Những vòm cầu kết nối Hà Nội xưa & nay

20:40 | 22/11/2017

2,423 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù đã đi qua không biết bao nhiêu lần, nhưng lý do tại sao các vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng lại bị bịt kín, bịt từ khi nào? Kể từ khi UBND TP Hà Nội đưa ra phương án đục thông các vòm cầu đường sắt hồi giữa năm 2017, rồi đến Dự án “Bích họa” trên phố Phùng Hưng, tôi mới tìm hiểu. Hóa ra, các vòm cầu này ngoài những giá trị lịch sử, nó còn lưu giữ ký ức của biết bao người dân sống quanh nó.

Con đường đặc biệt

Khi nhắc đến Hà Nội thì không thể không nhắc tới cây cầu trăm tuổi vắt qua 2 thế kỷ - cầu Long Biên. Khi nói đến cầu Long Biên mà không nói tới con đường xây bằng đá hộc dẫn lên cầu thì thật thiếu sót. Năm 1900 để chuẩn bị làm cầu Long Biên, các kỹ sư người Pháp đã xây một cầu đá dài 800m trên nền chân tường thành phía đông vừa bị phá dỡ cách đấy vài năm để dẫn tàu hỏa lên cầu Long Biên. Chiếc cầu dẫn đồ sộ với 5 nhịp cầu sắt và 127 nhịp vòm cuốn. Dưới những vòm cuốn ấy người và xe có thể qua lại bình thường.

Trước khi hòa bình lập lại vào tháng 10-1954, nhiều khoang gầm cầu đã trở thành nơi trú ngụ của những gia đình ngụ cư vốn không có nhà cửa. Cũng vì thế mà an ninh ở khu vực này khi đó rất tệ. Bởi vậy, vào thập niên 70-80 thế kỷ XX để đảm bảo sự bền vững chắc chắn cho cầu và sự an toàn cho đoàn tàu hỏa, cùng với việc giải quyết vấn đề trị an, chính quyền thủ đô đã quyết định xây bịt kín những vòm cuốn “tò vò” lại.

nhung vom cau ket noi ha noi xua nay
Các họa sĩ Hàn Quốc đang vẽ tranh bích họa trên vòm đá dưới cầu dẫn

Con đường chạy sóng đôi với chiếc cầu dẫn đồ sộ hiện đại bậc nhất vào thời kỳ đó chính là phố Phùng Hưng bây giờ - thời đó thực dân Pháp đặt tên là Henri d’Oleans. Ban đầu nó chỉ là con đường chạy qua một vùng đất thưa vắng, phải mãi tận 20 năm sau đường mới dần dần có nhiều nhà cửa. Những năm 20 của thế kỷ XX, đầu phố Henri d’Oleans phía giáp vườn hoa Hàng Đậu mới có khoảng 4, 5 ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự, có vườn cây xanh mát và hàng rào sắt vây quanh. Chủ nhân của những căn biệt thự này đều là người Pháp và người Hoa giàu có. Bên dãy nhà lẻ giáp lưng với phố Hàng Cót là khu nhà của người Việt, chủ là những nhà buôn hoặc quan lại xây để cho thuê. Có vài quán cà phê, giải khát, điểm tâm, ca nhạc, khiêu vũ. Khách chủ yếu là lính và sĩ quan trong thành.

Sang đến những năm 30, phố Henri d’Oleans được quy hoạch lại với mặt đường rộng rãi, vỉa hè thoáng đãng, có cống thoát nước, có cây xanh bóng mát. Con phố đa phần là người “ngoại quốc”. Nhiều sĩ quan người Pháp trong thành muốn được sinh hoạt tự do, thoải mái đã ra thuê hoặc tậu nhà trên phố này. Hay những thương nhân Ấn Độ buôn bán vải vóc tơ lụa ở phố Hàng Đào vốn ngày càng trở nên nhỏ hẹp, bức bối cũng muốn ra đây ở cho rộng rãi, thoải mái.

nhung vom cau ket noi ha noi xua nay
Vỉa hè dọc phố cũng đang được gấp rút lát đá

Trên phố Phùng Hưng hiện giờ có lẽ địa chỉ số 125 là được nhiều người biết đến hơn cả, bởi đây là nhà tang lễ thành phố. Tuy nhiên ít người biết rằng, hơn 100 năm trước nơi đây là trụ sở của Hội Hợp Thiện do các nhà tư sản như: Bạch Thái Bưởi, Phạm Sĩ Hoạch, Vũ Huy Quang, Đỗ Đình Bắc, Nguyễn Tường Phượng… sáng lập. Năm 1903-1904 có dịch bệnh lớn xảy ra tại Hà Nội, nhiều xác chết vô thừa nhận rải rác trên phố nên Hội Hợp Thiện đứng ra lo chôn cất. Sau này Hội Hợp Thiện còn mở “Viện Tế Bần”, “Dạ Lữ Viên” chăm lo chỗ ngủ, nơi trọ rẻ tiền cho người nghèo vô gia cư. Lập “Cô Nhi Viện” chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa cũng tại chính địa chỉ này.

Những vòm cầu đường sắt trên đường Phùng Hưng đã gắn liền với ký ức của nhiều người Hà Nội. Sau nhiều năm bị bịt kín, tới nay UBND TP Hà Nội đang lên phương án mở thông lại các ô vòm, lấy không gian phục vụ các sinh hoạt cộng đồng.

Có thể nói những vòm cầu đường sắt trên đường Phùng Hưng đã gắn liền với ký ức của nhiều người Hà Nội. Sau nhiều năm bị bịt kín, tới nay UBND TP Hà Nội đã quyết định mở thông lại các ô vòm, lấy không gian phục vụ các sinh hoạt cộng đồng. Hiện tại dự án vẽ những bức bích họa gợi lại những ký ức xưa về Hà Nội đang được triển khai với 18 bức tranh được các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc. Tất nhiên, những người dân thủ đô đang khấp khởi hình dung về một diện mạo mới của con đường này...

Những vòm cầu đầy kỷ niệm

Bà Đặng Thúy Hà - nhà ở số 7 ngõ Hàng Hương (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) chủ quán bia hơi vỉa hè trong ngõ Hàng Hương đoạn giao với phố Lý Nam Đế cho hay: “Tính tới đời con tôi là đời thứ 4 gia đình tôi sống tại nơi này. Khi tôi còn bé đã thấy những ô vòm dưới đoạn đường dẫn lên cầu Long Biên này rồi. Những năm 70 của thế kỷ trước mỗi lần nghe tiếng kẻng báo máy bay Mỹ thả bom là cả nhà tôi lại chui xuống vòm cầu này để trú”. Ngõ Hàng Hương hiện có khoảng 60 hộ dân sinh sống, đây là đoạn ngõ nối phố Phùng Hưng với phố Lý Nam Đế. Theo lời kể của bà Hà, thì vào những năm 60-70, ô vòm còn là nơi tá túc cho hàng chục gia đình gốc Hà Nội đi làm kinh tế mới ở Tây Bắc trở về nhưng không còn giữ được nhà nữa. Mỗi ô là một nhà. Có nhà chiếm 2 ô, nấu nướng, giặt giũ, bếp núc đều ở đó cả. Bên ngoài ô vòm được che bằng một tấm phên nứa, trên nóc căng bạt chống nước rỉ xuống.

nhung vom cau ket noi ha noi xua nay
Họa sĩ người Hàn Quốc tập trung hoàn thiện tác phẩm

“Tôi nhớ đâu như trước khi giải phóng miền Nam độ 1, 2 năm gì đó, nhà tôi mới được chính quyền bố trí nơi ở như bây giờ, sau đợt đó thì cũng không còn ai sống trong ô vòm. Rồi sau đó các ô vòm lại trở thành nơi bán nước chè, xưởng gò, đúc đồng của dân làng nghề Đại Bái (Bắc Ninh). Đến mãi sau đó gần chục năm, chính quyền mới bịt kín hết các ô vòm. Tôi cũng không hiểu sao khi đó chính quyền lại bịt các ô vòm, nhưng có lẽ là do khi ấy an ninh tại khu này phức tạp, vì đủ mọi loại thành phần mà”, bà Hà nhớ lại.

Khi biết tin những ô vòm đá ký ức một thời sắp được khai thông, bà Hà tỏ vẻ mừng rỡ, như thể mình sắp được trả lại ký ức của một thời không thể nào quên. “Nếu chỗ này mà được đục thông, trả lại nguyên trạng như xưa thì tuyệt quá, sẽ rất thoáng và đẹp, hơn nữa như kiểu mình được về lại với ký ức những ngày thơ ấu vậy”.

Đối với nhiều người thì việc đục thông các ô vòm sẽ làm cho Hà Nội thêm đẹp, có thêm không gian sinh hoạt cộng đồng. Nhưng đối với những người mưu sinh bên những ô vòm mấy chục năm qua thì lại khác. Ông Hạnh (83 tuổi) - bán trà đá ở một ô vòm trên phố Gầm Cầu khi hay tin sẽ đục thông các vòm, giải tỏa để lấy không gian đã tỏ rõ vẻ âu lo: “Bây giờ già rồi, mặc dù không phải lo cho con cái nữa nhưng vẫn phải lao động kiếm sống qua ngày, không biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao đây”.

