Số phận 9 “cụ” muỗm ở đền Voi Phục

06:14 | 16/05/2014

2,069 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với những người dân sống xung quanh đền Voi Phục (Thụy Khuê), hình ảnh những cây muỗm cổ, thân cây bạc phếch, sần sùi với tán lá rộng, rợp bóng cả vỉa hè đã trở nên quá quen thuộc. Thế nhưng, sau hơn 900 năm, trong cụm muỗm cổ được vinh danh là “Cây di sản” giờ đã chết khô, những tán cây rợp lá năm nào giờ chỉ còn là những cành khô, vẽ lên nền trời những hình thù nguệch ngoạc, méo mó…

Năng lượng Mới số 321

“Trùng cửu” chỉ còn 2

Nhắc đến đền Voi Phục, đa phần người dân Hà Nội chỉ biết đến ngôi đền có 2 con voi phủ phục ở cổng nằm trong công viên Thủ Lệ. Nhưng ít ai biết rằng, ở bên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cũng có một ngôi đền mang tên Voi Phục và cũng có 2 con voi đá phủ phục ngoài cổng. Trong ngôi đền này có 9 cây muỗm đại cổ thụ hơn 700-1.000 năm tuổi, gắn liền với việc xây dựng ngôi đền Voi Phục từ thời nhà Lý. Vào ngày 5-10-2010, đúng vào dịp Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) và thành phố Hà Nội đã gắn biển Cây di sản, 9 cây muỗm gần 1.000 năm tuổi ở đền Voi Phục là những cây đầu tiên.

Nghe những người già trông coi đền Voi Phục ở Thụy Khuê kể lại, thời điểm tôn vinh cây Di sản cho 9 “cụ” muỗm, khi dân trong phường mua 10 quả bóng bay và buộc bóng vào tấm vải đỏ phủ trên bia đá để khi cắt dây, bóng bay lên sẽ kéo theo tấm vải đỏ. Nhưng không ngờ khi buộc xong thì bỗng dưng nổ mất 1 quả, còn lại 9 quả, trùng hợp với số lượng 9 cây.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng ban Quản lý Di tích đền Voi Phục bên một gốc muỗm cổ nhưng thân đã chết khô từ lâu

Lớn lên ở phường Thụy Khuê, tuổi thơ của tôi gắn liền với 9 cây muỗm cổ trong đền Voi Phục. Hiếm có đứa trẻ nào sống ở quanh đền mà không biết đến 9 cây muỗm ở ngôi đền thờ Linh Lang đại vương, thân cây bạc phếch, tróc vỏ, to phải đến 2 vòng ôm. Thời chúng tôi còn nhỏ, thú vui của những đứa trẻ nhà nghèo là đuổi bắt nhau quanh những gốc muỗm già, nhặt quả muỗm rụng để ăn và để nghịch. Vốn quen thuộc với hình ảnh những cây muỗm cổ với tán lá rộng, rợp bóng cả sân đền, đầu năm nay, chúng tôi bàng hoàng khi nhận ra, cành lá sum suê, xanh mướt cả góc trời không còn, mà thay vào đó là những cành khô, hằn lên nền trời những hình thù nguệch ngoạc và méo mó…

Tìm đến Ban Quản lý Di tích đền Voi Phục, chúng tôi được ông Trưởng ban Nguyễn Văn Tùng cho biết, thông thường sau khi được công nhận là cây di sản có nghĩa là cây sẽ được bảo vệ, chăm sóc. Tuy vậy, chỉ chưa đầy 4 năm sau khi được gắn biển, 9 cây muỗm cổ đền Voi Phục hiện chỉ có 4 cây còn sống sót.

