Phòng, chống biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp phải chủ động hơn

19:00 | 13/11/2013

1,654 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Trong nỗ lực phòng, chống tình trạng này, TP HCM kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình qua hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), TP HCM nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Cụ thể, nhiệt độ đang tăng lên khoảng 0,02°C từ năm 1996-2005. Hiện tại có 154 phường xã của TP HCM thường xuyên nằm trong  tình trạng ngập úng. Dự báo đến năm 2050 sẽ là 177 phường xã, chiếm 61% diện tích, khoảng 30% diện tích đất bị mất do mực nước biển dâng.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/112013/13/17/IMG_1555.jpg

Doanh nghiệp phải tích cực chủ động tham gia phòng, chống biến đổi khí hậu

Diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tính chất của các trạng thái thời tiết ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán. Tại TP HCM, biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu là tình trạng ngập lụt do triều cường và mưa lớn. Chính tình trạng ngập lụt kéo dài và ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của không chỉ người dân mà cả đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo doanh nghiệp với giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu do Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tổ chức ngày 13/11. Bà Nguyễn Thái Thùy Hoa, đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ TP HCM nhận xét, tình trạng mưa lớn kéo dài cộng với triều cường trong những năm trở lại đây đang đẩy hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trên địa bàn vào cảnh đình trệ. Cuộc sống của không chỉ người dân TP nói chung mà cả người lao động trong các doanh nghiệp gặp nhiều xáo trộn do phải chống chọi với ảnh hưởng của ngập lụt kéo dài. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận hoạt động sản xuất của không ít các doanh nghiệp hiện nay đang làm gia tăng các yếu tố gây nên biến đổi khí hậu. Các dự án về quản lý rủi ro thiên tai vẫn chưa gắn kết được các khối doanh nghiệp, hoặc chưa để ý một cách phù hợp đến vai trò của khối doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, thời gian qua việc tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ mới diễn ra mạnh mẽ đối với cộng đồng với những chương trình như trồng cây xanh, thu gom bình nhựa…Trong khí đó, riêng đối tượng chính gây ra nhiều phát thải khí nhà kính nhất là doanh nghiệp thì việc tham gia còn rất hạn chế.

Điển hình là từ năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND TP HCM tổ chức giải thưởng doanh nghiệp xanh. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng doanh nghiệp được chứng nhận chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp, vẫn còn 70% doanh nghiệp xả khí thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, hiện nay TP cũng thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, khuyến khích cá nhân, tổ chức doanh nghiệp bảo vệ môi trường; tổ chức ngày hội tái chế; phân loại rác thải tại nguồn; triển khai thực hiện công tác tăng cây xanh, mảng xanh trên đường phố.

TP HCM cũng xây dựng bản kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong đó, nêu cao việc các doanh nghiệp cắt giảm khí thải không nhất thiết phải cắt giảm sản xuất.

“Các doanh nghiệp có thể cắt giảm bằng cách cải thiện dây chuyền, công nghệ sản xuất để tiết kiệm năng lượng sử dụng; xanh hóa sản xuất; sử dụng nguyên nhiên liệu thân thiện với môi trường… Với những giải pháp cùng với hành động quyết liệt từ phía Chính phủ nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, cộng với sự nỗ lực thay đổi hành vi tiêu dùng của cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường hơn thì việc doanh nghiệp phải tự chuyển đổi theo hướng xanh hóa sản xuất là tất yếu nếu muốn cùng tồn tại và phát triển bền vững trong thời gian tới”- bà Phạm Kim Ngân, Phòng Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM đánh giá.

Thùy Trang