Phòng vệ thương mại - Cuộc chơi đầy cam go

06:52 | 08/10/2019

290 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đều thuộc nhóm quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất trên thế giới, do đó, hàng xuất khẩu Việt Nam có nguy cơ phải chịu các biện pháp PVTM. Đây là cuộc chơi thương mại toàn cầu, đầy cam go và tiềm ẩn nhiều rủi ro.    

Nguy cơ lớn

Các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới đều có các điều khoản về PVTM. Khi tham gia FTA, một điều quan trọng để hàng sản xuất trong nước cạnh tranh với hàng nhập khẩu là cần phải có công cụ bảo vệ chính mình trước những hệ quả chưa lường trước được khi thực hiện các cam kết. Bởi thế, các biện pháp PVTM luôn được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại của mỗi quốc gia.

phong ve thuong mai cuoc choi day cam go
Ngành gỗ Việt Nam trước rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh thu

Sau nhiều năm mở cửa nền kinh tế, tính đến tháng 7-2019, Việt Nam đã ký kết thành công 12 FTA, 1 FTA đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực, đang đàm phán 3 FTA khác. Gần đây nhất, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được coi là FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, bao gồm cả nhiều lĩnh vực phi thương mại. So với các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các FTA nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng có mức độ cam kết sâu và rộng hơn rất nhiều. Theo Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, nếu như trong WTO, Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm 1/3 số dòng thuế, thì với hầu hết các FTA đã ký kết, Việt Nam cam kết xóa bỏ tới 80-90% dòng thuế. Do đó, mức độ mở cửa của các FTA thế hệ mới lớn hơn, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước đối tác FTA dễ dàng hơn.

Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Trong đó, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp luôn tiềm ẩn. Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến nay, Việt Nam đã đối mặt với 130 vụ kiện PVTM được khởi xướng từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ về trợ cấp, 25 vụ về tự vệ, 17 vụ về lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Mỗi vụ thường liên quan đến một ngành hàng, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.

Ngành gỗ kỳ vọng đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 lên 11 tỉ USD, tăng 1,7 tỉ USD so với năm 2018. Nhưng để đạt được con số đó, ngành gỗ được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, bên cạnh việc thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, Việt Nam lại phải đối mặt với những nguy cơ lớn.

Phân tích cụ thể về vấn đề này, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends cho rằng, dòng vốn đầu tư từ quốc gia láng giềng sang Việt Nam sẽ khiến sản phẩm gỗ “made in Vietnam” bị đưa vào “tầm ngắm” của Mỹ. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa chắc đem lại lợi ích lâu dài cho ngành gỗ Việt Nam, ngược lại, có thể gây rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, biến Việt Nam thành quốc gia trung chuyển nhằm tránh thuế của Mỹ. Hơn nữa, rất có thể ngành gỗ Việt Nam sẽ phải chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, kéo theo đó là thuế nhập khẩu cao và rủi ro hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian tới.

Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến nay, Việt Nam đã đối mặt với 130 vụ kiện PVTM được khởi xướng từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ về trợ cấp, 25 vụ về tự vệ, 17 vụ về lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Cách đây không lâu, ngành thép Việt như “ngồi trên đống lửa” khi có thông tin Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế suất lên tới 456% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam, có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đây được xem là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay của Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam. Mặc dù, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đều cho rằng, các sản phẩm thép bị đánh thuế thực chất không phải là của Việt Nam, tác động trực tiếp của biện pháp tăng thuế không ảnh hưởng quá nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam, hoặc chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, tuy nhiên, chắc chắn việc đánh thuế cao sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới các mặt hàng xuất khẩu khác.

Doanh nghiệp phải làm gì?

Thời gian tới, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu từ các nước đối tác FTA của Việt Nam được dự báo có thể tiếp tục tăng lên và mức độ ngày càng gay gắt hơn. Con số thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới được công bố gần đây khiến nhiều nhà quản lý giật mình khi có đến 63% doanh nghiệp tư nhân được điều tra không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về Cộng đồng kinh tế ASEAN, với CPTPP và EVFTA lần lượt là 71% và 77%. Rõ ràng, với tình trạng “mù mờ” đó, khi tham gia vào sân chơi thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tận dụng được cơ hội cũng như không thể nắm được cách thức để đối phó với những trường hợp có tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh trong nước cũng như xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có quan tâm đến những tác động của các FTA nhưng lại chưa chủ động và tích cực trong việc chuẩn bị, ứng phó với các vụ điều tra PVTM. Nhiều doanh nghiệp còn có tâm lý né tránh, sợ kiện tụng, điều tra, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ vào việc ứng phó khi bị nước thành viên FTA điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, dẫn tới kết quả bất lợi.

Từ thực tế đó, tại nhiều hội nghị, hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đều khẩn thiết cho rằng, “nước đã đến chân”, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền pháp luật, các biện pháp PVTM cho cộng đồng doanh nghiệp. Bởi việc nắm được các quy định về PVTM sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó, trong trường hợp khởi kiện, hoặc bị khởi kiện, doanh nghiệp sẽ biết được các quy trình liên quan ra sao để phối hợp với cơ quan điều tra, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của mình.

Tất nhiên, doanh nghiệp vẫn là nhân tố quyết định trong “cuộc chiến” cam go này. Để có thể PVTM tốt, doanh nghiệp không chỉ chủ động phòng trừ bị khởi kiện mà còn phải hợp sức tích cực tham gia vào kháng kiện, phối hợp và liên hệ chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng để cùng xây dựng chiến lược kháng kiện cho cả ngành, hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra. Mặt khác, một yếu tố cần phải chú ý, đó là trong điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra các nước thường yêu cầu rất nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh, vì thế doanh nghiệp Việt cần có ý thức lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng, minh bạch để sẵn sàng cho những trường hợp bị khởi kiện.

PVTM được xem là công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trước những hệ quả chưa lường trước được khi thực hiện cam kết trong các FTA. Các cường quốc trên thế giới luôn xem các biện pháp PVTM là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế. Vì thế, là một quốc gia đang giai đoạn tăng tốc hội nhập, Việt Nam càng không thể xem nhẹ PVTM.

Đức Minh