Quản lý tài nguyên than tại Quảng Ninh: Những chuyển biến tích cực

10:14 | 23/04/2019

456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, đã có những đổi thay rõ rệt trong công tác quản lý tài nguyên than tại Quảng Ninh.

Phát hiện, xử lý nhiều vi phạm

Là địa bàn trọng điểm khai thác than của tỉnh Quảng Ninh, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU, hiện thành phố Cẩm Phả đã không còn những “điểm nóng” than trái phép. Tình hình khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than đang được quản lý chặt chẽ hơn.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả Phạm Văn Kính, tại Cẩm Phả không còn hiện tượng khai thác than trái phép tại các địa bàn giáp ranh giữa các mỏ hay trong các khu vực trồng rừng. Thời gian qua, thành phố đã khẩn trương tháo dỡ toàn bộ thiết bị sàng tuyển trái phép tại khu vực cảng Km6 (phường Quang Hanh) và khu vực cảng 10/10, không còn để xảy ra tình trạng tư nhân sử dụng sai quy hoạch cảng bến, tập kết, chế biến, tiêu thụ than không được cấp phép như năm 2018.

Thành phố đã giao các phường, xã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp ngành than quản lý tài nguyên trong và ngoài ranh giới mỏ; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong quý I/2019, các lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 25 đối tượng vi phạm với số tiền 200 triệu đồng, thu giữ gần 500 tấn phụ phẩm ngoài than.

nhung chuyen bien tich cuc 534107
Khai thác than

Còn tại huyện Hoành Bồ, việc quản lý ranh giới mỏ và tài nguyên than trước đây luôn khó khăn do địa phương này có diện tích đất rừng lớn; nhiều khu vực giáp ranh giữa các mỏ và khu dân cư rất phức tạp. Giữa tháng 3/2019, một số đối tượng đã khai thác đất rừng trái phép, bốc xúc đất đá màu đen nghi là than tại xã Hòa Bình, nơi giao đất cho người dân trồng keo. Sau khi có phản ánh của nhân dân, chính quyền xã Hòa Bình và huyện Hoành Bồ đã có biện pháp ngăn chặn kịp thời, thu giữ máy xúc, tiến hành cắt đường do các đối tượng tự ý san gạt để phương tiện vận tải hoạt động; cho trồng keo lên những diện tích vi phạm; điều tra, xử lý nghiêm vụ việc.

Chỉ tính từ năm 2014 đến năm 2018, huyện Hoành Bồ đã kiểm tra, phát hiện 100 vụ vi phạm về quản lý tài nguyên than, khoáng sản; đã xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với 6 tập thể, 9 cá nhân, xử lý kỷ luật 5 cá nhân có khuyết điểm, sai phạm để xảy ra tình trạng khai thác than trái phép.

Về phía ngành than, ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) - khẳng định: Sau khi triển khai Nghị quyết 12-NQ/TU, trình trạng than lậu, than “thổ phỉ” đã giảm rõ rệt, số vụ vi phạm cũng ngày càng ít đi. Nếu như năm 2016 có 35 vụ việc vi phạm trong khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than được cơ quan chức năng, doanh nghiệp ngành than xử lý, nhiều khu vực đào bới than, lò than “thổ phỉ” bị phá dỡ, đến năm 2017 còn 5 vụ, năm 2018 chỉ còn 2 vụ việc.

TKV cũng đã chấm dứt vận chuyển than trên các tuyến Quốc lộ 18A, Quốc lộ 10, đường 188 cũ. Đồng thời, TKV cũng quy định các doanh nghiệp không được phép chở than quá 18 giờ hằng ngày; lắp đặt camera quản lý điểm đầu - điểm cuối, gắn thiết bị định vị GPS; cân tại điểm đầu - điểm cuối trong quá trình vận chuyển, sử dụng đường chuyên dụng, gắn logo biển hiệu của TKV trên các thiết bị bốc xúc, vận chuyển.

“Nghị quyết 12-NQ/TU đã thực sự hỗ trợ giúp ích cho TKV và các địa phương quản lý tài nguyên than, thiết lập lại trật tự” - Phó tổng giám đốc TKV nhấn mạnh.

Còn nhiều thách thức

Nói về những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý tài nguyên than, lãnh đạo TKV cho biết thêm: Tại Quảng Ninh, than phân bố trong cả khu vực dân cư, dự án phát triển kinh tế - xã hội… Vì lợi nhuận, nhiều người sẵn sàng làm trái pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ khai thác, kinh doanh than trái phép, mất trật tự xã hội. Do đó, TKV luôn xác định việc quản lý tài nguyên than, quản lý ranh giới mỏ còn gặp nhiều thách thức.

Theo quy hoạch, vùng khai thác than tại Quảng Ninh trải dài từ Mạo Khê - Đông Triều đến Mông Dương, Khe Chàm - Cẩm Phả. Khai trường đan xen với nhiều dự án của các doanh nghiệp khác. Đặc biệt, một số dự án phát triển kinh tế - xã hội có xuất lộ tài nguyên khoáng sản, các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ thu hồi chưa nghiêm túc, còn có biểu hiện lợi dụng thi công sai thiết kế, tự ý thu hồi, tập kết than trái phép. Đa số các tuyến đường vận chuyển cùng với đường dân sinh, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ.

Do đó, TKV đang quyết liệt quản lý chặt than đầu nguồn, xỉ thải, khai thác thuộc ranh giới mỏ; tích cực hoàn nguyên môi trường sau khai thác; chủ động phối hợp có trách nhiệm hơn nữa với các ngành, địa phương trong công tác quản lý tài nguyên than.

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã chỉ ra một số khó khăn trong công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than cũng như quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là những khó khăn trong công tác quản lý đất rừng có khoáng sản; quản lý than trong khai trường và các bến, bãi; vấn đề tận thu tài nguyên...

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan tham mưu tiếp tục hoàn thiện báo cáo thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU, trong đó cần làm rõ hơn những vấn đề tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm; đề xuất những giải pháp cụ thể đối với hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than cũng như quản lý các loại khoáng sản; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ.

Năm 2016 có 35 vụ việc vi phạm trong khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than được cơ quan chức năng, ngành than xử lý, nhiều khu vực đào bới than, lò than “thổ phỉ” bị phá dỡ, đến năm 2017 còn 5 vụ việc, năm 2018 chỉ còn 2 vụ việc.
nhung chuyen bien tich cuc 534107Điểm sáng chế biến, tiêu thụ than
nhung chuyen bien tich cuc 534107Quý I/2019, TKV sản xuất gần 11 triệu tấn than

Linh An

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps