Petrodollar trong chiến lược can thiệp của Mỹ ở Venezuela
Từ Mỹ, Tổng thống Donald Trump gần như ngay lập tức ra tuyên bố công nhận Juan Guaido là “tổng thống hợp pháp của Venezuela” và coi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa tuyên thệ nhậm chức ngày 10/01/2019 là "bất hợp pháp". Tiếp đến, Mỹ lên kế hoạch viện trợ nhân đạo cho Venezuela mà, theo ông Maduro, thực chất chỉ là một "show diễn" và cái cớ cho cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu. Quyết định này của Tổng thống Donald Trump là sự tiếp nối chuỗi dài các hành động can thiệp của Washington vào chủ quyền quốc gia của Venezuela kể từ khi nhà lãnh đạo Hugo Chaves chủ trương xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” trở thành tổng thống quốc gia này vào năm 1999.
![]() |
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trước những người ủng hộ |
Trước hết, cần nhận thấy việc Juan Guaido tự xưng “tổng thống lâm thời” là hoàn toàn bất hợp pháp. Theo Điều 233 của Hiến pháp Venezuela, tổng thống đương nhiệm chỉ có thể bị thay thế trong các trường hợp tổng thống đương nhiệm qua đời, tự tuyên bố nghỉ hưu do tuổi cao hoặc do lâm bệnh nặng hoặc bị Tòa án tối cao tước bỏ quyền lực. Căn cứ tình tình thực tế ở Venezuela hiện nay, ông Juan Guaido chỉ có thể dựa vào tình huống tổng thống đương nhiệm từ chức để tự tuyên bố tổng thống lâm thời. Để hợp pháp hóa tuyên bố tự xưng “tổng thống lâm thời” của Juan Guaido, báo chí Mỹ và phương Tây tung tin “do bị người dân phản đối, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro bỏ chạy khỏi nhiệm sở và chạy sang Nga trên một chuyến bay đặc biệt”.Tình huống này được Mỹ dàn dựng 100% theo kịch bản đảo chính ở Ukraine trong năm 2014, trong đó Mỹ và các nước phương Tây cũng tung tin “tổng thống Ukraine Yanukovich từ chức và bỏ chạy sang Nga”. Rõ ràng, Juan Guaido là hiện thân của một cuộc đảo chính điển hình do Mỹ dàn dựng và được các đồng minh của họ ủng hộ, hoàn toàn đi ngược lại Hiến pháp Venezuela.
Theo tiết lộ của báo Wall Street Journal (Mỹ), đội ngũ cận thần của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phối hợp với các nhân vật chủ chốt trong các lực lượng đối lập ở Venezuela soạn thảo kế hoạch lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, báo Wall Street Journal còn cho biết, ngày 22/01/2019, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã gọi điện cho Juan Guaido và khẳng định cam kết của Washington ủng hộ ông ta tự tuyên bố là “tổng thống lâm thời Venezuela”. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng khẳng định nội dung cam kết này của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence với Juan Guaido.
Cũng theo Wall Street Journal, Venezuela, Iran và Triều Tiên là ưu tiên chiến lược hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, đại diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm với các lực lượng đối lập ở Venezuela và hai bên cam kết sẽ cùng hành động phối hợp trên các diễn đàn quốc tế. Theo cam kết này, ngày 29/01/2019 Nhà Trắng hối thúc Quân đội Venezuela chấp nhận việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ đương kim Tổng thống Nicolas Maduro sang nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido. Còn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Washington đã sẵn sàng can thiệp quân sự vào Venezuela. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng cho biết không loại trừ khả năng Washington sẽ đưa quân đến Colombia hoặc một nơi khác trong khu vực trước tình hình bất ổn hiện nay ở Venezuela.
Một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là do đâu Mỹ bất chấp luật pháp quốc tế để công khai can thiệp trực tiếp vào chính trường Venezuela? Câu trả lời ẩn giấu trong chiến lược dầu mỏ của Mỹ. Kiểm soát tài nguyên dầu mỏ là một trong những nội dung quan trọng nhất, có ý nghĩa then chốt, trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm tiếp tục duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sau Chiến tranh lạnh. Kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của thế giới liên quan mật thiết tới vị thế đồng đô la Mỹ (USD) - một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh của Mỹ như một siêu cường duy nhất sau Chiến tranh lạnh. Kể từ khi các thành viên đầu tiên của tổ chức Liên Hợp Quốc đã ký kết một thỏa thuận thiết lập tỷ giá hối đoái cân bằng giữa các đồng tiền của các nước có nền kinh tế phát triển tại Bretton-Woods (Mỹ) năm 1944, USD trở thành đồng tiền chung của thế giới có bản vị được bảo đảm bằng bằng vàng và thường được gọi là đồng “USD vàng”.
Năm 1971, do nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng, hệ thống Bretton-Woods tan vỡ. Để cứu vớt vị thế của USD, Mỹ chuyển sang bảo đảm bản vị của USD bằng dầu mỏ và từ thời điểm đó USD được gọi là “Petrodollar - USD dầu mỏ”. Theo đó, Mỹ thỏa thuận với Arab Saudi và các nước khác trong OPEC thanh toán tất cả các giao dịch dầu mỏ trên thị trường thế giới bằng đồng “USD dầu mỏ”. Thỏa thuận này tạo ra lợi thế độc nhất vô nhị và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nước Mỹ. Đến năm 2008, Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, từ đó nhiều quốc gia bắt đầu chia tay với “USD dầu mỏ” của Mỹ và chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong các hiệp định thương mại song phương, đi đầu là Trung Quốc. Kể từ đó, Mỹ ra sức nỗ lực tìm cách cứu vớt vị thế toàn cầu của USD như là đồng tiền chung của thế giới, trong đó biện pháp chiến lược quan trọng nhất là giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của thế giới. Theo hướng đó, Mỹ đứng đằng sau gây ra các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân Arab” để dựng lên các chính phủ mới ở khu vực này giúp Mỹ kiểm soát tài nguyên dầu mỏ ở Trung Đông, trước hết là ở Libya, Iraq và Syria.
Theo hướng đó, trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thành lập cái gọi là “NATO của các nước Arab” do Arab Saudi đứng đầu. Đồng thời, ông Donald Trump ký kết thỏa thuận sẽ bán một khối lượng vũ khí lớn trị giá hơn 300 tỷ USD cho Arab Saudi - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Toan tính của Mỹ là biến Arab Saudi thành lực lượng xung kích nhằm loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad và giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mở của quốc gia này ở Syria. Tiếp đến, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran với toan tính áp đặt các biện pháp cấm vận đối với Teheran, từng bước thay đổi chế độ chính trị của Iran và kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của quốc gia hồi giáo này.
Hiện nay, yếu tố dầu mỏ cũng đóng vai trò then chốt trong chiến lược của Mỹ ở Venezuela. Theo số liệu của OPEC công bố năm 2018, trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh của Venezuela vào khoảng 303 tỷ thùng, chiếm gần 25% trữ lượng của tất cả các nước thành viên OPEC, lớn hơn trữ lượng của Arab Saudi (21, 9%), Iran (12,8%), Iraq (12,1%) và Kuwait (8,4%). Toan tính của Mỹ là bằng mọi cách lật đổ chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và dựng lên ở Caracas một chính quyền thân Mỹ để kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của quốc gia này. Một khi kiểm soát được dầu mỏ của Venezuela và Iran, Mỹ sẽ kiểm soát phần lớn thị trường “vàng đen” của thế giới và cũng sẽ kiểm soát giá dầu thế giới. Khi đó Mỹ sẽ sử dụng dầu mỏ nhưng một thứ vũ khí chiến lược để khuynh đảo thị trường năng lượng thế giới và gây sức ép về chính trị đối với các đối thủ cạnh tranh, trước hết là Trung Quốc và Nga.
Với Trung Quốc, từ tháng 9/2018, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố Venezuela có kế hoạch tăng nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc lên mức 1 triệu thùng/ngày, nghĩa là sẽ tăng gấp 3 lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc. Hai bên đã ký tới 28 thỏa thuận hợp tác, hầu hết liên quan đến khai thác và chế biến dầu. Với Nga, Matxcơva không chỉ là nhà cung cấp vũ khí cho Venezuela mà còn là nhà đầu tư vào ngành khai thác dầu của Venezuela với các hợp đồng trị giá 12 tỷ USD. Washington lo ngại, với sự hợp tác này với Venezuela, Trung Quốc và Nga sẽ cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ trên thị trường dầu mỏ thế giới. Chính vì thế, sau khi tuyên bố công nhận Juan Guaido là “tổng thống hợp hiến của Venezuela”, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA của Venezuela.
Lúc này, Mỹ đang ráo riết xúc tiến sự can thiệp vào Venezuela núp dưới khẩu hiệu “can thiệp nhân đạo”. Dư luận cho rằng Mỹ đang muốn tìm kiếm một "động cơ quân sự" thông qua khả năng viện trợ nhân đạo này để đưa lực lượng và vũ khí vào Venezuela nhằm mục đích gây ra cuộc nội chiến, tạo tiền đề cho “tổng thống lâm thời” Juan Guaido tiêu diệt Tổng thống Nicolas Maduro, theo kịch bản Libya hoặc Syria. Do đó, Venezuela đang trở thành tâm điểm cạnh tranh địa chính trị rất quyết liệt giữa một bên là Mỹ và đồng minh, với bên kia là Nga và Trung Quốc.
![]() |
![]() |
![]() |
Đại tá Lê Thế Mẫu
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025