Dẫn chúng tôi ra thăm những “cụ” muỗm đã chết khô, ông Tùng bảo, cách đây hơn 2 năm, 2 cây đã có dấu hiệu bị nấm xâm hại, có sâu đục thân, cá biệt có cây đã bị ăn rỗng ruột đến mức người lớn có thể chui lọt. Sau khi cây chết vào tháng 8-2012, ông Tùng đã xin ý kiến của Công ty Công viên cây xanh và Sở Xây dựng cho phép được hạ cây xuống, tránh tình trạng cây chết khô, làm hỏng cảnh quan của ngôi đền cổ. Thế nhưng, mãi 3 tháng sau, hai “cụ” muỗm mới có giấy phép “được chết”, mặc cho mùa mưa bão, các cành khô của cây cổ thụ có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào, gây nguy hiểm cho những người thăm đền và cả cư dân sống xung quanh. Sau đó, Ban Quản lý đền Voi Phục đã trồng thay thế cây muỗm từ Hòa Bình, có độ tuổi khoảng hơn 40 năm, thân to khoảng 30-40cm và cao khoảng 5-6m để giữ gìn con số 9 “trùng cửu”. Ông Tùng cho hay, số tiền mua cây mới lên tới 40 triệu đồng, hoàn toàn do nhà đền kêu gọi đóng góp và vay mượn khắp nơi.

Đưa mắt nhìn về phía 3 cây muỗm chết khô, đứng trơ trọi ở góc đền, ông Tùng thở dài: “Ngày trước, từ trên cây rơi ra những con sâu to bằng ngón tay cái, màu trắng. Không chỉ vì sâu bệnh, qua bao nhiêu năm, còn thiếu chất dinh dưỡng vì đất ở đây quá cằn cỗi”.

Trong số cụm 7 cây còn lại thì 6 cây bị sâu đục thân và phải nhờ tới sự can thiệp và chữa trị của các chuyên gia về cây trồng. Ông Tùng cho biết, đầu năm 2013, khi phát hiện ra những dấu hiệu cây bị bệnh, ông có liên lạc với VACNE nhằm mục đích thông tin, yêu cầu sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Sau lời kêu cứu, VACNE có cử người xuống tận nơi, lấy mẫu nấm về kiểm tra và xem xét hiện trạng cây muỗm đang “nguy kịch” cạnh đền Mẫu. VACNE đã giới thiệu các chuyên gia từ Viện Lâm nghiệp Việt Nam tới chữa trị cho cây bằng hình thức phun thuốc từ trên cao. Khoảng giữa năm 2013, cây muỗm bệnh có tiến triển tươi tốt nhưng đến tháng 11-2013, 3 cây muỗm bị rụng lá và chết khô dần. Ông Tùng chua xót: “9 cây muỗm cổ thụ ở đây đã có gần 1.000 năm tuổi. Những cây còn xanh lá đang ngày một ít dần. Sau khi hạ bỏ 2 cây chết hồi cuối năm 2012, 1 năm sau đó, tháng 8-2013, chúng tôi lại mất đi thêm 3 cây nữa vì không chống chọi được lại với thời gian và sâu bệnh. Cây cứ rụng lá, chết khô dần. Tổng cộng 5 cây muỗm cổ đã không còn”.

Trong số 4 cây muỗm còn lại có 2 cây đang được các chuyên gia của Viện Lâm nghiệp Việt Nam cố công cứu chữa bằng cách bơm thuốc trực tiếp vào thân cây để tránh sâu bệnh và cung cấp thêm dưỡng chất để duy trì sự sống cho cây. Ông Tùng chia sẻ: “Theo các chuyên gia, phương pháp chữa bệnh cho 2 cây muỗm này là tiêm chứ không phun vì cây rất cao, nếu phun sẽ gây ô nhiễm không khí khu vực xung quanh. Tuy nhiên, chi phí chữa bệnh cho 6 “cụ” cây này lên tới khoảng 60 triệu đồng (10 triệu đồng/cây). Nhà đền không nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ nào, vì thế chúng tôi đang kêu gọi những người hảo tâm, quan tâm đến việc bảo tồn cây muỗm cổ đóng góp, chứ không có một quỹ hay tổ chức nào chịu bỏ tiền ra chữa trị và cứu cây cả”.

