Phố Tây ở giữa Sài Gòn...

07:00 | 16/02/2015

18,954 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phường Phạm Ngũ Lão (quận I, TP Hồ Chí Minh) từ lâu đã trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Nói đến phường này thì phải nói đến cái ngã tư đã nổi tiếng từ thế kỷ trước: Ngã tư quốc tế - tên gọi cho một ngã tư nhỏ, điểm giao cắt của đường Bùi Viện và đường Đề Thám. Diện tích của phường theo địa giới hành chính xấp xỉ nửa cây số vuông. Nhìn trên bản đồ thì nhiều người bảo phường này có hình chiếc giày. Mũi hướng ra chợ Bến Thành, một bên là Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, chạy ngang dọc có Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu, Tôn Thất Tùng…

Năng lượng Mới số 394

Từ chuyện ông tây...

Một đêm Sài Gòn mưa đầu mùa, tôi tìm đến nhà Alain Bergeron, quốc tịch Pháp - người đã ở đây ngót nghét chục năm. Căn nhà của Bergeron nằm trong một hẻm nhỏ và yên tĩnh trên đường Phạm Ngũ Lão. Một con hẻm lạ của một khu vực đầy những sự “lạ”: Nó không hề có bóng dáng của khách sạn, quán ăn. Nếu có dịp đi sâu vào trong những con hẻm xuyên ngang từ Phạm Ngũ Lão sang đường Bùi Viện, thì bạn có thể thấy, hầu như tất cả đều có những cơ sở làm dịch vụ cho khách du lịch.

Bergeron là một bác sĩ tâm lý, đến đây từ năm 1996. Khi chân ướt chân ráo đến Việt Nam, anh làm việc và sống chung cùng với một người Việt ở quận Tân Bình, khu vực lại xa trung tâm nên hoàn toàn không giao tiếp với những người nước ngoài khác. Bergeron hòa nhập một cách khó khăn.

Cảnh kẹt xe lúc nửa đêm trên đường Bùi Viện

Bergeron nói: “Giờ thì mọi thứ đều ổn, gia đình tôi ở Canada, 2 năm về thăm họ một lần. Nhưng ở Canada rồi thì lúc nào tôi cũng nhớ về Việt Nam”.

Chúng tôi ngồi trò chuyện từ tối đến đêm mà không thể dứt ra được, bởi Bergeron luôn thể hiện sự bất ngờ này đến bất ngờ khác,  đặc biệt là hiểu biết khu vực nơi anh đang sống đã được 15 năm.

Câu chuyện kéo dài tới hơn 12 giờ đêm, xuyên suốt là những sự bất ngờ của Bergeron về Việt Nam mấy năm trở lại đây, đặc biệt là khu vực nơi anh đang sinh sống.

Đến Ngã tư không ngủ

Phường Phạm Ngũ Lão - nơi Bergeron ở, có thể coi là khu vực chật chội nhất thành phố hiện nay. Về dân số đăng ký hộ khẩu thường trú phường này sấp xỉ 20.000 người, mật độ cao gấp 6 lần mật độ dân cư trung bình của thành phố.

Chen chúc trên gần nửa cây vuông kia là 2 ngôi trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học, 2 bệnh viện: Bệnh viện Từ Dũ và một bệnh viện tư, thêm nữa là Công viên 23/9 chạy dài theo đường Phạm Ngũ Lão, nằm trọn trong địa bàn của phường. Dọc theo Công viên 23/9 là một bến tập kết xe buýt của quận I, và vô vàn điểm tập kết xe của các công ty du lịch. Thông tin không chính thức là khoảng 400 khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ (chưa kể từng ấy nhà hàng, quán bia, giải khát) và khoảng 30% số hộ tại phường này kinh doanh phục vụ du lịch.

Người đến kẻ đi trên địa bàn phường cũng thuộc loại nhất nhì thành phố. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ với quy mô hơn ngàn giường bệnh, hằng ngày tiếp đón vài ngàn người bệnh và thân nhân đến thăm khám và điều trị. 4 ngôi trường hằng ngày tiếp đón sấp sỉ một ngàn học sinh. Nhà thờ Huyện Sĩ trên đường Tôn Thất Tùng tiếp đón không ít người đến đi lễ hoặc tham quan…

 Đặc biệt là khu phố Tây và Công viên 23/9, theo tìm hiểu, mỗi ngày phải có trên 2 ngàn người đến đây lưu trú, ăn uống, giải trí. Con số này trong dịp lễ hội có thể tăng gấp đôi.

