Sân Hàng Đẫy - Dấu ấn tình yêu bóng đá

07:27 | 30/04/2023

1,236 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ở Hà Nội, thời Pháp thuộc có 3 sân bóng nổi tiếng nhất, đó là sân Mangin (sân Cột Cờ), sân Septo (nay là sân Hàng Đẫy), sân Stade (nay là sân cỏ nhân tạo Long Biên). Nhìn lịch sử ra đời các sân bóng đá này mới thấy, người Hà Nội dành tình yêu đặc biệt với môn thể thao vua từ rất sớm, độ “cuồng” bóng đá còn hơn cả bây giờ.
Sân Hàng Đẫy - Dấu ấn tình yêu bóng đá
Sân Hàng Đẫy hiện nay nhìn từ khán đài B

Sân SEPTO - Hàng Đẫy

Tôi từng đọc cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn và xem các tư liệu ảnh xưa thì thấy rằng, nhiều môn thể thao, trong đó có bóng đá, được người Pháp mang sang Việt Nam. Ở Hà Nội, trận bóng đầu tiên được ghi nhận trên bãi đất trống trước cửa Đoan Môn, gần Cột Cờ Hà Nội, giữa đội Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9 và đội Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội gồm binh lính và công chức Pháp vào năm 1907. Về sau, người Pháp cho cải tạo thành sân vận động Magin (sau năm 1954 gọi là sân Cột Cờ).

Một số trường lâu đời ở Hà Nội như trường Bưởi (Chu Văn An) và trường Albert Sarraut trên đường Hoàng Văn Thụ từ những năm 20 của thế kỷ XX, môn thể thao vua còn được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh.

Sân Hàng Đẫy - Dấu ấn tình yêu bóng đá Sân Hàng Đẫy - Dấu ấn tình yêu bóng đá
Sân Hàng Đẫy khởi công xây dựng năm 1956 Sân Hàng Đẫy trước năm 1955

Để đưa môn bóng đá phát triển ở Hà Nội đến ngày nay, phải kể đến công đầu của một nhà giáo Tây học có tư tưởng tiến bộ, đó là ông Nguyễn Quý Toản. Năm 1919, ông giáo Toản cho thành lập trường thể dục đầu tiên mang tên EDEP (École d’éducation physique), có sân bóng đá nằm trên phố Hoa Lư bây giờ. Nhưng trường chỉ tồn tại đến năm 1930 vì chính quyền cần lấy đất mở rộng Nhà máy Diêm Đông Dương, nên cho chuyển địa điểm về làng Bích Câu, khu vực phố Cát Linh và Hàng Đẫy hiện nay.

Khi ấy, để khuyến khích thanh thiếu niên Hà Nội tập luyện thể dục thể thao (TDTT) với lòng tự tôn “không để cho thực dân Pháp coi thường người Việt Nam ta”, ngày 29-10-1934, ông Bùi Đình Tịnh - Hiệu trưởng EDEP - làm đơn xin Thống sứ Bắc Kỳ cho chuyển Trường Thể dục Hà Nội thành một tổ chức hội đoàn mang tên Hội Thể dục Bắc Kỳ (Socíeté d’éducation physique du Tonkin - SEPTO), kèm theo đơn là bản Điều lệ tổ chức SEPTO cùng các thành viên Hội đồng quản trị, lập ngày 27-10-1934.

Từ năm 1936 đến năm 1938, bãi bóng đá Hàng Đẫy được SEPTO tiến hành xây dựng, có tường bao quanh, mặt sân được san phẳng để chơi bóng, từ đó cũng gọi là sân SEPTO. Do thiếu kinh phí, những người sáng lập SEPTO chẳng thể đầu tư gì hơn cho sân SEPTO ngoài khán đài A bằng gỗ sức chứa khoảng 400 chỗ ngồi. Mặt sân vẫn lồi lõm và bị ngập úng mỗi khi mưa, cầu thủ ra sân là như thể đi cày ruộng, thậm chí trong sân không có nơi tắm rửa cho cầu thủ, không có khu vệ sinh cho vận động viên và khán giả.

Ngày 8-3-1946 là sự kiện đáng nhớ với ngành TDTT Việt Nam nói chung và lịch sử bóng đá Hà Nội nói riêng. Chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến sân Hàng Đẫy dự buổi khai mạc hội khỏe và xem trận đấu bóng đá giữa đội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu và đội Vệ quốc đoàn. Khi hai đội xếp hàng ngang trên sân chào khán giả, ban tổ chức và trọng tài đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống đá quả bóng danh dự, thay tiếng còi khai mạc trận đấu. Đó thực sự là sự kiện không thể quên trong lịch sử bóng đá Hà Nội.