Hiện nay, do quá trình đô thị hóa, nhà cửa xây dựng nhiều, diện tích đền bị thu hẹp. Trong khuôn viên đền hiện chỉ có 5 cây, một cây nằm phía sau đền và một cây ở bên kia đường Thuỵ Khuê, cạnh giếng Ngọc (nay đã bị lấp). Ban Quản lý đền Voi Phục đã kiến nghị khôi phục lại giếng Ngọc để trả lại thế phong thủy cho ngôi đền. Chỉ tay về khu nhà dân đối diện cổng đền, ông Tùng cho biết: “Trước đây giếng Ngọc nằm ở đối diện đền, nơi ấy gọi là mắt của phượng hoàng, chúng tôi giữ gìn và trân trọng lắm. Những ngày tế lễ, các cụ trong đền thường lấy nước thánh ở giếng này để cung tiến thánh Linh Lang, nước giếng này càng sạch sẽ thì đền càng quang đãng, sáng sủa. Thế nhưng năm 1987, giếng Ngọc này cũng bị lấp mất…”.

Gắn bó với ngôi đền gần 30 năm, điều mà ông Tùng cũng như người dân Thụy Khuê mong muốn hiện nay là Nhà nước có cơ chế để bảo vệ những cây di sản như cụm muỗm cổ ở đền Voi Phục này. Cây gắn liền với di tích lịch sử, do đó, bảo vệ cây là bảo vệ di tích. Hiện nay, đền Voi Phục đang được tu sửa với kinh phí lên tới gần 20 tỉ đồng nhưng tiền để chữa bệnh cho cây thì không có nên vẫn phải vận động người dân ủng hộ.

Đại lâm mộc thiên tuế

Chỉ tay về phía những “cụ” muỗm đã chết khô, ông Trưởng ban Quản lý Di tích đền Voi Phục kể lại cho tôi những huyền tích về ngôi đền thờ đức thánh Linh Lang và câu chuyện của 9 “cụ” muỗm cổ.

Đền Voi Phục là một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long (nay là Hà Nội), trấn giữ phía tây thành. Ngoài cửa đền có đắp hai con voi quỳ phục dưới đất nên gọi đền là Voi Phục. Cũng có tích kể lại rằng, cái tên đền Voi Phục bắt nguồn từ câu chuyện vào đầu nhà Lê, theo phong thủy thì đền nằm trên con phượng hoàng, trên mình con phượng hoàng có một giếng ngọc. Khi đào giếng ngọc, người dân đã tìm thấy một đôi voi đang ở thế phủ phục. Từ đó đền có tên là đền Voi Phục và đôi voi đá hiện vẫn được đặt ở cửa đền đầy uy nghiêm.

Một trong ba cây muỗm chết khô trong khuôn viên đền Voi Phục (Thụy Khuê, Hà Nội)

Đền Voi Phục Thụy Khuê được dựng từ thời Lý thờ Linh Lang đại vương. Tương truyền hoàng tử Linh Lang được hạ sinh nhằm ngày 13 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (1030), là con của vua Lý Thái Tông và thứ phi Hạo Nương, tại một làng nhỏ thuộc phường Thụy Chương (nay là phường Thụy Khuê) ở ven hồ Dâm Đàm (tức hồ Tây). Ở tuổi thiếu niên, Linh Lang đã cùng trai tráng phường Thụy Chương chuyên cần luyện tập võ nghệ. Năm 14 tuổi, ngài đã có võ nghệ cao cường, theo vua cha đi đánh giặc Chiêm Thành, đuổi giặc tới thành Đồ Bàn (Quy Nhơn, Bình Định). Năm 1069, ngài theo anh là vua Lý Thánh Tông tiến quân về phía Nam Hải (Bến Hải, Quảng Trị) đánh bại quân Vĩnh Trinh.

Năm 1076-1077, trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Tống xâm lược, ngài chỉ huy một đạo thủy quân từ Vạn Xuân đánh ngược từ Vạn Xuân vào cụm phòng thủ của tướng Quách Quỳ nhà Tống trên sông Như Nguyệt, tiêu diệt nhiều quân địch buộc chúng phải rút lui. Trong trận quyết chiến này, hoàng tử Linh Lang đã chiến đấu rất mưu trí, ngoan cường đánh bại kẻ địch, nhưng đã anh dũng hy sinh.

Tiếc thương người anh hùng, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong cho Linh Lang là Linh Lang đại vương thượng đẳng thần (sắc phong cao nhất thời Lý), đồng thời truyền cho các làng xóm nơi Linh Lang đã ở, đã đóng quân hoặc đi qua đều phải lập đền thờ ngài, tất cả có 269 làng. Thụy Chương là nơi sinh ra đức thánh Linh Lang, nên ngay khi ông mất, nhân dân đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ. Sau đó một thời gian, làng Thủ Lệ, nơi Linh Lang từng ở cũng xây dựng một ngôi đền và đặt tên là Voi Phục, tục này gọi là “kết chạ” hay “giao hiếu” (nghĩa là nhiều làng cùng kết anh em để lập đền thờ cùng một người). Theo quy ước ngày xưa, ngôi đền nào cùng tên, cùng thờ một người thì ngôi đền xây sau sẽ phải nhỏ hơn ngôi xây trước. Chính vì vậy, quy mô ngôi đền Voi Phục ở Thủ Lệ nhỏ hơn so với đền Voi Phục ở Thụy Khuê.

Sau khi xây dựng xong đền, dân làng đã trồng 9 cây muỗm bao quanh ngôi đền và khu vườn, một cây cạnh giếng ngọc ngay trước đền. Giải thích về con số 9 này, ông Tùng cho biết: “Số 9 này được gọi là “trùng cửu”, tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy và trường tồn của ngôi đền thiêng. Theo quan niệm của người xưa, số 9 là con số của hạnh phúc, an lành và thuận lợi, biểu tượng cho sự vĩnh cửu, đẹp đẽ, sự viên mãn tròn đầy của trời và đất. Nhiều nơi cũng có cây hơn 1.000 năm tuổi, nhưng chỉ có 1-2 cây, hiếm nơi nào có quần thể 9 cây quý giá như ở đây”. Ông Tùng kể lại, thời ông còn nhỏ, nhìn từ trên cao, tán rộng lớn của 9 cây muỗm cổ thụ này như thể “cửu long tranh châu” (chín con rồng tranh ngọc). Viên ngọc chính là ngôi đền thờ Linh Lang đại vương, còn khi điểm chín gốc cây này lại với nhau thì tạo nên chữ Thần.

Cụ Hà Văn May là thủ từ giữ đền hơn 40 năm nay, mặc dù đã 94 tuổi những vẫn còn rất minh mẫn, những kỷ niệm gắn liền với 9 “cụ” muỗm cổ tại đền cụ đều nhớ như in. Cụ nhớ là vào năm 1985, có một đoàn chuyên gia của Việt Nam và chuyên gia người Pháp tìm vào đền Voi Phục Thụy Khuê để tìm hiểu về cây cổ thụ và nhờ ông tạo điều kiện để họ khảo sát.

Sau khi hỏi chuyện các cụ trong Ban Quản lý Di tích đền Voi Phục làm công tác khảo sát, đo đạc tán lá, thân cây, thậm chí, họ dùng máy khoan chọc thủng thân cây, các chuyên gia đã đưa ra kết luận: “Những cây muỗm trong đền có tuổi ít nhất là 700 năm, nhiều có thể đến gần 1.000 năm”. Lúc đó, một nhà khoa học nói với ông May: “Trong sử sách của Việt Nam thường nhắc đến việc các ngôi đền ở đây đều có trồng 9 cây cổ thụ, biểu tượng cho sự trường tồn, viên mãn, nhưng trong ngôi đền này tổng cộng chỉ có 8 cây, còn một cây chắc bị đốn hạ, hoặc chết rồi”. Nghe đến đây, ông May chợt reo lên và dẫn đoàn nghiên cứu chạy sang phía bên kia đường Thụy Khuê. Hóa ra, cây muỗm còn lại mọc chính giữa khu nhà cao tầng của dân và “trói” chặt cứng bởi những bức tường xung quanh.

