Sống ở phố cổ Hà Nội: Nhà hộp diêm, giá cả trăm triệu đồng/m2 vẫn… khổ

14:51 | 13/09/2023

164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sống ở 53 Hàng Buồm - nơi chỉ cần đi bộ dăm bảy phút là ra đến Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân hay các con phố sầm uất bậc nhất Thủ đô, tuy nhiên ông Trần Sơn Thủy luôn khẳng định rằng nơi mình sống "rất khổ".
Người dân phố cổ Hà Nội: Vẫn ngóng chờ một cuộc sống “tử tế”Người dân phố cổ Hà Nội: Vẫn ngóng chờ một cuộc sống “tử tế”
Phố cổ Hà Nội: Cải tạo, xây mới như thế nào?Phố cổ Hà Nội: Cải tạo, xây mới như thế nào?
Khống chế chiều cao nhà phố cổKhống chế chiều cao nhà phố cổ

Từ 30 năm trước đã thấy nhà "không thể ở được"

Cái "khổ" mà ông Thủy nói thể hiện ở chỗ điều kiện ăn ở tồi tàn, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân luôn ở trong tình trạng "vừa ở, vừa run".

Khu tập thể ông Thủy cùng vợ là bà Trần Thị Quế đang sinh sống có tuổi đời trên 100 năm. Ông Thủy không phải là người được cấp nhà như nhiều hộ dân khác tại đây.

Lối dẫn vào khu tập thể nhà ông Thủy (Ảnh: Toàn Vũ).
Lối dẫn vào khu tập thể nhà ông Thủy (Ảnh: Toàn Vũ).

Ông kể: "Tôi là người gốc Đống Đa, lấy vợ là người phố Hàng Buồm này. Năm 1993, chúng tôi dành dụm mua được 1 căn hộ ở tầng 2, diện tích 20m2 (ngang 2m, sâu 10m). Giá mua xấp xỉ 10 cây vàng (khoảng 50 triệu đồng) thời điểm đó. Ngôi nhà nằm cuối dãy tầng 2, khu vực cửa ra vào khuất lối, bị chắn bởi bờ tường nên không đón được ánh sáng tự nhiên".

30 năm trước, 10 cây vàng là một tài sản vô cùng lớn với vợ chồng ông Thủy. Song vợ chồng ông vẫn chấp nhận mua căn nhà như thể "không thể ở được" này vì bà Quế vốn là người Hàng Buồm, không muốn di chuyển sang khu vực khác.

Hơn nữa, họ cũng thấy, ở phố trung tâm dễ làm ăn hơn nên vẫn chốt mua dù khi ấy căn nhà đã vô cùng cũ nát.

Hiện trạng tồi tàn khu vực tầng 1 của khu tập thể (Ảnh: Toàn Vũ).
Hiện trạng tồi tàn khu vực tầng 1 của khu tập thể (Ảnh: Toàn Vũ).

"Nhà lúc mới mua kinh khủng lắm. Tường mốc lở, bong tróc nham nhở. Những dãy cột gỗ trơ ra đen đúa đầy mối mọt. Dù ở tầng 2 nhưng nhà rất ẩm thấp, tối tăm, phải bật điện suốt ngày", ông Thủy kể.

Ông Thủy sau đó nhiều lần làm những cuộc "cách mạng" để tôn tạo, sửa chữa chỗ ở sao cho hợp lý nhất.

Người đàn ông này tận dụng từng centimet trong nhà, dựng gác xép, ốp tường nhựa, đổ nền bê-tông dày 2cm vì nền gỗ của căn nhà liên tục bị sụt theo năm tháng.

Ông Trần Sơn Thủy chia sẻ về quá trình sửa nhà (Ảnh: Toàn Vũ).
Ông Trần Sơn Thủy chia sẻ về quá trình sửa nhà (Ảnh: Toàn Vũ).

So với nhiều nhà trong khu tập thể tồi tàn này, nhà ông Thủy có lẽ là có thiết kế tối ưu nhất. Từ cửa bước vào là khu vực "phòng khách", nơi đây ông Thủy đặt 1 bộ bàn trà, 1 chiếc ghế sofa kiêm chức năng của giường cá nhân.

Ông Thủy ngăn khu vực phòng khách và bếp bằng một vách kính có cửa lùa. Phía sau vách kính ông kê 1 chiếc bàn nhỏ, treo trên tường 1 giá sách để giấy tờ và đồ linh tinh. Liền đó là chiếc máy giặt, tủ lạnh và chạn bát.

Ngồi trong phòng khách, ông Thủy chỉ ra ban công nơi duy nhất trong nhà có thể lọt vào chút ánh sáng tự nhiên: "Tôi phải tranh cướp mãi mới được tí ánh sáng đó chứ không người ta xây bít hết".

Ông cũng tự hào khoe, nhờ tính toán cẩn thận mà nơi ban công này ông chỉ cần kéo rèm lại là biến thành nhà tắm và khu vực đi vệ sinh nhẹ. Nếu có nhu cầu "cấp thiết hơn" thì phải xuống nhà vệ sinh chung dưới tầng 1.

Sống ở phố cổ Hà Nội: Nhà hộp diêm, giá cả trăm triệu đồng/m2 vẫn… khổ
Sống ở phố cổ Hà Nội: Nhà hộp diêm, giá cả trăm triệu đồng/m2 vẫn… khổ

Việc tạo được một góc nhỏ để tắm táp trong nhà theo ông Thủy đã là một điều tuyệt vời bởi các hộ khác trong khu tập thể đều phải sử dụng nhà tắm và nhà vệ sinh công cộng (Ảnh: Toàn Vũ).

Có nhà phố cổ vẫn phải đi thuê trọ

Gia đình ông Thủy có 4 người (vợ chồng ông và 1 con trai, 1 con gái). Để có đủ chỗ sinh hoạt cho 4 người, ông Thủy dựng thêm gác xép trong nhà.

"Gác xép được thiết kế tương tự như tầng 2 của một căn nhà. Nơi đây, tôi đặt một chiếc đệm lớn, phần diện tích còn lại, tôi trải manh chiếu nhỏ để hai vợ chồng làm hàng mã", ông Thủy nói.

Mỗi lần lên gác xép, các thành viên trong gia đình đều phải đi lom khom bởi nếu đứng thẳng thì đầu có thể sẽ chạm trần nhà.

Một trong những hạng mục đặc biệt nhất trong nhà có lẽ là khu vực thờ tự của gia đình. Vì nhà siêu nhỏ, nên ông Thủy treo 2 ban thờ lên kịch trần.

Hai ban thờ khá đồ sộ với nhiều bát hương, lễ vật trưng bày. Mỗi lần thắp hương, ông thả dây xích xuống, ngả thành lan can bằng sắt thay cho cầu nối để làm vị trí đứng hành lễ.

Khu vực ban thờ được ông Thủy thiết kế chắc chắn bởi ngay phía dưới là vị trí bàn trà, nơi gia đình hay ngồi xem ti vi, ăn uống, nghỉ ngơi (Ảnh: Toàn Vũ).
Khu vực ban thờ được ông Thủy thiết kế chắc chắn bởi ngay phía dưới là vị trí bàn trà, nơi gia đình hay ngồi xem ti vi, ăn uống, nghỉ ngơi (Ảnh: Toàn Vũ).

Quan sát từng ngóc ngách trong nhà ông Thủy, người ta có cảm giác, mỗi phần nhỏ diện tích đều được ông tận dụng tối đa.

Nhiều khu vực còn đảm nhiệm cùng lúc hai, ba chức năng khác nhau như phòng khách kiêm phòng ngủ, lan can kiêm cầu nối, bàn ăn kiêm bàn học, bếp nấu kiêm nhà tắm…

Tính toán đủ nhẽ là vậy nhưng căn nhà phố cổ này cũng chẳng thể đáp ứng được hết nhu cầu của gia đình ông, nhất là khi con cái đến tuổi lập gia đình.

Bà Quế chỉ khu vực thay quần áo bề ngang chỉ rộng khoảng 50cm.
Bà Quế chỉ khu vực thay quần áo bề ngang chỉ rộng khoảng 50cm.

Khoảng một năm trước, con trai ông Thủy cưới vợ. Con dâu của ông là người quê ở huyện Ba Vì. Vợ chồng ông dành riêng cho hai con phần không gian riêng trên tầng 2.

Con trai ông đã quen với nếp sống này nhiều năm. Tuy nhiên, cô con dâu thì có phần hơi bỡ ngỡ. Vậy nên, chỉ mấy ngày sau, cặp đôi đã quyết định ra ngoài thuê trọ. "Con trai tôi hộ khẩu vẫn ở đây nhưng thuê trọ nơi khác sống", bà Quế nói.

Vì cô con gái cũng đã lấy chồng nên hiện tại chỉ còn ông Thủy và bà Quế sống trong căn hộ đặc biệt này.

Khi được hỏi sao không chuyển đi nơi khác để gia đình được quây quần, ông Thủy trả lời: "Mấu chốt là do vấn đề kinh tế".

Ông Thủy vốn là một cán bộ trong ngành văn hóa. Tuy nhiên, năm 1990, ông xin nghỉ hưu sớm. Ông chuyển sang làm lao động tự do, hàng ngày cùng vợ nhận làm các mẫu hàng mã theo đơn đặt hàng.

"Thu nhập của chúng tôi chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trừ chi tiêu, điện nước đi thì số còn lại chẳng bao nhiêu", ông Thủy nói.

Trên nhiều trang web bất động sản, những căn hộ thuộc khu tập thể cũ ở phố Hàng Buồm, Hàng Lược, Hàng Vôi... như căn hộ của gia đình ông Thủy được rao bán với giá trên 100 triệu đồng/m2. Mức giá này hiện đắt ngang ngửa chung cư cao cấp mới, căn hộ hạng sang mới xây ở Hà Nội.

Bất chấp những hạn chế trong quá trình sử dụng như không có chỗ để xe, không có thang máy, không có nhà vệ sinh khép kín, đường điện nước không ổn định, lối đi nhỏ hẹp, hôi hám... thì vẫn có những người sẵn sàng bỏ tiền mua.

Ông Thủy thừa nhận, giá nhà ở đây chưa bao giờ hạ nhiệt và vẫn có người giao dịch mua căn hộ.

Theo tìm hiểu, khu tập thể nơi gia đình ông Thủy sinh sống là một trong những khu thuộc đề án giãn dân phố cổ. Tuy nhiên, có 2 luồng ý kiến xung quanh vấn đề này. Người muốn đi, kẻ lại muốn ở lại.

Nhiều người chấp nhận sống khổ vì ở các con phố trung tâm thuận tiện nhiều mặt (Ảnh: Toàn Vũ).
Nhiều người chấp nhận sống khổ vì ở các con phố trung tâm thuận tiện nhiều mặt (Ảnh: Toàn Vũ).

Theo ông Thủy, nhiều người không muốn rời đi vì sống ở khu này tiện đi lại, gần trung tâm, muốn mua gì có nấy, bước ba bước là ra đến Hồ Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân.

"Song chỉ có khoảng 30% như thế. Còn như tôi ngoài 60 tuổi và nhiều người nữa muốn đi nơi khác cho bớt khổ. Điều chúng tôi mong mỏi là Nhà nước có mức đền bù tương xứng để khi di chuyển ra chỗ ở mới, chúng tôi an tâm sinh sống", ông Thủy nói.

Bà Trần Thị Quế cũng bày tỏ, giá đất nhiều khu vực ngoại thành đã 70 - 80 triệu đồng/m2. Trong khi ở đây là phố cổ, đất vàng thì đương nhiên giá phải khác.

"Chẳng hạn như căn 20m2 nhà tôi, nếu ai mua hoặc được đền bù khoảng 3 tỷ đồng, chúng tôi sẵn sàng đi nơi khác", bà Quế nói.

Theo Dân trí