Nỗi niềm người thợ điện

11:34 | 28/07/2020

1,051 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần vì kéo cáp, người ướt đẫm mồ hôi, bộ quần áo màu cam hòa lẫn màu bụi bặm đất đỏ bazan Tây Nguyên… đó là hình ảnh thường thấy về anh thợ điện miền núi và cũng là minh chứng sinh động về những “người lính áo cam” không quản ngại mưa gió, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nỗi niềm người thợ điện

Công nhân điện Đắk Nông kiểm tra và xử lý sự cố lúc nửa đêm

Nhắc đến miền núi, mọi người đều có thể hình dung ngay, đó là nơi đất rộng người thưa với những con dốc cheo leo, những cung đường đất hiểm trở, những cơn mưa rừng dữ dội kéo dài nhiều ngày, sạt lở, cây cối ngã đổ vào đường dây… Nghề thợ điện ở miền núi vất vả lắm!

Không phải là đường trải nhựa rộng rãi, bằng phẳng và có ánh đèn đường như vùng đồng bằng hay thành thị, các Điện lực tại 8 huyện Đăk Nông hầu như ít nhiều phải chịu cảnh sạt lở, đường xá trơn trượt của địa hình đồi núi đặc trưng khu vực Tây Nguyên. Nhiều thôn buôn giáp biên giới của các huyện này cách trung tâm đến cả mấy chục cây số, trong khi điện lực mỗi huyện phải quản lý cả trăm trạm biến áp, vài trăm cây số đường dây trung hạ thế… Việc quản lý vận hành vô cùng gian nan.

Tháng 5 vừa qua, trong thời tiết xấu của mùa mưa, những người thợ điện phải đi kiểm tra lưới điện và xử lý sự cố cả ngày lẫn đêm nhằm đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định liên tục. Trên những “cung đường hạnh phúc” cánh thợ của Điện lực Đắk Nông cũng phải đi hằng tiếng xe máy thậm chí bằng xe cày lọc cọc để đưa ánh điện đến tận các buôn làng xa… Anh Nguyễn Hữu Trình – Phó giám đốc kỹ thuật Điện lực Gia Nghĩa chia sẻ: “Đơn vị hoạt động trên địa bàn rộng lớn gồm TP Gia Nghĩa và huyện Đăk G‘long nên việc quản lý, vận hành của đơn vị gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những anh em được phân công bám địa bàn. Nhiều khi xảy ra sự cố lưới điện, mấy anh em công nhân phải di chuyển vài chục cây số trong đêm để đi xử lý nhằm sớm cấp điện cho khách hàng. Chưa kể những ngày mưa lớn, sương đêm mù mịt không nhìn thấy đường, nhưng anh em vẫn phải bám tuyến đảm bảo vận hành lưới điện liên tục…”.

Nỗi niềm người thợ điện
Những con đường anh thợ điện vùng cao phải vượt qua

Có theo chân những người thợ điện đi kiểm tra đường dây, trạm biến áp trong các xã, bản vùng sâu, vùng xa mới thấu hiểu sự vất vả của các anh. “Cứ ở đâu có người dân sống là ở đó có những người thợ điện chúng tôi” - đó là chia sẻ xen lẫn niềm tự hào khi nói về công việc của những người thợ điện vùng đất Tây Nguyên này… Nghe thì đơn giản, nhưng có đi thực tế đến tận thôn bản mới thấu hiểu những khó khăn của người thợ điện. Do đặc thù tỉnh Đắk Nông là địa bàn có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều điểm khu dân cư rải rác men theo các sườn núi nên việc kéo điện, đi lại để kiểm tra đường dây, khắc phục khi có sự cố hết sức gian truân. Kéo dây, dựng cột vất vả là thế, nhưng khi điện đến từng buôn làng, nhìn ánh mắt rạng ngời, nụ cười sung sướng của những đứa trẻ tại các buôn làng không phải dùng đèn dầu để học bài thì chúng tôi lại quên hết mệt nhọc.

“Với đặc thù công việc đòi hỏi người thợ điện phải linh hoạt xử lý mọi tình huống khó khăn gặp phải để hoàn thành nhiệm vụ. Người thợ điện chúng tôi chỉ có thể nghỉ ngơi khi công việc đã xong, giờ cơm cũng không cố định, ăn uống bất cứ lúc nào để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc” anh Nguyễn Đình Tường, công nhân Đội quản lý điện tổng hợp Quảng Sơn, Điện lực Gia Nghĩa tâm sự.

Nỗi niềm người thợ điện
Bữa cơm trưa vội vàng của những người thợ điện Đắk Mil, PC Đắk Nông

Những khi trời nắng nóng, hình ảnh các anh phải làm việc trên những cột điện cao, với áp lực công việc và chịu ảnh hưởng của thời tiết mới thấy tinh thần làm việc mà các anh đang cống hiến. Hình ảnh những khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần, những bộ quần áo cam bạc màu dần theo thời gian mới thấu hiểu những người thợ điện với nỗi vất vả, nhọc nhằn, lòng say nghề, yêu nghề và hy sinh thầm lặng của các anh. Nhọc nhằn và kể cả nguy hiểm là thế nhưng người thợ điện luôn sẵn sàng nhận lệnh, ngày hay đêm, mưa hay nắng các anh thợ điện luôn sẵn sàng vượt mọi khó khăn khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất.

Đặc biệt, mỗi khi có sự cố, bất kể mưa, gió, đêm hôm các anh nhận nhiệm vụ đều phải lên đường. Khó khăn hơn đối với những địa bàn rừng núi, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, họ càng vất vả khi mưa bão và gió mạnh làm ảnh hưởng đến việc tìm kiếm điểm phát sinh sự cố và khắc phục sự cố. Sửa chữa xong có khi trời đã sáng, quần áo ướt rồi khô, ăn uống qua loa, các anh với những chiếc xe máy lóc cóc chạy hết từ điểm này sang điểm khác, ai cũng mệt mỏi rã rời, nhưng mỗi điểm sửa chữa xong các anh lại thở phào nhẹ nhõm. Chị Nguyễn Thị Hồng Chính, vợ anh Trần Công Hiệu (Đội trưởng QLVH ĐZ &TBA Điện lực Gia Nghĩa) tâm sự:“Chiều nào thấy trời mưa lớn sấm sét là lòng chị lại nặng trữu lo lắng, nghe điện thoại reo: Mấy mẹ con ăn cơm trước nghe ! Anh phải vào Quảng Sơn tìm sự cố...". Đầu mùa mưa sự cố nhiều không được mấy bữa anh về ăn cơm tối với gia đình. Có khi nửa khuya về các con đã ngủ rồi, còn chị thì vào bếp hâm lại ít đồ ăn cho anh, nhìn người dính đầy bùn đất, áo ướt sũng mồ hôi nhưng mặt vẫn cười tươi là chị cũng nhẹ lòng vì thấy anh hoàn thành công việc về nhà an toàn. Ai cũng nói anh làm thợ điện sướng lắm, có chồng làm thợ điện chị mới thấu hiểu nỗi vất vả của ngành điện lực.

Với nghề điện, việc khắc phục xử lý sự cố sau những trận mưa lớn hay giông lốc gây sạt lở, đổ cột, lưới điện tê liệt, giao thông trắc trở là công việc vô cùng khó khăn. Có khi vừa khắc phục xong sự cố này, chưa kịp về nhà thay quần áo lại phải tiếp tục đi vì ở chỗ khác lại có sự cố. Thế nên, muốn gắn bó với nghề người thợ điện phải đam mê, không ngại vất vả, áp lực bởi công việc gần như luôn trong tinh thần sẵn sàng trực chiến, khi tiếng chuông điện thoại hay tin nhắn thông báo sự cố thì dù là nửa đêm cũng phải lên đường, bữa cơm vội bên cột điện, băng rừng lội suối đã trở thành quen thuộc. Vào mùa mưa bão sự cố xảy ra liên tiếp, hệ thống điện chịu nhiều tác động, cột điện, đường dây bị cuốn quật ngã, anh thợ điện phải có mặt sớm nhất tại hiện trường khắc phục sự cố nhanh nhất. Anh Lô Văn Voòng – Công nhân QLVH ĐZ & TBA Điện lực Tuy Đức kể: “Tôi được phân công quản lý khu vực giáp biên giới Việt Nam và Campuchia tuy đã nắm rõ địa hình, từng con đường nhưng khi nhắc lại những đêm băng rừng tìm sự cố vẫn thấy rùng mình một phần vì đường khó đi một phần vì rừng núi hiểm trở nhiều rắn rết, ong, vắt… Có khi vào rẫy cà phê kiểm tra lúc nửa đêm như kẻ ăn trộm, chó sủa dân dậy rọi đèn pin nhưng may thấy mặc áo cam họ biết bên điện lực đi sửa điện nên không nói gì”.

Áp lực công việc, nguy hiểm là những khó khăn mà anh thợ điện phải đối mặt, họ lặng lẽ “đánh đu” trên các cột trụ, bám sát đường dây, kiểm tra kỹ lưỡng từng trạm biến áp, cẩn thận với từng ốc vít để đảm bảo sự an toàn cho mình, vừa thông suốt dòng điện. Vất vả là vậy nhưng các anh thợ điện luôn tìm thấy niềm vui khi làm việc, không chỉ vì cơm áo, gạo tiền lo cho gia đình mình mà còn là vì tình yêu với nghề, vì sự ấm no của bà con. Gác mọi phiền muộn sang một bên, chỉ còn lại đó những nụ cười và giọt mồ hôi thấm đẫm trên bộ đồ màu cam của những anh thợ điện. Các anh góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội. Người dân với các anh gắn bó như tình quân dân, họ luôn dành tình cảm chan hòa, mộc mạc với các anh thợ điện “những người lính thời bình”.

Đinh Trần Thuận (EVNCPC)