Sổ liên lạc điện tử: Lợi thì có lợi …

18:06 | 18/10/2013

1,076 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu năm học, nỗi lo muôn thuở của bậc phụ huynh là các khoản đóng góp cho việc học của con. Bên cạnh các khoản đã thành “thông lệ”, vài năm gần đây việc triển khai sổ liên lạc điện tử được nhiều trường áp dụng.

Phí cao, chất lượng “ảo”

Sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) được thử nghiệm sớm nhất ở TP. HCM khoảng 5-6 năm trước. Theo đó, khi sử dụng dịch vụ này, hàng ngày vào giờ tan trường phụ huynh sẽ nhận được tin nhắn thông báo từ nhà trường qua tổng đài về tình hình của con mình trong thời gian ở trường. Hiện nay, mới có Hà Nội và TP.HCM là triển khai đại trà, còn tại các địa phương, sổ liên lạc điện tử gần như rất xa lạ...

Theo lí giải của nhà trường và Ban phụ huynh, với SLLĐT, bố mẹ sẽ được thường xuyên biết thông tin xem tinh thần thái độ học tập của con ra sao, chấp hành kỷ luật thế nào, ăn chậm hay nhanh, viết đẹp hay xấu…

Với mức phí trung bình từ 20-50.000 đồng/tháng, nhiều vị phụ huynh cho rằng số tiền này không quá đắt so với thông tin mà mình sẽ nhận được về tình hình của con ở trường. Phụ huynh được gợi ý, nếu muốn đăng ký dịch vụ này thì điền vào đơn tự nguyện đóng góp.

SLLĐT giúp phụ huynh nắm được thông tin học tập và sinh hoạt của con tại trường.

Nhưng đã thu thì thu luôn một thể, tiện cho việc nhập số điện thoại của phụ huynh vào hệ thống các phụ huynh đóng luôn cho cả năm học. Vị chi là từ 200 – 450.000 đồng cho SLLĐT cả năm học. Một lớp 50 cháu thu được số tiền từ 10-22 triệu đồng cho một năm.

Chị Quỳnh có con học ở một trường tiểu học ở Hà Nội bức xúc: “Đầu năm học, thấy cô giáo “hứa hẹn” SLLĐT sẽ là cầu nối thông tin giữa cô giáo và phụ huynh, mọi hoạt động của con ở lớp sẽ được cô thông báo cặn kẽ đến phụ huynh thông qua tin nhắn điện tử.

Hơn một tháng con đi học, hàng ngày chị đều nhận được tin nhắn với nội dung y chang: "Phụ huynh cho con học bài …, hoàn thành bài tập Tiếng Việt…, Toán… " hoặc thêm nữa là "Phụ huynh cho con mặc đồng phục", "Phụ huynh cho con đi học đúng giờ", "Phụ huynh soạn sách vở theo thời khóa biểu…"

Với những tin nhắn đó - theo chị là có cũng được, không có cũng chẳng sao. Những thông tin chị muốn biết như con ăn cơm ở lớp thế nào? Con viết chữ, học toán ra sao? Thái độ học tập ở lớp thế nào?… thì SLLĐT không đề cập.

Không được thu phí sử dụng SLLĐT quá cao

Trước tình hình thu phí sử dụng SLLĐT thiếu thống nhất giữa các trường, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường nếu thực hiện dịch vụ SLLĐT phải bảo đảm mức thu không quá 40.000 đồng/học sinh/tháng với từng gói dịch vụ.

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Kế hoạch Công nghệ thông tin - Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Hệ thống SLLĐT chủ yếu hoạt động dựa trên thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh chứ chưa phải là chủ trương bắt buộc của ngành.

Việc thu phí SLLĐT cũng được thực hiện theo hình thức thỏa thuận, tự nguyện giữa gia đình - nhà trường - doanh nghiệp. Bởi vậy, có tình trạng mỗi nơi một giá khác nhau.

Sự cố SLLĐT của trường tiểu học Hạ Đình khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.

Sở GD-ĐT Hà Nội không khuyến khích các nhà trường thu phí sử dụng SLLĐT dạng tin nhắn SMS (thông báo bằng tin nhắn vào điện thoại di động). Việc thu phí SLLĐT qua hình thức tin nhắn SMS thực hiện theo hình thức thỏa thuận, tự nguyện giữa gia đình - nhà trường - doanh nghiệp. 

Ông Cường cho biết: “Mức phí tối đa 40.000 đồng/HS/tháng theo ông Cường “đã tính toán đến việc học sinh mỗi ngày nhận được ít nhất 1 tin nhắn và hỗ trợ thêm nhà trường. Thực tế nhiều trường chỉ thu 20.000 đồng/HS/tháng với tần suất tin 1-2 tin nhắn/tuần”.

Tuy nhiên, mức trần thu phí 40.000 đồng mỗi tháng cũng là khá cao nếu so với mức thu nhập của người dân vùng nông thôn và đặc biệt khi mà học phí bậc tiểu học và trung học chỉ vài chục nghìn mỗi tháng. Trong khi đó, chất lượng của dịch vụ này vẫn còn bỏ ngỏ và vụ haker xâm nhập vào hệ thống sổ liên lạc điện tử của trường tiểu học Hạ Đình (Hà Nội) mới đây là một ví dụ điển hình.

Khánh An