Phận thanh niên xung phong thời hậu chiến (Kỳ 1)

18:10 | 29/04/2013

1,567 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tôi đã được nghe, được đọc nhiều về cảnh ngộ éo le của những nữ thanh niên xung phong thời hậu chiến… Nhưng chỉ trong một địa phương mà có tới 15 nữ thanh niên xung phong đồng loạt quy y cửa Phật thì hiếm có. Và tôi đã quyết định lên đường về Thái Bình gặp những “nhà sư đặc biệt” này, mong lý giải được cơ sự ẩn khuất đằng sau những bậc chân tu này.

Kỳ 1: Tiếng đạn bom, tiếng chuông chùa

Đường đến cửa chùa

Vào một ngày giữa tháng 4, chúng tôi đã về quê lúa Thái Bình để gặp những sư thầy như thế. Có thể nói, cuộc đời họ đã chia thành hai nửa: Một thời bi tráng của tiếng đạn bom, một thời giản dị trong tiếng chuông chùa văng vẳng thinh không...

Một chuyến đi cách Hà Nội chưa đầy trăm cây số kể ra chẳng lấy gì làm lạ. Lạ là ở chuyến đi này cứ ám ảnh tôi, từ lúc đến cho tới lúc về và khi tôi đặt bút viết những dòng này, chắc chắn nó còn dai dẳng nhiều hơn nữa… Tôi về Thái Bình để tận mắt chứng kiến thân phận những cựu thanh niên xung phong đang phải sống vất vả, thậm chí quạnh hiu giữa đời thường. Họ đã hy sinh cả thời tuổi trẻ cho đất nước và nhiều người đã nhiễm chất độc da cam... Cuộc chiến tàn khốc đã cướp đi của họ quyền được làm vợ, làm mẹ, quyền được sống bình yên ngay cả dưới làng quê nghèo. Nhiều người đã phải vào chùa nương nhờ cửa Phật.

Chùa Văn, thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình trong buổi chiều cuối tuần tĩnh lặng. Trong gian chính điện, sư thầy Thích Diệu Đoán ngồi thu mình tụng kinh, tấm áo nâu sòng đã ngả màu, chẳng mảy may để ý đến sự xuất hiện của chúng tôi. Bà Nguyễn Thị Kiều, đồng đội của sư thầy thời đi thanh niên xung phong cũng là người dẫn đường ghé sát tai tôi, giọng bùi ngùi: Mới ngày nào, cô em út Bùi Thị Đoán luôn hồn nhiên, nhí nhảnh giữa mưa bom, bão đạn mà giờ đây đã là sư thầy Thích Diệu Đoán, suốt ngày trầm ngâm ngồi tụng kinh, gõ mõ, ăn chay niệm Phật… vui cảnh chùa để quên đi nỗi cô đơn, bệnh tật.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gắn Huy hiệu TNXP làm theo lời Bác cho sư thầy Thích Đàm Phương

“Bạch thầy, nhà chùa có khách ạ”, tiếng bà Kiều đã kéo sư thầy trở về với hiện thực. Phần vì được gặp lại đồng đội, phần có lẽ chúng tôi là khách lạ hiếm hoi đến thăm thầy và vãn cảnh chùa nên sư thầy Thích Diệu Đoán thoáng vẻ vui mừng. Thầy kể: “Dạo này một bên chân cứ tê bại, đi đứng khó khăn lắm. Tệ nhất là hai tai. Nghe cứ bập bùng, chữ tác chữ tộ. Cứ thỉnh thoảng lại choáng váng, lăn đùng ngất lịm. Hồi năm ngoái tôi phải lên Hà Nội điều trị đấy, nhưng cũng chỉ đỡ phần nào chứ chẳng khỏi được. Thôi, giời Phật cho sống ngày nào thì sống, chứ giờ có ngã bệnh chắc tôi cũng chẳng dám đi nữa”.

- Bạch thầy, sao lại như vậy ạ? - Tôi gặng hỏi.

- Lên Hà Nội chữa bệnh tốn kém lắm, cảnh ăn mày cửa Phật, đâu có tiền mà chữa. Đấy, như cái đận năm ngoái, không hiểu có trục trặc gì đó giữa ngày sinh ở sổ bảo hiểm và chứng minh thư nên người ta không thanh toán. Tôi lại phải đi mượn tiền trên đó để trả cho bệnh viện thì mới được về.

Sư thầy Thích Diệu Đoán (tên tục là Bùi Thị Đoán) quê ở xã Hồng Minh, Hưng Hà, Thái Bình. Như bao chị em khác, cô gái Bùi Thị Đoán tình nguyện viết đơn đi thanh niên xung phong khi vừa tròn 18 tuổi. Khi khám sức khỏe, mặc dù không đủ cân, nhưng Đoán vẫn một mực xin đi. Đoán quả quyết: “Nếu các anh không cho đi, tôi sẽ viết đơn bằng máu…”. Trước sự “ăn vạ” đó, cuối năm 1965, cô được toại nguyện. Vào thanh niên xung phong, Đoán thuộc Tiểu đội 3, Đại đội 895, tham gia đảm bảo giao thông tuyến đường sắt tại khu vực Ga Gôi, Nam Định. Tại đây, Đoán đã là người trực tiếp tham gia vào trận cứu tàu ngày 20-8-1966.

Sư thầy Thích Diệu Đoán nhớ lại: 16 giờ hôm đó, cả đoàn tàu trúng bom, chúng tôi xông lên cứu hàng, cứu tàu. Toa đầu tiên là toa gạo, toa thứ 2 là toa đạn, toa thứ 3 toàn những cái chai rất đẹp, bên trong màu trắng như sữa. Lúc bấy giờ không biết nó là thuốc sâu đâu, chỉ biết là phải vác các thùng đó lên vai. Nước ở trong những cái chai vỡ chảy ướt hết người, mùi nồng nặc. Một lúc, tôi thấy trời đất quay cuồng, ngất đi… Tỉnh dậy thì thấy mình nằm ở bệnh viện. Kể đến đây, giọng sư thầy nghẹn lại…

Thấy vậy bà Kiều phân trần: Khổ thế đấy, suốt những năm qua, hễ cứ nhắc đến cái thời khắc đau thương ấy là nước mắt lại trào ra. Thương mình một, thương đồng đội mười, bởi chiến sĩ còn sống đến ngày hôm nay, người thì không còn khả năng làm mẹ, người thì lấy chồng, lấy vợ sinh con nhưng con cái đứa thì dị dạng, đứa thì hóa điên, hóa dại, có đứa đến bốn năm chục tuổi đầu mà trí nhớ như trẻ lên ba.

Sau ba tháng nằm liệt rồi cô cũng nhúc nhắc đi lại được. Tai vẫn ù. Mắt vẫn mờ. Năm 1969, Đoán không đủ sức khỏe phục vụ trong đội thanh niên xung phong, cô chuyển ngành về làm hộ lý tại Bệnh viện Việt - Bun, Thái Bình. Tuy là hộ lý nhưng chính cô lại đang mang trong người rất nhiều bệnh. Hai tai cô tự dưng cứ ù đặc gần như điếc. Lại thêm chứng lở ngứa khắp người thi thoảng phát ra. Mặc dù ốm đau, nhưng cô vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, vẫn sống và khát khao được một lần làm mẹ. Thời gian công tác tại bệnh viện, Đoán đã quyết tâm nhận một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi làm con nuôi, nhưng thật không may, chưa đầy hai tháng sau, đứa trẻ đó đã bỏ cô đi sau một cơn bạo bệnh.

Sư thầy Thích Diệu Đoán trong một lần thăm lại bia tưởng niệm Ga Gôi (Nam Định)

Vào thập niên 80, lãnh đạo bệnh viện chả mấy mặn mà với cô hộ lý nghễnh ngãng, ốm đau liên miên, thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh, ngã lăn đùng, sùi bọt mép... Nhân thể phong trào giảm biên chế, Đoán xin về mất sức. Cuộc sống đời thường với bộn bề khó khăn, tiền phụ cấp ít ỏi không đủ chi dùng thuốc men và những lần đi viện. Để kiếm sống, cô đi làm ôsin trông con cho nhà người ta, nhưng rồi cũng phải bỏ vì chẳng ai dám giao con cho một người có dấu hiệu “động kinh” như Đoán.

“Tôi đã khổ nhưng Đoán còn khổ hơn nhiều. Ngày đó, tôi đang công tác trên huyện, còn Đoán thì không nghề nghiệp, ốm đau, bệnh tật, người đời nhạo báng. Lần nào có chuyện không hay xảy ra Đoán đều đến gặp tôi là y như rằng lần ấy, hai chị em lại ôm nhau khóc” - bà Kiều nhớ lại.

Khi bố mẹ đã quy tiên, việc hiếu đễ đã tròn, Đoán đã làm đơn gửi Mặt trận Tổ quốc huyện Hưng Hà xin được nương nhờ một ngôi chùa nào đó trong huyện. Thế là cô được gửi vào chùa Văn. Lúc ấy sư thầy trụ trì tuổi đã cao, lại ốm đau phải nằm liệt một chỗ. Mặc dù sức yếu nhưng cô đã cố gắng chăm nom thuốc thang cơm cháo hầu hạ sư thầy. Được 8 năm thì sư thầy viên tịch. Kể từ đó đến nay, sư Đoán ở lại và trông nom ngôi chùa.

