Rất hay, chuyện học… cười

07:00 | 18/04/2013

1,147 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Công an TP HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước mở các lớp dạy văn hóa ứng xử cho cảnh sát quản lý hành chính trật tự trị an. Anh em nói với nhau đây là lớp học cười, học hòa nhã và cả học xin lỗi nếu lỡ hẹn.

Thọ Vinh (Năng lượng Mới số 213)

Lâu nay, hình ảnh các công chức nơi công sở, công đường hay “nhăn nhó khó khăn” mỗi khi tiếp dân trở thành một hình ảnh xấu, một căn bệnh mãn tính rất khó chữa trị.

Tôi bỗng nhớ chuyện ông thường trực hoạnh họe cả cán bộ cấp cao. Hôm ấy theo lịch, một đồng chí lãnh đạo cấp cao sẽ đến thăm và làm việc với cơ quan tôi. Nào ngờ ông bỗng dưng thích vi hành nên đến trước giờ hẹn để gặp gỡ anh em. Vị lãnh đạo cấp cao cho dừng xe từ xa lững thững đi bộ vào cổng, chủ động báo với ông thường trực là… có cuộc hẹn làm việc với lãnh đạo cơ quan đồng chí. Khi ấy cơ quan chưa có ai túc trực ở cổng đón khách mà chỉ có ông thường trực. Nào ngờ ông thường trực nói như quát rằng, ai cũng phải có giấy giới thiệu mới được vào. Khổ nỗi làm đến chức ấy làm gì có ai dám hỏi giấy tờ này nọ nên ông đành đứng chờ cánh thư ký, bảo vệ đến. Cho đến lúc lãnh đạo cơ quan biết tin lật đật chạy xuống thì vừa lúc những người giúp việc tới nơi.

Sau này trong cơ quan tôi nổ ra bàn cãi đúng sai quanh vụ này. Người bảo hỏi giấy là đúng nội quy nhưng nhiều người đều chê người thường trực này máy móc và cứng nhắc. Tại sao không tươi cười xin lỗi ông khách và gọi điện lên văn phòng báo cáo về trường hợp vị khách đặc biệt này?

Một câu chuyện khác do một cựu cảnh sát giao thông kể rằng, tại phòng cảnh sát giao thông (CSGT) nọ từng có câu chuyện một chiến sĩ quát to lên: “Nguyễn Văn X đâu? Ai là Nguyễn Văn X?”. Phải đến khi có người nhắc: “Này cậu có biết ông ấy là ai không? Thứ trưởng đấy!”. Lúc ấy người phụ trách mới lật đật chạy ra xin lỗi thì ông bảo chuyện nhỏ, thôi đừng kiểm điểm anh em mà cần dạy anh em trẻ phải biết lễ phép với người dân, nhất là người lớn tuổi.

Tuy chưa bao giờ có “lệnh” phải cười với dân nhưng đã có khá nhiều văn bản, điều lệnh quy định thái độ ân cần, niềm nở, tôn trọng người dân khi tiếp xúc. Riêng lực lượng Công an quy định thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đối với dân phải kính trọng lễ phép”. Tuy nhiên trong thực tế, những câu nói cộc lốc đại thể như: Xuất trình giấy tờ! Việc gì? Hồ sơ giấy tờ đâu? diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong giao tiếp và là câu cửa miệng của nhiều cảnh sát, kể cả sĩ quan trực ban. Và nếu không may hồ sơ thiếu sót, giấy tờ trục trặc thì… thôi rồi. Bỏ qua mọi năn nỉ, vật nài của người đáng tuổi phụ huynh, cô cậu nhân viên vẫn giữ nguyên vẻ mặt lạnh băng, buông sõng: “Không biết chữ à? Đọc kỹ hướng dẫn đi”…

Trong bối cảnh chê nhiều hơn khen, cách đây không lâu báo chí có đăng nhận xét tốt đẹp về cảnh sát giao thông Đà Nẵng được dư luận lưu ý. Công dân này cho biết, họ từ ngoại tỉnh vào Đà Nẵng bằng xe ôtô cơ quan. Do không thuộc đường nên xe đi vào đường cấm ôtô và đã bị CSGT yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, khác với lối hành xử “bình thường” của CSGT ở Việt Nam, CSGT Đà Nẵng không những không xử phạt mà còn tận tình chỉ dẫn cho lái xe đi đúng đường trong thành phố.

Hóa ra, nhiều người đã từng tiếp xúc với CSGT Đà Nẵng đều xác nhận rằng, lực lượng CSGT thành phố này rất lịch sự với người tham gia giao thông. Nhiều người Đà Nẵng từng đi nhầm trên cầu cấm ôtô vừa không bị phạt vừa được CSGT nhắc nhở, dẫn đường đi ngược lại. Nhưng với các đối tượng xay xỉn, đánh võng, lạng lách... đều bị xử lý rất nghiêm. Câu chuyện về cách hành xử của CSGT Đà Nẵng khiến rất nhiều người ngạc nhiên và mong muốn sẽ được CSGT ở các địa phương khác học tập. Nhiều người cho rằng, một việc đáng ra là rất bình thường so với chức trách, nhiệm vụ của CSGT thì bây giờ lại thành một chuyện lạ, một điển hình để người dân mong muốn CSGT nơi mình sinh sống noi theo.

Câu chuyện hành xử đẹp của CSGT Đà Nẵng chắc sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh sau khi Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67 - Công an TP HCM) tổ chức lớp văn hóa ứng xử, đạo đức, tác phong của cán bộ, chiến sĩ CSGT. Theo kế hoạch, có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ CSGT thường xuyên tiếp xúc với dân sẽ tham gia học lớp này theo nhiều đợt. Anh em nói với nhau đây là lớp học cười, học hòa nhã và cả học xin lỗi nếu lỡ hẹn. Cũng phải nói thêm, Công an TP HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước mở các lớp dạy văn hóa ứng xử cho cảnh sát quản lý hành chính trật tự trị an. Việc học được làm từ 6 năm trước, mà đơn vị “tiên phong” là nơi cấp phát giấy chứng minh nhân dân, đăng ký hộ khẩu...

Thượng tá Trần Thanh Trà - Trưởng phòng PC67 cho biết, mục đích của đợt tập huấn nhằm khắc phục những tồn tại về văn hóa ứng xử của lực lượng CSGT khi tiếp xúc với người dân. Hình ảnh của người CSGT đối với người dân là phải hết sức nhã nhặn, văn hóa. Cụ thể, khi dừng phương tiện vi phạm của người dân, trước tiên phải chào, xin lỗi, công bố lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện, đồng thời xác định rõ ràng và giải thích cặn kẽ những lỗi và hành vi của người vi phạm.

GS.TS Vũ Gia Hiền, Hội Tâm lý Giáo dục học TP HCM cho rằng, mục đích của người CSGT là nhằm giáo dục để người dân hiểu luật pháp, không vi phạm Luật Giao thông, chứ không phải nhằm mục đích trừng phạt. CSGT là người của công chúng. Xã hội hiện đại đòi hỏi CSGT nghiêm túc, thận trọng trong từng cử chỉ, lời nói. Mong rằng CSGT TP HCM sau đợt học tập này sẽ có những gương tốt như CSGT Đà Nẵng.

T.V