Quản lý khai thác khoáng sản: Công - tư khó ngồi lại cùng nhau

07:00 | 23/10/2013

1,224 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi các ông lớn làm ăn nghiêm túc, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ mà vẫn bị thiên hạ phê phán thì các doanh nghiệp địa phương lại cấu kết với “khoáng tặc” bòn rút tài nguyên đất nước…

Cấp phép bừa bãi

GS.TSKH Phan Trương Thị, người đã có gần 50 năm kinh nghiệm trong nghề thăm dò, nghiên cứu khoáng sản cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nghiêm túc bức xúc là do buông lỏng quản lý, công tác quản lý hiện nay còn quá kém. Nạn khai thác không phép, khai thác tự do, nhất là đối với khai thác vàng, đá quý, chì, kẽm, đồng, than… chưa được ngăn chặn hoặc ngăn chặn chưa triệt để, thậm chí có dấu hiệu bao che và lợi ích cá nhân. “Người dân chỉ cần chở mấy nải chuối hoặc mấy con gà không xuất xứ, vài ba bao thuốc lá lậu đều bị bắt ngay. Đằng này máy khai thác lậu nổ ầm ầm, xe chở lậu khoáng sản hàng chục tấn ra vào như dàn trận thì cơ quan quản lý lại không biết, không thấy. Câu hỏi đặt ra do đâu, công tác quản lý, người lãnh đạo địa phương đó có lợi ích trong đó không? Khi tinh thần tham ô, lợi ích nhóm được dẹp bỏ thì lúc đó mới tính đến chuyện bảo vệ khoáng sản”, GS Thị nhấn mạnh.

Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ Quốc hội làm việc tại Lào Cai

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 12 năm, từ năm 1996 đến 2008, các cơ quan trực thuộc Trung ương cấp 928 giấy phép hoạt động khoáng sản, trung bình 77,33 giấy phép/năm. Tình trạng cấp phép ngày càng xấu đi khi chức năng này được phân cấp cho địa phương. Chỉ trong vòng 3 năm, từ 2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh, thành phố đã cấp vô tội vạ đến 3.495 giấy phép khai thác khoáng sản, trung bình 1.165 giấy phép/năm, gấp 8 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm và gấp 15 lần số giấy phép trung bình được cấp/năm. Trước thực trạng trên, Luật Khoáng sản sửa đổi đã được Quốc hội khóa XII thông qua có hiệu lực từ tháng 7/2011, việc quản lý khai thác có dấu hiệu tích cực giảm về số lượng, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 71 giấy phép, UBND tỉnh, thành phố đã cấp 957 giấy phép.

Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh con số 957 nêu trên thì có tới trên 50% giấy phép đã cấp vi phạm Luật Khoáng sản. Cụ thể, cấp phép không đúng thẩm quyền là 103 giấy phép, cấp phép khi chưa có quy hoạch được duyệt là 37 giấy phép; cấp phép cho đối tượng không có đăng ký kinh doanh ngành nghề về thăm dò khai thác khoáng sản là 52 giấy phép, cấp phép không qua lựa chọn tổ chức cá nhân ở khu vực không đấu giá quyền khai thác là 128 giấy phép, cấp phép nhưng không có dự án đầu tư được phê duyệt là 196, cấp phép nhưng không có giấy chứng nhận đầu tư dự án là 345, cấp phép khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường là 29, cấp phép khi chưa phê duyệt trữ lượng khoáng sản là 196. Như vậy có thể thấy rằng, tổn thất tài nguyên khoáng sản là rất lớn, đặc biệt chủ yếu là ở các địa phương.

Doanh nghiệp “ngao ngán” đủ loại thuế, phí

Không những phải đầu tư lớn, gặp rủi ro cao mà hiện nay các doanh nghiệp khoáng sản còn đang phải “gánh” nhiều loại thuế nhất. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay mỗi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản phải đóng khoảng trên 12 loại thuế, phí gồm: thuế tài nguyên; thuế môi trường; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế xuất khẩu; phí bảo vệ môi trường; phí thẩm định đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định trữ lượng khoáng sản; phí sử dụng thông tin địa chất; lệ phí cấp phép; ký quỹ phục hồi môi trường; hoàn trả phí điều tra, thăm dò khoáng sản... đó là chưa kể sắp tới họ phải đóng thêm khoảng 2-3 khoản thuế, phí nữa như phí cấp quyền khai thác khoáng sản theo luật khoáng sản 2010.

GS.TS Lê Văn Khoa - Viện Tư vấn phát triển CODE cho biết: Một số loại thuế, phí còn thiếu tính khoa học, chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chưa có quy chuẩn kỹ thuật áp dụng riêng cho từng loại hình khai thác. Đơn cử như thuế tài nguyên, hiện đang tính theo sản lượng khai thác được dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chỉ khai thác những nới có hàm lượng khoáng sản cao và bỏ lại phần có hàm lượng thấp “dễ làm khó bỏ”, làm tổn thất tài nguyên.

Áp thuế hợp lý để thu hút đầu tư

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng các loại thuế, đặc biệt là thuế tài nguyên là chưa nên và chưa phù hợp trong giai đoạn này. Bởi hầu hết doanh nghiệp vẫn đang bị bao trùm bởi “đám mây” khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đang tiếp tục đẩy các doanh nghiệp vào giai đoạn khó khăn nhất. Phần lớn nguồn tài chính cho hoạt động đầu tư khoáng sản đều có liên quan đến nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong khi lãi suất ngân hàng luôn biến động theo hướng “phi mã”. Trong khi đang gặp khó về vốn, thị trường thì nay lại tăng thuế, chẳng khác nào “siết” cổ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc áp mức thuế tài nguyên như đề xuất sẽ làm gia tăng các hoạt động khai thác trái phép. Các đối tượng khai thác trái phép không đóng lệ phí cấp giấy phép, không đóng tiền ký quỹ bảo vệ môi trường mà còn gây nên những vấn đề môi trường nghiêm trọng. Mặt khác, họ cũng không trả thuế thu nhập doanh nghiệp, không đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng cho cộng đồng và cũng chắc chắn không đóng thuế tài nguyên. Nghiêm trọng hơn, việc tăng mức thuế tài nguyên khoáng sản sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các hoạt động khai thác trái phép, kéo theo vấn nạn tham nhũng, đặc biệt làm giảm các hoạt động đầu tư hợp pháp vào ngành khoáng sản.

Lê Tùng