Phát triển kinh tế tư nhân: Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động

07:00 | 11/07/2018

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cần có bước chuyển nhịp nhàng giữa nhận thức và hành động trong việc phát triển kinh tế tư nhân.

Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chiều 10/7, báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM) tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế như nhân".

Hành động của cơ quan quản lý

phat trien kinh te tu nhan can thay doi tu nhan thuc den hanh dong
TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, ngay từ năm 2011 khi thực hiện Cương lĩnh của Đảng về xây dựng nước Việt Nam công nghiệp hoá hiện đại hoá, các cơ quan nhà nước đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực của kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng đất nước.

Cụ thể theo ông Kiên, Quốc hội đã thể chế hoá những vấn đề cốt lõi của Cương lĩnh 2011 trong Hiến pháp 2013, với nội dung cốt lõi về kinh tế là công dân, doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép làm những việc mà pháp luật cho phép, thành công dân và doanh nghiệp được phép hoạt động trong mọi lĩnh vực, cơ quan quản lý nhà nước muốn hạn chế tự do kinh doanh của công dân phải được luật hoá.

Để triển khai đồng bộ đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống, trong thời gian 4 năm từ 2013 đến 2018, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều đạo luật để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, củng cố địa vị pháp lý của kinh tế tư nhân để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của xã hội cho phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Bên cạnh việc sửa đổi một số điều luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Ông Kiên cho biết, việc đổi mới trong Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 là một bước thể chế hoá quan điểm của Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân đã khẳng định người dân và doanh nghiệp được tự do đầu tư kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ được áp dụng các biện pháp hạn chế kinh doanh theo quy định của luật.

phat trien kinh te tu nhan can thay doi tu nhan thuc den hanh dong
Diễn đàn “Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân”

"Các đạo luật cũng đề ra những giải pháp khuyến khích kinh tế tư nhân mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp nhà nước để dần thay thế phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp hoạt động tại những ngành, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể đảm nhận được để phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng cao của khu vực này",ông Kiên nói.

Bằng cả các biện pháp hành chính và biện pháp xây dựng thể chế, các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động vào cuộc. Trong tháng 8/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao”, trong đó chỉ ra 13 tồn tại, bất cập trong việc thực hiện hình thức đầu tư đối tác công tư và đưa ra 6 nhóm giải pháp để khắc phục. Các giải pháp tập trung vào hoàn thiện các chính sách, hệ thống pháp luật về cơ chế hợp tác công tư, đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân, của doanh nghiệp và Nhà nước.

Ông Kiên nhận định, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan ban hành chính sách và các cơ quan tổ chức thực hiện như trong những năm vừa qua đã đánh dấu một phương thức mới trong việc xử lý những vấn đề cấp bách của cuộc sống.

"Cùng với việc đánh giá thực tiễn tổng kết lý luận trên cơ sở các định hướng chủ yếu, các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những giải pháp để khắc phục các tồn tại yếu kém chỉ trong 3 tháng sau các chủ trương, các luật được xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết. Điều đó chứng tỏ đã sự chuẩn bị và phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn giữa cơ quan ban hành chính sách và các cơ quan tổ chức thực hiện, trên cơ sở thống nhất về hiện trạng để cùng nhau đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn", ông Kiên khẳng định.

Còn rào cản nhận thức

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Kiên cho biết, trong Liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11/2017 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa “tại liên hoan có 30 phim của DN tư nhân, không có một phim nào của DNNN”, mà chưa đổi thành “phim của DN Việt Nam” và “phim của DN có vốn đầu tư nước ngoài”.

"Từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt doanh nghiệp dựa trên hình thức sở hữu", ông Kiên nhận định. Thậm chí, theo ông Kiên, dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

Đồng thời ông Kiên chỉ ra, bản thân nhiều doanh nghiệp Việt chưa chủ động thay đổi đáp ứng được các yêu cầu về chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt các doanh nghiệp không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, chưa chú trọng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Do đó, bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình để tạo ra những bước đột phá", ông Kiên nói. Đồng thời, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ông Kiên cho biết, cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững.

Theo ông Kiên, để làm được điều ngày, đội ngũ doanh nhân cần chú trọng cải thiện năng lực quản trị, tiếp thu được thành quả của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới để có thể hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Phó Chủ tịch VCCI: "Chính sách công nghiệp" là "đòn bẩy" để kinh tế tư nhân phát triển
Những thách thức của khu vực kinh tế tư nhân trên con đường phát triển
Nghị quyết 10 – NQ/TW: “Mở lối” cho kinh tế tư nhân
Làm thế nào để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển?