Sửa điện trong mùa mưa bão

07:00 | 24/06/2014

787 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia (TT KTTV QG), mùa mưa bão (từ tháng 5 đến tháng 10) năm nay sẽ diễn biến phức tạp. Liên tiếp trong tháng 5 và đầu tháng 6/2014, Hà Nội đã phải hứng chịu hai cơn giông kèm theo gió lốc và mưa lớn khiến nhiều cây xanh gãy đổ, gây hỏng hóc nhiều đường dây và trạm biến áp gây mất điện trên diện rộng. Để giảm thiểu tai nạn về điện trong mùa mưa bão, trong suốt tháng 5 vừa qua, 29 đơn vị trực thuộc EVN Hà Nội đã thực hiện diễn tập các tình huống thực tế xử lý sự cố về điện trong các khu dân cư và các đường dây cao thế.

Năng lượng Mới số 332

Đối với người thợ điện, mùa mưa bão là thời gian bận bịu nhất với những đợt ứng trực dài ngày. Mỗi khi có tin báo bão hoặc mưa lớn, người thợ điện thủ đô lại lặng lẽ đến phòng sự cố đường dây, đội trực điều độ, trạm biến áp… để chuẩn bị sẵn sàng xử lý các sự cố về điện.

Ngay từ đầu năm 2014, TT KTTV QG đã đưa ra cảnh bảo về diễn biến bất thường của thời tiết. Trong đó, hiện tượng La nina (hoạt động trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương) chuyển về pha trung tính và đã ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2014. Trạng thái khí hậu này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới thời tiết các tỉnh thành phố phía bắc trong những tháng đầu mùa hè. Sau đó sẽ chuyển dần sang El-nino trong những tháng cuối mùa hè. Chính vì vậy, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện sớm trên Biển Đông, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp.

Xử lý sự cố vỡ sứ trên đường dây 110kV

Vừa qua, Công ty Điện lực Đống Đa đã giả định tình huống trung tâm thành phố Hà Nội phải hứng chịu cơn bão với gió giật cấp 8 đến cấp 10. Sức gió mạnh, kèm theo mưa to làm đổ cây cối nhà cửa, một mảng mái tôn bị bốc cao, bay vào làm đứt đường trục hạ thế của TBA Vĩnh Hồ 7 gây chập, cháy, mất điện trong khu vực. Trước tình thế cấp bách, để khắc phục sự cố gây mất điện trên diện rộng các đội xử lý sự cố trong khu vực đã khẩn trương nhập cuộc để khắc phục nhanh, cấp điện cho nhân dân trên địa bàn. Đội xử lý sự cố Điện lực Đống Đa đã thực hiện cắt điện trục chính, hạ miếng tôn, sửa chữa TBA trong suốt 3 giờ. Các hỏng hóc của gây ra do sự cố đã được khẩn trương xử lý, TBA Vĩnh Hồ 7 đã được khắc phục, hoàn tất đấu nối và cấp điện an toàn trở lại. Cán bộ, nhân viên điện lực đã đảm bảo an toàn cho người dân trong suốt quá trình thi công, sửa chữa.

Anh Nguyễn Hồng Phong, Đội điều độ điện lực Đống Đa cho biết: “Diễn tập sửa chữa trên lưới điện mô phỏng đúng như trong thực tế. Mỗi khi xảy ra sự cố, chúng tôi đều phải thực hiện xử lý “nóng” trong đêm, ngay khi trời mưa lớn. Bởi vậy luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì ánh sáng hạn chế, cây xanh có thể gãy đổ bất ngờ dẫn đến đứt đường dây, gây rò hoặc phóng điện vào chính đội sửa chữa. Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân người thợ điện cùng nhân dân trong khu vực thì anh em phải phối hợp tốt từ khâu chỉ huy, chỉ đạo của các cấp xuống các Đội quản lý điện. Từ đó, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên điện lực được nâng cao, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có lụt bão gây sự cố”.

Hà Nội là một trong 2 thành phố lớn có nhiều đường dây cao thế từ 35KV đến 110kV nằm trong và ngoài khu dân cư. Các đường dây cao thế thường hay xảy ra sự cố bị sét đánh trong cơn bão, mưa giông gây cháy nổ, làm gián đoạn cấp điện cho đường dây và TBA. Điển hình là cơn mưa lớn kèm giông, lốc và sét vào ngày 4-6 đã quật đổ nhiều cây cối, nhiều cây đổ vào trạm điện, nhiều cành cây gãy văng vào đường dây gây ra sự cố lưới điện. Ở một số tuyến đường dây 110kV làm gián đoạn việc cung cấp điện cho một số khu vực tại các quận trung tâm Hà Nội. Chính vì vậy, Công ty Lưới điện Cao thế Hà Nội (LĐCT Hà Nội) đã diễn tập xử lý tình huống giông sét đánh xuống cột điện gây sự cố mất điện tuyến đường dây 110kV Ba La cấp điện cho trạm biến áp 110kV Vân Đình.

Sửa điện ở khu dân cư

Tình huống diễn tập diễn ra rất sát với thực tế, bắt đầu từ tổ trực sự cố của công ty nhận được thông tin từ Trung tâm Điều độ (B1) báo đường dây 110kV xảy ra sự cố (vị trí khoảng 20km tính từ đầu nguồn). Sau khi nhận được thông tin, ca trực gồm 6 người đã khẩn trương thông báo cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, huy động các nhóm công tác kiểm tra tuyến đường dây tìm điểm sự cố. Đội kiểm tra đường dây phát hiện tại cột 108 bị sét đánh vỡ 1 bát sứ và thông báo cho kíp trực sự cố báo cáo với Điều độ để tiến hành giao nhận đường dây, khắc phục sửa chữa “nóng” trên lưới điện, đảm bảo lưới điện vẫn liên tục vận hành.

Ông Hoàng Đăng Ninh - Phó giám đốc Công ty LĐCT Hà Nội, người trực tiếp chỉ huy diễn tập khẳng định, nắm bắt tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, khó lường công ty đã lập kế hoạch triển khai công tác PCLB ngay từ đầu năm. Khác với sự phức tạp khi xử lý sự cố điện trong khu vực dân cư, sự cố trên đường dây cao thế luôn tiềm ẩn nguy cơ chết người. Mưa, bão khiến độ ẩm không khí tăng cao, nhiều cành cây, mảnh tôn có thể bay lên đường dây cao thế dễ gây chập, phóng hồ quang điện. Chính vì vậy các đội xử lý sự cố của Công ty LĐCT Hà Nội luôn thực hiện tiêu lệnh 4 tại chỗ gồm bám sát với diễn biến thời tiết thực tế, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị và phối hợp chặt chẽ trong quá trình xử lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và thiết bị…

Có thể nói, để xử lý các sự cố về điện trong mùa mưa bão là cực kỳ phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Người thợ điện luôn nằm lòng điều đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực xảy ra sự cố về điện rồi mới đến chính bản thân mình. Bởi hơn ai hết chính các anh là người hiểu rõ nhất về những nguy hiểm và tác hại đối với con người khi xảy ra tai nạn điện giật.

Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc nhận định:

Năm 2014, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông khoảng 9-10 cơn. Trong toàn mùa mưa, bão, lũ năm 2014 có khoảng 3 đến 4 cơn bão hoặc ATNĐ ảnh hưởng tới khu vực Đông Bắc.

Cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc bão, ATNĐ ảnh hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn.

Thành Công