Niềm tin và xu hướng tiêu dùng thời hậu Covid-19

06:00 | 29/03/2020

615 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra rất nhiều lo ngại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi. Để có thêm những dự báo về xu hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam trong thời hậu Covid-19, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam.

PV: Thưa bà, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam trong những tháng gần đây cao hay thấp và có gì đặc biệt?

niem tin va xu huong tieu dung thoi hau covid 19
Bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam

Bà Louise Hawley: Theo số liệu thống kê mới nhất được thực hiện bởi Nielsen, công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam trong quý IV/2019 đạt 125 điểm, xếp sau Ấn Độ (138) và Philippines (133). Một lần nữa, Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia lạc quan nhất toàn cầu. Trong quý IV/2019, chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm nhẹ 3 điểm so với quý III/2019. Tuy nhiên, mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu (107) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (116).

PV: Bà có thể chia sẻ nguyên nhân khiến chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam ở mức cao, thậm chí là cao hơn nhiều nước?

Bà Louise Hawley: Khảo sát niềm tin người tiêu dùng của Nielsen toàn cầu được thực hiện mỗi quý nhằm hiểu rõ niềm tin của người tiêu dùng đối với tương lai của nền kinh tế, các mô hình chi tiêu và tiết kiệm cũng như thị hiếu và những mối quan tâm chính. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng là kết quả đo lường trong nhiều tháng và dựa trên 3 nhóm tiêu chí chính: Cơ hội nghề nghiệp, tình hình tài chính cá nhân, khả năng chi tiêu.

Các con số của từng nhóm ngành được thể hiện rõ tạo điều kiện nâng chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt 125 điểm. Theo kết quả đo lường khảo sát, người Việt Nam lạc quan về cơ hội nghề nghiệp (76%), tài chính cá nhân (75%) và sẵn sàng để mua đồ dùng (62%). Tất cả những điều đó giúp chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam cao hơn so với các thị trường khác.

PV: Dự báo chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới như thế nào, đặc biệt khi tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp? Hiện nay, không ít doanh nghiệp quan ngại, không chỉ khó khăn về nguồn cung trong sản xuất hiện tại, sắp tới nhu cầu tiêu dùng cũng sụt giảm mạnh?

Bà Louise Hawley: Đại dịch Covid-19 đã tạo ra rất nhiều lo lắng, quan ngại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hiện tại, số lượng người nhiễm Covid-19 ngày càng tăng lên nhanh chóng và rất khó để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này.

Theo một khảo sát gần đây của Nielsen Việt Nam với sự kết hợp của Infocus Mekong Mobile Panel, chúng tôi nhận thấy có 2/3 người dân theo dõi, cập nhật tin tức về Covid-19 nhiều lần trong một ngày. Tuy nhiên, người Việt Nam có niềm tin vào những hành động của Chính phủ và những chiến dịch được thực hiện quyết liệt để kiểm soát dịch, dự đoán tình hình dịch bệnh chỉ kéo dài 2-3 tháng tới.

Theo số liệu của Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam trong quý IV/2019 đạt 125 điểm, xếp sau Ấn Độ (138) và Philippines (133). Trong quý IV/2019, chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm nhẹ 3 điểm so với quý III/2019. Tuy nhiên, mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu (107) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (116).

Không chỉ thiệt hại không nhỏ về tính mạng con người, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khá lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta thấy rõ rằng, đại dịch đã tạo ra những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng. 60% thay đổi cách sử dụng thời gian rảnh rỗi, 70% thay đổi kế hoạch du lịch và 47% thay đổi thói quen ăn uống...

Bên cạnh ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Nghị định 100 của Chính phủ cũng góp phần làm giảm mạnh lượng tiêu thụ bia, rượu tại các cửa hàng bán lẻ, quán bar, nhà hàng. Kết quả là tổng sản lượng tiêu thụ của ngành hàng bia, rượu đã giảm 3% trong dịp Tết vừa qua.

PV: Theo bà, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ. Bà dự đoán ngành dịch vụ nào sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới?

Bà Louise Hawley: Ngoài khó khăn nêu trên, ở một khía cạnh khác, có sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ liên quan cần thiết vào thời điểm này, thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Đây sẽ là nơi mà các nhà bán lẻ trực tuyến và doanh nghiệp sản xuất có thể thu hút và phát triển bằng cách bảo đảm việc mua sắm dễ dàng, thuận tiện và làm hài lòng các “thượng đế”. Tích trữ các sản phẩm như thực phẩm đông lạnh, xúc xích tiệt trùng, mì ăn liền cùng với các sản phẩm tẩy rửa cá nhân, khăn giấy dùng một lần hoặc thậm chí bàn chải đánh răng, nước súc miệng đã làm tăng doanh thu đột biến. Các sản phẩm làm sạch nhà, lọc không khí cũng đang có sự gia tăng doanh thu... Vì vậy, “bão” đại dịch Covid-19 hiện tại cũng không hẳn là xấu nếu doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ của họ theo nhu cầu của người tiêu dùng cho ngày hôm nay và chuẩn bị cho tương lai khi mọi thứ trở lại bình thường.

niem tin va xu huong tieu dung thoi hau covid 19
Mua sắm trực tuyến lên ngôi trong mùa dịch Covid-19

Người tiêu dùng Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt các khái niệm mới nổi về mua sắm và sản phẩm tiêu dùng. Đáp ứng nhu cầu về sự tiện lợi, riêng trong năm 2019, đã có hơn 1.700 cửa hàng mua sắm tiện lợi được mở ra, không chỉ giúp cho người tiêu dùng mua sắm dễ dàng tiếp cận sản phẩm theo hình thức tự phục vụ, còn tạo ra một thế hệ người tiêu dùng có hành vi mua sắm hiện đại. Làm sao bạn có thể hình dung được là một ứng dụng giao thức ăn nhanh lại phát triển mạnh mẽ trong một thị trường mà người tiêu dùng vẫn thích đi ra ngoài để ăn uống? Những trải nghiệm mua sắm từ các cửa hàng hiện đại, các nền tảng thương mại điện tử và truyền thông mạng xã hội giúp cho khách hàng hiểu biết hơn về các sản phẩm khác nhau phù hợp với nhu cầu của họ.

PV: Xin hỏi, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam trong thời kỳ “hậu Covid-19” là gì?

Bà Louise Hawley: Các xu hướng lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, tính năng nổi bật, sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tốt cho sức khỏe đã nổi lên, trở thành yếu tố then chốt để người tiêu dùng xem xét và nhà sản xuất dựa vào đó mà phát triển sản phẩm mới.

niem tin va xu huong tieu dung thoi hau covid 19
Xu hướng tích trữ hàng hóa của người dân khiến doanh thu nhiều mặt hàng tăng đột biến

Mặt khác, sức khỏe tiếp tục đứng đầu trong các mối quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam. Mặc dù các chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong những quý trước được khảo sát trước khi dịch Covid-19 bùng phát, song có một sự thật hiển nhiên là người Việt Nam lo ngại về sức khỏe hơn bao giờ hết và luôn mong muốn có những hành động thiết thực để ngăn ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe. Điều này thể hiện qua xu hướng sử dụng các sản phẩm tự nhiên, không có hóa chất ngày càng tăng.

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục dẫn đầu về xu hướng tiết kiệm, 73% người Việt Nam được hỏi có ý định dành tiền nhàn rỗi cho mục đích tiết kiệm, tiếp theo là Hongkong (70%), Trung Quốc (67%), Ấn Độ (64%)... Dù tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu, người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trong những tháng cuối năm.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang giảm sút đáng kể, người tiêu dùng là “chìa khóa” trong việc ngăn chặn nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Thị trường lao động năng động, tiền lương tăng và lạm phát thấp là những yếu tố thúc đẩy chi tiêu.

Thế nhưng, người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục dẫn đầu về xu hướng tiết kiệm, 73% người Việt Nam được hỏi có ý định dành tiền nhàn rỗi cho mục đích tiết kiệm, tiếp theo là Hongkong (70%), Trung Quốc (67%), Ấn Độ (64%)... Dù tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu, người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trong những tháng cuối năm. Các nhóm hàng được người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trong quý IV/2020 gồm: Quần áo mới, giải trí bên ngoài, trang trí nhà cửa, sản phẩm công nghệ mới.

Đi cùng với mối quan tâm lớn đối với sức khỏe, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân dành phần tiền nhàn rỗi chi tiêu cho các gói bảo hiểm sức khỏe cao.

niem tin va xu huong tieu dung thoi hau covid 19
Các cửa hàng tiện lợi thu hút người tiêu dùng

PV: Thời gian tới, các nhà cung ứng sản phẩm cần làm gì để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới của người Việt Nam, thưa bà?

