Quan hệ Nga - Trung dưới góc nhìn năng lượng

14:01 | 09/05/2023

293 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Do bị phương Tây cấm vận, các mặt hàng năng lượng của Nga đang chuyển hướng sang các thị trường khác, trọng tâm là Trung Quốc. Vậy quan hệ năng lượng Nga - Trung trong tương lai sẽ như thế nào?
Quan hệ Nga - Trung dưới góc nhìn năng lượng
Tổng thống Nga V.Putin tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow ngày 20-3

Chỗ dựa kinh tế của Nga

Từ ngày 20 đến 22-3-2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Nga cấp nhà nước. Hội nghị thượng đỉnh Nga - Trung Quốc lần này xoay quanh 4 vấn đề chính, trong đó, 2 vấn đề về hợp tác kinh tế và năng lượng giữa hai nước, 2 vấn đề còn lại liên quan tới xung đột Ukraine và phương Tây.

Mặc dù không có kết quả cụ thể nào nhưng hai bên đã có những biên bản ghi nhớ về hợp tác, nhất là về kinh tế và năng lượng. Tuy nhiên, biểu tượng chính của ông Tập Cận Bình khi tới Moscow là mang lại cho Nga một chỗ dựa cả về chính trị lẫn kinh tế trong bối cảnh Nga đang chống lại sự cô lập và kìm hãm của Mỹ và các đồng minh châu Âu. Chỗ dựa kinh tế đó là gì?

Trong khi phương Tây tìm cách “chặt chân, chặt tay kinh tế Nga” thì “hợp tác kinh tế và thương mại là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Nga - Trung” - Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp báo với Chủ tịch Trung Quốc tại Moscow, đồng thời hy vọng kim ngạch thương mại sẽ vượt 200 tỉ USD vào năm 2023, là một kỷ lục mới. Ông Putin bảo đảm rằng, Moscow có thể tăng cường cung cấp dầu và nông sản cho Trung Quốc. Tổng thống Putin còn “sẵn sàng thành lập một cơ quan làm việc chung” để phát triển “tuyến đường biển Bắc” ở Bắc Cực để dễ di chuyển hơn khi băng tan và nhờ đó, Moscow hy vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu hydrocarbon. Ông Putin cũng ủng hộ “việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thương mại giữa Nga và các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh”, một phương tiện khác để đẩy nhanh quá trình “phi đôla hóa” nền kinh tế thế giới.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cũng đồng ý khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 khổng lồ, nối các mỏ khí đốt ở Siberia qua Mông Cổ đến Tây Bắc Trung Quốc. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, khi vận hành, 50 tỉ m3 khí đốt sẽ đi qua đường ống dẫn khí đốt dài tổng cộng 2.600km này. Dự án này là biểu tượng của chiến lược xoay trục kinh tế sang châu Á mà Nga hy vọng, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt quốc tế dẫn đến việc đóng cửa các thị trường phương Tây béo bở. Tuy nhiên, Tổng thống Nga không đưa ra lịch trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2, vì đang phải hoàn thành đường ống Power of Siberia hiện có.

Quan hệ Nga - Trung dưới góc nhìn năng lượng
Bản đồ 2 tuyến đường ống dẫn khí từ Nga sang Trung Quốc

Trung Quốc hưởng lợi

Có thể nói, Trung Quốc mua hầu hết các mặt hàng năng lượng từ Nga. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra chỉ hơn 1 năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khiến phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc mua dầu thô và than đá của Nga, đồng thời Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) cũng đồng ý áp mức giá trần đối với dầu thô của Nga vào tháng 12-2022. Liên minh châu Âu (EU) cũng tạm dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga, làm “méo mó” thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu.

Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, không đồng tình với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trong số đó. Trung Quốc đã tiết kiệm được hàng tỉ USD bằng cách mua dầu và than đá rẻ từ Nga, đồng thời làm giàu bằng cách buôn bán phần dầu, than dư.

Năm 2022, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 8% so với năm 2021, đạt 86,25 triệu tấn (1,7 triệu thùng/ngày), ngay cả khi tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2021 của Trung Quốc giảm 0,9% do suy thoái kinh tế, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. Năm 2022, Nga nắm giữ 17% thị trường dầu mỏ của Trung Quốc so với 15% vào năm 2021, chỉ đứng sau Arập Xêút, nhà cung cấp chính của Trung Quốc với 87,5 triệu tấn dầu thô.

