Ôm con chạy sóng dữ trong đêm, lúc về đã mất nhà
Chiều 17/12, sóng biển dữ dội vẫn tiếp tục xô vào bờ, bà Phạm Thị Bốn (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) thất thần nhìn nơi từng là căn nhà của gia đình, giờ chỉ còn đống đổ nát. Đêm hôm trước, nhà bà Bốn và 2 hộ dân khác đã bị triều cường giật sập.
Làng chài "mùa không ngủ"
"Mọi người ai cũng ráng làm kè để giữ đất, giữ nhà nhưng sức người sao chống lại được với gió bão, triều cường. Cứ mỗi lần biển động là lo, đến tối qua thì nỗi lo thành sự thật. Cả nhà tôi phải bỏ nhà, cố chạy thoát thân", bà Bốn cho biết.
![]() |
Nơi từng là căn nhà của bà Phạm Thị Bốn giờ chỉ còn là đống đổ nát |
Biển động mạnh, những con sóng cao 3 - 4m lao vào bờ, ập lên những căn nhà nhỏ bên bờ biển. Sóng biển với sức tàn phá khủng khiếp đã cuốn trôi những bờ kè mỏng manh, rồi giật sập nhà.
Cả cuộc đời bươn chải với biển cả, gia đình bà Bốn cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn Phước Thiện mới dựng được căn nhà nhỏ. Bây giờ nơi che mưa nắng không còn, bà Bốn chưa biết ngày mai sẽ về đâu.
"Cả đời sống bám vào biển, giờ biển lại lấy nhà. Ngày mai chúng tôi biết về đâu?", bà Bốn khắc khoải nhìn về phía biển.
![]() |
Đêm 16/12, triều cường giật sập 3 căn nhà, cuốn trôi kè chắn, đe dọa 40 căn nhà khác ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn |
Ở làng chài Phước Thiện, người dân gọi mùa biển động là "mùa không ngủ". Đêm đến, cả làng thao thức để rồi giật thót khi những con sóng dữ ập vào bờ.
"Đến mùa này là cả làng không dám ngủ. Ai cũng lo sợ, nhưng lo cũng đâu giữ được nhà. Mấy năm qua, hàng chục căn nhà sập rồi. Còn đêm qua thì đến nhà tôi, căn nhà tích góp cả đời mới xây được giờ biển lấy đi rồi", chị Bùi Thị Nhất trầm ngâm.
Trời vừa sập tối, sóng biển bắt đầu mạnh. Đến khoảng 21h đêm 16/12, từng con sóng cao như mái nhà ập vào làng chài. Cả làng run sợ trước sức mạnh của biển cả. Mọi người kéo nhau bỏ nhà, bỏ của chạy thoát thân. Gia đình chị Bùi Thị Nhất vừa rời đi thì căn nhà cũng bị kéo sập.
![]() |
Gia đình chị Nhất bỏ chạy trong đêm, khi quay về căn nhà đã không còn |
5 năm, biển "nuốt chửng" 30 - 40m đất
Mùa biển động, gia đình chị Nhất cũng như hàng trăm hộ dân làng chài vẫn kiên trì gia cố bờ kè. Đá, lưới thép, cọc… được dùng để bảo vệ đất. Nhưng rồi, những bờ kè tạm chỉ chịu đựng được vài con sóng. Kè bị cuốn trôi, sóng xoáy sâu vào móng nhà, rồi đánh sập tường, cuối cùng là kéo ngã cả căn nhà.
"Nhiều gia đình có điều kiện họ làm kè bằng bê tông, rọ đá. Vậy mà sóng cũng cuốn đi hết. Cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa là cả làng chài này sẽ biến mất", chị Nhất lo sợ.
![]() |
Nhiều ngôi nhà ở làng chài Phước Thiện đang nằm trong khu vực nguy hiểm |
Khoảng 5 năm qua, biển xâm thực sâu vào đất liền, có nơi đến 30 - 40m. Hàng năm đều có nhà bị đổ sập. Năm nay, triều cường diễn biến phức tạp nhất. Mọi công sức gia cố nhà cửa đều bất lực trước biển cả.
Theo ông Phạm Cầu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, tình trạng sạt lở bờ biển do triều cường ngày càng phức tạp, nhiều nhà dân đã sập. Riêng trong đêm 16/12 có 3 nhà dân sập hoàn toàn, khoảng 40 ngôi nhà khác đang trong tình trạng nguy hiểm.
Theo ông Cầu, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân gia cố, bảo vệ nhà cửa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và hiệu quả không cao trước sự xâm thực dữ dội của triều cường.
"Trước mắt chúng tôi đã vận động người dân ở khu vực nguy hiểm di chuyển đến nơi ở an toàn. Về lâu dài, chính quyền địa phương mong muốn tỉnh, Trung ương có phương án xây dựng kè, hoặc hỗ trợ người dân di dời chỗ ở", ông Cầu kiến nghị.
Theo Dân trí
-
Sóng "xé nát" kè bê tông, hàng trăm nhà dân bị đe dọa
-
Biển Đà Nẵng lại sạt lở
-
Quảng Ngãi: Bờ biển sạt lở nghiêm trọng, địa phương kiến nghị ban bố tình trạng khẩn cấp
-
Quảng Ngãi: Triều cường giật sập nhà, người dân khẩn cấp di dời trong đêm
-
Sạt lở - Sau nỗi buồn mất nhà là nỗi lo tái định cư
-
Biển đe dọa “nuốt” nhà dân
- Cung nữ cuối cùng triều Nguyễn và những câu chuyện trong cung cấm
- Bắc Giang chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu
- Dịch bùng phát ở Campuchia, lo ngại hàng nghìn người ồ ạt về nước
- Xúc động khoảnh khắc tân binh thủ đô lên đường nhập ngũ
- SABIC hỗ trợ cho hơn 1.200 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Học sinh Hà Nội trở lại trường từ 2/3, sinh viên đi học ngày 8/3
- Lùi thời gian học và thi lái xe bằng phần mềm mô phỏng
- Lễ hội lớn nhất Đông Nam Bộ đóng cửa, người dân đứng ngoài chùa cầu an
- Vững tin vào tuyến đầu chống dịch
- Giữa đại dịch Covid- 19, Bệnh viện K có biện pháp gì để đảm bảo khám, điều trị cho người bệnh?
- "Không thể chấp nhận tối về nhà còn bị tiếng ồn karaoke tra tấn"
-
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ – Điểm sáng của ngành y tế khu vực Trung du miền núi phía Bắc
-
Phát hiện ổ dịch mới, Hải Dương phong tỏa khẩn cấp một xã
-
Thần tốc "chặn Covid-19" ở ổ dịch Kim Thành - Hải Dương
-
Cảnh sát biển tạm giữ 20 nghìn lít dầu DO không rõ nguồn gốc
-
Ngư dân phấn khởi "đón lộc" đầu năm