PGS Văn Như Cương: Con trẻ đang khổ vì việc học

07:00 | 04/11/2013

938 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyên nhân nền giáo dục hiện nay có nhiều vấn đề “dở khóc dở cười” không thể không có lỗi của ông “sách giáo khoa” (SGK). Trong một thời gian dài, những chương trình trong SGK luôn: “Nặng về “dạy chữ”, nhẹ về “dạy người”, nặng về lý thuyết, nhẹ về liên hệ thực tế, nặng về khẩu hiệu, nhẹ về việc làm”, PGS Văn Như Cương chia sẻ quan điểm với Năng lượng Mới.

Năng lượng Mới số 270

Chúng ta đang đày đọa con trẻ

PV: Kỳ thi chọn học sinh giỏi năm 2013 của tỉnh Bình Phước có đến 37 em nhận điểm 0. Ông có suy nghĩ gì qua con số này?

PGS Văn Như Cương: So với hơn 1.500 em dự thi thì chỉ có 2% em bị điểm 0 mà thôi. Tỷ lệ như vậy có thể chấp nhận được và bởi thế nó không nói lên điều gì cả về chất lượng giáo dục. Tôi cho rằng việc quan trọng hơn là xem lại mục đích của việc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Hình như các cuộc thi như vậy chỉ là để có thành tích trong  báo cáo cuối năm học của các hiệu trưởng và các sở mà thôi. Tôi không thấy ai tổng kết rằng nhờ các cuộc thi học sinh giỏi mà chất lượng dạy và học càng ngày càng tốt hơn. Có một đội tuyển đi thi học sinh giỏi rồi thì các trường phải ra sức dạy thêm, thậm chí cho học sinh của đội tuyển bỏ học các môn “không liên quan”, lại còn cố gắng tìm hiểu để “tăm đề thi”… nghĩa là bằng mọi cách để học sinh mình có giải. Những biện pháp ấy quyết không thể làm cho chất lượng giáo dục được nâng cao.

PGS Văn Như Cương

PV: Có một thực tế là, con trẻ hằng ngày, hằng giờ lúc nào cũng học, học trên lớp, học ở nhà… Thế mà tại sao mặt bằng chất lượng giáo dục vẫn không cao? Con số chủ yếu vẫn là con số báo cáo thành tích, thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Đúng là con em chúng ta đang khổ sở vì việc học. Tuy nhiên, đâu phải “lúc nào cũng học” là biện pháp để học tốt hơn, để thành tài, mà chính là ngược lại…

PV: Nhưng thực tế là rất nhiều các trường học vẫn đang “rèn luyện” học sinh bằng phương pháp đấy… Ông có nhận thấy rằng chúng ta cần và nên tăng thời lượng các môn như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật trong chương trình giáo dục hay không?

PGS Văn Như Cương: Nguyên nhân chính là vì chương trình quá nặng mà thời lượng lại ít (ở bậc THPT thì chỉ học một ngày một buổi). Chúng ta thử hình dung xem mỗi tuần chỉ học 6 buổi mà tuần nào cũng có 12 môn học khác nhau (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng nước ngoài, Văn, Sử, Địa, Tin học, Giáo dục công dân, Thể dục, Giáo dục Quốc phòng…) và còn các hoạt động nữa.

Đúng là chúng ta đang đày đọa con cháu mình…

Cần phải giảm bớt các môn học trong tuần, giảm bớt những kiến thức vô bổ, không cần thiết và phải bổ sung thêm các kiến thức để học làm người, học làm nghề.

PV: Theo ông, lý do chính của câu chuyện này nằm ở đâu giữa chất lượng dạy học và SGK?

PGS Văn Như Cương: Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không xác định được ba câu hỏi: Học để làm gì? Học cái gì và học như thế nào? Nền giáo dục của chúng ta hiện nay là một nền giáo dục” ứng thí”, mục đích học là để đi thi. Trong lúc UNESCO khuyến cáo: “Học để biết, học để làm, học để hòa đồng và học để khẳng định mình” thì chúng ta chỉ “học để thi”… Với mục đích như vậy thì trả lời cho câu hỏi “học cái gì ?” rất rõ ràng: “thi gì thì học nấy!” và “cái gì không thi thì không học”. Cũng vậy, đối với câu hỏi: “Học như thế nào?” sẽ có ngay câu trả lời: “Học làm sao để thi đỗ” và thế là có bao nhiêu biện pháp: học nhồi, học nhét, học gạo, học tủ, học thuộc lòng, học thêm, học nếm, học lò luyện…

Chương trình và SGK cũng góp phần không nhỏ: Nặng về “dạy chữ”, nhẹ về “dạy người”, nặng về lý thuyết, nhẹ về liên hệ thực tế, nặng về khẩu hiệu, nhẹ về việc làm…   

Học sinh tiểu học phải học quá nhiều thứ

PV: Có một vị giáo sư đã từng nói, các nhà biên soạn SGK của ta rất thiếu thực tế, họ không hiểu gì về trẻ, cũng không tìm hiểu về lứa tuổi các em để biết để hiểu rồi mới viết… Ông có nhận định  như thế nào về ý kiến trên?

