Obama muốn giải cứu môi trường thế giới

06:54 | 21/08/2015

1,321 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 3/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một kế hoạch chống biến đổi khí hậu với quy mô lớn chưa từng có. Với kế hoạch đầy tham vọng này, ông Obama muốn trở thành người hùng giải cứu thế giới khỏi những tác động của sự biến đổi khí hậu trái đất. Tuy nhiên, sứ mệnh này của ông đang bị chính người Mỹ cản trở.  

Trước khi đọc diễn văn tại Nhà Trắng để công bố những quy định gắt gao để bảo vệ môi trường, chống lại hiện tượng mặt đất ấm dần do khí thải gây nên, Tổng thống Obama đã phổ biến đoạn video trên trang mạng xã hội facebook, trong đó vị lãnh đạo nước Mỹ nói rằng, khí hậu biến đổi là trở ngại ảnh hưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác, đòi hỏi mọi người phải bắt tay vào việc ngay từ lúc này.

Obama muốn giải cứu môi trường thế giới
Tổng thống Obama kêu gọi bảo vệ môi trường trên facebook, ngày 2/8/2015

Ông cũng đưa ra dẫn chứng như mực nước biển dâng cao, những tảng băng ở Bắc Cực đang tan, khí hậu biến đổi khác thường, thiên tai ngày một nhiều hơn là những bằng chứng xác nhận mặt đất đang ấm dần.

Sang ngày 3/8, Tổng thống Obama đã công bố “Kế hoạch năng lượng sạch” (Clean Power) trong đó đặt ra hạn ngạch khí thải carbon cho các nhà máy điện của Mỹ. Theo đó, đến năm 2030, các nhà máy phải giảm 32% lượng khí thải CO2 so với mức năm 2005. Chỉ tiêu mới này còn cao hơn cả những tiêu chuẩn mà ông đã thông báo trước đó. Các biện pháp chủ yếu là đưa năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác trở thành nguồn điện trọng tâm. Như vậy, trên 600 nhà máy nhiệt điện than trên toàn nước Mỹ sẽ phải đối mặt với sự cắt giảm theo kế hoạch của Nhà Trắng.

Trọng trách thực hiện được giao cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency-EPA). Kế hoạch đề ra các mục tiêu, nhưng các bang được tự do đưa ra những biện pháp để đạt mục đích. Các bang sẽ phải trình kế hoạch của mình từ nay tới năm 2018, đồng thời tuân thủ những kế hoạch đó ngay từ nay tới năm 2022. Những bang hoàn thành mục tiêu sớm sẽ nhận được trợ giúp tài chính.

Bên cạnh yêu cầu cắt giảm mạnh mẽ khí thải đối với các nhà máy điện, kế hoạch mới của Nhà Trắng cũng khuyến khích chuyển sang sản xuất điện bằng năng lượng có thể tái tạo, với mục tiêu tăng lượng điện sản xuất bằng năng lượng sạch lên 28% tổng sản lượng điện của Mỹ, so với mức dưới 10% hiện nay.

Thế nhưng, tại Mỹ, hơn 170.000 người sinh sống nhờ khai thác than đá, nguồn nhiên liệu dồi dào cung cấp tới 39% lượng điện tiêu thụ tại đây. Đối với các nhà sản xuất nhiệt điện, hầu hết là các công ty tư nhân, thì viễn cảnh phải đóng cửa nhà máy nhiệt điện còn chưa hết khấu hao, sẽ trở thành một vấn đề đau đầu cho họ. Một khó khăn khác để thực hiện được tham vọng trên là cần phải hiện đại hóa các mạng lưới điện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển điện được sản xuất từ các tấm pin mặt trời tại các gia đình.

Một bất cập khác, các nhà công nghiệp lấy làm tiếc là bản kế hoạch của Tổng thống Mỹ chỉ đề cao các loại hình năng lượng tái tạo. Trong khi đó, các nhà máy điện bằng khí gaz, gây ít ô nhiễm hơn một nửa, lại không được chú trọng. Các nhà phân tích nhận xét, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Obama còn chưa tới hồi kết ngay trong nội bộ đất nước, vì vẫn còn nhiều bất cập mà chính phủ sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Chẳng phải chờ đợi lâu. Ngày 13/8, các thống đốc của 15 tiểu bang ở Mỹ đã gửi đơn kiến nghị lên một tòa án liên bang nhằm ngăn cản việc triển khai các quy định mới hạn chế khí thải carbon trong Kế hoạch năng lượng sạch của Tổng thống Obama.

Các bang đã đệ đơn yêu cầu Tòa án phúc thẩm tại bang Washington trước ngày 8-9 tới phải ra phán quyết về các quy định hạn chế khí CO2 do Cơ quan EPA soạn thảo trong “Kế hoạch năng lượng sạch”, một năm trước khi những bang này phải nộp các bản kế hoạch riêng nhằm hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải lên EPA.

15 bang tham gia gửi đơn kiến nghị lên tòa án, đặc biệt là các bang phụ thuộc vào than đá để sản xuất điện năng, đều cáo buộc EPA đã vượt quá thẩm quyền của mình. Thống đốc bang Tây Virginia, Patrick Morrisey cho rằng “Kế hoạch năng lượng sạch” có tầm ảnh hưởng sâu rộng và EPA không đủ thẩm quyền pháp lý để thực hiện kế hoạch này.

Trước động thái trên, cùng ngày, EPA ra tuyên bố sẵn sàng đối đầu với những cáo buộc pháp lý bởi “Kế hoạch năng lượng sạch”được đưa ra dựa trên “một nền tảng kỹ thuật và pháp lý vững chắc”. Người phát ngôn EPA Liz Purchia khẳng định EPA và Bộ Tư pháp sẽ quyết tâm bảo vệ kế hoạch chống biến đổi khí hậu mới này nhằm đảm bảo mang lại những lợi ích về sức khỏe cho người dân.

Cùng với lời khẳng định của EPA, 15 bang khác của Mỹ cũng ra tuyên bố ủng hộ các quy định trong “Kế hoạch năng lượng sạch”, đồng thời cam kết sẽ phản đối các nỗ lực ngăn chặn việc triển khai kế hoạch trên.

Kế hoạch đầy tham vọng của ông Obama được đưa ra 6 tháng trước Hội nghị toàn cầu về khí hậu diễn ra tại Paris, Pháp. Đây được xem là một trong những hành động có ý nghĩa nhất của Mỹ nhằm hướng tới một thỏa thuận toàn cầu lịch sử về chống biến đổi khí hậu tại hội nghị LHQ vào cuối năm nay. Hội nghị này được kỳ vọng sẽ cho ra đời một Hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý về chống biến đổi khí hậu, thay thế cho Nghị định thư Kyoto 1997. Đáng lý ra từ năm 2012, thời hạn kết thúc cam kết của những quốc gia ký Nghị định thư Kyoto, các nước phải đưa ra được một hiệp ước mới thay thế nhưng từ đó đến nay đã có tới 2 hội nghị quốc tế được tổ chức nhưng không hề có kết quả. Các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ (những “ông trùm” phát thải khí nhà kính) đều từ chối cắt giảm khí thải vì lo sợ ảnh hưởng tới mức tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc trong các hội nghị gần đây cho rằng Mỹ và các nước công nghiệp phát triển, đi trước đã thải “quá trời” khí CO2 vào bầu khí quyển mà không bị ai cấm cản, hà cớ gì giờ đây Trung Quốc đang phát triển lại bắt họ phải “bịt ống khói” các nhà máy.

Hy vọng, sự nhượng bộ của Mỹ qua kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Obama sẽ được Trung Quốc đón nhận và chịu thỏa hiệp để đi tới một thỏa thuận chung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trái đất. Tuy nhiên, từ tuyên bố tới hành động còn cả một khoảng cách. Từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ biết được kết quả.

S.Phương

Năng lượng Mới 449