Mấy chục năm nay các hàng quán bên ô vòm cũng đã trở thành một nét thân quen của thủ đô. Nhiều người lại ao ước: Nếu chính quyền quy hoạch lại mà vẫn có thể giữ lại "nét" truyền thống ấy thì mới khai thác hết cái chất của khu ô vòm…

Bích họa kết nối Hà Nội xưa - nay

Dự án của UBND TP Hà Nội đục thông các vòm cầu trên phố Phùng Hưng để kiến tạo một không gian đặc thù cho văn hóa và nghệ thuật như mô hình “phố vòm cầu” tại Paris. Hà Nội đã có những bước đi đầu tiên. Sáng ngày 20-10, Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) và Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Tọa đàm nghệ thuật cho Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”. Đây là dự án được xây dựng trên cơ sở chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do UN-Habitat phối hợp với Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc và UBND quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2015. Địa điểm triển khai là mặt vòm phía đông phố Phùng Hưng (đoạn từ ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót), được UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt theo Thông báo số 930/TB-UBND ngày 14-8-2017.

nhung vom cau ket noi ha noi xua nay
Quán trà đá phố gầm cầu

Sau 2 tuần kể từ buổi tọa đàm, đến ngày 3-11, các họa sĩ Hàn Quốc đã thực hiện 4 bức bích họa đầu tiên ở khu vực các vòm cầu số 56, 58, 59, 74. Sắp tới, toàn bộ 18 bức bích họa - trong đó có 10 bức của các họa sĩ Việt, 7 bức của các họa sĩ Hàn Quốc và 1 bức do nghệ sĩ 2 nước cùng thực hiện sẽ được hoàn thành. Các tác phẩm truyền tải thông điệp về một thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đang đứng trước những đổi thay to lớn, song vẫn luôn gìn giữ những truyền thống và tinh hoa văn hóa để ghi dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Phố đi bộ dưới gầm cầu

Đem câu chuyện UBND TP Hà Nội muốn hồi sinh lại các vòm cầu trên phố Phùng Hưng hỏi các chuyên gia, hầu hết đều hào hứng đưa ra những ý kiến cá nhân rất đáng chú ý. Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Huy Long - Đại học Xây dựng Hà Nội ngoài việc ủng hộ ý tưởng đục thông vòm cầu còn cho rằng, nên quy hoạch khu vực này thành phố đi bộ như phố đi bộ Hồ Gươm. Ông nói: “Đường song song với vòm cầu khá chật hẹp, đoạn qua phố Phùng Hưng lại là trục giao thông chính. Thế nên, muốn biến nơi đây thành không gian văn hóa thì phương án lập phố đi bộ là tối ưu. Bởi khi đó du khách sẽ dễ tiếp cận với các vòm cầu được biến thành cửa hàng, không gian công cộng... và nếu phương án lập phố đi bộ được thực hiện thì cần ưu tiên việc đục thông các vòm cầu khu vực phố Gầm Cầu, với chiều dài hơn 500m. Đoạn còn lại dọc phố Phùng Hưng (dài khoảng 800m) có thể xem xét làm sau vì có mật độ giao thông cao, không dễ cấm xe. Phố Gầm Cầu nằm trong khu phố cổ, phù hợp để chuyển thành phố đi bộ. Việc cấm xe nên được triển khai ở phần lớn thời gian, trừ một vài tiếng trong ngày cho phép xe cơ giới lưu thông để vận chuyển hàng hóa”.

Ngoài chức năng giao thông hoặc làm không gian công cộng, việc tổ chức quầy kinh doanh tại những vòm cầu cần được ưu tiên. Vì nếu quá ưu tiên sử dụng làm không gian công cộng, thì sẽ phải trông đợi vào ngân sách để giữ an ninh, dọn dẹp vệ sinh. “Trong khi đó, biến vòm cầu thành cửa hàng, các chủ kinh doanh sẽ tự có ý thức nâng niu, bảo vệ không gian này. Đồng thời, phần tiền thuê sẽ được sử dụng vào các mục đích giữ vệ sinh, đảm bảo an ninh... và làm bớt gánh nặng của thành phố” - KTS Long nói.

Một điều cần được các cơ quan hữu quan đặc biệt chú ý nữa, đó là việc dù được thiết kế dạng rỗng khi xây dựng, đoạn cầu cạn gắn với 127 vòm cầu đã xuống cấp dần trong hơn trăm năm tồn tại. Thêm vào đó, theo thời gian, tải trọng của các đoàn tàu đã tăng lên nhiều so với thế kỷ trước. Do vậy, việc đục thông gầm cầu cần được nghiên cứu khả năng chịu lực và gia cố nếu cần thiết để đảm bảo an toàn.

Lộ trình mở thông 124 vòm cầu tại tuyến phố Phùng Hưng

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời ý kiến cử tri trước kỳ họp HĐND thành phố về nội dung làm rõ lộ trình mở thông 124 vòm cầu tại tuyến phố Phùng Hưng.

Về tiến độ thực hiện dự án, UBND TP Hà Nội chia làm 2 giai đoạn:

Cụ thể, từ nay đến hết năm 2017, chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc tổ chức vẽ tranh bích họa trên 26 vòm đá dưới cầu dẫn từ phố Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót (không trùng vào vị trí ga dự kiến). Các bức bích họa thực hiện trên bề mặt ngoài các vòm đá, đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu đường, cầu.

Trong năm 2018, TP Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tháo dỡ thí điểm một số vòm đá để phục vụ cho việc đánh giá chính xác hiện trạng kết cấu. Khai thác sử dụng không gian bên trong các vòm đá dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên vào các hoạt động nghệ thuật phục vụ cộng đồng.

Cẩm Tú