Showbiz tháng 6: Buồn như "chấu cắn"!

15:39 | 27/06/2014

1,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Showbiz Việt những ngày tháng 6 dậy sóng, nhưng không phải vì một tác phẩm nghệ thuật hay một nghệ sĩ tầm cỡ nào đó xuất hiện mà là vì những chuyện phi nghệ thuật đã diễn ra. Đó lại là chuyện của nhạc tục và phim câu khách rẻ tiền bằng mác “18+”.

Năng lượng Mới số 334

1. Đầu tháng 6, nhạc sĩ Quốc Trung tuyên bố buộc hủy sô “Cầm tay mùa hè” vì nhiều lý do. Trong khi đó, sô diễn này đã bán vé, mọi kế hoạch đã được chuẩn bị từ trước đó và dự định diễn ra vào ngày 14-6. Quốc Trung và ê-kíp phải xin lỗi khán giả đã mua vé và trả tiền lại cho họ. Điều đó cho thấy việc hủy sô diễn ở mùa thứ 4 này là một quyết định khó khăn và là điều không mong muốn của nhạc sĩ Quốc Trung và êkip. Nhưng họ buộc vẫn phải hủy!

"Cầm tay mùa hè 4" của Quốc Trung bị huỷ

Quốc Trung cho biết, có một số lý do khách quan, chủ quan và cả những sai lầm cá nhân của anh trong khâu tổ chức. Nhưng theo tìm hiểu thì lý do chủ yếu nhất là vì sô diễn không bán được vé! “Cầm tay mùa hè” là chuỗi chương trình âm nhạc thường niên mang thương hiệu của nhạc sĩ Quốc Trung. Chương trình đã 3 năm gắn bó với khán giả thủ đô mỗi dịp hè đến và từng rất thành công với Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Trần, Uyên Linh… Có thể nói, đây là một chương trình có giá trị nghệ thuật hiếm hoi hiện nay! “Cầm tay mùa hè” năm nay gãy gánh giữa đường là điều đáng tiếc!

Hẳn nhiều người sẽ giải thích rằng: Tại trời mưa hay tại World Cup… Nhưng trong điều kiện, bối cảnh đó thì những gì không liên quan đến nghệ thuật, nếu không nói là phi nghệ thuật thì lại gây ồn ào, khiến được người ta chú ý, tìm xem.

2. Ở lĩnh vực ca nhạc, chuyện Yanbi và Mr.T viết lời ca từ tục tĩu, điển hình là ca khúc “Phiếu…”. Và điều đáng nói là, các ca khúc này lại được các trang mạng phổ biến chính thức như là những ca khúc nhạc trẻ chính thống khác. “Phiếu… 2” có ngôn ngữ dung tục, mô tả hành vi tình dục một các trần trụi hơn. Sốc ở chỗ là ca khúc này không phải tồn tại trong thế giới ngầm như nó vốn xuất hiện mà được các trang nghe nhạc mang ra phổ biến đến đại chúng!

Thật ra, ở các nước phương Tây cũng có chuyện đưa những ca khúc Underground (chủ yếu là các bài rap) lên mạng chính thức nhưng họ phải làm động tác tự lọc (tức “mute”) những đoạn có từ ngữ không phù hợp đi trước đó; hoặc là họ phải điều chỉnh ca từ cho phù hợp. Nhưng các trang mạng ở nước ta thì không làm điều đó trước khi phổ biến rộng đến công chúng nghe nhạc! Đó là một hành động đầu độc công chúng của những trang nghe nhạc thiếu ý thức, trách nhiệm. Rất may là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã vào cuộc kịp thời để xử lý, gỡ bỏ và phạt răn đe những trang mạng đó.

Hiện tại, những ca khúc có nội dung tục tĩu, phản cảm không phải là hiếm trong dòng chảy ngầm của âm nhạc Việt Nam. Vài gương mặt trẻ hiện nay cho rằng, dòng nhạc Underground tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng và ca sĩ hát với sự tự do, thoải mái. Nhưng đó chỉ là ngụy biện bởi không phải dòng nhạc Underground là tục mà sự tục tĩu đó xuất phát từ người viết chứ không liên quan đến chữ Underground.

Sự tồn tại của ca khúc “Phiếu…” cũng như nhiều ca khúc có lời tục tĩu khác cho thấy một trào lưu ăn sẵn và “làm bừa” của một bộ phận trong giới showbiz trẻ hiện nay. Họ lấy beat nhạc nước ngoài và chế lời tục tĩu để đưa lên mạng nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Đó chính là cách làm “đốt cháy” giai đoạn chứ không liên quan gì đến phong cách Underground. Và hành động đó phải trả giá bằng danh tiếng và danh dự của người làm nghệ thuật. Trước Yanbi, Mr.T cũng có trường hợp nhạc sĩ như thế. Đồng tiền và sự nổi tiếng đã và đang khiến một số gương mặt trẻ bị tê liệt trong chuyện học hỏi, sáng tạo nghệ thuật. Đó là một điều đáng tiếc!

