Phật đản - Vesak

08:48 | 24/12/2012

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Xin ông cho biết đôi điều về ngày Phật đản và về cách gọi tên này. (Hải Vân).

Học giả An Chi: Phật Đản là ngày lễ trọng đại mà cả hai phái Nam tông và Bắc tông của Phật giáo đều tổ chức hằng năm. Đây  là ngày Đức Phật ra đời tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN. Ngày nay, lễ Phật đản được biết đến trên thế giới với cái tên xem như có tính chất “quốc tế” là Vesak, mà Trung Quốc phiên âm là Vệ tắc (tiết)衛塞 (節). Vesak là tiếng Sri Lanka, bắt nguồn từ tiếng Pali Vesākha (còn Sanskrit là Vaiśākha), thực ra chỉ đơn giản là tên của một tháng trong quốc lịch chính thức của Ấn Độ (tháng thứ hai, từ 21/4 đến 20/5 dương lịch), cũng như trong lịch của Bangladesh, Nepal và Punjab (tháng đầu tiên, từ giữa tháng 4 DL).

Bộ Phật học từ điển 3 quyển của Đoàn Trung Còn, một bộ từ điển có uy tín về Phật giáo ở Miền Nam trước đây, không có hai mục “Phật đản” và “Vệ tắc”. Quyển từ điển Phật giáo thuộc loại đơn giản nhất là Từ điển Phật học Việt Nam của Thích Minh Châu – Minh Chi (NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, năm 1991) đã giảng một cách đơn giản hai tiếng Phật đản là “Ngày sinh của Phật”.

Từ điển Phật học Hán Việt (TĐPHHV) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên (NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, năm 1998) có mục “Phật đản sinh hội 佛誕生會” và giảng mục này là: “Còn gọi là Quán Phật hội (hội tắm Phật), Giáng đản hội (hội giáng sinh), đó là nghi thức tắm Phật, sinh ngày mùng 8 tháng 4.” Tại mục “Dục Phật”, TĐPHHV giảng là : “Tắm Phật. Giống như quán Phật. Ở Tây Trúc (Ấn Độ – AC) làm việc này hằng ngày, còn các tông ở Trung Quốc, Nhật Bản thì làm vào ngày Phật đản rằm tháng 4, Phật gia còn làm vào ngày 8 tháng chạp là ngày Phật thành đạo.” Tại mục “Quán Phật”, TĐPHHV cho biết thêm: “Còn gọi là Dục Phật. Chỉ lễ tắm Phật. Tắm rửa lau chùi tượng Phật sẽ được công đức to lớn. Nhiều kinh nói về việc này.

Theo Kí qui truyện thì với phong tục Tây Thiên (Ấn Độ – AC), tắm Phật là việc làm bình thường. Theo Phật thuyết Ma-ha sát đàn kinh thì lễ quán Phật chỉ là lễ tắm Phật vào ngày Phật đản vào ngày 8 tháng 4 (nay theo thuyết mới, nhiều nơi đổi thành Rằm tháng 4). Theo Bát-nê-hoàn-hậu quán lạp kinh thì ngày Phật sinh tức ngày 8 tháng 4 và ngày Hạ mãn tức ngày Rằm tháng 7 đều làm lễ quán Phật. Các tông đều làm lễ tắm Phật vào ngày Phật đản. Thiền tông cũng cử hành lễ quán Phật vào ngày Phật thành đạo, tức ngày 8 tháng 12. Lễ tắm Phật vào các ngày Hạ mãn (Rằm tháng 7) và ngày Lạp bát, tức ngày Phật thành đạo 8 tháng 12 là căn cứ vào Thí dụ kinh. Rồi tại mục “Quán Phật hội”, TĐPHHV giảng: “Hội tắm Phật. Còn gọi là Phật sinh hội, tức hội Phật sinh. Đó là lễ hội được cử hành vào ngày Phật đản (Trước kia thường cử hành vào ngày 8 tháng 4. Nay cử hành vào ngày Rằm tháng 4, vì căn cứ theo thuyết mới). Lễ thức tắm Phật cử hành vào đêm hôm đó.”

Phép mộc dục tức phép tắm tượng Phật đã được TĐPHHV dựa vào Bi tạng kí bản mà cho biết như sau: “Tức là quán tưởng dùng nước vốn dĩ tự tính thanh tịnh mà tắm rửa cho tấm thân không nhơ của chư Phật và tẩy rửa 160 tâm tự tha trong cõi chúng sinh”. Ngay từ xưa, nhiều nơi đã tổ chức lễ tắm Phật rất long trọng và tốn kém. TĐPHHV cho biết Hậu Hán thư, “Đào Khiêm truyện”, đã chép: “Mỗi lần tắm Phật thường bày đặt lệ ăn uống trải chiếu ra đường”.

Còn Ngô chí, “Lưu Do truyện” thì chép về lễ tắm Phật đầu tiên ở Trung Quốc như sau: “Xạ Dung trông coi Quảng Lăng, Bành Thành đã cho xây dựng hàng loạt phù đồ, lấy đồng đúc tượng, lấy vàng dát thân, mặc áo gấm sặc sỡ, đeo dây đồng tua xuống chín tầng; ở dưới xây dựng lầu gác, chứa được hơn ba ngàn người, dạy cho họ đọc kinh Phật, ra lệnh cho những người ưa chuộng đạo Phật trong vùng và các quận lân cận đến thụ đạo. Khi có công việc gì khác, lại cho vời đến. Do vậy dân chúng xa gần lần lượt đến có tới hơn năm ngàn người. Mỗi lần tắm Phật, sắm sửa nhiều cơm rượu, đặt tiệc ở bên đường dài đến mấy chục dặm. Người đến xem và ăn uống có đến hàng vạn, phí tổn hàng ức vạn”.

Ngày 15/12/1999, theo đề nghị của 34 nước, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc; những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi.

Trước đây, các nước Đông Á thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tại Colombo, Sri Lanka (25/5 đến 8/6/1950), 26 nước  thành viên đã thống nhất lấy ngày Rằm tháng Tư âm lịch làm ngày Phật đản quốc tế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng theo lệ chung của nhiều nước mà lấy ngày này làm ngày Phật đản quốc tế. Ngày này ứng với dương lịch năm ngoái (2010) là 21/5; năm nay (2011) là ngày 17/5; năm 2012 là vào ngày 28/5; năm 2013 là vào ngày 17/5; năm 2014 là vào ngày 6/5. 

Đại lễ Vesak LHQ 2008 được Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam đăng cai và chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (IOC) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại lễ đã được tổ chức long trọng tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, Hà Nội, từ ngày 13 đến 17/5/2008. Theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam, đại lễ Vesak LHQ ở Việt Nam được gọi là đại lễ Phật đản LHQ.

Liên quan đến lễ Phật đản, cách đây ngót nửa thế kỷ, vào dịp này năm 1963, đã xảy ra môt sự kiện làm chấn động dư luận trong nước và thế giới.

Đó là việc chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man Phật giáo Việt Nam. Ngày 6 tháng 5 năm 1963, hai ngày trước lễ Phật đản, theo chỉ thị của Ngô Đình Diệm, Đổng lý Văn phòng Phủ tổng thống là Quách Tòng Đức đã gởi công điện cho các địa phương yêu cầu không được treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên nhà chùa. Trong khi đó thì tại các dịp lễ Công giáo, cờ Tòa thánh Vatican vẫn được treo tự do mà không bị chính phủ cấm đoán. Thật là một hành động kỳ thị tôn giáo bỉ ổi và đê tiện. Chính thức bắt đầu ở Huế và Thừa Thiên từ ngày 8-5 với bài thuyết pháp  của Thượng tọa Thích Trí Quang phê phán lệnh cấm của Diệm, cuộc đấu tranh của đồng bào Phật tử Miền Nam diễn ra càng ngày càng quyết liệt và lan rộng. Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh là việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 tại ngã tư Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám) và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Q.3, TP HCM. Hành động thiêng liêng này của Hòa thượng đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh khắp miền Nam, trong đó có  nhiều vụ tự thiêu của các vị tăng ni.

Ngày 4/8/1963, tại Phan Thiết (Bình Thuận), Đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu trước dinh tỉnh trưởng. Ngày 13/8 tại Huế, trước chùa Phước Duyên, Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu. Sau đó, ngày 15/8, ni sư Thích Nữ Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa (Khánh Hòa).

Ngày 16/8, Thượng tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu ở chùa Từ Đàm, thành phố Huế. Gần hai tháng sau, ngày 5/10, trước chợ Bến Thành, đại đức Thích Quảng Hương lại tự thiêu để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Diệm. Sáng ngày 10/9, thiền sư Thiện Mỹ châm lửa tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Nếu Phật giáo thế giới cũng có một Giáo hội trung ương như Vatican thì các vị trên đã được phong Thánh. Nhưng chẳng cần đến một Vatican như thế thì trong lòng Phật tử và người dân Việt Nam yêu nước chân chính, họ cũng đã là những vị Bồ Tát.

Trước nghĩa cử bi tráng của các vị Bồ Tát này, khi trả lời phỏng vấn, “Đệ nhất Phu nhân” Trần Lệ Xuân đã nói một cách lỗ mãng và bẩn thỉu rằng đây chỉ là “trò nướng thịt sư” (monk barbecue show) mà thôi. Không ngờ chỉ một, hai tháng sau, chính Lửa thiêng Phật giáo đã nướng rụi chế độ gia đình trị của họ Ngô, thông qua cái gọi là “Cách mạng 1 tháng 11” (1963) do Hoa Kỳ giật dây. Việc đàn áp Phật giáo Việt Nam một cách dã man này xứng đáng được gọi là một cuộc “Thập tự chinh tại chỗ” của bè lũ Ngô Đình Diệm  trong dịp Phật đản 1963.

A.C