Sân Hàng Đẫy - Dấu ấn tình yêu bóng đá
Logo Hội thể thao Bắc Việt, tiền thân sân vận động Hàng Đẫy

Trận đọ sức trên sân cỏ giữa hai lực lượng tuyên truyền và vũ trang tại Thủ đô Hà Nội được ghi nhận là trận bóng đầu tiên sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Trong giai đoạn Pháp tạm chiếm (1947-1954), dù chiến tranh nhưng thỉnh thoảng trên sân Hàng Đẫy vẫn diễn ra các trận đấu bóng đá.

Năm 1954, sau khi tiếp quản Hà Nội, do yêu cầu tăng cường sức khỏe cho người dân và phát triển phong trào TDTT, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã cho xây lại sân Hàng Đẫy với chủ trương “đẹp, tốt, rộng, đúng quy cách hiện đại”. Sân Hàng Đẫy mới khởi công xây dựng ngày 16-2-1957 và khánh thành ngày 24-8-1958. Thời gian 18 tháng là một tiến độ thi công được xem là cực kỳ tốc độ vào thời bấy giờ. Sân Hàng Đẫy mới chính thức ra đời với diện tích 21.844m2, bao bọc bởi tường cao, có 14 cửa nhỏ và 3 cửa lớn, chính giữa là sân bóng đá, xung quanh có đường chạy thi đấu điền kinh, có sân bóng chuyền, bóng rổ... Khán đài xây theo hình lòng chảo có 20 bậc chứa xấp xỉ 2,5 vạn người. Trận đấu khai sân diễn ra giữa 2 đội tuyển Thanh niên PhnomPenh (Campuchia) và Thanh niên Hải Phòng, phần thắng đã thuộc về Thanh niên PhnomPenh.

Sân Hàng Đẫy - Dấu ấn tình yêu bóng đá
Người dân thủ đô xem bóng đá trên sân Hàng Đẫy thập niên 70

Trăm năm phong trào bóng đá ở Hà Nội

Trong thập niên 20 và 30 của thế kỷ XX, bóng đá đã trở thành phong trào không thể thiếu ở Hà Nội. Từ những năm 20 đã nhen nhóm ra đời một số đội bóng có tổ chức. Đơn cử, người Pháp có đội bóng Nhà binh, chủ yếu là lính lê dương, người Việt cũng có một số đội bóng có tên “rất kêu” như Tia chớp, Ngọn giáo..., cầu thủ là bất cứ ai có thể biết đá bóng, có thể là công nhân, nhân viên sở công - tư hoặc học sinh... Người nuôi đội bóng đá là các ông bầu thuộc tầng lớp tư sản.

Giữa thập niên 30, bóng đá phát triển mạnh, nhiều hãng buôn lớn ở Hà Nội không ngại đổ tiền đầu tư, lập đội bóng riêng, cũng là quảng cáo hình ảnh của hãng. Một số nhân viên của hãng còn được nhận lương, chỉ lo mỗi việc đi đá bóng. Có thể kể đến một số CLB bóng đá như: Racing Club của Nhà Gô-đa (nay là Tràng Tiền Plaza), Auto Hall Club (CLB ôtô số 10 phố Tràng Thi), Utaga của Sở Hỏa xa (nay là trụ sở Bộ Giao thông Vận tải)...

Năm 1936, một giải đấu được tổ chức với sự tham gia của các đội bóng ở miền Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn..., phần thưởng trao cho đội quán quân thay vì chiếc cup như hiện nay là một lá cờ thêu. Cầu thủ các đội bao gồm người tây, người ta đủ cả. Báo chí đương thời cũng đưa tin rôm rả tỉ số các trận đấu, ca ngợi những cầu thủ chơi như Nhuận lái xe, Đức Vịnh thầy thuốc, Viễn, Ba Già, Biềng (chơi trong La Lance), Thi, Thông (Hà Nội Club)...

Đến thời Pháp tạm chiếm (1948-1954), phong trào bóng đá ở Hà Nội vẫn khá phát triển, nhất là dạng bóng đá phủi đường phố, không cần sân bãi đúng quy cách, cứ chỗ nào có đất trống, thậm chí là lòng đường, vỉa hè rộng là chơi được, có nhiều lúc quảng trường Nhà hát lớn cũng là sân bóng đá phủi. Bóng đá phủi không kể giờ giấc, số cầu thủ chơi cũng rất linh hoạt, mỗi bên chỉ có 5-7 người hoặc ít hơn cũng được, gôn thì chỉ là những hòn gạch đặt cách nhau 1,5-2m gọi là gôn tôm. Bóng đá phủi trên phố hay làm bóng bay vào người đi xe đạp, làm họ ngã đổ kềnh trên phố, thế rồi giải quyết bằng một lời xin lỗi qua loa, hoặc “phắn” thật nhanh.

