Sai sót khiến Mỹ mất dấu tàu ngầm đắm

13:45 | 13/11/2019

389 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc dịch sai một chữ số trong tọa độ từ hồ sơ của Nhật khiến hải quân Mỹ không tìm thấy tàu ngầm USS Grayback mất tích suốt 75 năm.

Ngày 28/1/1944, tàu ngầm USS Grayback của hải quân Mỹ được lệnh rời Trân Châu cảng để thực hiện chuyến tuần tra lần thứ 10 trên biển Hoa Đông. Một tháng sau, thủy thủ trên tàu ngầm báo về sở chỉ huy rằng họ đã phóng ngư lôi diệt hai tàu hàng của phát xít Nhật.

Với việc chỉ còn lại hai quả ngư lôi, USS Grayback được lệnh quay về căn cứ, dự kiến cập cảng Midway vào ngày 7/3/1944. Nhưng ba tuần trôi qua, con tàu vẫn không xuất hiện ở cảng. Cuối tháng 3/1944, hải quân Mỹ tuyên bố tàu ngầm này đã mất tích.

Sai sót khiến Mỹ mất dấu tàu ngầm đắm
Tàu ngầm USS Grayback năm 1941. Ảnh: CNN.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, hải quân Mỹ sử dụng hồ sơ của quân đội Nhật Bản để thu thập thông tin về 52 tàu ngầm mất tích và soạn ra tài liệu lịch sử được công bố năm 1949 để phục vụ công tác tìm kiếm. Họ xác định USS Grayback biến mất tại điểm cách đảo Okinawa của Nhật khoảng 160 km về phía đông nam.

Tuy nhiên, nhiều nỗ lực tìm kiếm được tiến hành trong hàng chục năm qua, nhưng họ không thể tìm thấy chiếc tàu ngầm mất tích. Mọi thứ chỉ thay đổi khi nhà thám hiểm Tim Taylor nhập cuộc cùng các đồng sự tại Dự án Lost52, chuyên sử dụng công nghệ mới để tìm khí tài mất tích từ thời Thế chiến II.

không được tìm thấy cho đến khi . Năm 2010, Taylor đã phát hiện ra tàu ngầm USS R-12 bị chìm trong một tai nạn ngoài khơi Key West, Florida năm 1943. Ông thành lập nhóm

Taylor dựa vào một khám phá quan trọng của Yutaka Iwasaki, kỹ sư ở Kobe, Nhật Bản. Iwasaki từ nhỏ đã say mê các con tàu buôn Nhật Bản trong Thế chiến II và 4/5 số đó bị đánh chìm trong chiến tranh. Để khám phá lịch sử của những con tàu này, ông buộc phải nghiên cứu tàu ngầm. "Đối với tôi, việc tìm kiếm tàu ngầm Mỹ là cách để thể hiện sự bi thảm của chiến tranh", ông nói. "Đó là sở thích và cũng là niềm đam mê của tôi".

Năm ngoái, khi Iwasaki nghiên cứu các tài liệu quân sự của Nhật, ông phát hiện báo cáo cho biết vào ngày 27/2/1944, máy bay Nakajima B5N của Nhật đã thả một quả bom nặng hơn 200 kg vào một chiếc tàu ngầm đang nổi. Con tàu ngầm phát nổ và chìm ngay lập tức, không ai sống sót.

"Trong báo cáo đó có kinh độ và vĩ độ rất rõ ràng của cuộc tấn công", Iwasaki nói, nhận định chiếc tàu ngầm bị chìm là USS Grayback.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với hồ sơ từ phía Mỹ, ông phát hiện ra hải quân Mỹ đã mắc lỗi khi dịch tọa độ tàu Grayback bị tấn công, khiến họ tìm sai địa điểm trong nhiều thập kỷ. "Chỉ sai một chữ số, nhưng bị lệch địa điểm đúng khoảng 160 km".

Sai sót khiến Mỹ mất dấu tàu ngầm đắm
Tim Taylor (áo đen), người dẫn đầu dự án tìm kiếm tàu ngầm. Ảnh: Lost52.

Khi đã nắm được thông tin đúng về tọa độ, đội của Taylor đến vùng biển Nhật Bản vào tháng 6. Họ tìm kiếm tại khu vực sâu 400 m với công cụ chính là thiết bị lặn không người lái dài 4,2 m. Nó lặn xuống biển và sử dụng hệ thống định vị thủy âm để tìm kiếm con tàu.

Khi chỉ còn một ngày là phải kết thúc cuộc khảo sát, thiết bị lặn gặp lỗi khi mới thực hiện được 1/3 nhiệm vụ. Trong khi những người khác muốn quay về cảng để sửa thiết bị, Taylor bỏ những hình ảnh nó chụp được ra xem.

Anh nhanh chóng phát hiện hai vật thể khả nghi dưới đáy biển và thả một thiết bị khác xuống để khảo sát. Không giống thiết bị lặn không người lái nói trên, loại này được điều khiển từ tàu mẹ và có camera độ nét cao.

Sai sót khiến Mỹ mất dấu tàu ngầm đắm
Tàu ngầm USS Grayback dưới đáy biển. Ảnh: Lost 52.

Sau vài giờ điều khiển thiết bị khảo sát quần thảo đáy biển, Taylor nhìn thấy thân tàu Grayback, cách đó khoảng 100 m là tháp pháo trên boong tàu bị lìa ra sau khi quả bom phát nổ. "Chúng tôi rất phấn khởi", Taylor nói. "Tuy nhiên, bầu không khí cũng rất nghiêm trang vì chúng tôi đã tìm thấy 80 người Mỹ tử trận".

Ngày hôm sau, Taylor và thủy thủ đoàn tổ chức một buổi lễ tưởng niệm các thủy thủ trên tàu và đọc tên từng người một. Một trong những cái tên trong danh sách thủy thủ đoàn là John Patrick King.

Cháu trai của ông King, John Bihn, nhận được tin nhắn từ chị mình hai tuần trước, thông báo rằng tàu Grayback đã được tìm thấy. "Tôi chết lặng, thật không thể tin được", Bihn nói.

Bihn cho biết video được thiết bị lặn ghi lại cho thấy hình ảnh buồng chỉ huy tàu ngầm và tấm bảng có dòng chữ USS Grayback. "Như thể có ai đó lau sạch nó vậy", Bihn nói. "Giống như nó muốn được tìm thấy".

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc