Nóng bỏng cuộc chiến với tín dụng đen

06:55 | 18/07/2019

391 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian gần đây, tín dụng đen nổi lên như là một vấn nạn xã hội lớn. Nó xuất hiện khắp nơi, nhất là ở các thành phố lớn, những địa bàn đông công nhân lao động và sinh viên...    

Nhức nhối tín dụng đen

Một trong những nhóm đối tượng mà tín dụng đen luôn hướng tới là công nhân lao động (CNLĐ) ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX). Nhân viên của các tổ chức tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận CNLĐ, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn.

nong bong cuoc chien voi tin dung den
Tờ rơi quảng cáo cho vay vốn len lỏi cả vào cả ngóc ngách các khu trọ

Chẳng hạn, tại một doanh nghiệp vốn 100% nước ngoài có đến 20% công nhân trong một phân xưởng tìm tới tín dụng đen. Dù công đoàn tuyên truyền, chia sẻ nhiều về vấn đề này nhưng khi rơi vào tình cảnh khó khăn đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà hay về quê giải quyết việc riêng… nhiều công nhân vẫn phải chấp nhận vay dù biết rằng lãi suất rất cao, hầu hết đều trên dưới 200%/năm, lãi mẹ đẻ lãi con.

Nợ nần chồng chất, nhiều công nhân phải bỏ việc, chuyển nhà đi nơi khác hoặc không dám đến nơi làm việc do bị đòi nợ. Không ít người bị hăm dọa, đánh đập, bắt giữ, có những gia đình tan nát vì tín dụng đen. Bản thân các tổ chức tín dụng đen do tranh giành ảnh hưởng nên đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả, thanh toán. Tín dụng đen cũng là mảnh đất dung dưỡng những đối tượng từng có tiền án, tiền sự, nay tiếp tục dấn thân vào con đường phạm tội.

“Nóng” nghị trường Quốc hội

Tại phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhận định: Tín dụng đen đang bủa vây CNLĐ và sinh viên, công khai thách thức với chính quyền, gây bất an cho xã hội. Rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở.

Theo đại biểu Phạm Huyền Ngọc, từ Bắc vào Nam, từ Tây Nguyên xuống Đồng bằng sông Cửu Long, ở đâu cũng có tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp với lãi suất 20-30%, thậm chí 40%/tháng, dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, thu hồi vốn và lãi hằng ngày, thỏa thuận lãi suất bằng miệng, không ghi vào giấy tờ hoặc biến tướng các khoản vay lớn bằng cách cho vay tiền mặt, nhưng ghi trong giấy tờ là thuê lại tài sản (nhà, xe…) để đối phó với pháp luật

nong bong cuoc chien voi tin dung den
Những tờ rơi kêu gọi cho vay vốn được dán khắp nơi, kín cả tủ điện

Công đoàn quyết tâm hành động

Trước vấn nạn tín dụng đen, thời gian qua, nhiều cấp, ngành chức năng đã chủ động vào cuộc nhằm sớm “giải cứu” CNLĐ, bảo vệ pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, với quyết tâm đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tín dụng đen.

Một trong những lực lượng chủ lực là công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn cả nước nắm chắc tình hình tín dụng đen trong CNLĐ; kịp thời thông tin, tuyên truyền giúp CNLĐ hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen để biết, cảnh giác và tố giác; ngăn ngừa tín dụng đen làm ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của CNLĐ.

Các giải pháp đấu tranh, phòng chống tín dụng đen, tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ chỉ có thể hạn chế, khắc phục, là “điều kiện cần”. Còn gốc rễ của vấn đề là nâng cao đời sống, mức thu nhập, khả năng tiếp cận các nguồn tài chính hợp pháp, là “điều kiện đủ”

Các cấp công đoàn đã sử dụng nhiều hình thức, phương tiện để chủ động thông tin, tuyên truyền đến CNLĐ. Các cơ quan báo chí của công đoàn từ Trung ương đến địa phương; cổng thông tin, trang thông tin điện tử, các tài khoản Facebook của công đoàn các cấp, của cán bộ công đoàn cung cấp, cập nhật, chia sẻ nhiều thông tin để đấu tranh, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tín dụng đen.

Những mô hình mang tính “nhân văn”

Tuy cuộc chiến chống tín dụng đen đã thu được những kết quả bước đầu, nhưng để giải quyết tận gốc không phải dễ dàng. Trên thực tế, tín dụng đen đã tồn tại khá lâu, thời gian qua bùng phát tại các KCN-KCX là có những căn nguyên mà nếu không giải quyết thích đáng sẽ khó bị đẩy lùi.

Trong các lý do, quan trọng nhất là do thu nhập của CNLĐ chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, điều kiện sống và làm việc khó khăn, ít có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn chính thức…

Có thể thấy, chừng nào vẫn còn nhu cầu của CNLĐ nói riêng, những người yếu thế nói chung, về vốn cho sinh hoạt, sản xuất… thì nguy cơ tín dụng đen lộng hành vẫn hiện hữu. Các giải pháp đấu tranh, phòng chống tín dụng đen, tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ chỉ có thể hạn chế, khắc phục, là “điều kiện cần”. Còn gốc rễ của vấn đề là nâng cao đời sống, mức thu nhập, khả năng tiếp cận các nguồn tài chính hợp pháp, là “điều kiện đủ”.

Nhận diện được vấn đề đó, thời gian qua, Liên đoàn Lao động các cấp đã quan tâm thực hiện chương trình phúc lợi cho CNLĐ, trong đó tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở… có chính sách hỗ trợ CNLĐ nghèo, hoàn cảnh khó khăn; tổ chức sinh hoạt, hướng dẫn CNLĐ sử dụng tài chính của bản thân hiệu quả nhất...

Trong thực tiễn, nhiều mô hình, cách làm hay đã xuất hiện.

CEP là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận được Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh sáng lập, cung cấp các gói sản phẩm, dịch vụ dành riêng cho CNLĐ, gồm: Tín dụng tăng thu nhập nhằm hỗ trợ khoản vay để tạo việc làm, mở rộng các hoạt động tăng thu nhập cho CNLĐ và hộ gia đình CNLĐ; tín dụng khẩn cấp nhằm hỗ trợ khoản vay nhỏ trong ngắn hạn để CNLĐ trang trải các chi phí đột xuất trong gia đình do bệnh tật, tai nạn, ma chay, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; tín dụng cải thiện nhà ở; tín dụng học nghề; tiết kiệm đoàn viên; tiết kiệm có kỳ hạn và dịch vụ phát triển cộng đồng với nhiều chương trình hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. CNLĐ có nhu cầu vay chỉ việc đăng ký với công đoàn cơ sở, các chi nhánh CEP sẽ cung cấp sản phẩm dịch vụ đến tận tay CNLĐ tại nơi làm việc. Lãi suất cho vay tùy từng sản phẩm và được tính theo dư nợ ban đầu, từ 0,5-0,65%/tháng.

Đến thời điểm hiện tại, CEP đang phối hợp với các công đoàn cơ sở phục vụ cho 103.680 đoàn viên, CNLĐ tại 4.021 cơ quan, doanh nghiệp. Số CNLĐ tại các KCN-KCX là 29.452 người, trong đó, tại TP HCM, CEP đang phục vụ cho 15.940 CNLĐ đang làm việc tại 134 doanh nghiệp tại các KCN-KCX. Trong năm 2019 và trong những năm tiếp theo, CEP sẽ tiếp tục mở rộng phục vụ cho CNLĐ, tập trung vào CNLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN-KCX.

Một mô hình khác là quỹ tương trợ nội bộ của các doanh nghiệp, nhà máy. Điển hình như quỹ của Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội (Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) cho CNLĐ vay tối đa 3 triệu đồng/lần không lấy lãi và trả dần vào lương cuối tháng. Hoặc Quỹ tương trợ nội bộ của Công đoàn Công ty CP Dệt lưới Sài Gòn (Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) cho vay từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/lần và mỗi tháng chỉ trả 250.000-500.000 đồng. Tính riêng trong năm 2018, quỹ đã cho 245 CNLĐ vay không lãi với số tiền 186 triệu đồng.

Quỹ tương trợ nội bộ của Công ty Liên doanh Bio-Pharmachemie năm 2018 đã cho 49 lao động vay 380 triệu đồng.

Quỹ “Người Sài Gòn 3” của Công đoàn Công ty CP May Sài Gòn 3 (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cũng được xem là một điểm sáng trong hoạt động tương trợ CNLĐ khó khăn.

“Vòng tay yêu thương 1.000 đồng”, “Vòng tay nhân ái”… là tên gọi của các quỹ được nhiều công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thực hiện nhằm kết nối tinh thần tương thân, tương ái trong CNLĐ. Quỹ “Vòng tay yêu thương 1.000 đồng” của Công ty Teawang Vina do chính CNLĐ đóng góp 1.000 đồng/người/tháng và doanh nghiệp cấp một khoản tín dụng cho công đoàn để cho công nhân vay hỗ trợ lúc khó khăn, không tính lãi suất, vay 10 tháng không phải trả lãi.

Quỹ “Phúc lợi cho người lao động” của công đoàn Công ty CP Quốc tế Pancera (huyện Long Thành) được gây dựng bằng cách hằng tháng trích từ lợi nhuận của công ty 4.000 đồng/người. Nhiều năm nay, nhờ nguồn quỹ này, công đoàn cơ sở đã kịp thời giúp đỡ những CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên…

Tuy thành công bước đầu nhưng các mô hình hỗ trợ mang tính “nhân văn” đó vẫn chưa được nhân rộng vì nhiều lý do khác nhau. Do đó, bên cạnh việc đấu tranh chống tín dụng đen mạnh mẽ, để góp phần nâng cao đời sống CNLĐ, còn rất nhiều việc phải làm.

Ngọc An - Minh Hồng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc