sàn giao dịch vàng cũng sẽ đi ngược lại xu hướng chuyển đổi số, tiến đến số hóa nền kinh tế. Đó là chúng ta hiện nay đang muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy giao dịch điện tử nhiều hơn thay vì chúng ta chỉ chăm chú đến xây dựng sao cho để có một cái sàn giao dịch;

Cuối cùng, xu hướng chung của thế giới hiện nay cũng không theo hướng lập sàn giao dịch vàng nữa. Trước kia, Ấn Độ, Trung Quốc cũng lập sàn giao dịch vàng và hiện vẫn đang duy trì, nhưng họ cũng chuyển dịch theo hướng khuyến khích giao dịch bằng vàng tài khoản nhiều hơn, cái này đưa đến hiệu ứng tích cực là khuyến khích giao dịch không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính, thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, nhưng không phải mục tiêu chính.

“Vấn đề là chúng ta phải chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường vàng, như một phần của hoạt động tài chính tiền tệ. Từ đó, làm sao cho việc quản lý vàng vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Nhà nước, là tránh vàng hóa nền kinh tế, tránh đưa vàng vào một loạt tiền tệ trong thị trường; đồng thời đảm bảo yêu cầu sản xuất, sử dụng vàng trong dân. Từ đó, tạo ra thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Đây là mục tiêu chúng ta cần hướng tới, thay vì chỉ đơn thuần lập sàn giao dịch vàng”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Đồng thời cho rằng, thị trường vàng cũng cần hướng đến việc làm cho hoạt động mua bán, sản xuất, kinh doanh vàng theo hướng của thế giới. Tức là, chúng ta có hoạt động kinh doanh, mua bán dựa trên chứng chỉ mang tính quốc tế, từ đó, giảm thiểu tối đa việc sử dụng vàng trong thực tế…

Liên quan đến đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng khi sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng đặt vấn đề, liệu có cần thiết mở sàn giao dịch vàng quốc gia hay không? Điều đó có ích lợi gì cho người dân và nền kinh tế?

Theo ông Hiển, hơn 10 năm qua Nhà nước đã xem như thành công trong việc kiểm soát, dẹp các sàn vàng chui và chính sách “vàng hóa” trên thị trường.

“Sàn vàng ở một góc độ nào đó có thể giúp cho Nhà nước tăng thu được thuế, nhưng có nhiều hoạt động khác góp phần tăng thu tốt hơn như đua ngựa, cá cược bóng đá… Do đó xét về góc độ kinh tế chung của Việt Nam thì không phù hợp để thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Vàng là tài sản, không phải phương tiện lưu thông như tiền!

Vàng là tài sản, không phải phương tiện lưu thông như tiền!

“Vàng hiện được cất giữ trong dân mang bản chất như mọi tải sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền” – TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu quan điểm.