Vì vậy, đã từ lâu nay, phường Phạm Ngũ Lão trở thành trọng điểm của thành phố về công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Tìm kiếm thông tin về lịch sử phát triển của phường Phạm Ngũ Lão nói chung và khu phố Tây nói riêng thật sự khó khăn. Hầu như không có  sách vở nào mô tả chi tiết và cụ thể khu vực này. Có thể do đây chỉ là nơi tập trung của tầng lớp lao động, rồi giang hồ tứ xứ, cùng lắm là những người lính trẻ về giải trí dịp cuối tuần. Giữa cái phồn hoa náo nhiệt của Sài Gòn và Chợ Lớn, Phạm Ngũ Lão đã không được chú ý đến.

Công viên 23/9 trước đây là một ga xe lửa - dân xung quanh gọi là “xe lửa Mỹ” . Không phải bến xe lửa này “made in USA”, mà hóa ra, đây là ga đầu của tuyến xe lửa xuất phát đi Mỹ Tho - Tiền Giang, lâu dần nói ngắn gọn lại thành “xe lửa Mỹ”. Phía đường Trần Hưng Đạo hiện giờ có một đường tàu điện chạy ở giữa, dấu tích vẫn còn tương đối nhiều. Đường tàu điện này nối liền giao thông giữa Bến Thành và Chợ Lớn, bến tàu điện trước kia có thể xác định ở Thuận Kiều Plaza hiện nay.

Nếu đi thẳng từ Đề Thám xuyên sang qua Trần Hưng Đạo, đó là đường Dixmude, là nơi lính tây hay lui tới. Có thể đây chính là điều kiện để hình thành “ngã tư quốc tế” ngày nay.

Khu vực C của Công viên 23/9 hiện nay (khu nằm sát chợ Nguyễn Thái Bình), xưa kia là trụ sở của hãng taxi đầu tiên: Taxi Việt Nam. Từ năm 1950-1995, Taxi Việt Nam là hãng taxi lớn nhất thành phố, sở hữu tròn 100 chiếc Renault của Pháp.

Lễ hội hóa trang được diễn ra ngay trên đường Bùi Viện

Khoảng năm 1950-1951, đã xảy ra một vụ cháy lớn làm thiêu rụi khu vực Trần Hưng Đạo - Bùi Viện và Đề Thám. Toàn bộ những căn nhà lụp xụp của dân ngụ cư bị quét sạch trong cơn bão lửa. Năm 1952, nhà đầu tư đã cho xây dựng hàng loạt căn hộ liền kề tại đây. Dấu tích nay vẫn rất rõ ràng trên đường Trần Hưng Đạo đoạn từ Đề Thám cho tới Nguyễn Cư Trinh. Đó là những căn nhà xây theo kiểu 1 trệt 2 lầu, có những đường nét kiến trúc giống y hệt nhau.

Đây cũng là nơi  dân anh chị xưng hùng xưng bá một thời. Có thể kể đến như Wòng Cái và Ba Thế - 2 trong Tứ Đại Thiên vương Đại - Tì - Cái - Thế của đất Sài Gòn trước ngày giải phóng. Wòng Cái và Ba Thế chia nhau cai quản khu vực Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, ngã tư Quốc tế đến tận chợ Dân sinh ngày nay.

Những người thức trắng cùng địa bàn

Phải nói là khu phố Tây rất đẹp, nhưng có lẽ chỉ đẹp... vào ban ngày.

Công viên 23/9 từ sáng đến chiều hiếm khi vắng người. Công viên giữa phố lại nhiều cây xanh và khá sạch sẽ.

Đường Bùi Viện tiêu biểu cho đường phố Việt Nam: Nhà cửa san sát, mặt đường đa phần là cửa hàng. Vỉa hè dĩ nhiên là để... bán hàng, người đi bộ thì xin mời xuống lòng đường. Cảnh tượng tuy chật chội và có phần nhem nhuốc nhưng vẫn có một sức hút đáng kể với những khách du lịch và thích khám phá. Đơn giản vì hiếm có nước nào trên thế giới lại “bám đường” mãnh liệt như ở Việt Nam.

Ở con đường này bạn sẽ thấy vô vàn các loại hàng quán, đủ để phục vụ tất cả các nhu cầu của khách du lịch. Muốn ăn ư? Sẽ có đủ thứ từ bình dân đến cao cấp cho bạn chọn. Muốn giải khát ư? Hãy vào hẻm An Lạc hay ra ngã 3 Cống Quỳnh Bùi Viện hoặc quán bar “sang chảnh” ở đó chỉ có người Việt; hoặc dừng chân bên những quán vệ đường nơi một chai bia hay ly sinh tố có giá trên dưới 20 ngàn. Những cửa hàng hớt tóc gội đầu, giặt ủi đầy hai bên đường; siêu thị mini san sát mở cả ngày lẫn đêm... Đi sâu vào hẻm thì đủ loại nhà nghỉ, nhà trọ giá rẻ, có phòng còn ở chung 5-7 người; ngoài mặt đường thì cũng có những khách sạn giá cả triệu bạc một đêm.

Với  một khu vực phức tạp như thế, vai trò của lực lượng công an, cảnh sát, trật tự là không thể thiếu được. Nhiều người cứ nghĩ lực lượng này chỉ xuất hiện khi có “vụ” gì, hoặc ai có nhu cầu cần làm hộ khẩu, chứng minh thư, đăng ký tạm trú thì… lên công an phường; xử phạt lấn chiếm lòng đường cũng… công an phường (cho dù việc này là của đội trật tự đô thị)…

Nhiệm vụ của Công an phường Phạm Ngũ Lão “trên giấy tờ” là có 2 phần: Ban ngày là công tác chuyên môn được giao. Ban đêm là tuần tra kiểm soát tất cả khu vực, với sự giúp đỡ của lực lượng dân quân tự vệ, trật tự phường. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng với lực lượng quá mỏng, mọi thứ trở nên nặng nề hơn rất nhiều.

Có thể hình dung như thế này: phường có khoảng 40 chiến sĩ quản lý địa bàn hơn 20 ngàn dân, như vậy mỗi chiến sĩ quản lý khoảng 500 nhân khẩu và thêm vài trăm khách du lịch mỗi ngày. Đó là chưa kể trừ hao của những người làm công tác văn phòng trong công an phường, không trực tiếp tham gia nắm địa bàn.

Buổi đêm thì còn khó khăn hơn. Giờ cao điểm của khu vực này rất oái oăm, từ 23 giờ  đến 2 giờ sáng, có khi kéo dài đến 4-5 giờ sáng. Vậy nhưng chỉ có 3 người trực ban, thay nhau đi tuần, giải quyết sự vụ. Vào ngày nghỉ, lễ hội… tất cả cán bộ, chiến sĩ đều phải trực luôn từ đêm đến sáng hôm sau. Trực đêm là thế nhưng lúc hết đêm thì các chiến sĩ lại phải trở về với công việc chuyên môn bình thường, vẫn xuống địa bàn, vẫn giải quyết giấy tờ và cuối ngày lại… trực đêm.

Để cho rõ hơn những khó khăn của lực lượng công an trên địa bàn này, tôi ngỏ ý với Trưởng Công an phường khi đó là Trung tá Huỳnh Trọng Nghĩa cho tôi đi tuần tra cùng anh em chiến sĩ. Anh đồng ý ngay nhưng cũng cảnh báo là sẽ rất vất vả đấy.

Tôi có mặt tại trụ sở công an phường Phạm Ngũ Lão vào trước lễ hội hóa trang Halloween đúng 1 ngày. Trước lễ hội, lại vào chính giữa tuần nhưng ở đây tấp nập như ... ngày nghỉ.