Dựa vào mức chiết khấu ước tính 10 USD/thùng đối với dầu thô ESPO và dầu thô Urals, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng 5,5 tỉ USD trong khoảng thời gian từ tháng 4-2022 đến tháng 1-2023, theo thông tin của Reuters. Các nhà máy lọc dầu tư nhân ở phía Đông tỉnh Sơn Đông là những nhà máy được hưởng lợi nhiều nhất. Các nhà máy lọc dầu của nhà nước cũng tận dụng lợi thế dầu rẻ từ Nga, số khác kiếm được lợi nhuận từ việc kinh doanh các thùng dầu, các thương nhân cho biết. Nhập khẩu dầu thô hàng hải của Trung Quốc từ Nga đạt mức cao kỷ lục khoảng 1,4 triệu thùng/ngày vào tháng 3-2023, theo Vortexa và Kpler.

Trung Quốc cũng đã tăng nhập khẩu than đá từ Nga, ngay cả khi Trung Quốc đã giảm nhập khẩu nhiên liệu do sản xuất trong nước tăng. Theo dữ liệu hải quan, năm 2022, lượng than đá mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã tăng 20% so với năm 2021, đạt 68,06 triệu tấn. Nhập khẩu than cốc tăng gấp đôi, lên 21 triệu tấn. Trong khi Trung Quốc mua than giảm giá từ Nga thì châu Âu từ chối các lô hàng của Nga và cấm vận từ ngày 11-8-2022. Nếu không phải vì cửa khẩu đường sắt của Nga bị tắc nghẽn gây cản trở việc vận chuyển than về phía Đông, thì lượng than nhập khẩu vào Trung Quốc có thể còn lớn hơn. Giá nhập khẩu trung bình đối với than cốc của Nga chỉ khoảng 217,33 USD/tấn vào năm 2022, so với giá trung bình đối với than cốc cao cấp của Úc là 364,66 USD/tấn (FOB).

Nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Nga vào năm 2022 tăng hơn 40% theo tính toán hàng năm, đạt 6,5 triệu tấn. Đồng thời, xuất khẩu LNG tăng do Trung Quốc tái xuất khẩu lượng LNG lớn sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp. Tổng nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong năm 2021 đã giảm 19,5%, xuống còn 63,4 triệu tấn, do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt làm chậm hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu. Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã chi trung bình dưới 20 USD/mmBtu (1 triệu đơn vị nhiệt Anh) cho mỗi tấn LNG nhập khẩu từ Nga, so với giá trung bình của LNG giao ngay cho châu Á vào năm 2022 là 38,8 USD/mmBtu.

Nhập khẩu điện từ Nga, chủ yếu thông qua đường dây truyền tải xuyên biên giới nối phía Đông Bắc Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga, vẫn ổn định trong giai đoạn 2017-2020, ở mức khoảng 3 tỉ kWh. Nhập khẩu điện tăng lên 3,8 tỉ kWh vào năm 2021, do Trung Quốc bị thiếu điện trên diện rộng và tiếp tục tăng 23% vào năm 2022, đạt 4,7 tỉ kWh.

Năm 2022, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 8% so với năm 2021, đạt 86,25 triệu tấn (1,7 triệu thùng/ngày). Năm 2022, Nga nắm giữ 17% thị trường dầu mỏ Trung Quốc so với 15% vào năm 2021, chỉ đứng sau Arập Xêút, nhà cung cấp chính của Trung Quốc với 87,5 triệu tấn dầu thô.

Thế yếu nghiêng về Nga?

Trước cuộc chiến Nga - Ukraine, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt tay tạo một mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc với thông điệp rất rõ ràng: Tạo đối trọng với phương Tây. Kể từ đó, thương mại song phương giữa hai nước đã bùng nổ, đạt kỷ lục 190 tỉ USD vào năm 2022. Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong số các loại tiền tệ được sử dụng cho ngoại thương của Nga đã tăng từ 0,5% lên 16% trong vòng 1 năm, dẫn đến sự sụt giảm ngoạn mục của đồng euro và USD trong xuất khẩu của Nga (hiện nay là 48%).

Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo về những rủi ro trong mối quan hệ “mất cân bằng” này và thế yếu nghiêng về Nga. Vì không có nhiều đối tác kinh tế lớn nên việc Nga quay sang Trung Quốc trở nên cấp thiết.

Ông Temour Oumarov, chuyên gia về quan hệ Trung - Nga tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, phân tích: “Sự ổn định của nền kinh tế Nga hiện phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này mang lại cho Bắc Kinh một công cụ mới để gây ảnh hưởng trực tiếp đến Moscow”. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phản đối nhận định đó. “Trong mối quan hệ này, không có người lãnh đạo cũng không có người theo sau”, cố vấn ngoại giao của Vladimir Putin, ông Yuri Ouchakov, khẳng định, đồng thời đề cập đến việc “hai đối tác tin tưởng lẫn nhau và hầu như có cùng mục tiêu”.

Việc phương Tây cấm vận và áp mức giá trần với dầu của Nga kể từ tháng 12-2022 đã tác động tiêu cực đến nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào tháng 2-2023, doanh thu dầu mỏ của Nga đã giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022, mặc dù có cùng một lượng dầu bán ra thị trường. Điều này làm suy yếu vị thế của Nga đối với Trung Quốc, vốn có thể tìm cách lợi dụng tình hình để đạt được những lợi ích kinh tế.

Trung Quốc và Nga được coi là đồng minh, nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh. Do đó, Bắc Kinh có thể tìm cách lợi dụng vị thế suy yếu của Moscow để đạt được lợi ích kinh tế. Theo ông Temour Oumarov, đây chỉ là giai đoạn đầu của quá trình Moscow phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong những năm tới hay thập niên tới, đòn bẩy kinh tế này có thể biến thành một đòn bẩy chính trị thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Quan hệ Nga - Trung dưới góc nhìn năng lượng
Xây dựng đường ống Power of Siberia
Thương mại song phương Nga - Trung đạt kỷ lục 190 tỉ USD vào năm 2022. Tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong các loại tiền tệ được sử dụng cho ngoại thương của Nga đã tăng từ 0,5% lên 16% trong vòng 1 năm, dẫn đến sự sụt giảm ngoạn mục của đồng euro và USD trong xuất khẩu của Nga (hiện nay là 48%).

Tương lai hợp tác năng lượng Nga - Trung

Vẫn còn nhiều vấn đề hậu cần để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác Nga - Trung. Bà Anna Kireïeva tại Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) cho biết: Các tuyến đường sắt chở than từ vùng Viễn Đông của Nga tới Trung Quốc đã tắc nghẽn. Quá trình hiện đại hóa các tuyến đường sắt này sẽ mất nhiều thời gian. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng về hydrocarbon của Nga, chẳng hạn như cảng dầu Kozmino, cũng cần phải đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của Trung Quốc.

Trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, ông Putin gọi đường ống Power of Siberia là “thỏa thuận thế kỷ”. Nhưng trong một tuyên bố chung sau cuộc đàm phán, các nhà lãnh đạo Nga - Trung nói rằng, các bên liên quan cần đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, các tuyên bố của ông Tập Cận Bình được công bố sau các cuộc họp đều không đề cập đến đường ống này.

“Chúng tôi không nghĩ rằng thỏa thuận này đã hoàn tất, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết. Nga có lẽ chỉ chú tâm vào mục tiêu bán khí đốt hơn là nhu cầu của Trung Quốc hiện nay”, Wang Yuanda, nhà phân tích khí đốt Trung Quốc tại Công ty Tình báo kinh doanh ICIS, nhận định.

Trung Quốc có thật sự cần thêm khí đốt của Nga? Gazprom đã cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia 1, theo thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD kéo dài 30 năm, được đưa ra vào cuối năm 2019, dự kiến cung cấp 22 tỉ m3 khí đốt vào năm 2023, khối lượng khí đất sẽ ngày càng tăng trước khi đạt công suất tối đa 38 tỉ m3 vào năm 2025. Tháng 2-2022, Bắc Kinh đã đồng ý mua khí đốt từ đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông Nga, được vận chuyển bằng một đường ống mới qua biển Nhật Bản đến tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc, dự kiến đạt 10 tỉ m3/năm từ năm 2026.

Song song với đó, Trung Quốc hiện đang đàm phán một đường ống mới - đường ống dẫn khí đốt D giữa Trung Á - Trung Quốc - để cung cấp 25 tỉ m3 khí đốt mỗi năm trong vòng 30 năm, từ Turkmenistan qua Tajikistan và Kyrgyzstan. Ngoài ra, Trung Quốc còn có hợp đồng dài hạn với Qatar, Mỹ và các công ty dầu mỏ lớn trên thế giới để cung cấp LNG.

“Mục tiêu ban đầu của Trung Quốc là nhập khẩu 38 tỉ m3 khí đốt của Nga vào năm 2025. Hiện nay, Nga đã tuyên bố rằng con số này sẽ đạt 98 tỉ m3 vào năm 2030. Đây là một bước nhảy vọt rất lớn, vì vậy chúng ta nên thận trọng hơn. Trung Quốc cũng lo ngại về nguy cơ có thể rơi vào tình thế tương tự như châu Âu, nếu Trung Quốc trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt Nga”, nhà phân tích Wang Yuanda nhận xét.

Gazprom đã cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia 1, theo thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD kéo dài 30 năm, được đưa ra vào cuối năm 2019, dự kiến cung cấp 22 tỉ m3 khí đốt vào năm 2023, 38 tỉ m3 vào năm 2025 và sẽ đạt 98 tỉ m3 vào năm 2030.

S.Phương (tổng hợp)