Quan chức ta nên học kỹ bài thơ “Thằng Bờm”

08:45 | 26/03/2016

9,750 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người Việt ta có lẽ, không ai là không biết đến bài thơ “Thằng Bờm” trong dân gian: “Thằng Bờm có cái quạt mo/Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu/Phú ông xin đổi ao sâu cá mè/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè/Phú ông xin đổi một bè gỗ lim/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim/Phú ông xin đổi con chim đồi mồi/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi/Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười…”.

Suốt bao nhiêu năm ở trong các trường, người ta giảng dạy rằng, nào là phải cảnh giác trước thủ đoạn của gã nhà giàu, vì rất có thể gã lừa đảo để cướp cái quạt của người nghèo, rồi giảng giải rằng Bờm là người có nhân cách cao cả nên không màng đến gỗ lim, ao cá mè, đến trâu đến bò; rồi người ta bảo rằng Bờm là một thằng ngu, có cái quạt mo mà đổi trâu bò, bè gỗ lim lại không đổi, cuối cùng lại đồng ý đổi… nắm xôi.

Nói chuyện này, tôi nhớ đến hồi học lớp 7, khi Trần Đăng Khoa nổi lên như cồn với những bài thơ của mình. Có lần, thầy giáo mang bài thơ “Đám ma bác giun” của Trần Đăng Khoa ra đọc cho chúng tôi nghe, rồi thầy bình phẩm rằng, Trần Đăng Khoa đã lên án đám cường hào ác bá, lợi dụng đám ma để kiếm chác, rồi ông nói xa xôi đến các tệ nạn của chế độ phong kiến. Quả thật, chúng tôi nghe như nuốt từng lời, và khâm phục Trần Đăng Khoa vô cùng. Chao ôi, một học sinh cũng cỡ tuổi mình mà đã biết lên án chế độ phong kiến, thật là tài!

Nhưng rồi có ai biết đâu rằng, đó chỉ là một bài thơ của một cậu bé nhìn thấy những con kiến kéo nhau đi khênh con giun chết về để ăn, thế là làm thơ. Còn người lớn thì gắn cho bài thơ những lập trường quan điểm quá là cao siêu.

Đã có thời chúng ta hay gán ghép những “tư tưởng lớn” vào những bài văn, bài thơ, và bài thơ Thằng Bờm cũng đã bị như vậy.

Nhưng hình như không ai nghĩ đến một câu người xưa đã nói “Dân dĩ thực vi thiên” - dân lấy ăn làm trời, nói nôm na rằng người dân nghèo đói thì chỉ cần miếng ăn vào miệng thôi, chứ cần gì tới gỗ lim, ao sâu cá mè. Cái gì mà cho vào miệng ăn được, để sống qua ngày, qua cơn đói, thì cái đấy mới quý hơn hết.

Bờm là người nghèo, rất nghèo và chắc chắn rằng quanh năm đói khổ, nên với Bờm, miếng ăn là quan trọng nhất.

 “Quốc dĩ dân vi bản”, “Dân dĩ thực vi thiên” - nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm trời.

Tôi cam đoan rằng quan chức nước ta, đặc biệt là những người đã học qua chính trị sơ cấp, trung cấp, cao cấp, không ai là không biết câu này, và không ai là không biết bài thơ “Thằng Bờm”.

Nhưng họ lại không hiểu ý nghĩa quan trọng nhất của bài thơ là: người dân nghèo chỉ cần miếng ăn mà thôi.

Vậy nói rộng ra thì người dân chỉ, đủ cơm no, áo mặc, có cuộc sống bình yên, cần được lao động đúng năng lực và có những thứ thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày. Với người dân, họ có nghĩ gì cao siêu đâu.

Quan chức của ta xuống dân ,cứ nói thao thao bất tuyệt những thứ tốt đẹp, ưu việt của CNXH, rồi những thứ xấu xa của CNTB. Khổ lắm người dân cần gì những lời nói đấy. Cái mà họ cần, là những thứ thiết thân trước mắt. Lúc này, bà con Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… đang cần từng lít nước. Và người ta đang cần làm thế nào để sống được qua ngày, trong lúc chờ mưa xuống. Vậy nên cái mà người ta cần bây giờ, thậm chí có thể đổi trâu bò để lấy nước mà sống. Chứ  người ta cần gì những thứ cao siêu tận đẩu đâu mà chắc gì kiếp này đã thấy.

Điều này lý giải được nguyên nhân vì sao nhiều người cho rằng cán bộ của chúng ta ngày càng bị dân xa lánh. Chính là  họ đã vô cảm với nỗi khổ mà người dân đang phải chịu đựng. Họ chỉ biết hứa chung chung, mà không làm cái gì cho cụ thể. Cái gì người dân đang cần giải quyết ngay thì họ cứ bàn đủ mọi chỗ, mọi nơi. Rồi “hứa hươu, hứa vượn” rằng sẽ xem xét, sẽ giải quyết; rồi nào là lên diễn đàn thì lại nói phải tôn trọng quyền làm chủ của dân, phải chăm lo cho dân. Toàn những mỹ từ tốt đẹp…

Nhưng thử hỏi, trước những nỗi khổ mà người dân đang phải chịu, thì cụ thể là cái gì? Chở nước cấp nước cho dân ra sao, vận động tiết kiệm, dồn tiền để cứu hạn cho lúa thế nào? Phải làm gì để cứu cho người dân và gia súc khỏi bị khát? Hay họ vẫn khăng khăng rằng, phải xây quảng trường, tượng đài, cổng chào cho oách. Rồi thử hỏi, đã có tỉnh nào mà lãnh đạo đứng ra kêu gọi mọi người đừng ăn nhậu nữa, đừng liên hoan nữa, đừng tổ chức khánh thành, khởi công động thổ công trình này, công trình kia, mà dồn tiền hiếu hỷ đấy cho các mục đích thiết thực trước mắt.

Người dân bây giờ đang chán ngấy những loại cán bộ chỉ biết nói, mà không biết làm. Và người dân cũng đang rất yêu những cán bộ dám đối thoại với dân, lắng nghe dân và cái gì xử lý được ngay lập tức thì làm ngay. Không lằng nhằng, không lươn lẹo, không tìm cách đổ lỗi. Và người dân cũng rất yêu những vị lãnh đạo dám đối mặt với sự thật, và mọi suy nghĩ, hành động, lời nói đều xuất phát từ 4 chữ “lấy dân làm gốc”.

Gần đây, báo chí và dư luân nói nhiều về hiện tượng Đinh La Thăng. Và có thể nói người dân ủng hộ mạnh mẽ cách nói, cách làm của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Bởi ông đã làm một việc mà người ta gọi là “đốc công”, nghĩa là bắt cả guồng máy phải tăng tốc, phải đi vào những vấn đề cực kỳ cụ thể mà người dân đang cần.

Cũng có những kẻ dè bỉu, bảo rằng lãnh đạo Đảng phải chỉ đạo bằng Chỉ thị, Nghị quyết, đường lối chính sách, chứ không phải xuống ngồi lê la với dân; hoặc thò tay vào những việc mà lẽ ra chỉ cần cấp phòng cũng làm nổi… Thực sự, đó là lời ngụy biện của những kẻ bất tài vô dụng.

quan chuc ta nen hoc ky bai tho thang bom
Ảnh minh họa: Thằng bờm

Đảng ta là đảng cầm quyền, cho nên người Bí thư thì thực chất cũng là tư lệnh của ngành đó, địa phương đó. Ông phải vừa là người vạch ra đường lối, nhưng cũng phải là một “đốc công”. Còn cứ vạch ra đường lối xong rồi để đấy, mặc cấp dưới làm gì thì làm, thì nghị quyết cũng chỉ là một thứ giấy lộn mà thôi. Và nghị quyết gì thì cũng phải làm được một việc mang lại quyền lợi cho người dân, hay nói nôm na là làm cho người dân được no ấm, còn nếu không làm được điều đó thì tất cả điều là vô nghĩa.

Bấy lâu nay những nhà lãnh đạo mà dược dân yêu quý đều là những người gần dân, sát dân. Và mọi hành động, việc làm, suy nghĩ của họ đều vì dân.

Cán bộ của chúng ta bây giờ “oai” lắm, từ trung ương xuống địa phương đi đâu cũng “tiền hô hậu ủng”, rồi băng-rôn nhiệt liệt hoan nghênh, nhiệt liệt chào mừng. Trong lúc người dân đang thiếu từng bát cơm, từng chai nước, thì cán bộ rềnh rang, xe lớn xe bé và biết bao nhiêu thủ tục mang nặng tính hình thức, phiền toái. .. Như vậy, bảo làm sao dân yêu được.

Càng ngẫm về bài thơ “Thằng Bờm” càng thấy ngày xưa sao mà các cụ ta thâm thúy thế. Chỉ tiếc rằng, một thời gian dài, rất dài, chúng ta đã phân tích, giải thích cho biết bao nhiêu thế hệ ý nghĩa của bài thơ theo những quan điểm rặt là chính trị.

Nhìn xa thì thấy núi, nhìn gần thì thấy bàn chân. Thấy núi cao nhưng xa lắm, muốn đến được thì đời này, đời sau, đời sau nữa chưa chắc đã bò được đến, nhưng chân mình bẩn hay sạch thì thấy ngay.

Nên hơn lúc nào hết, mong quan chức chúng ta hãy đọc kỹ bài thơ “Thằng Bờm” và biết lo cho dân những việc cụ thể, thiết thực, mà người dân đang cần ngay trước nhất.

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc