Săn "lộc trời" trên vách đá mùa đông

08:00 | 14/01/2022

434 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mùa đông, những rạn đá ven biển Nam Ô, hay Sơn Trà (Đà Nẵng), có một thứ “lộc trời” được gọi bằng cái tên dân dã là “rong mứt” và một nghề nghiệp rất đặc biệt mà chỉ người dân xứ này mới có: Săn rong mứt biển.
Săn

Cheo leo vách đá hái mứt rong biển

Rong mứt biển mọc thành từng cụm phủ dày trên các khe, ghềnh đá ở các rạng đá Ngầm, bãi Rạng của bán đảo Sơn Trà và các bãi đá thuộc khu vực Nam Ô, Hòa Vân, chân đèo Hải Vân vào những ngày cuối năm, khi gió mùa đông bắc tràn về.

Hằng năm, từ khoảng đầu tháng 11 đến giữa tháng Chạp âm lịch là lúc loài “lộc biển” để chế biến rong mứt bắt đầu sinh sôi nảy nở. Anh Trương Văn Tài (làng chài Nam Ô) là người lâu năm làm rong mứt kể về loại rong mứt độc đáo này: Xa xưa, từ thuở theo chân các vua Lê vào đất Champa mở cõi, khi cư dân làng biển chỉ biết độc một nghề chài lưới, trong làng có nhà ông Câu, đông con, nghèo lắm. Mùa biển động, thuyền không thể ra khơi, ông ra gành đá những mong tìm được con cá về nấu cháo cho các con ăn. Cá chưa kịp cắn câu thì người đã lả đi vì đói. Trong giấc mơ, ông mơ thấy một bà tiên tóc đen huyền dài thướt tha bay lướt qua ông. Mắt hoa lên vì đói, ông vội quàng hai tay lên mái tóc đen huyền đó đưa vào miệng, tóc vị mặn, dịu mát, đậm đà hương vị biển khơi. Ông ăn mãi, ăn mãi, thấy cơ thể như được tiếp thêm nguồn sinh lực. Đúng lúc đó, một cơn sóng lớn ụp lên gành đá khiến ông choàng tỉnh, trong tay vẫn còn nắm chặt một mớ rêu biển đen mềm. Ông Câu nghĩ rằng tiên hiện ra cứu khổ, vội thu mớ rong rêu mà ông gọi là “tóc tiên” đem về cứu đói cho gia đình.

Săn

Mứt rong khô là mặt hàng có giá trị cao được xuất đi thị trường các nước Nhật Bản, Trung Quốc

Rong mứt biển phát triển trong thời tiết khắc nghiệt, từ khoảng đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 âm lịch. Khi nước ngọt từ những đợt mưa lũ làm nước biển giảm độ mặn, cây rong biển hình thành, phát triển, phủ dày các ghềnh đá. Rong mứt được ngư dân ở đây chia làm hai loại. Loại to bản, bè ra gọi là mứt lá, loại mảnh mai dài ra như những sợi tóc gọi là mứt tóc. Mứt lá là loại được ưa dùng và có giá trị cao hơn. Mứt biển tươi được cạo từ mép đá mang về, sau khi rửa sạch các tạp chất được mang đi ép khô nước, rồi mang phơi khô. Khoảng 10kg mứt biển tươi sẽ được 1kg mứt biển khô. Mứt biển ở rạn Nam Ô được “hái” ngay từ lúc vừa mọc, lá mứt còn non, dai, vị mứt được giữ nguyên, khi chế biến cùng các món ăn khác sẽ rất đượm vị.

Anh Tài cho biết, rong mứt có giá trị rất cao. Mứt tươi được mua tại chỗ với giá trên 300.000 đồng/kg, mứt khô khoảng 2.500.000 đồng/kg. Hiện nay, mứt không chỉ còn là một món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người dân Nam Ô nữa mà đã trở thành một món chay không thể thiếu của những người theo đạo Phật ở Đà Nẵng, xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, Hà Nội, hay tận Trung Quốc, Nhật Bản xa xôi. Đặc biệt, rong mứt là món ăn rất phù hợp với những người ăn chay trường vì giàu chất dinh dưỡng.

Săn

Việc cạo mứt rong biển hết sức kỳ công và vất vả

Anh Trương Đức Huấn treo mình trên những mép đá hái rong mứt. Nhìn bóng người cheo leo trên vách những rạn đá ở Nam Ô hay Sơn Trà mới thấy mức độ nguy hiểm của người làm nghề này. Cũng chính từ đây đã xuất hiện những gia đình làm rong mứt chuyên nghiệp, thu nhặt rong mứt trên biển, mang về và chế biến thành sản phẩm.

Săn

Công đoạn làm sạch mứt rong biển

Tại làng chài Nam Ô có nhiều gia đình làm rong mứt. Những người giỏi có thể kiếm 1,5-2 triệu đồng sau chưa đầy 2 tiếng khai thác rong mứt. Có người “trúng” rong mứt, có thể kiếm 30-45 triệu mỗi tháng, một mức thu nhập khiến nhiều người giật mình. Người già, trẻ nhỏ một ngày cũng có thể kiếm 500-700 nghìn đồng.

Săn

Mứt rong biển tươi được phơi khô

Thế nhưng, không phải ai cũng đủ bản lĩnh đi khai thác rong mứt trên biển hay tại các ghềnh đá, bởi những điểm khai thác thường gió to, sóng lớn. Anh Phan Đường, một ngư dân chuyên khai thác rong mứt, cho biết: Người theo nghề “ăn” rong mứt có hai cách để đến điểm khai thác là “ăn” mứt bộ và “ăn” mứt ghe. Những ngày biển động, ghe không xuất bến được thì đi “ăn” bộ, 2 giờ sáng thức dậy đi bộ ra những bãi đá, ghềnh đá gần. Cách thứ hai là lên ghe đi ra những bãi đá xa.

Săn

Ép mứt rong thành bánh để dễ dàng xuất khẩu

Theo lời anh Đường, tại những ghềnh đá, bãi đá sóng đánh rất mạnh, nên chỉ những người khỏe mạnh mới bám trụ nổi. Những khi phải treo mình trên những vách đá cheo leo trơn ướt, phải là người có kinh nghiệm và sức khỏe mới làm được. Chỉ những ai có đầy đủ các tố chất như gan dạ, phản ứng nhanh nhẹn, thủ pháp lanh lẹ, quen sóng gió mới có thể hái rong mứt trên vách đá cheo leo mà thôi. Người đi “ăn” rong mứt phải đi từ sáng sớm, vượt qua những bãi đá trơn bóng, sắc nhọn, lởm chởm, gồ ghề đến các rạn đá sát biển. Người “ăn” rong mứt biển mặc áo quần bó chặt cơ thể, đầu đội mũ trùm kín chống lại giá rét, sương sớm của biển. Ngoài ra, tránh trơn trượt, di chuyển dễ dàng, họ thường đi những đôi dép có độ bám, mang găng tay bảo hộ hạn chế trầy xước khi cạo rong mứt biển...

Với người dân ở những làng chài như Nam Ô hay ven các ghềnh đá Sơn Trà, nghề này tuy rất khổ cực và nguy hiểm, nhưng mang lại nguồn thu nhập khá những ngày cuối năm. Thế nên, cứ đến mùa “ăn” rong mứt, hằng ngày từ 2 giờ sáng, nhiều người đã í ới gọi nhau “hái” mứt. Cả vùng ghềnh biển rộn rã tiếng cười.

Nghề hái “lộc trời” dịp cuối năm đem về cái Tết đủ đầy cho người dân ven ghềnh đá Nam Ô, Sơn Trà.

Tiêu Dao - Huỳnh Sơn

Đống vàng tỷ USD của Hitler và những kho báu mất tích bí ẩn trên thế giớiĐống vàng tỷ USD của Hitler và những kho báu mất tích bí ẩn trên thế giới
Taliban ráo riết săn lùng kho báu hơn 2.000 năm tuổi ở AfghanistanTaliban ráo riết săn lùng kho báu hơn 2.000 năm tuổi ở Afghanistan
"Kho báu" nghìn tỷ USD khổng lồ trong tay Taliban
Báu vật triệu USD bị vứt xuống gầm giường vì ... không biết giá trịBáu vật triệu USD bị vứt xuống gầm giường vì ... không biết giá trị