Sân Hàng Đẫy - Dấu ấn tình yêu bóng đá
Trận Derby đầu tiên giữa Thể Công - Công an Hà Nội hòa với tỉ số 2-2 ngày 10-10-1970

Những sân đất ở Hà Nội mọc nhiều như nấm, như sân Pasteur, Lương Yên, Mai Động, Long Biên... là những địa điểm lý tưởng cho bóng đá phủi. Nhưng thánh địa sản sinh ra những ngôi sao làng bóng đá phủi và chuyên nghiệp ở Hà Nội phải là sân Long Biên, đó là những cái tên như: Thắng “Chíp’, Minh “phích”, Công “múa”, Trung “chinh”... và những danh thủ từ phủi lên chơi chuyên nghiệp cho đội bóng Thể Công mà tôi được biết như anh em Ba Đẻn, Cao Cường, Nguyễn Duy Phú, Vũ Mạnh Hải, Vương Tiến Dũng... Thời bao cấp, sân Long Biên còn là nơi diễn ra các giải bóng đá phong trào của các đội bóng chân đất của các cơ quan, xí nghiệp ở Hà Nội như Bốc xếp Phà Đen, Đoạn đầu máy toa xe, Công an cứu hỏa, Sở truyền tải điện, Xe khách Thống Nhất…

Theo ký ức của bác Việt Cường, một tín đồ bóng đá ở Hà Nội, vào thập niên 60, thời còn là học sinh cấp 2, không Chủ nhật nào bác không được ông anh rể cho đi xem bóng đá trên sân Hàng Đẫy. Để được xem những trận thư hùng của 3 đội Thể Công, Công an Hà Nội và Tổng cục Đường sắt, những trận đấu thực sự là thứ bóng đá vô tư, trong sáng và cống hiến hết mình vì người hâm mộ.

Ngoài những giải quốc nội diễn ra trên sân Hàng Đẫy còn có những giải quốc tế (các nước khối xã hội chủ nghĩa) giữa các đội bóng quân đội các nước, gọi tắt là SKDA, giải hữu nghị Việt - Trung - Triều - Mông... Để so sánh với tinh thần hâm mộ và tính fairplay trong bóng đá xưa và nay, bác Việt Cường cho rằng, hồi đó người Hà Nội cuồng bóng đá hơn bây giờ dù gặp rất nhiều khó khăn. Có những người sẵn sàng cởi chiếc đồng hồ Pon-zot của Liên Xô cũ, hay chiếc áo bông vỏ bằng vải chéo xanh (những tài sản quý thời đó) để đổi lấy tấm vé vào cửa. Rất tiếc là bóng đá bây giờ không còn giữ được hình ảnh đẹp như thế nữa.

Ngẫm thật đúng, tôi là lớp thế hệ sau này cũng chỉ thấy sân Hàng Đẫy trong khoảng thập niên 90 có đội tuyển Việt Nam đá giải, những trận “derby” giữa Thể Công và Công an Hà Nội, hay có đội bóng Hải Phòng, Nghệ An với lực lượng cổ động viên cuồng nhiệt thì sân Hàng Đẫy rất đông khán giả. Thậm chí không cần ra sân, chỉ cần nghe qua giọng bình luận bóng đá trực tiếp của Đình Khải, Hoài Sơn, tiếng trống, tiếng reo hò qua Đài Tiếng nói Việt Nam đã đủ hình dung ra sức nóng, tình yêu cuồng nhiệt của cổ động viên trên sân Hàng Đẫy. Có lẽ thói quen người dân Hà Nội ra sân xem bóng đá bây giờ đã phai nhạt đi nhiều. Mỗi lần qua sân Hàng Đẫy, một trận đấu bình thường có rất ít khán giả đến xem, nhiều trận còn mở cửa tự do. Cũng dễ hiểu vì mọi người bây giờ được tiếp cận, quá quen với các giải đấu bóng đá đỉnh cao trên thế giới, trong khi các giải bóng đá trong nước còn nhiều hạn chế về trình độ, tính chuyên nghiệp, nhiều người không thích đội bóng thay tên, đổi chủ luôn xoành xoạch...

Sân Hàng Đẫy khánh thành ngày 24-8-1958, bao bọc bởi tường cao, có 14 cửa nhỏ và 3 cửa lớn, chính giữa là sân bóng đá, xung quanh có đường chạy thi đấu điền kinh, có sân bóng chuyền, bóng rổ... Khán đài xây theo hình lòng chảo có 20 bậc chứa xấp xỉ 2,5 vạn người.

Minh Châu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps