OPEC+ bị chia rẽ sâu sắc bởi khủng hoảng?

14:56 | 09/06/2020

427 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong cuộc họp chiều ngày 6/6, các nhà sản xuất trong OPEC+ đã thống nhất gia hạn cắt giảm sản lượng tháng 5 và tháng 6 đến hết ngày 31/7/2020 và nhanh chóng phê chuẩn một thỏa thuận để tránh một cuộc tranh cãi.
opecbi chia re sau sac boi khung hoangGiá dầu hôm nay giảm mạnh dù OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng
opecbi chia re sau sac boi khung hoangOPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng dầu đến hết tháng 7
opecbi chia re sau sac boi khung hoang

Bên cạnh đó, OPEC+ cũng đưa ra khuyến nghị các biện pháp cắt giảm sản lượng đến năm 2022 và cơ chế chống lạm dụng hạn ngạch khai thác.

Theo kết quả cuộc họp, liên minh 23 quốc gia đã đồng ý cắt giảm 9,6 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng, không tính Mexico do nước này từ chối gia hạn giảm sản xuất 100.000 thùng/ngày. Từ tháng 7 tới, Mexico sẽ không tham gia OPEC+, giống như các thành viên của OPEC là Iran, Venezuela và Libya. Hạn ngạch cắt giảm sẽ giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8 đến hết năm 2020 và xuống còn 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến hết tháng 4/2022. Arab Saudi, UAE, Kuwait và Oman sẽ không tiếp tục cắt giảm tự nguyện tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày. Điều này có nghĩa nguồn cung từ OPEC+ sẽ bổ sung thêm 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, tháng 4 là tháng tồi tệ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp dầu mỏ. Đại dịch virus corona khiến nhu cầu sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay, cuộc chiến giá dầu thực tế đã đổ thêm dầu vào chảo lửa toàn cầu khiến giá dầu có thời điểm đã xuống dưới 0. Việc cắt giảm trong OPEC+, giảm sản xuất theo điều kiện thị trường tại một số quốc gia khác cũng như tiêu thụ dầu toàn cầu cải thiện đã giúp thúc đẩy giá dầu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 5 vừa qua khi giá dầu Brent và WTI hiện tại đang ở mức 40 USD/thùng. Bộ trưởng Novak nhấn mạnh, các thị trường toàn cầu vẫn ở trong trạng thái mong manh và cần hỗ trợ. Đó là lý do tại sao việc thực hiện 100% thỏa thuận của tất cả các thành viên là quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo Energy Intelligence, tỷ lệ tuân thủ hạn ngạch cắt giảm trong OPEC+ trong tháng 5 ở mức 86%. Trong đó, Iraq, Kazakhstan, Nigeria, Brunei và Nam Sudan là các quốc gia chậm thực hiện nghĩa vụ cắt giảm. Do đó, liên minh cũng thống nhất thành lập hệ thống giám sát tuân thủ hạn ngạch và phát triển thị trường dầu mỏ chặt chẽ hơn. Trước hết là các nhà sản xuất chưa tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ cắt giảm trong tháng 5 và đầu tháng 6 sẽ phải cắt giảm bổ sung trong cả quý III/2020. Phía Iraq đưa ra một lộ trình cắt giảm sản lượng trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra song được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức.

Các Bộ trưởng OPEC+ đã thông qua đề xuất tổ chức các cuộc họp hàng tháng của Ủy ban giám sát chung (JMMC) cho đến cuộc họp OPEC+ tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 30/12. Điều này đánh dấu một sự thay đổi tích cực về cách tiếp cận trong quản lý thị trường dầu mỏ của khối. JMMC sẽ tiến hành phiên họp đầu tiên vào ngày 18/6 tới.

Đánh giá về việc gia hạn hạn ngạch cắt giảm sâu của OPEC+, một số chuyên gia phân tích thị trường và tài chính của Nga cho biết, kết quả thỏa thuận sẽ tác động tích cực đến thị trường dầu toàn cầu.

Chuyên gia Igor Yushkov, Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ Nga cho biết, việc gia hạn cắt giảm kỷ lục sản lượng thêm 1 tháng là tín hiệu tích cực đối với thị trường khi giá dầu đang hồi phục. Ông cho rằng, kết quả đạt được là một giải pháp thỏa hiệp rõ ràng. Phía Mỹ rất có thể đã gây áp lực lên Arab Saudi. Do đó, Arab Saudi đã chủ động gia hạn cắt giảm, trong khi phía Nga không muốn xảy ra xung đột trên bàn đàm phán. Đối với Nga, việc gia hạn thêm 1 tháng không phải là vấn đề mang tính nguyên tắc. Song đối với Arab Saudi , điều này rất quan trọng bởi mặc dù chính phủ nước này đã tăng thuế VAT 3 lần, song ngân sách quốc gia vẫn bị thâm hụt trong điều kiện giá hiện nay. Phía Mỹ cũng không mong đợi mức giá thấp do họ cần hỗ trợ ngành công nghiệp đá phiến. Các nhà sản xuất khác trong OPEC+ đồng ý với tất cả những điều này vì thấy rằng trong thực tế, họ không thực sự bị bắt buộc phải thực hiện thỏa thuận này. Có lẽ bây giờ kỷ luật thực hiện sẽ được siết chặt hơn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này dự báo, việc gia hạn cắt giảm sản lượng sẽ được kéo dài thêm trong tháng 8, thời điểm mà tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể.

Chuyên gia phân tích tại Trung tâm Alpari Alexander Razuvaev cho rằng, sẽ tốt hơn nếu mức cắt giảm hiện nay trong OPEC+ được kéo dài đến hết tháng 8. Một mặt là kinh tế thế giới đang ra khỏi tình trạng cách ly, mặt khác thị trường đang vận động theo quy tắc: mua theo kỳ vọng, bán theo sự kiện, do đó không ngoại trừ khả năng giá dầu sẽ giảm nhẹ. Việc gia hạn cắt giảm cũng có lợi cho ngân sách liên bang, chính sách tiền tệ của Nga cũng như cổ phiếu của các công ty dầu khí sẽ tăng trưởng tốt hơn trong tương lai gần. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tích cực mua trái phiếu. Điều này nói lên sự ủng hộ giá dầu tăng. Theo chuyên gia Razuvaev, giá dầu sẽ giao động trung bình ở mức 50 USD/thùng trong giai đoạn 2021 - 2022. Mức giá này sẽ phù hợp với tất cả người chơi trên thị trường.

Khả năng gia hạn tiếp hạn ngạch cắt giảm như hiện nay sẽ phụ thuộc vào nhu cầu tăng trưởng ở Mỹ và Trung Quốc, nơi nhu cầu tiêu thụ dầu đang phục hồi khá nhanh.

Nhà kinh tế Vladimir Rozhankovsky, Trung tâm tài chính quốc tế cho biết, việc gia hạn cắt giảm đã được dự kiến, tiếp thêm sinh lực cho thị trường song một câu hỏi đặt ra là ai và làm thế nào để giám sát việc thực hiện cắt giảm theo hạn ngạch. Lần đầu tiên Arab Saudi đã thừa nhận một nửa số thành viên OPEC không tuân thủ đầy đủ cắt giảm sản lượng. Arab Saudi không có cơ chế kiểm soát sản xuất dầu tại các quốc gia này. Cả Arab Saudi và Nga đã giảm sản lượng nhưng các thành viên khác có thể bán dầu bất hợp pháp.

Phạm TT (tổng hợp)