Bà Louise Hawley: Việt Nam là một trong những thị trường đòi hỏi sự đổi mới nhiều nhất, với 49% người tiêu dùng cho biết họ thích sản phẩm mới và 88% đã mua sản phẩm mới trong danh mục mua sắm của mình. Riêng trong năm qua, chúng ta chứng kiến sự ra đời của những sản phẩm mới đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nhiều ngành hàng, bao gồm cả thực phẩm. Gần 6.000 sản phẩm mới được ra mắt đã mang lại rất nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở đây, các nhà sản xuất cần phải kết nối với khách hàng của họ, bảo đảm chất lượng sản phẩm và thương hiệu phải luôn dễ tiếp cận đối với thế hệ khách hàng trong tương lai. Ngoài ra, cần lưu ý, 1 trong 7 sản phẩm mới ra mắt chỉ có thể phát triển sau năm đầu tiên tồn tại trên thị trường.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nhiều yếu tố giúp bán lẻ tăng trưởng

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, nhìn vào các số liệu nhân khẩu học cũng như kinh tế vĩ mô, có thể thấy Việt Nam đang ở giai đoạn vàng cho việc phát triển kinh tế nói chung, bán lẻ nói riêng.

Việt Nam nằm trong khu vực tăng trưởng mạnh, được đánh giá sẽ có khả năng đạt được mức tăng trưởng GDP 6,6%/năm trong giai đoạn 2020-2024.

Đô thị hóa là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam cùng với dân số đô thị tăng cao, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Khi có nhiều người di chuyển vào các thành phố, đảm nhận các công việc sản xuất và dịch vụ có giá trị cao hơn, thu nhập của người dân cũng sẽ tăng lên.

Song song với đó, nhân khẩu học cũng là một trong những yếu tố đáng chú ý trên thị trường Việt Nam. Với 90 triệu dân, Việt Nam là nước có dân số tương đối trẻ (70% ở độ tuổi 15-64), là động lực chính cho tăng trưởng thị trường bán lẻ.

Ngoài ra, các yếu tố khác như tăng trưởng khách du lịch giúp tăng cầu cho bán lẻ và sự phát triển hạ tầng cũng góp phần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thêm các cơ hội phát triển dự án bán lẻ mới ngoài khu vực trung tâm.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực nhiều lĩnh vực

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy, hầu hết doanh nghiệp logistics đang bị ảnh hưởng khá nặng nề do tác động của dịch Covid-19. Có khoảng 15% doanh nghiệp giảm 50% doanh thu so với cùng kỳ năm trước; hơn 50% doanh nghiệp giảm từ 10-30% số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế. Nguyên nhân do nhiều nhà máy phải dừng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi. Ngoài ra, nguồn thu xuất nhập khẩu từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… cũng bị giảm đáng kể. Trên lĩnh vực vận tải biển, các tuyến chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các hãng tàu One, HMM… đều giảm tàu nối. Hàng nhập trên các tuyến về Việt Nam giảm mạnh.

Đại diện Công ty Nhựa Duy Tân cho hay, công ty không nhập nguyên liệu từ Trung Quốc nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, công ty đang lo ngại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác đang có dịch. Đây là những thị trường mà công ty nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài băn khoăn “nút thắt” về nguồn cung nguyên liệu, vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng doanh nghiệp quan tâm. Theo lãnh đạo Công ty Nhựa Duy Tân, nhựa không phải là mặt hàng thiết yếu nên có nguy cơ bị người tiêu dùng cắt giảm khi kinh tế khó khăn. Dự báo thời gian tới, doanh thu của công ty sẽ sụt giảm.

Sở Du lịch TP HCM thông tin, 2 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến TP HCM ước đạt 1.186.750 lượt, giảm 21,71% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch đạt 21.127 tỉ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước (23.660 tỉ đồng).

Doanh thu du lịch tháng 2-2020 chỉ đạt 8.100 tỉ đồng, giảm 29,94% so với tháng 2-2029, giảm 37% so với tháng 1-2020. Riêng tháng 2-2020, lượng khách quốc tế đến TP HCM chỉ đạt 346.650 lượt.

Thanh Hồ