Sử dụng đèn LED cho vườn trồng hoa cúc Đà Lạt: Giảm đáng kể tiêu thụ điện

08:55 | 10/07/2018

1,277 lượt xem
|
Khảo sát và đánh giá cho thấy, mô hình sử dụng đèn LED thắp sáng cho vườn hoa cúc ở Lâm Đồng theo mô hình Esco giúp giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ, chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng hoa. Phát huy hiệu quả mô hình, trong quý III năm 2018, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) triển khai Đề án "Hỗ trợ nông dân sử dụng đèn LED chong hoa cúc" tại đây.
Sử dụng đèn LED cho vườn trồng hoa cúc Đà Lạt: Giảm đáng kể tiêu thụ điện
Khảo sát vườn trồng hoa cúc sử dụng đèn Led tại phường 12, thành phố Đà Lạt

Giảm đến 75% chi phí điện

Nông dân trồng hoa cúc ở khu vực Thái Phiên, Trại Mát (thành phố Đà Lạt) từ lâu đã thực hiện phương pháp chiếu sáng cho hoa bằng bóng compact. Khảo sát cho thấy, nếu sử dụng đèn LED, lượng điện tiêu thụ sẽ giảm đi đáng kể so với bóng compact.

Gia đình ông Nguyễn Hoàng Thành, làng hoa Thái Phiên, một vụ trồng hoa cúc sử dụng đèn LED trên diện tích 1.000m², lắp đặt mới 120 bóng đèn LED loại 10W, khoảng cách giữa các bóng đèn là 3x3m, mỗi bóng đèn được ráp thêm chóa phản quang, một rơle và bộ hẹn giờ tự động với chu kỳ 15 phút sáng và 15 phút tắt; thời gian chiếu sáng 6 giờ/đêm. Kết quả sau một vụ mùa sản xuất hoa cúc, gia đình đã giảm chi phí tiền điện chiếu sáng trên cùng diện tích từ 1,2 - 1,3 triệu đồng khi sử dụng đèn compact xuống còn 300 - 500 ngàn đồng khi sử dụng đèn LED. Đặc biệt, chiều cao của cây cao từ 1,2 - 1,3m và màu sắc, kích thước của đóa hoa đều đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đặt ra.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng), tổng số lượng đèn compact loại 20W trên vùng chuyên canh hoa cúc Đà Lạt hiện có khoảng 2,5 triệu bóng, với mỗi vụ 90 ngày sản xuất, có 30 ngày chiếu sáng, chiếu sáng 8 giờ ban đêm, tổng điện năng tiêu thụ khoảng 12 triệu kWh. Với giá điện trung bình 2.000 đồng/kWh, thì mỗi vụ sản xuất hoa cúc, nông dân Đà Lạt phải chi trả 24 tỷ đồng tiền điện. Nếu thay thế tất cả từ bóng đèn compact loại 20W sang bóng đèn LED loại 5W, thì mỗi vụ sản xuất, tổng chi phí tiền điện sẽ giảm xuống 4 lần, chỉ còn 6 tỷ đồng.

Cần nhân rộng mô hình

Theo ông Nguyễn Thế Nhuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), ưu điểm vượt trội của đèn LED là có dải quang phổ hẹp, cây có thể hấp thụ hầu hết lượng điện năng ánh sáng phát ra. Do cấu tạo bằng các chất liệu kim loại và plastic, nên đèn LED chịu lực tác động khá tốt, không bị nứt, bể khi trời mưa hoặc khi nhiệt độ thay đổi đột ngột như các bóng đèn khác có vỏ bằng thủy tinh.

Chuyển sang sử dụng bóng đèn LED, thay thế đèn compact để tiết kiệm điện đang được các nhà vườn trồng hoa ở Đà Lạt áp dụng, tuy đầu tư ban đầu là khá lớn nhưng về lâu dài thì hiệu quả tiết kiệm vài chục lần so với đèn compact.

Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVN SPC - cho biết: Ngay trong quý III năm 2018, EVN SPC đã triển khai Đề án Hỗ trợ nông dân sử dụng đèn Led chong hoa cúc tại Lâm Đồng. Đây vừa là giải pháp tiết kiệm điện rất cao, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Việc triển khai rộng đề án cũng sẽ nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện của các hộ sản xuất hoa cúc nói riêng và người dân Lâm Đồng nói chung.

Theo các chuyên gia, đèn LED có độ bền sử dụng từ 10 - 15 năm, trong khi đó, đèn compact chỉ có "tuổi thọ" tối đa từ 3 - 5 năm.

Báo Công thương

  • el-2024