Ông Tùng giảng giải: “Theo truyền thống của nước ta, mỗi khi dựng đền, đình hoặc chùa, bao giờ các cụ cũng trồng 9 cây, thường là đa, bồ đề, muỗm. Ở đền Voi Phục, các cụ lại chọn trồng 9 cây muỗm, vì đây là loại cây dễ sống, cho bóng mát và phù hợp với chất đất ở đây. Đền đã được dựng gần 1.000 năm, vì thế những cây muỗm ở đây cũng có số tuổi tương ứng”. 9 cây muỗm hiện vẫn còn đến ngày nay qua dáng cây, tán lá… đều có vẻ như có tuổi ngang với nhau. Trong đó, “cụ” to nhất là cây muỗm nằm ở phía trái đền, tuy nhiên, do sâu bệnh phá hoại, “cụ” đã bị chặt bỏ và được thay bằng cây muỗm mới. Cây muỗm này có chu vi thân lên tới 4,21 mét, đường kính 1,34 mét và cao tới 26 mét. Đặc biệt, đường kính tán cây này rộng tới 20 mét, che phủ một khoảng không rộng tới vài trăm mét vuông.

Kể từ ngày 9 “cụ” muỗm cổ được xác định thuộc hàng “đại cổ thụ” và có số tuổi có thể lên tới 1.000 năm, đền Voi Phục Thụy Khuê trở nên nổi tiếng và được đón rất nhiều đoàn khách đến thăm, trong đó chủ yếu là các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu về môi trường. Đặc biệt, vào khoảng năm 1994, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn một đoàn gồm 76 nhà khoa học trong và ngoài nước, giáo sư, tiến sĩ của Trường ĐH Quốc gia đến ngôi đền này để tham quan, nghiên cứu. Lúc này, Giáo sư Vượng đã đề nghị ông Tùng giới thiệu về lịch sử của ngôi đền, ông Tùng mỉm cười: “Tôi có nói với cả Giáo sư Vượng và các nhà khoa học khác rằng, về lịch sử thì tôi không nắm rõ bằng được các vị. Những gì tôi kể lại đây là những huyền tích mà dân gian truyền lại từ nhiều đời rồi”. Sau khi nghe ông Tùng kể lại chi tiết về những truyền thuyết xung quanh ngôi đền cổ và cụm 9 cây muỗm quanh đền, giáo sư thốt lên: “Những câu chuyện này thì kể cả những nhà sử học, những nhà văn cũng không biết hết được. Bác nhớ rõ và kể lại cho chúng tôi biết thế này thì quý quá! Bởi sử sách chỉ ghi lại 8 đời vua nhà Lý chứ không ghi chép cụ thể về con cháu các vị vua này”. Đồng thời, giáo sư cũng khẳng định ngôi đền này đã có tuổi gần 1.000 năm, dựng trước ngôi đền Voi Phục ở công viên Thủ Lệ. Theo giáo sư Vượng, nếu vườn muỗm này được trồng cùng lúc dựng đền, thì nó cũng có tuổi ngót ngàn năm rồi. Cuối buổi tham quan, Giáo sư Trần Quốc Vượng nói với những người cùng đoàn: “Tại sao Hà Nội có hai đền Voi Phục nhưng tôi lại đưa các vị sang đây? Đây mới là nơi thờ chính, là gốc và cũng bởi đây là nơi thánh Linh Lang được sinh ra và lớn lên”.

Gần 1.000 năm qua, 9 “cụ” muỗm xung quanh đền Voi Phục không chỉ làm nên sự uy nghiêm, trường tồn mà còn đem bóng mát cho ngôi đền cổ. Ông Tùng bảo: “Trong ngày hè những năm trước, khi các “cụ” muỗm còn đủ, sân đền không bao giờ có nắng xói bởi tán cây đan cài, rợp bóng cả khoảng sân đền. Đúng 12-13 giờ thì mới có chút nắng lọt qua kẽ lá. Những hôm nắng nóng đến hơn 40oC, trên tivi đưa tin người dân phải bỏ nhà ra khách sạn ở tránh nắng, mất điện nhiều nơi, song chúng tôi vẫn ngồi trong đền uống nước mà không cần đến quạt điện. Không biết ngoài đường nóng thế nào, nhưng chỉ cần bước chân vào cổng đền là đã thấy mát mẻ như ngồi trong điều hòa”.

Ông Tùng nhớ lại, khi 9 “cụ” muỗm ngàn tuổi này còn xanh tốt, năm nào quả cũng sai trĩu trịt, chín cây phải được hàng tấn. Hoa muỗm nở vào mùa xuân, có màu trắng muốt. Mỗi khi có cơn gió mạnh từ Hồ Tây thổi vào, hoa rụng trắng trời, phủ kín mái đền, sân đền, khuôn viên sau đền và nhà dân quanh đó. Ngày nào ông và các cụ trông giữ đền cũng quét được mấy bao tải hoa muỗm, cứ quét xong chỗ này, chỗ kia đã lại ngập lún bàn chân. Tháng 4, tháng 5 âm lịch là mùa muỗm chín, ông Tùng lại gọi những người nghèo quanh khu vực đến hái muỗm đem bán, họ hái muỗm ròng rã cả tháng trời mới hết. Những quả còn sót lại rụng xuống, gặp sân đất ẩm lại mọc thành cây con phủ kín mặt sân.

Trong số 9 cây muỗm, hiện có 2 cây nằm ngoài khuôn viên của đền. Một cây phía sau đền, nửa gốc ngoài ngõ, nửa gốc trong sân nhà dân và một cây phía bên kia đường Thụy Khuê. Trong đó, “cụ” muỗm phía bên kia đường Thụy Khuê hiện đang bị đóng khung bởi những bức tường, không hở một chút nào. Để đấu tranh sinh tồn, “cụ” muỗm phải vươn rất cao, vượt khỏi mái những ngôi nhà cao tầng. Theo ông Tùng, rất nhiều lần những hộ dân quanh đó đòi cưa cành để xây nhà, song ông cũng như chính quyền phường Thụy Khuê đều phản đối quyết liệt mới giữ được.

Ông Tùng kể lại, ở Hà Nội hiện nay chỉ còn đền Voi Phục Thụy Khuê và chùa Láng là còn đủ 9 cây muỗm, tuy nhiên, 9 cây muỗm ở chùa Láng chỉ có tuổi trên 300 năm, không thể sánh với tuổi của 9 “cụ” muỗm ở đây. Những đền, đình, chùa khác ở Hà Nội thường chỉ còn 2-3 cây muỗm đại cổ thụ mà thôi, như đền Quán Thánh (Ba Đình), được bảo vệ rất tốt, song hiện cũng chỉ còn 6 cây muỗm 300 tuổi.

Đưa những ngón tay nhăn nheo lần theo thân cây loang lở vì sâu bệnh và thời gian với tấm biển “Cây di sản”, cụ May buồn rười rượi: “Những người già như chúng tôi đã gắn bó với đền 30-40 năm nay và coi từng gốc cây, ngọn cỏ ở đền như người nhà. Vẫn biết là cây cối cũng giống như người, “cụ” muỗm không trường tồn được với thời gian, cũng có lúc bệnh tật rồi chết đi nhưng tôi vẫn tiếc quá. Nhìn các “cụ” chết dần, mình cũng có cảm giác như người thân trong gia đình mất đi, đau xót lắm. Nếu các “cụ” chết hết, có khi chúng tôi phải gỡ biển di sản này đi… ”.

Vương Tâm