Sau tái cấu trúc Ant Group ra sao?

07:01 | 22/02/2021

244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tham vọng trở thành cầu nối giữa thế giới công nghệ và tài chính đang trở nên mờ mịt với Ant Group sau tái cấu trúc theo lệnh của chính quyền Bắc Kinh.

Vài tháng sau đợt chào bán cổ phiếu “bom tấn” lần đầu ra công chúng của công ty bị hoãn lại vào phút cuối, một số phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng Ant đã “bắt buộc” phải đồng ý với chính quyền để trở thành một công ty tài chính.

Ant Group sẽ trở thành một công ty tài chính sau tái cấu trúc.
Ant Group sẽ trở thành một công ty tài chính sau tái cấu trúc.

Mặc dù Ant đã từ chối bình luận về những chi tiết của thỏa thuận nào với các nhà chức trách trong tuần qua. Nhưng các báo cáo cho thấy, công ty giờ đây có thể phải tuân theo các quy tắc tương tự như các quy tắc yêu cầu của các ngân hàng truyền thống của Trung Quốc, một động thái có thể buộc họ phải “nguội lạnh” tham vọng trở thành một thế lực thống trị trong thế giới công nghệ.

Giới chuyên gia nhận định, đã có một số manh mối về số phận cuối cùng của Ant Group. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái đã vạch ra các biện pháp mới đối với các công ty tài chính yêu cầu họ phải nắm giữ "đủ vốn" tương ứng với số tài sản mà họ có, và một số biện pháp khác.

Ant Group bây giờ được xếp vào một trong những công ty đó, điều đó có nghĩa là họ sẽ phải tăng đáng kể lượng tiền mặt dự trữ, hoặc cắt giảm quy mô kinh doanh cho vay tiêu dùng của mình.

Theo bản cáo bạch IPO, Ant hiện nắm giữ khoảng 2,15 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 333 tỷ USD) cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ tính đến tháng 6 năm 2020. Để so sánh, hơn 4.000 ngân hàng thương mại ở Trung Quốc chỉ có tổng dư nợ cao gấp 6 lần như thế. Nhưng có điều, Ant chỉ có trong tay 16 tỷ nhân dân tệ (2,5 tỷ USD) vốn điều lệ.

Trong khi đó, Bắc Kinh yêu cầu các ngân hàng "quan trọng về mặt hệ thống", hoặc những ngân hàng được coi là lớn, phải có đủ tiền để trang trải ít nhất 11,5% tài sản có trọng số rủi ro của họ, một quy tắc được điều chỉnh từ một hướng dẫn ngân hàng quốc tế được sử dụng rộng rãi gọi là Hiệp ước Basel. Bảng cân đối kế toán của Ant không đạt được tỷ lệ đó.

Hãy nghe Jack Ma nói về Hiệp ước Basel trong một bài phát biểu vào tháng 10 năm ngoái: "Hiệp ước này giống như một câu lạc bộ dành cho người cao tuổi, những gì nó muốn giải quyết là vấn đề của hệ thống tài chính già cỗi đã hoạt động trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trong khi hệ thống tài chính của Trung Quốc là một "vị thành niên" được phục vụ tốt hơn bởi các công ty công nghệ sáng tạo, có thể đưa ngân hàng đến với những người nghèo và các doanh nghiệp nhỏ vốn bị hạn chế khỏi các ngân hàng truyền thống”.

Jack Ma ông chủ của Ant Group.
Jack Ma ông chủ của Ant Group.

Rõ ràng những chỉ trích này của Jack Ma đã có những động chạm cực lớn đến niềm tự hào của chính quyền Bắc Kinh. Và chính những điều này có thể đã khiến Ant Group vạ lây khi bị ngừng đợt IPO kỷ lục và bắt buộc tái cấu trúc. Ant giờ đây đang trở thành một loại ngân hàng được quản lý chặt chẽ mà họ đã từng hy vọng thay thế ở Trung Quốc.

Ant Group vốn được biết đến với ứng dụng thanh toán kỹ thuật số Alipay, tự hào có hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Họ cũng có lợi ích lớn trong đầu tư trực tuyến, bảo hiểm và cho vay tiêu dùng, điều đã giúp họ quản lý kinh doanh với tài sản trị giá khoảng 635 tỷ USD.

Ant đã có một khoảng thời gian được phát triển mà không bị kiểm soát trong thập kỷ qua. Trước khi gặp sự cố, họ đang nắm quyền kiểm soát hơn một nửa thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc.

Nhưng tất cả đã thay đổi, các nhà chức trách ngày càng chú ý đến mức độ ảnh hưởng của Ant và các công ty tương tự đối với hệ thống tài chính của nước này và họ tìm cách để kiềm chế những “con ngựa bất kham” này.

Các chuyên gia cho rằng, chính phủ Trung Quốc đang tiến hành điều chỉnh các ứng dụng này một cách chặt chẽ hơn. Mục đích không phải là giết chết những ứng dụng này, nhưng chuỗi ngày “làm mưa làm gió” và hy vọng một ngày nào đó thay thế ngân hàng truyền thống đã qua.

Có thể nói, cuộc “đàn áp” công nghệ của Bắc Kinh đã diễn ra dưới nhiều hình thức trong vài tháng qua. Sự phát triển nhanh chóng của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc rõ ràng làm giảm ảnh hưởng của các ngân hàng quốc doanh và các tổ chức tài chính khác, và điều đó làm giảm sức mạnh của Bắc Kinh.

Các nhà chức trách từ lâu đã vô cùng cảnh giác về những ảnh hưởng của những công ty công nghệ đối với lĩnh vực tài chính và khiến ngành đó dễ bị rủi ro cấu trúc. Vì nếu một “người chơi lớn” nào đó bị thất bại, điều đó có thể tàn phá nền kinh tế Trung Quốc.

Cuối cùng, Bắc Kinh có thể sẽ vẫn cẩn thận để không giết những “con ngỗng đẻ trứng vàng", nhưng họ sẽ không đánh đổi giữa quyền sở hữu nhà nước và sự đổi mới.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp