Những trận không chiến nổi tiếng của Không quân Việt Nam và Mỹ (Kỳ 4)

09:52 | 03/05/2016

5,230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 27/6/1972 là ngày đánh lớn của Không quân nhân dân Việt Nam. Các biên đội MiG-21 của cả hai Trung đoàn 921 và 927 đều cất cánh, hiệp đồng chiến đấu và lập công lớn, bắn rơi 5 chiếc máy bay Mỹ, cản phá thành công các đợt đánh phá của Không quân Mỹ, bảo vệ mục tiêu.

II - TRẬN KHÔNG CHIẾN NGÀY 27-6-1972

(Trong vòng 5 phút - Hai biên đội MiG-21 bắn rơi 4 chiếc F-4)

Trong 2 ngày trước đó (ngày 25 và 26/6/1972), Không quân Mỹ tổ chức đánh phá các mục tiêu khu vực Việt Trì, các mục tiêu giao thông trên Đường số 2, khu vực Sở chỉ huy Bạch Mai, Hà Nội. Quân Mỹ tập trung đánh phía Tây Nam Hà Nội (cầu Diễn, Xuân Mai) và khu vực Hải Phòng, Hòn Gai. Tin tình báo chiến lược cho biết, khoảng 10 giờ đến 11 giờ ngày 27/6 sẽ có 60 lần/chiếc Không quân và hải quân đánh phá sâu vào khu vực Hà Nội, ven biển Hải Phòng, Nam Định.

Trước khả năng sẽ có đánh lớn, Bộ Tư lệnh Không quân giao nhiệm vụ chiến đấu cho hai Trung đoàn MiG-21 cất cánh chặn đánh từ xa đội hình tấn công từ hai hướng của Không quân và Hải quân Mỹ, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm. Hướng đánh chính được xác định là hướng Tây. Đồng thời sẵn sàng phương án đánh các tốp máy bay Mỹ vào làm nhiệm vụ tìm cứu phi công (Rescap). Chủ trì kíp chỉ huy tại Sở chỉ huy Không quân là Phó tư lệnh Trần Hanh, trực ban dẫn đường Phạm Minh Cậy, trực ban ra đa hiện hình Lê Thiết Hùng.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 4
Những chiếc "én bạc" MiG-21 đã trở thành nỗi khiếp sợ của Không quân Mỹ.

Tại Trung đoàn Không quân 927, ngày 27/6/1972, chủ trì kíp trực là Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị, hai biên đội trực chiến là Bùi Đức Nhu - Hạ Vĩnh Thành và Nguyễn Đức Soát - Ngô Duy Thư. Trung đoàn Không quân 921 phân công biên đội 2 chiếc Phạm Phú Thái máy bay số 33 (thợ máy Bùi Văn Kha) - Bùi Thanh Liêm máy bay số 66 (thợ máy Trần Hải) trực ban chiến đấu.

Trên thực tế, sáng sớm ngày 27/6/1972, từ 8 giờ 40 phút đến 9 giờ 40 phút, Không quân Mỹ sử dụng 44 lượt/chiếc (24 máy bay cường kích, 20 máy bay tiêm kích yểm hộ) đánh phá khu Sở chỉ huy Bạch Mai, khu Kim Liên và nhiều mục tiêu dân sự khác. Lực lượng tiêm kích Mỹ bay nhiệm vụ hộ tống khá đông (20 chiếc) và bay chờ trên 3 khu vực Đông Nam sân bay Nội Bài, Đông Nam sân bay Gia Lâm và khu vực Nghĩa Lộ - Yên Lập - Thanh Ba. Đặc biệt trận này có sự quay trở lại khá nhiều F-105 (phiên bản mới F-105G xuất hiện từ đầu năm 1972) làm nhiệm vụ áp chế Phòng không và ra đa.

Sau khi 1 chiếc F-4 làm nhiệm vụ gây nhiễu bị tên lửa SAM bắn hạ, biên đội 4 chiếc F-4 làm nhiệm vụ MIGGAP, nhận được tín hiệu báo động có SAM-2 đang phóng về phía đội hình F-4. Nhưng trên thực tế không có quả SAM nào đang phóng mà đây là “ví dụ điển hình” về cách đánh phối hợp giữa MiG và SAM của miền Bắc Việt Nam. Lúc 8 giờ 42 phút, biên đội Nhu số 1 - Thành số 2 cất cánh. Sau đó, Sở chỉ huy cho hướng 290 độ, lên độ cao 8.000m. Khi số 1 Nhu phát hiện 2 chiếc bên trái 90 độ cự ly 20km, đang bay theo đội hình kéo dài, Sở chỉ huy Trung đoàn lệnh vứt thùng dầu phụ và xin vào đánh, nhưng Bộ Tư lệnh Không quân không cho vì ở trong vùng hỏa lực Phòng không. Sở chỉ huy cho đi tiếp hướng 280 độ, độ cao 4.000m, phía xa là một chiếc đi lẻ. Khi 4 chiếc F-4 vòng trái về hướng 180 độ, số 1 Nhu vòng xuống theo và lệnh cho số 2 Thành tăng cường cảnh giới.

