Sát Tết, lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh

07:03 | 09/02/2021

296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây chỉ là yếu tố mang tính chất thời vụ, và lãi suất trên liên ngân hàng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi tiền mặt ngoài lưu thông trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết, SSI Reseach nhận định.

Tăng theo nhu cầu thanh khoản cận Tết

Lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng mạnh. (Ảnh minh họa)
Lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng mạnh. (Ảnh minh họa)

Dữ liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, trong tuần cuối cùng của tháng 1.2021, lãi suất trên thị trường vay mượn vốn giữa các ngân hàng với nhau (thị trường liên ngân hàng) xuất hiện mức tăng ở nhiều kỳ hạn.

Theo đó, lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt tăng lên 0,17%/năm, 0,31%/năm và 0,85%/năm.

Phân tích của SSI Research cho biết, nhu cầu tiền mặt tăng lên khi Tết Nguyên đán đang đến gần khiến huy động vốn sụt giảm, nhu cầu thanh khoản của các NHTM gia tăng. Tuần qua, sau gần 7 tháng không phát sinh giao dịch, NHNN đã bơm ròng 24,1 nghìn tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 và 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm trên thị trường mở. Tuy vậy, lãi suất trên liên ngân hàng vẫn bật tăng mạnh, chốt tuần ở mức 2,13%/năm (+180bps) với kỳ hạn qua đêm và 2,34%/năm (+188 bps).

SSI Research cho rằng đây chỉ là yếu tố mang tính chất thời vụ, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi tiền mặt ngoài lưu thông trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi và cho vay không thay đổi trong tuần qua và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong quý 1 khi sức cầu nền kinh tế vẫn khá yếu và dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tỷ giá diễn biến trái chiều trên ngân hàng và thị trường tự do

Diễn biến các tỷ giá điều hành của NHNN
Diễn biến các tỷ giá điều hành của NHNN

Tuần qua, tâm lý ưa thích rủi ro tiếp tục được duy trì tích cực nhờ tiến trình thông qua gói kích thích tài khóa 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ khả quan, lo ngại bong bóng tài sản tạm lắng và các NHTW tuyên bố vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Giá vàng, TPCP Mỹ, các đồng tiền trú ẩn (JPY, CHF) đều giảm giá. Trong khi đó, USD tiếp tục đà phục hồi, chỉ số DXY có thời điểm lên mức cao nhất 2 tháng gần đây (91,53) sau đó hạ dần, chốt tuần ở mức 91,04. Đồng USD hưởng lợi khi EUR đang bị bán tháo khá mạnh trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lạm phát cao hơn dự báo, lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề tại châu Âu.

Tại Việt Nam, tuần qua, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần ngày 5/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.154 VND/USD, chỉ giảm nhẹ 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.799 VND/USD.

Bên cạnh đó, diễn biến trên thị trường quốc tế và chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế tiếp tục giãn rộng (ước khoảng 5-6 triệu đồng) khiến tỷ giá USDVND trên thị trường tự do tăng 30đ/USD chiều mua vào và 40đ/USD chiều bán ra, lên mức 23.550/23.600. Chênh lệch tỷ giá tự do và tỷ giá niêm yết của các NHTM tiếp tục nới rộng khi tỷ giá niêm yết giảm 50đ/USD, về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2018 đến nay là 22.880/23.090. Tính từ đầu năm đến nay, VND đã lên giá khoảng 0,8% so với USD.

Hiện tại, chênh lệch lãi suất VND- USD trên liên ngân hàng khá cao (khoảng trên 2%) và cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn rất thuận lợi nên tỷ giá có thể giảm nhẹ thêm trong tuần này nhưng sẽ nhích tăng trở lại vùng cuối tháng 1 sau Tết khi yếu tố mùa vụ qua đi.

Theo enternews.vn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps