Nước mắt nhà nông (Kỳ 1)

07:00 | 02/03/2016

1,650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 1 tháng nay, tình trạng nhiễm mặn đang đe dọa vựa lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến bà con nông dân khóc ròng. Tuy nhiên, câu chuyện nông dân “chết” vì cây lúa, từng đã có ý kiến cảnh báo của chuyên gia từ trước đó rất lâu, nhưng bà con đâu có chịu nghe.

Lúa tốt nhưng… không có gạo?!

Tôi đặt chân đến vùng đất khô hạn và xâm nhập mặn nặng của tỉnh Sóc Trăng giữa những ngày  tháng Giêng. Những cánh đồng khô héo lẽ ra phải được cày xới và gieo mạ để chuẩn bị cho vụ 2. Giờ đây bà con Sóc Trăng đành phó thác cây lúa cho ông trời. Hạn hán nặng trên diện rộng khiến lúa của vụ 1 cho ra hạt lép, năng suất giảm 30-40%.

Câu chuyện của bà Lê Thị Bông (ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) như một phần của “tấn bi kịch” trong giới nhà nông. Bà Bông có hơn 20 công lúa (10 công lúa là 1 héc-ta). Cả gia đình bà gộp lại cả thảy hơn 100 công đều nằm san sát trên địa bàn xã Thạnh Quới.

nuoc mat nha nong ky 1
Ruộng đồng khô cằn, nứt nẻ ở ấp Nước Mặn (xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) rộng hàng trăm công bị hạn

Nhiều tháng trôi qua, lúa không ra bông do tưới nhầm nước nhiễm mặn. Ngày đầu nước bị nhiễm mặn, bà con nông dân không thể nhận biết được bằng mắt thường và cũng chẳng có máy móc, dụng cụ để đo nồng độ mặn trong nước. Đến khi thấy lúa cứ èo uột và ra hạt lép kẹp, mọi người mới hoảng hốt để kiểm tra. Khi biết nước bị xâm nhập mặn thì mọi chuyện đã muộn.

Anh Dương Hoàng Khôi (ngụ ấp 3, xã Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) “sống chết” với cây lúa hơn 20 năm nay. Anh Khôi nhìn cánh đồng lúa lá xanh rì mà lòng đầy… đắng chát. “Đừng nghĩ rằng lúa xanh mà tốt, lúa không hình thành hạt thì bán cho ai”, anh Khôi giải thích. 

Ở Sóc Trăng, nhiều hộ dân đều bị trường hợp tương tự anh Khôi. Cây lúa trổ đòng cứ phát triển đều đều, gặp nguồn nước xâm nhập mặn, lúa vẫn tươi tốt. Ngặt một nỗi, phần lớn lúa chỉ ra hạt lép nên cho ra năng suất kém và người nông dân mất mùa. Cách phát hiện nước bị xâm nhập mặn của người dân cũng khá quen thuộc nhưng có lẽ ít quốc gia nào trên thế giới học theo. Muốn biết nước ruộng nhiễm mặn cỡ nào chỉ cần lấy tay hớt ít nước rồi cho vào miệng để… nhấp nhấp. Ngậm chừng vài giây, người dân đủ cảm nhận được độ mặn rồi nhả ra. Bất kể trong nước có vi khuẩn hay dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng, người dân cũng đều thử bằng cách này.

Tôi hỏi: “Bà con mình không có thiết bị kiểm tra nhanh độ mặn của nước hay sao?”. Anh Khôi nói ngay: “Làm gì có, từ xưa tới nay, người dân thử kiểu này quen rồi. Mà có muốn sử dụng máy móc thì tiền đâu để mua?”.

Nhẩm tính của người dân ở xã Phú Lộc (huyện Thạnh Trị), mùa vụ 3 của năm trước và đầu năm nay thu hoạch người dân lỗ nặng. Cứ 1 công đất, người dân mất đi 2,5 triệu đồng, bao gồm tiền phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống nhưng chưa tính đến tiền công bỏ ra mà không thu lại được. Những năm lúa được mùa, 1 công đất bà con nông dân có lãi từ 3-4 triệu đồng.

Ngặt nỗi, những năm mất mùa giá lúa được đẩy lên khá cao, nông dân không có lúa để bán. Bà con chỉ trách cho ông trời, do thiên tai quái ác. Người dân vẫn không quên nhiều năm trước đây, cứ đến tháng Giêng, lúa đã “vô gạo” nặng trĩu cây, bà con í ới rủ nhau ra đồng mà ngắm cây lúa vàng ươm đang chờ mùa gặt. Những năm sau này, hình ảnh trên chỉ còn lại trong ký ức.

Anh Sáu (ngụ ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, công tác tại một cơ quan Nhà nước. Anh Sáu có 4 công lúa để làm thêm cải thiện đời sống sinh hoạt gia đình sau những giờ ở công sở. Từ tháng 10 âm lịch năm rồi, hạn hán kéo dài tại nhiều tỉnh ĐBSCL. Ruộng khô nứt nẻ, nước tại các con kênh vẫn cao nhưng không ai dám bơm vào để tưới cho lúa. Không tưới nước thì lúa vẫn không “vô gạo” mà tưới nước nhiễm mặn bơm từ kênh vào cũng khô héo hoặc cũng không “đậu gạo”. Bức bách, anh Sáu đành bơm “mớm” từng chập để vừa ngừa lúa khô hạn mà chết và cầm chừng đề phòng lúa lép.

nuoc mat nha nong ky 1
Anh Sáu (ngụ ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) bên 4 công lúa bị xâm nhập mặn

Kinh nghiệm của bà con nông dân, ruộng đã bị nước xâm nhập mặn thì mùa vụ sau khó mà cải thiện. Có nước ngọt bơm lên rồi xả ra nhiều lần, mạ non vẫn cứ chết như thường. Anh Sáu nhìn đám ruộng thở dài nặng nhọc, người dân chúng tôi không hiểu nước mặn do đâu kéo vào ruộng. Hạn hán là không thể chối cãi, ruộng bị xâm nhập mặn cũng không thể phủ nhận. Hằng năm, bà con đều đón nhận những lần xâm nhập mặn, nhưng chưa khi nào độ mặn trong nước cao như năm nay. Nhiều đời gia đình anh Khôi sinh sống bằng nghề lúa nước tại Sóc Trăng nhưng vẫn chưa năm nào bị ngập mặn như lần này.

Anh Sáu nói theo hiểu biết của một nhà nông: “Nếu gặp hạn, ít mưa, nước từ các dòng kênh, ao, hồ vẫn đủ để người dân bơm lên tưới cho lúa. Tất cả các con kênh đều còn đầy nước nhưng do đã nhiễm mặn nên không một ai dám bơm nước lên. Nếu bơm nước lên nghĩa là sẽ “giúp cho cây lúa mau chết”. Anh Sáu may mắn hơn bà Lê Thị Bông nhiều do gieo mạ sớm hơn 1 tháng so với mọi người nên lúa phát triển sớm, tránh được thời điểm lúa cần nhiều nước để phát triển.

Lúc chúng tôi ghé thăm, anh Sáu vừa thuê máy gặt để thu hoạch lúa. 4 công ruộng thu hoạch bằng máy chỉ hơn 1 giờ đồng hồ. “Năng suất mùa vụ này chỉ được 80% so với những mùa vụ trước do hạt lép, trổ không ra gạo”, anh Sáu nói.

nuoc mat nha nong ky 1
Ông Lâm Chiêng (ngụ ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, huyện Long Phú) bên cánh đồng ruộng khô cằn trồng thử nghiệm cây đậu bị khô, héo lá

Bình quân 1 công đất, người dân thu được nhỉnh hơn 1 tấn là đạt lợi nhuận. Ngoài 4 công ruộng tại xã Thạnh Quới, anh Sáu còn hơn 10 công ruộng tại xã Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) nhưng đã cầm chắc thua lỗ do hạn, mặn. Anh dẫn tôi ra bờ ruộng để chỉ những cây lúa lên xanh rì, vẫn phát triển tốt nhưng không tạo đòng đòng để trổ bông do hệ quả của mặn xâm nhập. Khi cây lúa chuẩn bị ra bông lại chết trắng ruộng. Người dân muốn tìm hiểu nguồn cơn câu chuyện nước bị nhiễm mặn nhưng vượt quá khả năng của một nhà nông.

Ruộng xâm nhập mặn, cây trơ cháy lá

Hôm sau, tôi tìm đến ấp Nước Mặn 2 (xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Dọc hai bên con đường trải nhựa rộng 4m, nhiều ruộng lúa đã được gặt xong. Nắng hạn, nước kênh bị chặn do ngăn xâm nhập mặn, bề mặt ruộng nứt nẻ như một vùng sa mạc hoang hóa. Nhiều gốc cây cao, trơ trọi lá và không thể sống nổi do thiếu nước. Những luống rau lang, từng vuông đậu chết cháy nắng.

Ông Lâm Chiêng (SN1962, ngụ ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú) ngồi nhìn cánh đồng ruộng khô cằn rồi thở dốc... Đôi mắt ông đăm chiêu nhìn xa xăm phía trước. Lúa không sống được trong môi trường xâm nhập mặn, ông bèn nghĩ cách trồng thử 500m2 đậu. Cây đậu gặp hạn, kết hợp nước nhiễm mặn nên chóng cháy lá, trơ thân. Thế là, ông Chiêng đi đứt gần triệu đồng tiền giống.

 Ông Chiêng than thở: “Xâm nhập mặn ngày càng nặng, bà con không thể trồng trọt được gì. Ruộng lúa vụ 1 cũng có người trúng, có người mất. Sở dĩ có người trúng, có người mất là nhiều khi luồng nước mặn không vào đến nơi. Còn luồng nước ngọt thì chắc chắn không đến ruộng tôi được rồi”.

Mùa vụ này, ông Chiêng may mắn thu nhập ở mức trung bình, năng suất không được như năm ngoái. Cuộc sống người nông dân luôn gặp nhiều trở ngại, khó khăn này chưa qua, nỗi lo toan khác lại ập đến. Những năm được mùa, mọi nhà trúng lớn nên giá nông sản rớt thê thảm. Ngược lại, cứ hễ mất mùa, giá lúa cũng như các mặt hàng nông sản khác lại tăng cao.

Ông Chiêng nhẩm tính, cứ 1 công đất thu nhập bình quân khoảng 3,2 triệu đồng đã trừ đi tất cả các chi phí. Nhiêu đó tiền, ông phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” xoay như chong chóng để kiếm thêm tiền bù đắp cho sự mất đi... Gia đình ông Chiêng có hơn 2 công ruộng, tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, khô hạn và xâm nhập mặn nên không thể tưới được rau. Rau thì cần nước mà tưới nước mặn vào là héo. Ông xác định tất cả là do “ông trời” bày ra hoàn cảnh trớ trêu cho người nông dân. Ông Chiêng nói: “Xâm nhập mặn là do ông trời tính, người tính sao bằng ông trời. Nhiều khi bà con, cô bác, kỹ sư tính trật lất hết”.

Với tình trạng hiện nay, ông Chiêng đã tính đến chuyện con đường mưu sinh duy nhất là bán ruộng để tìm đến các thành phố lớn. Có chút vốn, ông đi làm thuê hay mua đi bán lại thứ gì đó để đắp đổi qua ngày. Nghề nông đối với người dân gần như chấm dứt. Gia đình ông Chiêng có 4 người, gồm: 2 vợ chồng với 2 đứa con. Ông Chiêng nói một cách quả quyết: “Ở đây, tôi chỉ có 2 công vườn làm sao sống nổi nên chỉ lên thành phố mới sống nổi”. Gia đình ông chỉ biết độc canh cây lúa, sống lay lắt qua ngày.

Nhiều lúc người nông dân đã tỏ ra bi quan: “Đời làm nông nó như đánh bạc, có lúc thắng, lúc thua. Những lúc thắng thì số tiền cũng chỉ được ít ỏi mà thua với số tiền mất đi có khi cả một gia sản rồi nợ nần chồng chất. Năm ngoái, người dân ở ấp Nước Mặn 2 cũng bị xâm nhập mặn nhưng nhẹ hơn năm nay. Không ít người nghĩ, nông dân ở ĐBSCL thời nay giàu có. “Lúa làm nhiều vụ trong năm, lại trồng xen canh nhiều loại cây, chứ thực ra làm nông sao giàu có được”, ông Chiêng lập luận. Người nông dân này đã lên kế hoạch chỉ làm 2 vụ lúa cho năm nay.

Những năm trước, vụ 1 ông Chiêng cũng như bà con nông dân ở đây bắt đầu gieo lúa từ ngày mùng Bảy tết. Do xâm nhập mặn nên người dân không dám “đánh cược” với thiên nhiên nữa vì “giỡn chơi” với “ông trời” là… chết.

Tôi tiếp tục hướng về phía ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Nhìn trước nhà nhiều hộ dân, hàng trăm bao thóc chất đầy hai bên con đường tráng nhựa rộng 4m, nhiều người mới đến ấp Tú Điềm cứ ngỡ người dân trúng mùa thóc. Nhưng không phải thế, nhà nhiều, nhà ít chất ra đó để cho nhân viên thu mua của cơ sở xay sát đến thu mua.

Anh Nguyễn Thanh Phong (SN 1977, nhân viên thu mua lúa tại cơ sở xay sát Hạnh, huyện Long Phú) trần tình: “Bà con nông dân năm nay mất mùa. Giá lúa thì có ổn định, đỡ hơn năm ngoái được 2 đến 3 lai”. Cách gọi của người làm nông, 1 lai tức là 1.000 đồng. Anh Phong đưa ra ví dụ, năm trước, giá lúa thu mua của người dân dao động từ 4.200 đến 4.300 đồng/kg, nhưng năm nay, giá thu mua lên đến 4.600 đồng/kg

Đặt câu hỏi “nửa đùa nửa thật”, nếu tình trạng hạn và mặn kéo dài, diện tích ruộng lúa ngày càng thu hẹp, có khi nào giá lúa thu mua lại được tăng gấp đôi không? Anh Phong đáp ngay: “Có chứ! Do năm nay lượng lúa thu mua giảm đến 80% nên giá lúa nhích lên theo đúng tỷ lệ. Còn nếu lượng lúa giảm đi 50% thì giá lúa có khả năng tăng 50% lắm chứ”.

Bà con nông dân mất mùa nên những người đi thu mua lúa cũng không được lãi nhiều như mọi năm. Đồng cảm với người dân, anh Phong không bắt bẻ những khuyết tật của hạt thóc mà tạo điều kiện cho người dân bán được giá tốt nhất và xem như chia sẻ rủi ro cùng bà con.

“Hạt ngọc vàng” hay là trò chơi may - rủi?

Chị Bảy (ngụ ấp Tú Điềm, khu vực Kênh 1) cùng chồng gieo trồng lúa để cải thiện cuộc sống. Gia đình có 10 công, chị Bảy thu hoạch được gần 30 triệu đồng với số thóc khoảng 7 tấn. Bán xong số thóc, chị vừa mừng, vừa lo cho những ngày sắp tới. Chị Bảy nhẩm tính, số tiền thu được từ bán lúa đủ để trả tiền mua giống và thuốc trừ sâu. Nhiều người lỗ vốn nhưng gia đình chị Bảy không mang nợ đã là may mắn. Sau khi thu hoạch, chị cất giữ trong nhà một số thóc để dành ăn trong vài tháng, tiết kiệm tiền mua gạo ở ngoài chợ. Thu hoạch xong vụ này, gia đình chị Bảy nghĩ đến việc “treo ruộng” một thời gian vì vụ trước không lãi nên những vụ sau cầm chắc hụt vốn.

Người dân ấp Tú Điềm vẫn còn nhớ như in cách đây khoảng 4 năm về trước. Bà con trồng lúa quanh năm và chia làm 3 vụ. Vụ mùa nào người dân đều có lãi và ít nhất cũng phải huề vốn. Những năm trở lại đây, bà con chỉ trồng được 2 vụ và vụ mùa thứ 2 người dân gieo lúa giống như trò chơi đặt cược “hên - xui”. 

Nhà ít miệng ăn nên nhẹ gánh mưu sinh. Chị Bảy nhớ rõ mùa lúa năm ngoái vừa thu hoạch thì gặp mặn nên thoát nạn. Năm nay, lúa đang trổ đòng thì lại gặp mặn nên dẫn đến tình trạng thất mùa. Người dân không thể biết trước được thời điểm nước mặn xâm nhập. Mọi người đa phần chỉ thấy ruộng cạn nước rồi bơm vào và chỉ phát hiện lúa không ra hạt. Nếu không bơm nước lẽ nào nhìn lúa chết cháy khô nên bà con đành ngậm ngùi tưới nước xâm nhập mặn mà phó thác cho “số phận”.

Ngày 24/2, nhiều địa phương trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đã đồng loạt công bố tình trạng hạn hán. Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Bến Tre đã công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn. Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng thông tin, toàn tỉnh có 6/11 huyện, thị xã ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn và đó độ mặn vượt mức 10%.

Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đã phát đi thông báo khuyến cáo bà con nông dân tiến hành xuống giống theo đúng lịch thời vụ của ngành chuyên môn. Địa phương nhanh chóng cử cán bộ xuống địa bàn thường xuyên kiểm tra mực nước, độ mặn trên các kênh rạch. Tại tỉnh Long An, UBND tỉnh đã chính thức công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ 2. hơn 10.000 héc-ta lúa bị ảnh hưởng hạn và mặn, trong đó 902 héc-ta bị mất trắng và gây thiệt hại 38,9 tỉ đồng.

Không riêng tỉnh Long An, các tỉnh ĐBSCL chịu ảnh hưởng tình trạng xâm nhập mặn nặng nề nhất trong 100 năm qua. Thống kê của Cục Thủy Lợi (Bộ NN&PTNT), tỉnh Kiên Giang và Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nhất. Nguồn nước mặn xâm nhập sâu vào các con sông từ 50km đến 70km.

Trong câu chuyện người nông dân “chết” bởi “hạt ngọc vàng” vẫn còn đó đan xen những tác động do con người gây ra. Mang vấn đề thiên tai để trao đổi với GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ dẫn chứng rất cụ thể gánh chịu của người dân mà chính giáo sư đã từng cảnh báo cách đây hơn 25 năm về trước. Nói đến GS.TS Võ Tòng Xuân, phải kể đến nhiều công trình nghiên cứu về cây lúa từ những năm đất nước còn nghèo khó.

Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chưa thể chuyển tải được những góc khuất về cái chết “lâm sàng” mùa lúa 3 vụ ở vùng ĐBSCL bằng sự phân tích thấu đáo của GS Võ Tòng Xuân. Xin kính mời đọc giả đón đọc ở kỳ sau!

(Xem tiếp kỳ sau)

Đỗ Hưng

Năng lượng Mới số 501