Từ ngôi chùa đơn sơ dột nát, với công sức của sư thầy và công đức của người dân địa phương, đến nay chùa đã được tu bổ khang trang. Mới đây, sư thầy Thích Diệu Đoán còn nhận nuôi một trường hợp là nạn nhân nhiễm chất độc da cam. “Đó là con ông Sửu người làng, ông Sửu trước đây cũng đi thanh niên xung phong bị di chứng chất độc hóa học, sinh con cứ ngơ ngơ. Tôi đón cháu lên chùa chăm sóc. Ơn giời Phật, sức khỏe, trí khôn cháu cũng tàm tạm nên đỡ đần tôi được ối việc” - sư thầy Thích Diệu Đoán chia sẻ.

Nương nhờ cửa Phật

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình, cô gái Nguyễn Thị Phương tình nguyện ra nhập thanh niên xung phong khi mới 17 tuổi. Cũng giống như bao người bạn cùng trang lứa, người nữ thanh niên xung phong này đã dành trọn tuổi thanh xuân để mở đường, đảm bảo giao thông, cứu thương trên những mặt trận ác liệt như đường 9 Nam Lào, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Nhật Lệ... Bao lần cận kề cái chết vì mưa bom bão đạn trút xuống mỗi ngày, rồi bệnh sốt rét hoành hành, ăn uống thiếu thốn... ngàn lẻ một gian khổ, hiểm nguy phải đối mặt nhưng không hề làm nao núng tinh thần.

“Thời đấy, chị em chúng tôi hồn nhiên lắm, được đi là vui lắm rồi. Không sợ sệt gì cả, đúng như câu hát “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Cả đội quý nhau lắm, cái gì cũng chia nhau. Có đêm chỉ được một cái bánh mì, vậy mà đi đào đường suốt đêm không thấy mệt. Thiếu nước uống, thường xuyên phải uống nước sông, suối, nhiều khi chị em hay chặt cây chuối ở bờ sông Nhật Lệ để ăn cho đỡ khát. Gian khổ, hy sinh, nhưng vẫn có những giây phút vui vẻ lắm” - sư thầy Thích Đàm Phương nhớ lại quãng thời gian đi thanh niên xung phong.

Sư thầy Thích Đàm Thân

Năm 1972, mãn nhiệm thanh niên xung phong, Nguyễn Thị Phương trở về địa phương với sức khỏe suy giảm 3/4, mái tóc chỉ còn được vài sợi lơ thơ vì sốt rét biết bao lần giữa đại ngàn Trường Sơn. Cô thanh niên xung phong năm ấy chưa một lần nghĩ đến hạnh phúc riêng tư bởi trong tâm trí cô lúc ấy chỉ đau đáu một điều duy nhất là dù trở về hậu phương nhưng phải tiếp tục làm gì đó để giúp sức cho miền Nam bởi chiến tranh vẫn đang diễn ra ác liệt. Cũng vì lẽ đó mà suốt 13 năm sau khi trở về từ chiến trường, cô thanh niên xung phong ấy đã tiếp tục tham gia công tác tại xã với cương vị Bí thư Đoàn Thanh niên kiêm kỹ thuật viên giống cây trồng.

Thấy chị cứ ở vậy, một đồng đội đã gạn hỏi, chị Phương khóc tâm sự rằng, cái Lan cùng đại đội về quê lấy chồng sinh ba lần: Lần thứ nhất con cổ dính liền vai; lần thứ hai thì con nửa người nửa vượn; lần ba thì một cục đỏ hon hỏn. Mình đã làm đường ở nhiều vùng có chất độc hóa học thì tránh thế nào được.

Thời gian thấm thoắt trôi, cô Bí thư Đoàn Thanh niên xã Vũ Hội ngày nào đã đến tuổi tứ tuần, thân hình xanh xao. Cô nhất định xin với mẹ cho đi tu mặc dù mẹ phản đối, bởi bà lo cô không đủ sức khỏe, cha mất sớm, các em cũng đều tham gia quân ngũ cả, rồi mai đây ai sẽ gánh vác việc gia đình. Chắc hẳn có nhiều lý do để cô thanh niên xung phong ngày ấy tìm đến cửa Phật nhưng khi được hỏi về lý do thì sư thầy một mực nói rằng: “Tất cả là duyên số chú ạ”. Thế rồi tôi xin vào tu tại chùa Cau Đẻ, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư.

Từ khi nương nhờ cửa Phật, đến nay sư thầy Thích Đàm Phương đã có tới 30 năm tu hành. Dẫu rằng đi tu là thoát tục nhưng hình ảnh về những đồng đội đã hy sinh cũng như những năm tháng bi hùng thời xuân sắc vẫn hằn sâu trong ký ức thầy. Có lẽ vì thế mà sư thầy Thích Đàm Phương đã dành một góc nhỏ trong chùa để gắn bia ghi danh và cũng là nơi thờ tự các đồng đội của mình.

Chúng tôi đến chùa Đông Am, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình vào buổi chiều, khi sư thầy Thích Đàm Thân đang làm lễ thắp hương, cầu siêu cho các hương hồn anh linh liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước. Đây là việc làm hằng ngày của sư thầy. Trên chiếc chiếu manh, thầy đọc tên của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, cùng nhiều liệt sĩ khác, cầu mong họ được siêu thoát. Tiếng gõ mõ cùng lời nói của thầy cứ vang vọng mãi lên thinh không, như tìm đến một thế giới khác...

Sư thầy Thích Đàm Thân sinh năm 1956, quê ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải. Đến năm 17 tuổi - cái tuổi của sôi nổi, nhiệt huyết và cống hiến - cô gái Lương Thị Thân đã tình nguyện đi làm quân y tại Quảng Bình. 9 năm sống trong mưa bom, bão đạn, với bao lần sự sống và cái chết mỏng manh, đã 2 lần bị thương nặng. Rời quân ngũ, sư thầy là thương binh rồi với thời gian, sư thầy lại mắc thêm các căn bệnh như: tim, tiểu đường, thoái hóa cột sống...

Thậm chí, sư thầy còn cho biết, ở trong đầu sư thầy vẫn còn chất độc da cam khiến mỗi khi trái gió trở trời là đầu lại lên những cơn đau vật vã. Hình ảnh mà tôi không thể quên được nó cứ ám ảnh tôi mãi, đó là các phật tử ở đây kể lại rằng đêm về, một mình thầy đối diện với bóng đêm, với không gian tĩnh mịch, thầy gõ mõ và đôi lúc lại phải dùng dùi để gõ đầu mình, mong sao cho giảm đi cái đau đang hành hạ thầy.

Lúc đầu, khi gặp chúng tôi, thầy Thân nói rất ít. Dường như thầy không muốn nói nhiều đến những năm tháng đạn bom ngày xưa nữa. Nó đã thuộc về quá khứ. Với thầy, đó đơn giản chỉ là “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”; ai là con dân của nước Việt cũng phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc khi đất nước nguy nan. Thầy chỉ mong tất cả mọi người, trong cả nước, ai cũng nghĩ đến những người đã quá thiệt thòi trong chiến tranh, để họ được an ủi hơn nữa.

Năm 1982, sư thầy xuất ngũ, khi đó thầy đã 27 tuổi. Cả tuổi xuân thầy đã cống hiến cho cuộc chiến tranh của đất nước. Có lẽ là cái duyên của thầy với nhà chùa. Khi ra khỏi quân ngũ, thầy đã đi theo đạo Phật, tìm sự thanh thản của tâm hồn mình trong tiếng chuông chùa.

Hiện ngôi chùa nơi thầy trụ trì đang là nơi che chở cho những người bất hạnh, những người già không nơi nương tựa. Những năm trước đây, sư thầy còn nuôi 3 cháu mồ côi tại chùa, từ bé đến khi các cháu trưởng thành. Ngoài ra, nhà chùa cũng thường xuyên quan tâm đến những hoàn cảnh gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, tật nguyền. Năm 2012, nhà chùa đã tổ chức lễ cầu siêu, chuyển nghiệp cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, đồng thời dành 550 suất quà tặng cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam của 3 huyện và thành phố. Những hộ gia đình có con bị di chứng chất độc da cam cũng thường xuyên được nhà chùa quan tâm, thăm hỏi, tặng quà.

15 cựu thanh niên xung phong ở Thái Bình đã quy y cửa Phật tại các ngôi chùa trên địa bàn tỉnh như: Nguyễn Thị Phương, chùa Cau Đẻ, Vũ Hội, Vũ Thư; Tống Thị Nhuần, chùa Thanh Long, TP Thái Bình; Khiếu Thị Mừng, chùa Ngô Xá, Vũ Thư; Nhâm Thị Gái, chùa Tống Vũ, Vũ Thư; Phạm Thị Nhần chùa Vũ Lăng, Tiền Hải; Bùi Thị Đoán chùa Văn, thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà; Đỗ Thị Hương chùa Thái Thịnh, Thái Thụy; Nguyễn Thị Dậu chùa Hương Các, Đông Hưng; Nguyễn Thị Chiêm chùa Quay, Đông Đô, Hưng Hà; Lưu Thị Tý chùa Vũ Văn, Vũ Thư; Đặng Thị Đốc chùa Tây Hạ, Vũ Phúc, TP Thái Bình; Lê Thị Tuệ chùa Tây Hạ; Khiếu Thị Nhinh chùa Khiếu, Song An, Vũ Thư; Vũ Thị Mai chùa Phúc Khánh, Vũ Thư; Trần Thị Gái chùa Bồ Xuyên, TP Thái Bình.


(Xem tiếp kỳ sau)

Văn Dũng