3. Ở lĩnh vực phim ảnh, phim sitcom gắn mác “18+” mang tên “Căn hộ số 69” đang “làm mưa làm gió” trên mạng YouTube và các diễn đàn dù chỉ mới phát hành tập đầu tiên và nội dung không có gì ngoài hai chữ: “nhảm” và “tục”. Phim này gồm 25 tập xoay quanh mối quan hệ của ba nhân vật: Ngọc Thảo, Kỳ Nam và Sĩ Thanh trong căn phòng số 69. Phim đề cập tới những vấn đề về tình dục, sinh lý và tình yêu của những người trẻ tuổi sống ở thành thị. Và ngay từ tập đầu tiên vừa ra mắt ngày vài ngày, bộ phim đã thu hút hàng vạn lượt người xem. Ngay tập đầu đã xuất hiện nhiều hình ảnh “nóng” như khỏa thân, sờ bóp ngực... rất sống sượng, phản cảm.

"Căn hộ 69", Yanbi và Mr.T gây ồn ào vì nhảm nhí, dung tục

Thật ra, từ lâu nay trong phim Việt đã xuất hiện hàng loạt những cảnh nóng. Có thể nói cảnh nóng trong phim là chuyện không có gì đáng bàn, song cảnh nóng ấy có phục vụ cho nội dung gì của phim và có cần thiết xuất hiện hay không mới là vấn đề. Thực tế có nhiều phim đưa cảnh nóng vào chỉ để tạo tính tò mò cho người xem nhằm mục đích câu khách là chính. Những cảnh nóng đấy thường xuất hiện một cách đầy khiên cưỡng, được xử lý một cách vụng về, cả ý tưởng, bối cảnh đến bố cục, ánh sáng. Người ta gọi đó những cảnh nóng dung tục, phản cảm. Và những hình ảnh trong tập đầu của “Căn hộ số 69” cho thấy đó là những cảnh nóng thừa!

“Căn hộ số 69” không phải là bộ phim đầu tiên phát hành qua kênh YouTube ở Việt Nam. Rất nhiều phim ngắn khác đã được làm ra và chỉ phát hành trên kênh này trong thời gian qua. Xu hướng này thật ra đang bùng nổ, đơn giản vì nó đáp ứng được thị hiếu thích xem những bộ phim với thời lượng ngắn, nói về những đề tài nhạy cảm mà ở kênh chính thống không có được do không thể lọt qua được cửa kiểm duyệt. “18+”, hành động bạo lực là những đề tài như thế.

Chưa vội bàn đến chuyện nội dung của phim nhưng về mặt chất lượng nghệ thuật thì ngay trong tập đầu đã phản ánh quá nhiều; những cảnh diễn phản cảm, tình tiết nhảm đã phần nào cho thấy, đây chỉ là một phim câu khách bằng yếu tố sex. Không những thế, phim còn bị Cục Điện ảnh kết luận: Vi phạm nghiêm trọng Luật Điện ảnh, cụ thể là Điều 51 trong Luật Điện ảnh về Hành vi vi phạm trong phổ biến phim. Phim “Căn hộ số 69” hoàn toàn do cá nhân tự sản xuất mà không được cấp giấy phép, không có chức năng phổ biến phim nhưng vẫn phát hành phim trên trang YouTube.

Phim giới hạn độ tuổi khán giả dưới 18 tuổi, nhưng khi được trình chiếu trên YouTube thì rõ ràng không thể nào kiểm soát độ tuổi khán giả, như ở phòng vé. Đó chính là điều nguy hại nhất đối với khán giả từ những phim như “Căn hộ số 69”. Vì thế, nhà quản lý cần xem xét nghiêm túc các biện pháp để ngăn chặn những phim “sốc” nhưng lại dễ dàng qua cửa kiểm duyệt rồi tự do đến công chúng như thế. “Căn hộ số 69” là phim đầu tiên nhưng chắc chắn sẽ không phải là phim cuối cùng nếu không có biện pháp xử lý!

Năm nào cũng vậy, mùa mưa là mùa ảm đạm nhất của showbiz Việt. Ca sĩ, người thì nghỉ ngơi, người thì bay sô nước ngoài; các hãng sản xuất phim cũng lần lượt đóng máy làm hậu kỳ… Phải chăng đây cũng là lúc người của công chúng cần nhìn lại chính mình, về những gì đã làm cho nghệ thuật, về danh xưng “nghệ sĩ” mà công chúng ưu ái trao cho!

Trúc Vân