Non thiêng Tây Yên Tử

07:06 | 07/08/2016

2,266 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Năm nào tôi cũng hành hương về Yên Tử vào dịp đầu xuân, tới nay cũng đã ngót chục năm, nhưng thường đi một cung đường quen thuộc từ sườn phía đông Yên Tử rồi leo lên chùa Đồng. Thế rồi gần đây, khi đọc các tài liệu về Phật hoàng Trần Nhân Tông tôi mới biết đến địa danh Tây Yên Tử, và quyết định dành 2 ngày cuối tuần để khám phá con đường này - con đường hoằng pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm.

Chốn tổ Vĩnh Nghiêm tự

Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc nước ta, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh. Phía ngược lại, nằm vắt từ huyện Đông Triều sang phía Sơn Động, mạn Lục Nam - Bắc Giang. Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, nơi lưu giữ xá lị của Ngài, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài. Vậy nên, nơi đây xuất hiện hàng loạt công trình di tích lịch sử liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông…

non thieng tay yen tu
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử

Chùa Vĩnh Nghiêm (thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cổ kính, hòa lẫn trong màu xanh ngút ngàn của cây cối, là một trong ba chốn Tổ của thiền phái Trúc Lâm đời Trần tôi chọn là điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình.

Từ Hà Nội, tôi đi ngang qua Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), vượt qua cầu Bình Than - nơi diễn ra hội nghị Bình Than (1282) nổi tiếng để từ Bắc Ninh sang thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) viếng thăm đền Kiếp Bạc - nơi thờ Hưng Đạo Đại vương, Trần Quốc Tuấn. Từ đây, tiếp tục chạy xe men theo đường đê để tìm bến qua phà trên sông Lục Đầu giang lịch sử, từng vang tiếng quân reo thời Trần với hai bên là những cánh đồng lúa chín đã tới mùa gặt, tới ngã ba Phượng Nhãn tôi tiếp tục qua sông Thương bằng cách đi đò.

Hạ lưu sông Thương không phải mùa nước nên cũng không quá rộng, tuy nhiên vẫn mang vẻ đẹp yêu kiều. Qua sông, chạy xe thêm một quãng ngắn xuyên qua những xóm làng bình dị là tới chùa Vĩnh Nghiêm.

Theo sử sách, Vĩnh Nghiêm cổ tự gối mình trên một quả đồi thấp hình con rùa (thế đất “quy ẩm thủy” - rùa uống nước), ngoảnh mặt ra ngã ba Phượng Nhãn, xa xa bên kia sông là Côn Sơn, Kiếp Bạc, Phượng Hoàng kề bên Lục Đầu giang - khúc sông hiểm yếu bậc nhất, con đường ngắn nhất từ biên giới phía bắc vào đất liền Đại Việt.

non thieng tay yen tu
Một góc khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm

Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm (tỉnh Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất thời Trần, hình thành một miền tâm linh ngự trị phía đông bắc Tổ quốc. “Ai qua Yên Tử - Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành”. Có lẽ khó vùng nào ở đất Việt, lịch sử và huyền thoại lại hòa quyện với đời thường trong cảnh sắc sông núi, mây nước nên thơ như chốn này!

Tấm bia dựng năm Hoằng Định thứ 6 (1606), dấu vết xa xưa nhất hiện còn sót lại trong sân chùa, viết rằng: “Chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là một ngôi chùa mà còn là một danh lam xây dựng giữa một khu cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh. Chùa ở chỗ hai con sông, sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa đào. Đây là danh lam đứng đầu thiên hạ”.

Kho sách cổ giá trị liên thành

Vượt qua quãng đường dài 120km, tôi tới Vĩnh Nghiêm tự đã 13h00. Ăn lót dạ ở quán nước ngay trước cổng, tôi vào chùa và xin nhà chùa cho gặp Đại đức Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. May mắn thay, tôi có duyên được gặp Đại đức và có một buổi đàm đạo lý thú khi Đại đức giải thích nhiều điều khúc mắc.

Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, chùa được khởi dựng từ những năm vua Lý Thái Tổ trị vì (năm 1010-1028) và là một trong những trung tâm của Phật giáo suốt thời Lý. Đến thời Trần, ba vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm là Giác Hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang tiếp tục mở rộng quy mô và chọn Vĩnh Nghiêm làm nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo.

non thieng tay yen tu
Bản sách cổ tại chùa Vĩnh Nghiêm

Suốt 7 thế kỷ, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những nơi lưu giữ và in ấn kinh điển cho Phật giáo Việt Nam. Ngay từ khi mới sáng lập thiền phái Trúc Lâm (cuối thế kỷ XIII), vua Trần Nhân Tông đã cho biên tập, san khắc, ấn hành một số kinh, sách, trước tác quan trọng để phổ biến giáo lý, tư tưởng hành đạo của nhà Phật. Tuy nhiên, trải qua thời gian khắc nghiệt, phần lớn mộc bản bị hủy hoại, thất tán. Sau đó, kể từ thời vua Lê Cảnh Hưng (thế kỷ XVII) đến triều vua Nguyễn Thành Thái (thế kỷ XIX), tàng kinh các được bổ sung một hệ thống mộc bản lớn để in ấn kinh sách. Với kho tàng còn lưu giữ được đến nay gồm 3.050 bản khắc gỗ với 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính: Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại, chùa Vĩnh Nghiêm mặc nhiên trở thành ngôi chùa có tàng kinh các quy mô lớn nhất, đồ sộ nhất và quý giá nhất của nước ta.

non thieng tay yen tu
Thang gỗ trên đường mòn lên chùa Đồng

Đại đức Thích Thanh Vịnh mở đầu câu chuyện bằng chuyện kể về lịch sử kho mộc bản quý giá: “Nguyên liệu chế tác các bản khắc đều là gỗ thị, chủ yếu khai thác từ vườn chùa. Loại gỗ này rất mềm, mịn, dai, ít cong vênh, khó nứt vỡ khi còn tươi nên rất dễ khắc. Khi bản khắc đã khô, thì lại rất cứng và ít khi bị nhòe. Các nghệ nhân chế tác đều là những người thợ tài hoa nhất đến từ các phường mộc Kinh Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh và chủ yếu là Hải Dương) được mời đến thành nhiều đợt, ngày đêm kỳ công chạm khắc”.

Công việc chế tác các bản khắc trải dài suốt mấy trăm năm, qua 59 đời trụ trì, dẫu có lúc liên tục, lúc ngừng nghỉ. Không thể nói hết công phu tâm huyết của người thợ. Không chỉ giỏi tay nghề, các nghệ nhân này còn phải giỏi cả chữ Nho, đặc biệt là phải thiện tâm và tâm huyết với công việc. Mỗi bản khắc của người thợ giỏi nhất, nhanh nhất cũng mất hơn hai tháng, và nếu sai một hai chữ là phải hủy đi, khắc lại. Có người thợ dành cả đời mà vẫn chưa khắc xong trọn một bộ kinh. Có hiệp thợ phải mất ba đời mới hoàn thành một bộ. Riêng bộ kinh Hoa Nghiêm với hơn 2.000 bản khắc, phải mất 70 năm, thì mới hoàn thành. Hiện nay, việc khôi phục mộc bản là rất khó khăn, bởi vì bản khắc mới không thể nào tài hoa, tinh tế như các bản khắc cũ.

Bên bộ tràng kỷ cổ mộc mạc dưới mái hiên trai đường thoáng mát trong chiều hè oi nóng, Đại đức Thích Thanh Vịnh chậm rãi trò chuyện cùng khách. Sau một hồi, Đại đức bỗng lật đật đứng dậy đi vào trai phòng mang ra một chồng sách cổ, cuốn nào bìa gáy cũng đã sờn, giấy bản nhiều trang bị ố, rách, nhưng nét mực vẫn còn khá rõ ràng, sắc nét.

non thieng tay yen tu

Cẩn trọng lật giở từng trang giấy mỏng, Đại đức Thích Thanh Vịnh tâm sự về nỗi lo lớn nhất của mình: “Kinh sách đã ố hỏng hết rồi, vì thời gian đã quá lâu. Dẫu nhà chùa bảo quản hết sức cẩn thận. Hàng trăm cuốn kinh sách cổ với rất nhiều nội dung về Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm, thân thế và sự nghiệp của nhiều vị cao tăng; về y dược, tư tưởng, văn hóa…, được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, đang có nguy cơ bị mất đi. Nhà chùa nhìn thấy nguy cơ mà chưa có cách gì cứu vãn”. Nhấp một ngụm trà, rồi vị Đại đức hướng ánh mắt nặng nỗi ưu tư nhìn ra khoảng không vô định.

Dần dà buổi đàm đạo giữa vị Đại đức nhỏ nhắn trong bộ quần áo nâu sòng lụng thụng với tôi lại trở thành một cuộc “thi vấn đáp” về chủ đề Đạo - Đời. Tất nhiên, với sự hiểu biết còn hạn hẹp và kinh nghiệm sống còn mỏng thì người nêu câu hỏi luôn là tôi, còn sư thầy là người trả lời.

“Với Phật đạo, con người phải biết sống chan hòa, bao dung, mà muốn sống chan hòa, bao dung thì phải có trí tuệ, hiểu biết. Khi hiểu biết rõ ràng, thì sẽ buông bỏ vật chất phù phiếm và tìm hiểu ý nghĩa thực sự của cuộc đời. Sự thật là dù cho ăn ngon, mặc đẹp, giàu sang đến mấy thì con người cũng sẽ chết mà không mang theo được thứ gì.

Thiết nghĩ, chúng ta phải trân quý giá trị tốt đẹp của sự sống, suy nghĩ tích cực và cảm thấy hạnh phúc. Ngoài ra, không gây đau khổ cho người chính là không tạo “nhân” gây khổ cho mình.

Hạn chế sát sinh, hại vật, hại người,… chính là cách thức giúp con người sinh khởi lòng từ bi, sống chan hòa và có hiểu biết”. - Đại đức Thích Thanh Vịnh ân cần khuyên bảo.

Nói về cuộc sống trong xã hội hiện tại, Đại đức cho rằng con người hiện nay đã quá coi trọng vật chất, ham muốn hưởng thụ… nên phần nào đó đã đánh mất đi những giá trị văn hóa cốt lõi. Ngay tại chùa Vĩnh Nghiêm này, để tìm được một đệ tử để truyền y, bát là một việc vô cùng khó khăn. “Vì cám dỗ ngoài xã hội bây giờ nhiều quá…”.

Tôi từ biệt Ðại đức Thích Thanh Vịnh sau bữa cơm chay chiều ăn mày cửa Phật và tự nhủ sẽ trở lại nơi đây để được tận mắt chứng kiến toàn bộ tàng kinh các chứa các mộc bản có giá trị liên thành kia khi hữu duyên.

Kỳ vĩ Tây Yên Tử

Từ chùa Vĩnh Nghiêm tôi đi ngược ra thị xã Chí Linh và nghỉ đêm ở đó. Hôm sau, tôi dậy từ tờ mờ sáng để tiếp tục hành trình tìm về đất Tổ của thiền phái Trúc Lâm theo lộ trình: Thị xã Chí Linh - Tỉnh lộ 293 - Thanh Sơn - Tuấn Mậu - Đồng Thông - Chùa Đồng Yên Tử với tổng chiều dài khoảng 65km.

Đi hết con đường 293 lắt léo, lắm suối, nhiều ghềnh, trước mắt tôi Tây Yên Tử dần hiện ra là những dãy núi màu xanh biếc với cánh rừng nguyên sinh cùng ngút ngàn mây trắng toát, tất cả đó tạo nên một sức hút lạ kỳ. Cảnh vật, thiên nhiên nơi đây đẹp mê hồn với vẻ hoang sơ như vốn dĩ.

Dừng xe ở bản Mậu (thuộc xã Tuấn Mậu, Sơn Động) nằm ngay dưới chân núi Tây Yên Tử. Bắt đầu từ đây tôi sẽ phải đi bộ lên chùa Đồng, kể ra thì đây thực sự là một thử thách không hề nhỏ. So với quãng đường dài 5km leo qua 3 quả núi để lên Cột mốc số 0, phía cực Tây Tổ quốc ở A Pa Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) trước đây mà tôi đã vượt qua (dù rất vất vả) thì hành trình lần này “nhẹ” hơn nhiều.

Sau khi tìm được nơi gửi xe, qua cuộc hỏi han một vài người dân bản địa đường đi lên chùa Đồng, tôi mới biết đây là bản của người dân tộc Dao và con gái người Dao bản Mậu nổi tiếng xinh đẹp. Tục truyền rằng, gái bản Mậu đẹp mê man, trai bản không với tới được. Hình như mẹ các bà gần 700 năm trước là những cung nữ theo vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu. Vua không cho theo cùng. Các nàng nhảy xuống dòng suối tự tử, sau đó vua phải lập đàn Giải Oan. Nhưng cũng có những nàng chẳng dại gì mà chết oan. Họ níu bám cùng rừng vui sống tình rừng. Họ ăn ở với những người đàn ông Dao hồn hậu, dũng mãnh, chân chất tình đời, ái ân nồng ấm. Họ tự giành lấy hạnh phúc trần gian, lập nên bản Mậu. Con gái họ xinh đẹp đằm thắm như hoa rừng, kiêu sa dáng mỹ nhân...

Khi đang loay hoay ghi chép những chỉ dẫn của người dân vào cuốn sổ tay đi đường, thì có một nhóm nam thanh nữ tú với trang bị phụ kiện đầy đủ - có vẻ là dân phượt cũng hỏi đường đi lên chùa Đồng. Tôi ngỏ ý xin đi cùng đoàn cho đỡ lẻ loi.

Chuẩn bị hết mọi thứ cần thiết, tôi cùng nhóm phượt mới quen bắt đầu lên đường tới bên bìa rừng, nơi có con đường mòn đi lên đỉnh thiêng Yên Tử. Đứng ở đây ngước nhìn lên phía xa xa chùa Đồng như ngay trước mặt, nhưng để tới nơi, đoàn phải mất gần 3 giờ leo bộ qua lối mòn. Không cáp treo, không hàng quán, cũng không có chùa, am hay những bậc đá “nâng” chân du khách như ở bên sườn Đông. Thay vào đó là những chiếc thang gỗ tạm bợ do người bản địa đi rừng tự làm, những cây cổ thụ già cỗi bị đổ nằm ngổn ngang chắn lối đi, thi thoảng lại gặp những động vật bò sát chạy ngang qua phía trước.

Tiếng chim hót líu lo, ríu rít trên các cành cây hòa cùng tiếng lá trúc kêu xào xạc dưới chân đoàn lữ hành, thi thoảng chấm phá thêm tiếng nước chảy róc rách từ các khe suối đã tạo thành một bản giao hưởng hoàn mỹ rất tự nhiên, thanh tao khiến lòng người lữ khách chợt thấy vui lạ kỳ. Núi cao lại tiếp đèo cao, con đường nhỏ mỗi lúc càng gập ghềnh khó đi, đá to, đá nhỏ lổn nhổn. Đến suối nước Trong, chàng trai bản tên Phương (được đoàn thuê làm người dẫn đường) đưa cả đoàn xiên xẹo xuyên qua khu rừng trúc gần 30 phút mới tìm thấy lối đi “độc đạo” lên chùa Đồng. Phương vừa đi vừa kể: Ngày xưa ở đây đầy rẫy thú rừng, người dân thường gặp cả hổ, gấu và lợn rừng nhưng giờ thì có lẽ đã bị dân săn bắt hết.

Sau bữa trưa chóng vánh giữa rừng với đồ hộp, mọi người động viên nhau tiếp tục cuộc hành trình. Được một lúc, cả đoàn gặp một “cụ” rùa đá án ngữ giữa lối mòn, thổ dân tên là Phương liền giới thiệu “cụ” với giọng đậm chất liêu trai: “Người già trong bản em kể rằng, “cụ” rùa này đi từ Quảng Ninh sang đất Bắc Giang, tới đây “cụ” đuối sức và đã hóa thành đá nên rất “thiêng”, từ đó tới nay mỗi khi ai đi qua đây đều cúi đầu vái “cụ””.

Sau gần 3 tiếng đồng hồ đi trong rừng, chùa Đồng đã hiện ra trước mắt trong mờ ảo lớp sương mù mịt. Đứng trên đỉnh non thiêng ngó xuống, ngắm nhìn núi rừng, bản làng giữa chốn huyền không. Phóng tầm mắt bao quát một vùng mênh mang rộng lớn, ngẩng mặt lên hít một hơi thật sâu cho những luồng khí tươi mát, thanh khiết đi vào thân thể, những mệt mỏi bỗng chốc tan biến hết.

Nhắm mắt tĩnh lặng giữa đỉnh thiêng Yên Tử, tôi nghe tiếng gió như thì thầm bên tai lời bài kệ với bốn câu: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh không tâm, chớ hỏi Thiền” của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chỉ với bốn câu ngắn ngủi vậy thôi mà Ngài đã vạch ra yếu chỉ của Thiền Trúc Lâm Yên Tử là: Phật ở tại Tâm; phản quang tự kỷ; không đánh mất mình và mỗi cá nhân cần xoay lại tìm chính mình. Có tìm hiểu sâu, kỹ thì mới thấy được sự vĩ đại của Trần Nhân Tông, Ngài đã dành cả cuộc đời hiến dâng sức mình cho dân tộc thoát khỏi bao hiểm nguy. Theo sử sách Thái tử Trần Khâm được vua Trần Thánh Tông nhường ngôi năm 21 tuổi. Năm 35 tuổi Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để tập trung viết sách giáo lý Đạo Phật dân tộc, 41 tuổi lên Yên Tử tu khổ hạnh, sáng lập Thiền Trúc Lâm Yên Tử, tìm con đường giải thoát cho mình và giống nòi.

Bất chợt, trong tôi cảm thấy tiếc nuối một điều gì đó, giống như cảm giác sự yên tĩnh của khu vực Tây Yên Tử đang bị mất dần. Nghe phong thanh tỉnh Bắc Giang đã khởi công xây dựng khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử. Trong tương lai không xa, khi con đường bộ hoặc đường cáp treo hoàn thành, Tây Yên Tử hoang sơ với vẻ đẹp tự nhiên cuốn hút rồi sẽ trở thành Yên Tử hiện tại, với ồn ã hàng quán kinh doanh, hành hương chen chúc...

Cuối chiều, ánh nắng ngả dần về ngọn núi phía tây, không khí loãng và lạnh hơn, mọi người rảo bước chân xuống núi cho kịp trước khi bóng tối bao phủ lối về.

Cẩm Tú

Năng lượng Mới 545