Đi từ hướng Cống Quỳnh về Bùi Viện, đường đã kín người. Đám đông tập trung ở khu vực số nhà 160 Bùi Viện, hò hét vang trời và thi thoảng lại rộ lên dạt ra xung quanh. Người đi đường thì nhao nhác không hiểu chuyện gì. Hóa ra mấy cậu choai choai cởi trần trùng trục đang quậy. Họ đặt một bình sơn đen giữa đường, thấy ai đi qua thì vây tứ phía rồi bôi thẳng lên quần áo, mặt mũi. Khách du lịch còn thấy vui vui và hùa theo, chứ đa phần đều “ngại”, quay xe đi đường khác. Ai thiếu may mắn bị quây vào rồi thì chỉ còn cách lấy tay che mặt và... chạy.

Ngã tư quốc tế Đề Thám - Bùi Viện thì đường đã tắc. Taxi, xe máy và cả xe du lịch cỡ lớn đứng nhìn nhau trên một cái ngã tư bé tẹo. Ùn tắc cứ thế lan sang các con đường xung quanh. Tôi mất đứt nửa giờ vừa đứng vừa chen để len qua một đoạn chỉ 100m vào trụ sở công an phường. 24 giờ, Ngã tư quốc tế vẫn kẹt cứng.

2 giờ sáng, đường Bùi Viện vẫn đông nghẹt người. Vài nhóm pê đê hóa trang cầu kỳ diễu hành trên đường đủ làm mọi việc trở nên phức tạp hơn. Ngay lập tức, các chiến sĩ mặc thường phục chỉ điểm những đối tượng khả nghi. Dấp chút nước lên mặt xua đi mệt mỏi, Trung úy Long và vài cảnh sát hình sự của Công an Quận I hòa mình vào đám đông đang hò hét ồn ào. Đôi mắt đỏ vằn vì thiếu ngủ, các anh liên tục quan sát và bám theo những kẻ chỉ chờ thời cơ để gây án. Một con đường mang tính “đặc thù” như thế này thì điểm nóng có thể hình thành ở bất cứ đâu. Thấy những khuôn mặt quen thuộc của chiến sĩ hình sự, nhiều kẻ lập tức lẩn vào ngõ tối.

Khắc tinh của tội phạm

Sau một tuần lăn lộn với các chiến sĩ thuộc phường Phạm Ngũ Lão, tôi rút ra rằng:  E dè “chạm trán” với lực lượng này nhất chính là... tội phạm. Một chủ quán lấn chiếm vỉa hè, một thanh niên say xỉn quậy tưng bừng trước mũi xe tuần tra... nhiều khi thấy công an phường thì còn... vui hơn. Họ biết rằng, có lực lượng này ở đó thì những kẻ móc túi, cướp giật phải lỉnh đi ngay. Như vậy thì “an toàn để sản xuất” rồi, xử phạt sau thì cũng đành chịu, vì không phạm luật thì khó có thể làm ăn được.

Hôm khác, thấy Đại úy Phạm Văn Tài đang chuẩn bị đi tuần lượt cuối trước khi giao ca, tôi bèn xin chú cho đi cùng để xem qua địa bàn. Đường quá tắc nên chú đành gửi xe ở một điểm chốt trên khu phố 4 và đi bộ vào phường. Chúng tôi đi bộ len qua đám đông đang kẹt cứng trên đường Bùi Viện, vỉa hè đã bị dân nhậu ngồi hết rồi còn đâu !?

Công an phường Phạm Ngũ Lão xử phạt taxi đỗ sai quy định

Vừa đi, chú Tài vừa kể  và chỉ cho tôi về những sáng kiến của công an phường nhằm hạn chế tội phạm trên địa bàn. Đó là những rào chắn trước hẻm sau 23 giờ, là những chốt chặn với những trật tự viên gác suốt đêm. Hiệu quả được nhìn thấy rõ, người dân đồng tình ủng hộ và hết lòng tạo điều kiện cho lực lượng chức năng. Những vụ cướp giật táo tợn trong những con hẻm chằng chịt đã giảm hẳn.

Chúng tôi đi vào bến xe tại khu C Công viên 23/9 để kiểm tra việc bảo vệ ở đây. Bến xe được cải tạo, nâng cấp làm khu vực này “trong sáng” hơn hẳn. Chỉ cuối năm 2012 thôi thì đây là một khu tối tăm, đất đá lổn nhổn, cây cối um tùm và đó chắc chắn là điều kiện thuận lợi cho tệ nạn xã hội bùng phát. Bây giờ thì đèn điện sáng trưng suốt đêm, quản lý bến xe làm cả rào chắn cao bên ngoài, sau 22 giờ là khóa cổng, vì vậy mà tình hình an ninh trật tự cũng được cải thiện đáng kể.