PGS Văn Như Cương: Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Tôi cho rằng chủ yếu là chương trình. Tác giả SGK chỉ là người thi công theo thiết kế đã định. Họ phải viết đúng chương trình đã được duyệt. Cố nhiên dấu ấn của họ trong SGK cũng không phải là nhỏ và họ cũng có thể thiếu thực tế phần nào.

PV: Bộ Giáo dục và Đào tạo lại vừa yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; về sử dụng tài liệu tham khảo trong nhà trường; về quản lý dạy học trong các cơ sở giáo dục. Nhưng thực tế thì trái ngược, khi trường trường, lớp lớp đâu đâu cũng dạy thêm, học thêm. Chắc chắn Bộ có biết, trường vẫn hay nhưng không ai xử lý? Theo ông, liệu có cách khắc phục hay không?

PGS Văn Như Cương: Rất nhiều vấn nạn không thể giải quyết bằng những quy định, quyết định, nghị định từ các cấp trên dội xuống. Phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết từ gốc. Tôi cho rằng vấn đề dạy thêm, học thêm chỉ có thể giảm bớt nếu chúng ta làm được những việc căn bản như: Chương trình được giảm tải, SGK nhẹ nhàng và thiết thực hơn, thi cử đơn giản hơn, đời sống giáo viên được nâng cao hơn… Còn làm việc theo kiểu hành chính là cứ ra quyết định này nọ thì không giải quyết được vấn đề…

PV: Lẽ ra, với tư cách nhà giáo hơn ai hết họ phải thực hiện đúng quy định. Ông nghĩ sao về câu chuyện này của ngành?

PGS Văn Như Cương: Thực tế là không có thanh tra nào đến kiểm tra các lớp dạy thêm, học thêm. Và nếu có thì cũng không làm gì được, vì không ai ép ai phải học thêm, muốn được học thì phải có đơn xin học hẳn hoi và cả đơn thỏa thuận về học phí nữa. Như trên tôi đã nói, những biện pháp hành chính cứng nhắc chẳng giải quyết được vấn đề. 

Cần chấm dứt độc quyền sách giáo khoa

PV: Vừa qua, khi  dư luận có ý kiến về việc sách lịch sử không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến cho nhiều người dân cảm thấy không có niềm tin trước việc SGK sẽ được đổi mới vào năm 2015. Hay là bình mới, rượu cũ thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Có vẻ như là SGK Lịch sử không nói nhiều đến những nhân vật đang còn sống, mà chỉ nói nhiều đến các nhân vật “lịch sử” (nghĩa là đã mất rồi). Tôi không biết có quy định ấy hay không, nhưng tôi cho rằng, khi nói đến Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 thì không thể không nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi chắc chắn rằng, những thiếu sót trong SGK Lịch sử sẽ được sửa chữa trong cuộc đổi mới lần này.

Cần phải chấm dứt việc độc quyền sách giáo khoa

PV: Vậy với vấn đề đổi mới SGK, PGS có hiến kế gì hay nhắn nhủ gì tới ban biên soạn không?

PGS Văn Như Cương: Cần phải chấm dứt việc độc quyền SGK. Tôi cho rằng, chủ trương “một chương trình khung và nhiều bộ SGK” là đúng. Nên khuyến khích nhiều nhóm tác giả cùng viết SGK và Hội đồng Thẩm định của Nhà nước sẽ quyết định một số bộ SGK được phép đưa vào giảng dạy. Thậm chí chúng ta có thể chấp thuận ngay cả khi thầy giáo dạy không theo một SGK nào cả mà họ tự soạn lấy bài giảng của mình theo chương trình khung đã quy định. Cố nhiên họ phải chịu trách nhiệm về điều đó.  

PV: Chúng ta chỉ ra quá nhiều vấn đề bất cập trong giáo dục nhưng thực chất vấn đề chính nằm ở đâu bởi đã từng có những năm tháng, chúng ta thiếu đủ thứ, mà vẫn có những thế hệ vàng…? Chúng ta có nên nghĩ rằng đây là việc chung của toàn xã hội, chứ không chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Một câu hỏi rất hay! Đúng là đã từng có thời kỳ mà nền giáo dục chúng ta được đánh giá là bông hoa đẹp của chế độ. Trong những năm tháng đầy gian khó, nền giáo dục đã cho ra lò những thế hệ vàng, những thế hệ làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Thế rồi sao? Chúng ta đã thắng trong chiến tranh nhưng trong hòa bình và xây dựng đất nước thì chúng ta lại thua, nghĩa là chúng ta chậm tiến và tụt hậu. Nguyên nhân chính là khi hết chiến tranh chúng ta hăm hở lao vào làm ăn kinh tế, lao vào xây dựng, lao vào hiện đại hóa đất nước, lao vào hòa nhập… đúng cả nhưng chúng ta lại quên mất giáo dục. Chúng ta quên mất rằng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” là chân lý đúng với mọi thời đại và mọi nơi trên thế giới này.

