Sân khấu kịch - Thay đổi để tự cứu mình

07:55 | 21/05/2022

195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh mới, việc thay đổi để tự cứu chính mình, chọn cách làm mới để tồn tại là điều cần thiết của các sân khấu kịch tại TP Hồ Chí Minh.

Sân khấu kịch xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh sôi động nhất cả nước. Thời kỳ đỉnh cao, thành phố có đến hàng chục sân khấu kịch hoạt động mạnh, sáng đèn hằng tuần và mỗi sân khấu có một phong cách khác nhau. Những cái tên như Idecaf, nhà hát kịch 5B, sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Thế giới trẻ, Hồng Hạc... vốn rất quen thuộc với khán giả thành phố và cả những khu vực lân cận. Chính những sân khấu kịch này đã góp phần tạo nên “nét son” văn hóa, đặc trưng riêng của TP Hồ Chí Minh một thời.

Nhưng buồn thay, vài năm gần đây, đời sống của các sân khấu kịch đi xuống vì nhiều lý do. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 3 sân khấu kịch giữ được lịch diễn định kỳ hằng tuần là Idecaf, Nhà hát kịch 5B, Thế giới trẻ.

Sân khấu kịch - Thay đổi để tự cứu mình
Vở “Bàn tay của trời” - sân khấu Hoàng Thái Thanh

Vài tuần trước, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã công bố ngưng diễn định kỳ hằng tuần, chỉ diễn theo mùa. Theo đó, Hoàng Thái Thanh sẽ có 2 mùa diễn là tết và giữa năm, mỗi mùa vài tháng. Sau đó, NSND Hồng Vân cũng tuyên bố sân khấu kịch Hồng Vân sẽ không còn diễn định kỳ và chuyển sang phương thức biểu diễn mới là dựng vở diễn theo giai đoạn và lưu diễn. Một trong những khó khăn của sân khấu kịch Hồng Vân là tiền thuê rạp tăng cao, nếu diễn hằng đêm thì không thể trụ nổi.

Sự thay đổi của hai thương hiệu sân khấu kịch lớn tại TP Hồ Chí Minh khiến nhiều khán giả tiếc nuối. Nhưng có lẽ đó là điều tất yếu, bởi không chỉ có gánh nặng chi phí thuê sân khấu mà kịch nói đang đứng trước rất nhiều thách thức khác của thời đại nghe nhìn trực tuyến. Và thật ra, không chỉ kịch nói mà những loại hình biểu diễn, tương tác trực tiếp hằng đêm đều đang gặp khó khăn.

Ngay cả người nổi danh trong nghề như ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng thừa nhận rằng, tính cạnh tranh của sân khấu kịch bây giờ quá yếu, bị lạc hậu, từ sân khấu cũ kỹ, thiếu diễn viên vì không thể nuôi sống họ, họ phải chạy show đóng phim, rồi thiếu kinh phí và quan trọng nhất là thiếu kịch bản mới, hay, hấp dẫn khán giả.

Trong bối cảnh mới, việc thay đổi để tự cứu mình, chọn cách làm mới để tồn tại là điều cần thiết của các sân khấu kịch. Nghệ sĩ Thành Hội của sân khấu Hoàng Thái Thanh chia sẻ: “Khi cánh cửa này đóng lại, chúng ta buộc phải tìm cánh cửa khác và mở nó ra”. Nghệ sĩ kỳ vọng việc đổi mới này có thể giải quyết được những vấn đề tồn tại của sân khấu kịch hiện nay, bởi thực tế nhiều sân khấu kịch trên thế giới đã áp dụng cách thức vận hành theo mùa, cho thấy sự tương thích trong bối cảnh hiện tại.

Hy vọng những “thánh đường” nghệ thuật của TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được thắp sáng như thời hoàng kim.

Trúc Vân