Cả đội rảo bộ đi đến Ngã tư quốc tế - nơi đang ầm ầm bởi tiếng nhạc chát chúa phát ra từ những đôi loa thùng hướng thẳng ra đường. Ngã tư quốc tế - giao cắt của đường Bùi Viện và Đề Thám là điểm nóng của phường suốt các thời kỳ. Người nhiều thì tội phạm cũng nhiều, đối tượng từ nhiều quận đổ về đây tìm cách làm ăn, đa phần là móc túi và cướp giật.

Đội tuần tra đứng lặng quan sát, chỉ điểm một vài người tình nghi và ngay lập tức áp sát để kiểm tra hành chính. Một cậu sinh năm 1994, đeo mặt nạ hóa trang, khăn đen trùm kín người; thêm một cậu “đầu xanh đỏ” khác - đều không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì khi được hỏi. Tất cả đều được đưa về trụ sở công an phường nhằm xác minh và phân loại. Những người hiếu kỳ đứng lại xem, gây tắc đường hoặc cản trở giao thông, nhưng không có biểu hiện đáng nghi thì chỉ được nhắc nhở nhằm giải tỏa khu vực.

 Có thể nói khu vực Công viên 23/9 là một điểm cực kỳ phức tạp. Một đêm không biết các chiến sĩ phải đi lòng vòng qua đây bao nhiêu lần: không chỉ đi dưới đường nhựa mà còn phải kiểm tra từng ngõ ngách, khoảng tối trong công viên. Theo một lính hình sự cho biết, nếu các lực lượng thực hiện việc kiểm tra một cách gắt gao thì tội phạm không bao giờ dám lảng vảng. Nhưng chỉ cần lơ là một chút thôi thì  những kẻ bán ma túy và trộm cắp chuyên nghiệp lập tức xuất hiện. Chính vì vậy, sau 23 giờ đêm có thể coi là giờ “giới nghiêm” trên toàn khu vực công viên, lệnh kiểm tra hành chính tại khu vực trọng điểm được thực hiện với bất kỳ ai.

Tuy thế, tuần tra kiểm tra liên tục cũng chỉ có tác dụng một phần nhằm giảm bớt tội phạm. Nhiều khi thấy ánh đèn của xe đi tuần lóe lên trong công viên là nhiều kẻ đã chạy bán sống bán chết khỏi khu vực “điểm nóng”, như vậy thì cũng chẳng thể làm gì được họ. Bởi lẽ đa phần họ đều không có việc làm, không có thu nhập nên “bần cùng sinh đạo tặc” - đành ra đây xem “vớt vát” được gì không.

Điển hình là nhiều pê đê lượn lờ liên tục cả buổi tối, chỉ chờ anh Tây thiếu cẩn trọng là tiếp cận “ăn hàng”. Với trang bị là váy ngắn cũn cỡn, giày cao gót trên chục phân, những bộ ngực độn trông như thật, mái tóc dài uốn lượn sóng sánh, chúng dễ dàng áp sát được những người đã lâng lâng hơi men. Chiêu thức thì không thay đổi gì nhiều: hoặc là ôm ấp, mời chào mát-xa, hoặc là thò tay bóp hạ bộ của nạn nhân - tay kia thì thọc vào túi để móc ví hoặc điện thoại.

Sự thay da đổi thịt của một khu “phố Tây” đã được xúc tác bởi chính sách mở cửa của đất nước. Đã có những hệ lụy liên đới mà chúng ta không thể tránh khỏi: ma túy, trộm cắp, cướp giật... có dịp tụ họp tại “thánh địa” này. Hơn ai hết, những người chiến sĩ công an nhân dân đã và đang phải gồng mình từng ngày, từng giờ để gánh lấy trách nhiệm: “Gác cho dân chơi, thức cho dân ngủ”.

Ghi chép của Bảo Sơn