PGS.TS Hà Minh Hồng: Nên có nhiều bộ SGK để tham khảo

07:05 | 20/06/2016

641 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xin được tự xây dựng một bộ sách giáo khoa (SGK) riêng đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến phản đối thì cũng có nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng Bộ nên chọn một một số TP trực thuộc trung ương làm thí điểm, sau đó có thể nhân rộng trên cả nước. PetroTimes đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Sử học Hà Minh Hồng xung quanh vấn đề này.

PV: Quan điểm của ông về đề nghị của Sở GD-ĐT TPHCM trong việc tự xây dựng một bộ sách giáo khoa?

PGS.TS Hà Minh Hồng: Chúng ta cần có nhiều bộ sách giáo khoa để thấy được tính đa dạng, phong phú trong giáo dục, đồng thời việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa cũng là cách phát huy chất xám của các nhà nghiên cứu, tính đa dạng của nhiều địa phương, nhiều giới, nhiều nhà giáo trên cả nước. Bởi nếu chỉ tập trung vào một Bộ SGK của Bộ GD-ĐT biên soạn thì rất lãng phí nguồn chất xám trong ngành giáo dục và nhiều giới khác, và bỏ phí nhiều nghiên cứu của giới trí thức. Thực tế một Bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn thì khó phản ánh được hết đặc trưng của nền giáo dục nước nhà với vị trí địa lý từ Bắc đến Nam. Do đó, tôi ủng hộ chủ trương của TPHCM.

PV: Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu mỗi địa phương được biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng thì sẽ “loạn” sách giáo khoa?

PGS.TS Hà Minh Hồng: Ở đây Nhà nước, mà cụ thể là Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm quản lý vấn đề biên soạn SGK như thế nào. Nếu mạnh ai nấy làm thì cũng khó cho địa phương. Còn học sinh chọn Bộ SGK nào để học là vấn đề mà Bộ phải quan tâm, xem xét kỹ trước khi quyết định. Bộ GD-ĐT phải có chương trình chung, khung chung, có quy chế chung, hướng dẫn chung cho ngành.

Bộ GD-ĐT quản lý, điều hành, điều phối cho phù hợp chứ làm gì có chuyện “loạn” SGK hay “loạn 12 sứ quân” như một số người phỏng đoán. Mỗi nơi sẽ có cách làm riêng để phát huy thế mạnh để tạo thành hệ thống chung mạnh chứ đâu thể mạnh ai nấy làm được. Quản lý như thế nào, thống nhất khung chương trình như thế nào là vai trò của nhạc trưởng- Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở để mỗi địa phương xây dựng phần nội dung phong phú, xác thực, gần gũi với đặc thù địa phương đó.

Chưa kể, còn câu chuyện thi cử nữa. Phải làm sao để có những phần nội dung thống nhất thì việc tổ chức thi chung, đề chung mới dễ thực hiện. Vì hiện nay, hằng năm riêng chuyện thi cử cũng còn nhiều vấn đề tranh luận, giải quyết cũng chưa xong, còn cải cách lên cải cách xuống. Trên thực tế, Bộ khắc phục những cái vướng trong thi cử cũng đã quá vất vả rồi.

pgs ts ha minh hong nen co nhieu bo sach giao khoa de tham khao
Sách giáo khoa (ảnh: Nguyệt Anh)

PV: Theo ông, mỗi tỉnh có tự làm được hay chỉ cần thực hiện thí điểm ở vài tỉnh thành trực thuộc Trung ương rồi rút kinh nghiệm?

PGS.TS Hà Minh Hồng: Tôi nghĩ mỗi tỉnh biên soạn một bộ sách thì hơi khó. Có nhiều tỉnh sẽ không làm nổi. Trước mắt nên lấy một số tỉnh thành trực thuộc trung ương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là điểm hoa tiêu biên soạn và thực hiện. Nếu cần thì có cả Cần Thơ nếu không cần thiết thì chỉ cần Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng thôi. Sau đó mới rút kinh nghiệm và thực hiện đại trà. Không nhất thiết là tỉnh nào cũng có một Bộ SGK nhưng có thể mỗi khu vực có thêm vài bộ sách giáo khoa cho học sinh tham khảo, tăng tính đa dạng, phong phú kiến thức phổ thông. Nước ta dài rộng, nhiều trí thức thế này sao không phát huy chứ, bởi nếu cứ loanh quanh ở Hà Nội, ở Bộ GD-ĐT thì không thể bao quát hết tất cả kiến thức, tất cả các vấn đề giáo dục của các vùng miền khác. Nếu làm thành công với 4 bộ sách giáo khoa tham khảo, nhiều màu sắc thì vẫn thú vị hơn chỉ một bộ duy nhất chứ.

Lâu nay chúng ta quá cứng nhắc, ngoài Bộ SGK của Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn thì không có bất cứ một Bộ SGK nào khác cho học sinh lựa chọn. Do đó, tôi rất ủng hộ việc nhiều địa phương lớn trong cả nước biên soạn bộ sách giáo khoa để học sinh tham khảo, trao đổi, đó cũng là cơ hội để vận dụng hết khả năng của người dạy và người học.

PV: Giáo dục ở các nước đều có nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh tham khảo và chọn lựa không, thưa ông?

PGS.TS Hà Minh Hồng: Các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều như thế, có nhiều bộ sách giáo khoa bên cạnh Bộ SGK của cơ quan giáo dục nhà nước biên soạn, tính đa dạng rất cao chứ đâu có cứng nhắc như mình chỉ chăm chăm vào một Bộ SGK của Bộ GD-ĐT.

Tôi vừa được một người bạn Nhật Bản tặng một bộ sách giao khoa họ đang biên soạn mà không phải là sách của cơ quan giáo dục nhà nước Nhật Bản. Có nghĩa họ vẫn có cách làm để đảm bảo chương trình chung, còn phản ánh ở Tokyo khác, Osaka khác…

PV: Trân trọng cảm ơn thầy về cuộc phỏng vấn này. 

Thiên Thanh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.