PV: Đạo đức xã hội suy thoái, chạy trường chạy lớp tốn kém, nhiều sát thủ máu lạnh có gương mặt trẻ thơ, kiếm, dao vào tận lớp học… Theo ông, nếu đổ lỗi cả cho ngành giáo dục về những vấn đề này liệu có đúng không?

PGS Văn Như Cương: Cố nhiên giáo dục có lỗi trong các hiện tượng như vậy, tuy nhiên “tòng phạm” cũng không ít: gia đình, xã hội, cơ chế thị trường, phim ảnh, báo chí, truyền thông, Internet, trò chơi điện tử… Nói chung chẳng có ai ngoài cuộc cả.

PV: Tuy nhiên, một môi trường giáo dục sạch ở các trường học hiện nay thật khó tìm thấy? Chúng ta có nên đổ lỗi cho kinh tế thị trường không, thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Khi tôi nói đến “tòng phạm” tức là tôi muốn nói lỗi của hệ thống giáo dục là chủ yếu.

PV: Trên thực tế, những hạn chế của giáo dục được nói đi nói lại và cũng có không ít các nhà giáo bắt đúng bệnh, có hẳn thuốc chữa nhưng năm này sang năm khác, hiện trạng này vẫn không nhúc nhích. Theo ông, nguyên nhân này do đâu, vì đâu?

PGS Văn Như Cương:  Không muốn đổi mới, sợ đổi mới, không dám đổi mới  là những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của ngành giáo dục…

PV: Nhưng lý do vì sao lại không muốn, không dám, thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Có lẽ là vì những thất bại của các lần đổi mới trước đây. Hình như đối với giáo dục càng sửa thì càng sai. Bất kỳ một thay đổi nào cũng bị cộng đồng săm soi, suy xét bởi vì cái thay đổi đó đụng chạm đến tất cả mọi gia đình… Cho nên người ta rất ngại đổi mới, chỉ mong rằng hết nhiệm kỳ ta về hưu, hạ cánh an toàn là được.  

Balô sách vở nặng vai

PV: Rồi nữa, các hội thảo, các diễn đàn đều thấy rất nhiều những ý kiến tâm huyết, những đề án, những gợi mở, thế nhưng tại sao không ai làm gì, không ai hành động mà chỉ thấy… chờ, thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Có ý kiến thì nói, mở hội thảo thì đọc tham luận, có suy nghĩ thì viết đề án… nhưng không thể ai muốn làm gì thì làm. Phải chờ có định hướng chung hoặc phải chờ để xin phép được làm điều này điều nọ trong một cơ sở cụ thể nào đó. Dẫu sao các ý kiến, các gợi mở, các dự án đề nghị, các bài báo, các tham luận… đều mang ý nghĩa tích cực. Trong đề án đổi mới đã được thông qua có thể hiện nhiếu ý kiến của các chuyên gia giáo dục… 

PV: Đề án đổi mới giáo dục đã có, ông có ý kiến gì về câu chuyện này. Theo ông, đề án này có thật sự thuyết phục?

PGS Văn Như Cương: Rất đáng mừng là đề án đổi mới giáo dục đã được thông qua. Đề án đã nhìn thẳng hơn vào thực trạng giáo dục hiện nay và cũng đã thấy thấp thoáng những ý tưởng đổi mới khá mạnh dạn…

Nếu cuộc đổi mới giáo dục lần này là “một trận đánh lớn” (như ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì rất cần có một vị tướng bản lĩnh và bộ phận tham mưu, cố vấn đầy kinh nghiệm và hết lòng vì tương lai đất nước. Mong lắm thay! 

PV: Rất nhiều người cho rằng, đổi mới giáo dục bắt đầu là từ giáo viên, ông có cho rằng giáo viên là điều tiên quyết và quan trọng nhất hay không?

PGS Văn Như Cương: Cố nhiên trên mặt trận giáo dục thì giáo viên là người lính. Người lính không hết lòng, không đánh giỏi thì làm sao có thắng lợi được. Bởi vậy mọi đổi mới giáo dục đều phải xuất phát từ giáo viên. Các trường sư phạm phải biết trước sẽ đổi mới những gì, như thế nào, để đưa vào chương trình đào tạo của trường mình nhằm tạo ra những giáo viên tương lai có thể thực hiện được sự đổi mới đó. Mặt khác họ lại phải có kế hoạch đào tạo lại những giáo viên đã ra trường trước đây nhằm đáp ứng yên cầu mới… Bởi vậy vai trò của các trường sư phạm là rất lớn và có tính quyết định...

PV: Với kinh nghiệm cá nhân của thầy, để thực sự đổi mới thì việc cần làm ngay là gì?

PGS Văn Như Cương: Việc cần làm ngay là tổ chức thực hiện ngay cái đề án đã được thông qua.

PV: Xin cảm ơn PGS!

9 giải pháp thực hiện Đề án Đổi mới giáo dục

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục) theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học; Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; Coi trọng quản lý chất lượng. Quản lý tốt là tiền đề căn bản để dạy tốt và học tốt; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo; Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính; Tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục; Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý; Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.


Thái Linh (thực hiện)