Số 1 quyết định bám theo 2 chiếc phía sau đang cơ động đan chéo. Anh bám theo chiếc F-4 số 4, nhưng thấy chiếc này cơ động quá xa, anh quyết định bám theo chiếc F-4 số 3. Khi các điều kiện xạ kích ổn định, cự ly 1.300m, tốc độ đạt 1.200km/h, anh ấn nút phóng tên lửa. Quả R-3S lao thẳng vào máy bay Mỹ, khi tắt điểm nổ thì cũng là lúc chiếc F-4 nổ tung, bùng cháy, rơi lả tả xuống đất. Số 1 nhanh chóng kéo thoát ly, giảm độ cao về sân bay Nội Bài hạ cánh lúc 9 giờ 02 phút.

Phi công số 2 Thành bám theo cảnh giới cho số 1. Anh thấy số 1 vào công kích và thấy máy bay đối phương trúng đạn bốc cháy. Khi thấy thời cơ thuận lợi, số 1 lao lên để chuẩn bị công kích, nhưng do các máy bay F-4 cơ động mạnh, vòng gấp xuống, thấy bám theo không có lợi, nên anh quyết định thoát ly về sân bay Nội Bài hạ cánh lúc 9 giờ 02 phút.

Sau đó khoảng gần 3 giờ, Không quân Mỹ quyết định triển khai các biên đội F-4 (mật danh liên lạc Memphis) cho chiến dịch tìm cứu phi công rất tích cực. Đoán trước được ý đồ của Không quân Mỹ, Bộ Tư lệnh Không quân lệnh triển khai phương án tìm diệt các máy bay làm nhiệm vụ tìm cứu. Tại sân bay Nội Bài, sau khi biên đội Nhu - Thành thắng lợi trở về, Sở chỉ huy quyết định điều 2 phi công Soát - Thư ra tiếp thu, nhận trực ban chiến đấu thay đôi Nhu – Thành. Lúc này tại khu vực  không chiến lúc buổi sáng, nhiều tốp máy bay Mỹ bay vào liên tục quần đảo để tìm cứu phi công. Sở chỉ huy nhận định đây là thời cơ tốt để đánh tốp máy bay Mỹ bay nhiệm vụ tìm cứu.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 4
Các phi công - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân giai đoạn 1964 - 1973

Bộ Tư lệnh hạ quyết tâm cho biên đội Nguyễn Đức Soát - Ngô Duy Thư từ Vĩnh Phúc chọc thẳng ra khu vực Tây Hòa Bình – Vạn Yên đánh tốp máy bay Mỹ làm nhiệm vụ tìm cứu. Đồng thời dẫn biên đội 2 chiếc Thái – Liêm của Trung đoàn 921 bay từ Yên Bái - Tây Nghĩa Lộ đánh xuống. Tạo thành hai gọng kìm đánh vào tốp máy bay Mỹ đang bay nhiệm vụ yểm trợ cho tốp tìm cứu phi công.

Tại Trung đoàn Không quân 921, lúc 8 giờ 50 phút, biên đội Thái - Liêm được lệnh cất cánh vào khu chờ Vạn Yên, nhưng do tốp máy bay Mỹ quá xa, không có điều kiện đuổi theo, đã quay về Yên Bái hạ cánh. Vào lúc 9 giờ 18 phút và 10 giờ 02 phút, biên đội 4 chiếc MiG-19 (Phạm Ngọc Tâm, Nguyễn Mạnh Tùng, Vũ Công Thuyết và Vũ Viết Tản) và 2 chiếc MiG-21 (Nguyễn Tiến Sâm và Lê Văn Kiền) cất cánh bay vào khu chờ ở đỉnh sân bay Gia Lâm và Nhã Nam - Tuyên Quang, nhưng không gặp địch đã quay về hạ cánh. Khi biên đội MiG-19 đang vào hạ cánh thì phát hiện F-4 đang bám theo, số 1 Tâm vội kéo lên, bị thất tốc, nhảy dù không thành công. Các số còn lại hạ cánh an toàn ở Gia Lâm.

Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tư lệnh, biên đội Soát – Thư của Trung đoàn 927 cất cánh lúc 11h giờ 53 phút, sau đó đi hướng 210 độ, độ cao 500m. Mạng ra đa của Sở chỉ huy bắt được một tốp đang bay ra và một tốp đang bay vào khu vực Suối Rút. Theo lệnh Sở chỉ huy, biên đội Soát-Thư vòng vào để đánh tốp đang bay vào biên giới Việt Nam, nhưng bất ngờ tốp này lại quay ra. Sở chỉ huy lệnh cho biên đội lên độ cao 5.000m và thông báo, mục tiêu bên trái 30 độ, cự ly 15-20km. Ngay lúc đó, số 1 Soát phát hiện 2 chiếc đang cơ động bên trái hướng 30 độ, cự ly 15km. Đây là tốp làm nhiệm vụ gây nhiễu cho đội hình cường kích, sau đó quay sang làm nhiệm vụ tìm cứu phi công. Số 1 Soát lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng lực bám theo, tốp F-4 thấy bị bám đuổi cũng tăng lực chạy ra ngoài biên giới. Sở chỉ huy thông báo, mục tiêu đang bay ra, nếu thuận lợi thì công kích, nếu không thì thoát ly.

Khi thấy tốp F-4 đã bay sang phía bên kia biên giới, Sở chỉ huy hô thoát ly! Số 1 trả lời nghe tốt, nhưng số 2 nhìn thấy mục tiêu ở vị trí quá thuận lợi đã động viên số 1: “Ngon ăn lắm, xin cứ đánh tiếp đi, tôi yểm hộ”. Số 1 yên tâm, tiếp tục chỉnh để ổn định điểm ngắm vào chiếc F-4 số 2. Khi đến cự ly 1.500m, anh ấn nút phóng tên lửa, quả tên lửa lao rất căng về phía mục tiêu, anh quan sát thấy điểm nổ bên trái mục tiêu, có khói bốc ra từ cánh máy bay, nhưng để chắc chắn là tiêu diệt, anh quyết định bắn luôn quả tên lửa thứ hai, tên lửa lao thẳng vào máy bay Mỹ, khiến nó nổ tung, bùng cháy. Anh nhanh chóng thoát ly, bay hướng 90 độ về sân bay Nội Bài hạ cánh an toàn lúc 12 giờ 20 phút.

Căn cứ theo các tình tiết trận không chiến thì chiếc F-4E bị trúng tên lửa của Nguyễn Đức Soát do tổ bay gồm Đại úy John P.Cerak và Đại úy David B. Dingee, Phi đoàn 308, Không đoàn 31 TFW (tăng cường cho Không đoàn 432 TFW) điều khiển. Cả 2 phi công đều nhảy dù và bị bắt ở 60km phía Tây Hà Nội (ngoài vòng hỏa lực Phòng không Hà Nội). Đây là 2 phi công kỳ cựu của Không quân Mỹ, với tổng số hơn 600 phi vụ xuất kích.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 4
Phi công Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng LLVT với cựu phi công Mỹ (ngày 13/4/2016)

Theo sự phân công của số 1, số 2 Thư bám theo công kích chiếc F-4 số 1. Nhưng khi bám vào đến cự ly 3.000m thì phát hiện bên trái 45 độ có 2 chiếc khác, ở vị trí thuận lợi hơn, anh quyết định bám theo 2 chiếc này. Khi đến cự ly 2.000m, thì 2 chiếc F-4 tách đội, 1 chiếc vòng về bên phải, chiếc kia vòng về bên trái. Số 2 quyết định bám theo chiếc F-4 số 1, đến cự ly 1.600m, điểm ngắm ổn định, anh ấn nút phóng tên lửa. Quan sát không thấy điểm nổ, số 2 điều chỉnh tiếp điểm ngắm và phóng tiếp quả thứ hai ở cự ly 1.200m. Quả tên lửa lao thẳng về phía chiếc F-4, khiến nó bốc cháy, các mảnh vỡ rơi lả tả xuống đất.

Số 2 nhanh chóng thoát ly, bay hướng 90 độ và hạ thấp độ cao, do dầu còn ít xin về hạ cánh Hòa Lạc lúc 12 giờ 18 phút. Chiếc F-4E bị bắn hạ là chiếc F-4E do Trung tá Farell Junior Sullivan và Đại úy Richard Logan Francis thuộc Phi đoàn 308, Không đoàn 31 FTW điều khiển. Viên Trung tá Sullivan được coi là đã chết trận, Đại úy Francis bị bắt (cùng đơn vị với chiếc F-4E bị Soát bắn rơi).

Lúc 11 giờ 59 phút, đôi bay MiG-21 Phạm Phú Thái số 1 – Bùi Thanh Liêm số 2 cất cánh từ sân bay Yên Bái, sau đó được dẫn ra Nghĩa Lộ - Vạn Yên, lên độ cao 6.000m và đi hướng 120 độ. Lúc 12 giờ 08 phút, biên đội phát hiện tốp 4 chiếc F-4 đang bay đối đầu, có ý chui xuống dưới đám mây Cu. Số 1 quyết định không bám theo vào mây vì không có lợi. Trong lúc đang định đón đánh tốp F-4 phía sau đám mây, số 1 lại phát hiện tốp 2 chiếc khác bên trái 30 độ, nhưng ngay lập tức 2 chiếc F-4 này cũng tăng tốc bay mất. Chỉ sau đó 1 phút, biên đội phát hiện tốp F-4 ở phía trước 15 độ, cự ly 15km. Bốn chiếc F-4 (biên đội Tampa), khi biết có MiG lập tức tách tốp, 2 chiếc F-4 số 1 và 2 vòng trái rồi bay mất hút. Biên đội quyết định bám theo 2 chiếc F-4 số 3 và số 4.

Khi biên đội Thái-Liêm tiếp cận đến cự ly 4km, 2 chiếc F-4 bắt đầu cơ động đan chéo. Sau khi lệnh cho số 2 cảnh giới 2 chiếc vòng trái lúc trước, và nhận được báo cáo của số 2 không phát hiện đối phương, số 1 lệnh số 2 bay lên ngang hàng để thực hiện chiến thuật đồng thời công kích. Số 1 phân công số 2 đánh chiếc bay bên trái, còn mình đánh chiếc bên phải. Hai chiếc MiG-21 màu én bạc, với hình ngôi sao đỏ trên cánh, bật tăng lực toàn phần, dàn hàng ngang dũng mãnh lao về phía 2 chiếc F-4. Tiếng động cơ ầm vang, vọng đến tận dãy núi Hoàng Liên Sơn. Đến cự ly 1.200-1.300m, sau khi ổn định điểm ngắm, số 1 phóng quả tên lửa bên trái ở tốc độ 1.200km/h, ngay sau khi ấn nút phóng tên lửa, số 1 kéo thoát ly, khi lật lại để quan sát, anh thấy chiếc F-4 mục tiêu đang bốc cháy.

Căn cứ theo các tình tiết của trận không chiến, chiếc F-4E bị trúng tên lửa của Thái do Đại úy Lynn A. Aikman và Đại úy Thomas J. Hanton của Không đoàn số 366TFW, căn cứ Takhli điều khiển. Cả 2 phi công nhảy dù, Đại úy Aikman được cứu thoát, nhưng viên phi công ngồi buồng sau bị bắt (Không đoàn 366 TFW vốn đóng tại Đà Nẵng, nhưng do lo ngại an ninh đã di chuyển đến căn cứ Takhli – Thái Lan).

Trong khi đó, số 2 Liêm, cũng đồng thời bám theo chiếc F-4 bên trái, đến cự ly 1.500m, tốc độ đạt 1.200km/h, anh ấn nút phóng quả tên lửa bên trái, anh quan sát thấy quả tên lửa rời bệ phóng đi thẳng vào chiếc F-4, khiến nó bốc cháy. Chiếc F-4E nhiều khả năng do Thiếu tá R.C Miller và Trung úy nhất Richard H. McDow - thuộc Không đoàn 366 TFW điều khiển. Hai phi công nhảy dù, viên phi công buồn trước được cứu thoát, viên sĩ quan dẫn đường ngồi buồng sau bị bắt.

Khi thoát ly, để bám theo số 1 về hạ cánh, số 2 quay lại nhìn thấy 2 chiếc F-4 như hai đám lửa bùng cháy giữa bầu trời tháng 6 trong xanh, dưới cánh bay của biên đội, phía xa là thảo nguyên Mộc Châu trải dài đến các lô ruộng bậc thang ở chân dãy Hoàng Liên Sơn. Khi bắn rơi chiếc F-4E đầu tiên, chàng học sinh Hà Nội, phi công Bùi Thanh Liêm còn chưa đầy 22 tuổi. Biên đội Thái - Liêm hạ cánh tại sân bay Yên Bái lúc 12 giờ 28 phút.

Kết quả biên đội Thái – Liêm mỗi phi công bắn rơi 1 chiếc F-4 của Không đoàn 366 TFW, cất cánh từ căn cứ Takhli, Thái Lan. Các máy bay trực thăng HH-53 của Phi đoàn tìm cứu ARRS-40 đã cứu thoát hai viên phi công bị Phạm Phú Thái và Bùi Thanh Liêm bắn rơi, nhưng hai viên phi công Hoa tiêu ngồi buồng sau đều bị bắt.

(Còn tiếp)

P.V