Niềm vui về với làng Dip
Công nhân Điện lực ChưPăh tuyên truyền sử dụng điện an toàn cho bà cọn làng Dip |
Làng Dip là làng tái định cư lòng hồ Sê San 3A với khoảng 99% là người dân tộc thiểu số và cuộc sống còn nhiều khó khăn. Lâu nay, nguồn thu nhập chính của hầu hết các hộ dân trong làng vẫn dựa vào diện tích lúa, mì, bời lời, điều… trồng tại làng cũ cách nơi ở mới khoảng 10 km. Để đến nơi trồng trọt, người dân phải đi trên con đường mòn nhỏ men theo núi đá gồ ghề rất khó khăn, vất vả. Vì thế, niềm khát khao lớn nhất của bà con nơi đây là có một con đường kiên cố để đi lại và vận chuyển nông sản được thuận tiện, dễ dàng hơn.
Trước tình hình đó, UBND xã Ia Kreng đã quyết định đầu tư một con đường nội đồng cho làng Dip. Ông Rơ Châm Tâm – Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết: “Để phát triển kinh tế địa phương thì điện - đường - trường - trạm phải đi trước một bước. Do đó, Đảng bộ xã đã vận dụng các nguồn vốn của Nhà nước và kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, bởi đây chính là đòn bẩy để phát triển kinh tế địa phương”.
Theo đó, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 150 triệu đồng và rất nhiều công lao động, tuyến đường nội đồng dài hơn 1,5 km đã được triển khai đầu tư xây dựng cho làng Dip. Qua 6 tháng khởi công, tháng 10/2020, con đường bê tông nội đồng nối từ làng Dip đến nơi trồng trọt, sản xuất đã hoàn thành trong sự phấn khởi của bà con làng Dip.
Bên cạnh niềm vui có đường nội đồng để phục vụ cho việc đi lại, làng Dip còn đón nhận thêm niềm vui nữa là Điện lực Chư Păh (PC Gia Lai) cũng đã cùng với chính quyền địa phương xã Ia Kreng đầu tư mở rộng lưới điện với 21 km đường dây trung áp 35kV; 4 trạm biến áp phụ tải. Trước đó vào năm 2019, cũng tại làng Dip, Điện lực Chư Păh đã đầu tư cải tạo nâng dung lượng 1 trạm biến áp từ 50 kVA lên 100 kVA, sửa chữa thay thế 1,4 km đường dây hạ áp, thay dây trần A50 bằng dây cáp bọc… Từ đó, nguồn điện đã được đưa về từng nhà và thắp sáng đường giao thông, giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Bà Rơ Châm Pih, một hộ dân trong làng phấn khởi: “Làng chúng tôi nằm trong dự án đền bù khu tái định cư lòng hồ Sê San 3A nên được đầu tư cơ sở hạ tầng về điện bước đầu tương đối ổn định. Tuy nhiên, qua một thời gian thì lưới điện không còn đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng chúng tôi rất vui mừng khi mới đây, ngành điện đã đầu tư nâng cấp lại hệ thống lưới điện, giờ nguồn điện mạnh hơn hơn, đường dây điện vào làng đẹp hơn, an toàn hơn trước. Đặc biệt, làng chúng tôi mới khánh thành con đường mới để người dân đi lại dễ dàng, tôi cảm ơn nhà nước và ngành điện nhiều lắm”.
Với sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và sự vào cuộc của các ngành chức năng, trong đó có ngành điện, trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã tạo cơ sở vững chắc để người dân làng Dip ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Ngọc Tuấn (EVNCPC)