Những “trợ lực” cho sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm

09:15 | 11/08/2023

39 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Bộ Công Thương để thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ nút thắt tạo đà cho phát triển sản xuất công nghiệp.

49 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng năm 2023 ước giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,6%). Riêng ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ tăng 9,5%); ngành khai khoáng giảm 1,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%.

Những “trợ lực” cho sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm
Tập trung các giải pháp mạnh tạo lực đẩy để sản xuất công nghiệp bứt tốc những tháng cuối năm

Theo đó, chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,2%; khai thác quặng kim loại và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,4%.

Điểm đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 32,3%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,9%; xăng dầu tăng 13,2%; ti vi tăng 11,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,9%; thuốc lá điếu tăng 8,6%; sơn hóa học và sữa tươi cùng tăng 6%.

Báo cáo Bộ Công Thương cũng ghi nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước (Bắc Giang tăng 16,1%; Phú Thọ tăng 15,8%; Kiên Giang tăng 13,9%; Nam Định tăng 13,6%; Phú Yên tăng 12,6%; Hà Nam tăng 11,3%); chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 211,3%; Khành Hòa tăng 89,7%; Thái Bình tăng 82,4%; Trà Vinh tăng 19%; Nam Định tăng 10,9%).

Mặc dù sản xuất công nghiệp trên đà phục hồi, nhưng Bộ Công Thương cũng nêu bật những khó khăn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Xây dựng những giải pháp mạnh duy trì đà tăng trưởng

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay, trong bối cảnh Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế thì các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đóng vai trò rất quan trọng.

Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được tăng trưởng ổn định, các ngành công nghiệp chủ lực như: Điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.

"Thời gian tới, từng bước đưa những dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn vào vận hành để tạo ra sản xuất ở trong nước, tiêu thụ trong nước và từng bước xuất khẩu. Bên cạnh đó cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực công nghiệp để tạo ra nguồn lực phát triển công nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn", ông Phạm Tuấn Anh nói.

Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó thì doanh nghiệp cần hướng đến tăng tính liên kết, hợp tác với nhau để ngoài việc tiêu thụ các mặt hàng của nhau thì cũng tạo sức mạnh tổng thể, đủ năng lực nhận những đơn hàng lớn hơn, từ đó tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cần tính tới các ngành công nghiệp chế biến cho giá trị gia tăng cao hơn, có tính tự chủ hơn, không thể để phụ thuộc quá lớn vào một ngành, hay một lĩnh vực, lại từ những doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ cao, khó chuyển giao, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước, Bộ Công Thương cho hay, sẽ phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, lấy đây là trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn; trong đó, chú trọng những chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, sản phẩm nông sản; bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Đáng chú ý sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng một số loại khoáng sản, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành các văn bản để đưa những khoáng sản có giá trị này vào khai thác và sử dụng, từ đó tạo ra động lực mới cho phát triển công nghiệp cũng như giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu trong việc sản xuất các sản phẩm mới.

Theo Báo Công Thương

Phục hồi sản xuất công nghiệp: Cần giải pháp phù hợp cho từng ngành

Phục hồi sản xuất công nghiệp: Cần giải pháp phù hợp cho từng ngành

Hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn, để tháo gỡ các chuyên gia cho rằng cần giải pháp phù hợp cho từng ngành.