"Sốt" đất hầm hập: Ngân hàng "đổ tiền" vào bất động sản ra sao?

18:37 | 01/04/2021

133 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh "sốt" đất từ Bắc vào Nam, tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản đã vượt tín dụng chung của nền kinh tế. Một số ngân hàng đang có tỷ trọng cho vay bất động sản khá cao.

Tăng trưởng cho vay bất động sản vượt tín dụng chung

Mấy tháng trở lại đây, thị trường bất động sản còn "nóng" hơn cả thị trường chứng khoán dù chỉ số VN-Index đang chinh phục lại mốc lịch sử quan trọng 1.200 điểm. Hòa Bình, Hòa Lạc, Đông Anh, Đà Nẵng… trở thành những địa điểm được nhắc tới nhiều khi giá đất tăng cục bộ, có nơi tăng 3-4 lần chỉ sau vài tháng.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tiền ở đâu chảy vào bất động sản góp phần "thổi giá" nhà đất? Nhiều người cho rằng nhiều nhà đầu tư chốt lời trên thị trường chứng khoán chuyển sang đất. Và một phần nữa, theo truyền thống, tiền có thể "chảy" ra từ hệ thống ngân hàng.

Sốt đất hầm hập: Ngân hàng đổ tiền vào bất động sản ra sao? - 1
Những ngày gần đây, thị trường bất động sản đang "nóng" trở lại.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra trong chiều 31/3 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã công bố số liệu của dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản trong 3 tháng đầu năm.

Cụ thể, đến 15/3, dư nợ cho vay bất động sản ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 2,04%). Tuy nhiên, ông Tú nhận định mức tăng 2,13% cũng không phải ở tất cả tổ chức tín dụng mà chỉ ở một vài đơn vị.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tín dụng bất động sản là một trong những lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát sát sao, chặt chẽ nhiều năm qua. Việc dịch chuyển giữa dòng vốn tiền tệ chạy sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến, quan tâm trong góc độ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Ông Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước thường xuyên kịp thời cảnh báo cho các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu bất ổn, rủi ro.

Ông Tú cho biết thêm, trước tình hình bất động sản có dấu hiệu "nóng", Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát và có cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng.

Cho vay bất động sản "nóng" sau 5 năm

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 5 năm, dư nợ cho vay bất động sản có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn thị trường.

Trong giai đoạn 2016-2020, cho vay bất động sản được "kìm cương" khá tốt. Dư nợ cho vay lĩnh vực này luôn thấp hơn tín dụng chung của nền kinh tế. Trong khi tăng trưởng tín dụng chung năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020 đạt 18,25%, 18,28%, 13,89%, 13,65% và 12,13% thì tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản lần lượt là 12,05%, 12%, 10%, 8,8% và 9,97%.

Sốt đất hầm hập: Ngân hàng đổ tiền vào bất động sản ra sao? - 2

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, dòng vốn đổ vào bất động sản chưa hẳn là những con số thống kê này. Dòng tiền thực chảy vào bất động sản có thể cao hơn những con số kể trên.

Trước đó, năm 2015 tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản đạt đỉnh, lên tới 28,03% (năm 2014 chỉ là 15,02%) dù tốc độ tăng chung của thị trường chỉ là 17,29%. Các số liệu cho thấy, dòng vốn chảy rất mạnh vào địa ốc.

Cũng trong năm 2015, ngay từ đầu năm, truyền thông đã dự báo về một "cơn sốt lớn" sắp xảy ra. Nhiều báo cáo cho thấy thị trường nhà đất cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã xuất hiện nhiều điểm tương đồng với năm 2007 - thời điểm giá nhà đất tăng vù vù.

Dự báo này nhanh chóng trở thành sự thật, bất động sản liên tục "nóng". Trong đó, cơn sốt lớn nhất tập trung ở Phú Quốc.

Cho vay bất động sản tại các ngân hàng ra sao?

Như Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã nói mức tăng cao chỉ nằm ở một vài đơn vị. Hiện tại, các ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 nên chưa rõ những gương mặt nào sẽ "đóng góp" nhiều nhất khiến lần đầu tiên tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản vượt tăng trưởng tín dụng chung toàn thị trường sau 5 năm.

Tuy nhiên, có thể điểm danh một vài ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay bất động sản cao vượt trội trong năm 2020.

Sốt đất hầm hập: Ngân hàng đổ tiền vào bất động sản ra sao? - 3
Lần đầu tiên tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản vượt tăng trưởng tín dụng chung toàn thị trường sau 5 năm (Ảnh minh họa).

Tại thời điểm 31/12/2020, dư nợ cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản của Techcombank tăng 81,2% (40.939 tỷ đồng) so với hồi cuối năm 2019, đạt 91.361 tỷ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của Techcombank năm 2020 thấp hơn khá nhiều, chỉ đạt 20,2%.

Nhưng 81,2% vẫn là con số khiêm tốn hơn rất nhiều so với đà đột phá của năm 2019. Năm 2019, dư nợ cho vay bất động sản tại ngân hàng này đạt tới 50.422 tỷ đồng, tăng 272% so với năm 2018. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chung 44,8%.

Dư nợ cho vay bất động sản tại Techcombank năm 2020 chiếm 32,92% tổng dư nợ ngân hàng. Tỷ lệ này năm 2019 là 21,85%.

Cổ đông Techcombank từng lo lắng ngân hàng "dựa" quá nhiều vào bất động sản. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank, cho biết, bất động sản là lĩnh vực được ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên từ 5 năm trước do có nhiều lợi thế và thực tế cũng đã phát triển nhanh trong những năm vừa qua.

Ngoài Techcombank, một vài đơn vị khác cũng đẩy mạnh cho vay nhà đất. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhận dư nợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 75,4% lên 9.395 tỷ đồng hồi cuối năm 2020. Còn chỉ tiêu cho vay khách hàng tại MB chỉ tăng 19,2%.

Tỷ trọng cho vay lĩnh vực nhà đất trên tổng dư nợ đến cuối năm 2020 đạt 2 chữ số có thể kể đến nữa gồm VPBank với gần 28.400 tỷ đồng (12,8% tổng dư nợ), MSB 9.020 tỷ đồng (chiếm 11,4%); Vietcapital Bank gần 5.700 tỷ đồng nhưng cũng chiếm 14,2% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ…

Theo Dân trí